Sáng 1.8, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ đã tổ chức Khai mạc Tuần hàng, tư vấn và bán sản phẩm OCOP năm 2022 tại huyện Phúc Thọ. Sự kiện diễn ra đến hết ngày 03/8/2022. Tham dự khai mạc buổi lễ có: Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn; Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí; Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh...Cùng đông đảo các chủ thể, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phát biểu Khai mạc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Trong những năm qua, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các đơn vị, chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thành phố hiện có: 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Việc tổ chức Tuần hàng nhằm hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP của Hà Nội nói chung và quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP Phúc Thọ nói riêng đến người tiêu dùng trong huyện, trên địa bàn Thủ đô cũng như các tỉnh, thành trong nước; xuất khẩu.
Báo cáo tại lễ khai mạc, lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho biết, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 60 làng có nghề, trong đó 5 làng nghề được thành phố công nhận. Năm 2019, huyện có 8 sản phẩm được Hội đồng thẩm định chương trình OCOP thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng. Trong đó, có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao như trứng gà, chuối Vân Nam… Đến năm 2020, con số được phân hạng, đạt tiêu chí OCOP đã tăng lên 20 sản phẩm; năm 2021 là 25 sản phẩm.
Huyện Phúc Thọ cũng đang phát triển nhiều nghề mới có hiệu quả kinh tế. Mỗi làng có nghề đã và đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương thu nhập ổn định từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Để khuyến khích phát triển làng và bảo đảm phát triển kinh tế đúng định hướng, UBND huyện đã ban hành Đề án riêng về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 định hướng 2025. Đặc biệt, năm 2022 tiếp tục ban hành Đề án Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp được triển khai đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tại tuần hàng, có 50 gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện gồm: Các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của 21 xã, thị trấn (mỗi xã một gian hàng); gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP; gian các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và gian sản phẩm làng nghề và ẩm thực. Các sản phẩm tham gia đều có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm. Huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chủ thể OCOP được quảng bá, tiêu thụ sản phẩm người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận sử dụng sản phẩm OCOP.
Trao đổi thêm về ý nghĩa của Tuần hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP năm 2022, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, Tuần hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP năm 2022 cũng là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, giúp người tiêu dùng biết và sử dụng hàng hoá, nông sản an toàn, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
"Sự kiện là hoạt động giúp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới...", ông Nguyễn Văn Chí cho biết.
Cũng theo Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Tuần hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP năm 2022 tại huyện Phúc Thọ sẽ gồm các hoạt động chính như sau: (1) Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022 tại tuyến đường Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Thông tin huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội từ ngày 30/7/2022 đến ngày 03/8/2022; (2) Tổ chức các đêm văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm chào mừng 200 năm thành lập huyện Phúc Thọ (1822-2022); Công bố Quyết định của Thủ tường Chính phủ công nhận huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba tại xã Hiệp Thuận, xã Hát Môn, xã Võng Xuyên huyện Phúc Thọ; (3) Lễ Khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022, thời gian tổ chức từ 9h00’ ngày 01/8/2022; (4) Và đặc biệt là lễ kỷ niệm chào mừng 200 năm thành lập huyện Phúc Thọ (1822-2022); Công bố Quyết định của Thủ tường Chính phủ công nhận huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; (5) Bên cạnh đó còn nhiều các hoạt động bên lề trong thời gian diễn ra Sự kiện.
Đây còn là hoạt động thiết thực kỷ niệm chào mừng 200 năm thành lập huyện Phúc Thọ (1822-2022) hướng tới kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khách nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022).
Từ thành công của sự kiện trên, ông Nguyễn Văn Chí, P. Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết thêm, thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại được cán bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực và có hiệu quả; điều này góp phần làm nên thành công của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Từ đó, giúp doanh nghiệp quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP và đưa sản phẩm này trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, sử dụng.
Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản, với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc. Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương... thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Thủ đô ngày càng được mở rộng và đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế...
Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã được gắn mã QR Code. Đây chính là lợi thế lớn của Thành phố trong việc đánh giá, phân hạng cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP của Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số. Trong đó, bao gồm các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.
---
BÀI VIẾT CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI