Những tín hiệu tích cực
Dù đối mặt với những khó khăn trong thị trường, thời tiết và khống chế dịch bệnh, ngành Nông nghiệp đã chủ động và kịp thời thực hiện các phương án sản xuất đối với các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm, phát triển trồng rừng và đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổng sản lượng lương thực có hạt trong vụ Xuân đạt hơn 124.000 tấn, tăng 3,75% so với cùng vụ năm trước. Cơ cấu cây trồng được chuyển hướng tích cực với nhiều loại cây rau màu có giá trị kinh tế. Ước tính toàn tỉnh hiện có hơn 124.000 con bò, 142.035 con trâu, 639.000 con lợn và khoảng 6.300 con gia cầm, tỷ lệ xuất chuồng tăng 6,73%. Tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt trên 1.400 tấn. Hơn 1.700 ha rừng sản xuất và rừng sau khai thác được phủ xanh.
Khách du lịch tham quan gian hàng giới thiệu nông sản tại huyện Quang Bình. Ảnh: Tư Liệu
Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị theo Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh đã có những điểm sáng. Nhiều giải pháp xây dựng, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm đang có thị trường được triển khai. Ngoài vùng sản xuất theo chuỗi giá trị chè Shan tuyết, mật ong Bạc Hà, tỉnh đã xây dựng được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho đa dạng sản phẩm như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc Hà, Hồng không hạt, gạo Già dui, Thảo quả, bò vàng Hà Giang. Có 46 dự án sản xuất theo chuỗi giá trị nhận được sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết số 05, lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 106 tỷ đồng cho 3.582 hộ vay vốn, diện tích cải tạo đạt 280 ha. Trong đó, có 2.063 vườn đã cho hiệu quả kinh tế với thu nhập bình quân 18,8 triệu đồng/năm. Cùng với đó, Nghị quyết số 04 về phát triển bền vững cây cam Sành tiếp tục được triển khai và đến thời điểm này có 279 tổ chức, cá nhân được hỗ trợ vốn vay, cải tạo 467 ha cam theo đúng quy trình kỹ thuật, cho quả đồng đều, mẫu mã đẹp, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm tăng lên. Người dân tích cực chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng sắn cao sản, ớt gió, khoai lang, cà chua, rau đậu, sâm khoai, gừng, xoài, mận, hồng. Nghị quyết số 16 về phát triển lâm nghiệp bền vững đã đi vào cuộc sống, đưa việc khoanh nuôi xúc tiến, tái sinh rừng tự nhiên và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngày càng chặt chẽ.
Tập trung hoàn thành các chỉ tiêu
Chị Nguyễn Thị Hiền Lương, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao. Ảnh: Mộc Lan
Năm 2024, ngành Nông nghiệp được tỉnh giao hoàn thành một số chỉ tiêu cơ bản như: Giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân đối với 1 ha canh tác đạt 63 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 33,5%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,3%. Từ nay đến cuối năm là thời điểm tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra. Để thực hiện các phương án, kế hoạch sản xuất, nông lâm nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, phát triển kinh tế nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, toàn ngành đã tập trung thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Cùng sản phẩm chè Shan tuyết đã vươn tầm thế giới, với tín hiệu vui trong hoạt động xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông sản củ cải muối, gừng trâu của huyện Xín Mần đến thị trường Nhật Bản trong những tháng đầu năm nay, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố đang đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết giữa sản xuất, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Những giống cây, con bản địa được ưu tiên phát triển. Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản tiếp tục được hướng dẫn, hỗ trợ theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, ISO, HACCP. Với phương châm “lấy Mùa bù Xuân”, tiến độ gieo cấy lúa vụ Hè Thu đạt hơn 1.700 ha; gieo trồng ngô đạt hơn 25.800 ha. Bà con nông dân bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại từ sớm để có biện pháp phòng trừ, không để lây lan diện rộng.
Vừa qua, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ sản xuất nông, lâm nghiệp 6 tháng cuối năm 2024, đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm nay là năm nước rút để thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn, do đó, toàn ngành và các huyện, thành phố phải quyết liệt triển khai 4 nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Mỗi chương trình đều cần xây dựng lộ trình cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị. Sự thay đổi trong tư duy của người dân cũng chính là yếu tố quyết định sự thành công của các chương trình nông nghiệp. Từ đó, duy trì đà tăng trưởng, khẳng định nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh.