Hộ nông dân ở Việt Nam - Vấn đề trao đổi

Trong lịch sử phát triển kinh tế nước ta, dù ở thời kỳ nào vai trò của hộ nông dân đều rất quan trọng, bởi đó không chỉ là những “tế bào” trong xã hội mà còn là những đơn vị sản xuất đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình và toàn xã hội. Hộ nông dân là những chủ thể tiêu dùng đa dạng của nền kinh tế. Trước xu thế biến động nhanh chóng của kinh tế toàn cầu, cần nhận rõ những khó khăn, thuận lợi trong sản xuất kinh doanh để có giải pháp mang tính đột phá, nhằm tạo động lực mới, cho kinh tế hộ nông dân phát triển. Trên cơ sở phân tích kiến giải của các nhà nghiên cứu thế giới, từ thực trạng kinh tế hộ nông dân nước ta và những chủ trương phát triển của Đảng và lãnh đạo Nhà nước. Bài viết đề cập đến một số nội dung cơ bản về hộ nông dân để trao đổi cùng bạn đọc.

anh-chup-man-hinh-2024-07-28-luc-094654-1722134849.png

Làng dân tộc Mông vẻ đẹp mang lại cảm giác yên bình  (Ảnh Nguyễn Thanh Luân)

Hộ nông dân từ nhìn nhận của các nhà nghiên cứu toàn cầu

Hộ nông dân là hộ gia đình mà hoạt động chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Ngoài hoạt động này, họ còn có thể làm thêm những hoạt động phụ khác với đặc điểm cơ bản của phương thức sản xuất là dựa trên sử dụng lao động gia đình, chỉ thuê một phần nhỏ lao động ở bên ngoài. (Wikipedia 20 21; Lê Thamh Ý 2022)

Nông dân gia đình (Family farming) gồm những người dân bản địa, cộng đồng truyền thống, ngư dân, nông dân miền núi, người chăn thả gia súc và nhiều nhóm đại diện cho mọi khu vực và các quần xã. Nhà nghiên cứu kinh tế hộ nông dân nổi tiếng, Giáo sư Frank Ellis, đã đưa ra những đặc điểm cơ bản của kinh tế hộ nông dân (Peasant economics). Theo ông, đặc trưng phân biệt gia đình nông dân với những người làm kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường là đất đai, lao động, tiền vốn và cách tiêu dùng. Người nông dân với ruộng đất được coi là nhân tố hơn hẳn các yếu tố sản xuất khác. Ruộng đất đảm bảo lâu dài đời sống gia đình trước những hiểm họa và lao động gia đình là những đặc tính kinh tế cốt lõi.“Lao động gia đình” là cơ sở của các nông trại, là yếu tố để phân biệt với các doanh nghiệp. Người ta thường nói “ nông dân làm công việc của gia đình, chứ không phải là công việc kinh doanh thuần túy”,  đây là điều khác biệt chủ yếu so với sản xuất tư bản là làm chủ vốn đầu tư dựa vào tích tụ hoặc là hoàn vốn đầu tư dưới dạng lợi nhuận.

Trong lịch sử nông nghiệp do những đặc điểm riêng chi phối sản xuất cả về lý luận và thực tiễn, kể cả khi sản xuất hàng hóa lớn cho thấy, đơn vị kinh tế tự chủ cơ bản và phổ biến nhất vẫn là Kinh tế hộ nông dân. Với việc nghiên cứu theo những quy mô và trình độ sản xuất khác nhau. Mác và Ăng ghen đã thấy rõ, những nét đặc thù và đã rút ra. Nông trại gia đình, về căn bản không dựa vào lao động làm thuê, nhưng vẫn có sức sống lâu dài và hiệu quả. Ngay tại nước Anh siêu công nghiệp các ông đã khẳng định, hình thức lãi nhất không phải là nông trại công nghiệp hóa, làm theo phương thức sử dụng lao động làm thuê, mà là nông trại gia đình không thuê lao động. Từ đó các ông cho rằng đó là “Nghề nông hợp lý”.

Chayanov, nhà kinh tế nông nghiệp Nga, đầu thế kỷ 20 cho rằng, kinh tế hộ nông dân mang đặc điểm cơ bản của kinh tế gia đình. Tổ chức kinh tế này do quy mô, cấu trúc gia đình, nhu cầu tiêu dùng và số lượng lao động quyết định. Đây là lý do gải thích vì sao lời lãi của kinh tế hộ nông dân khác với kinh tế tư bản và tại sao quan điểm của kinh tế tư bản lại không áp dụng cho nền kinh tế nông dân.

anh-chup-man-hinh-2024-07-28-luc-094700-1722134848.png

Nông thôn mới tỏa sáng trên đất Thái Bình

Từ những đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, trong nền kinh tế thị trường, đơn vị hộ nông dân có những trình độ khác nhau, được thể hiện qua các loại hộ khác nhau. Đó là, hộ nông đân tự cung tự cấp hoàn toàn, hộ sản xuất hàng hoá nhỏ và hộ sản xuất hàng hoá là chủ yếu (Đào Thế Anh, Lê ThànhÝ,Nguyễn Tử Siêm 2021)

Hộ nông dân tự cung tự cấp hoàn toàn, là loại hộ với tư cách là đơn vị sản xuất nhưng cũng là đơn vị tiêu dùng, hầu như không có sự đối thoại với thị trường, nếu có thì cũng chỉ là do nhu cầu bức thiết phải bán bớt một số sản phẩm tất yếu để đổi lấy các nhu yếu phẩm khác mà cuộc sống buộc phải có.

Hộ nông dân sản xuất hàng hoá nhỏ, ở loại hình này, nông sản tạo ra có đáp ứng nhu cầu thị trường, song tự cung tự cấp vẫn chiếm ưu thế; họ sản xuất lương thực để tồn tại; đảm bảo an ninh lương thực cho gia đình vẫn là mục tiêu và là nội dung cơ bản.

Hộ nông dân sản xuất hàng hoá là loại hộ đã hướng mục tiêu sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời vẫn giữ một phần để tiêu dùng trực tiếp, coi đó như một chiếc “van an toàn”. Đặc trưng cơ bản của loại hộ này là mối quan hệ giữa đơn vị sản xuất với thị trường chiếm ưu thế trong sản xuất. Do sản xuất hướng theo thị trường nên các yếu tố đầu vào và đầu ra của đơn vị sản xuất, bao gồm cả chi phí lao động sống và đất đai, đã được tính toán trong quá trình sản xuất. Đây là một nấc thang phát triển quan trọng của quan hệ ruộng đất và kinh tế hộ nông dân.

Hộ nông dân sản xuất hàng hoá hoàn toàn hay trang trại. Với đặc trưng kinh tế là sản xuất hoàn toàn theo nhu cầu của thị trường, loại hộ này sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua thị trường, quy mô sản xuất do thị trường điều tiết. Đối với loại hộ này, giữa đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu dùng tồn tại tương đối độc lập trong quan hệ thị trường. Do đất đai của các hộ khác nhau và năng lực làm ngành nghề phi nông cũng khác biệt nên đi vào sản xuất hàng hóa, tất yếu sẽ diễn ra sự phân hoá giữa các hộ cả về trình độ, quy mô sản xuất kinh doanh, và về nghề nghiệp sẽ diễn ra theo hướng ai giỏi nghề gì sẽ làm công việc đó.

Báo cáo của tổ chức Lương Nông Liên hợp Quốc (FAO) trong thập kỷ Nông nghiệp gia đình 2019-2028, cho biết, Thế giới hiện có hơn 600 triệu trang trại với trên 90% được điều hành bởi cá nhân dựa chủ yếu vào lao động và các nguồn lực gia đình. Các trang trại gia đình chiếm từ 70% đến 80% đất nông nghiệp và sản xuất hơn 80% giá trị lương thực thực phẩm toàn cầu. Đáng chú ý là, trong hệ thống nông nghiệp thế giới, số trang trại có diện tích dưới 1ha chiếm trên 70%, nhưng chỉ nắm giữ 7% diện tích đất nông nghiệp, những trang trại từ 1 đến 5 7ha chiếm 24% song chỉ sở hữu 10% diện tích đất đai. Trên 70% diện tích đất nông nghiệp do 1% số trang trại lớn nhất nắm giữ. Trên 33% diện tích rừng thế giới hiện được quản lý bởi người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Tại 90 quốc gia với trên 370 triệu người sinh sống trong các vùng lãnh thổ truyền thống, với 80% diện tích đa dạng sinh học, chiếm 22% diện tích đất đai trên thế giới.

Hộ nông dân và quá trình phát triển ở Việt Nam

Ở nước ta, vai trò của kinh tế hộ nông dân đã có nhiều thay đổi cả về phương thức quản lý lẫn lao động sản xuất, đặc biệt khi phong trào hợp tác xã kiểu tập thể hóa mất dần động lực phát triển. Thời kỳ hợp tác hoá, đất nước còn bị chia cắt, hầu hết nông dân miền Bắc đã tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp vừa cung cấp nguồn nhân lực, vừa là nguồn của cải vật chất chi viện cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong đó, hộ nông dân là nơi sản xuất vật chất để bảo đảm cuộc sống cho gia đình và toàn xã hội. Mặc dù chỉ có 5% quỹ đất canh tác (gọi là đất %) để làm kinh tế gia đình, song các hộ nông dân đã không chi đảm bảo cuộc sống gia đình, mà còn giữ vai trò là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam.

anh-chup-man-hinh-2024-07-28-luc-094709-1722134849.png

Nông thôn mới ở huyện Kim Sơn. (Ảnh Vũ Đức Phương)

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, kinh tế hộ nông dân có nhiều thay đổi cả về phương thức quản lý lẫn lao động sản xuất, Lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam đã sớm nhìn thấy động lực của kinh tế hộ nông dân, đó là cơ sở cho phát triển nông nghiệp. Mốc quan trọng của sự thay đổi này là sự ra đời của Chỉ thị 100, (ngày 31-01-1981) của Ban Bí thư TW Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã. Tiếp theo đó, Nghị quyết 10, (còn gọi là Khoán 10) ngày 05 tháng 04 năm 1988 của Bộ Chính trị về Đổi mới quản lý nông nghiệp, đã tạo cơ sở quan trọng để kinh tế hộ nông dân trở thành đơn vị kinh tế tự chủ trong nông nghiệp với chủ trương giao quyền sử dụng đất lâu dài cho hộ nông dân. (Lê Xuân Đình 2018)

Những đặc điểm truyền thống của kinh tế hộ nông dân không thay đổi, nhưng việc được giao quyền sử dụng đất lâu dài đã giải phóng sức sản xuất, làm cho hộ gia đình trở thành đơn vị sản xuất, kinh doanh tự chủ, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp và kinh tế, nông thôn.

Sau hơn 30 năm Đổi mới, kinh tế hộ nông dân đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngoạn mục của nông nghiệp, làm chuyển đổi đất nước từ thiếu đói phải nhập khẩu lương thực hàng năm sang xuất khẩu nông sản đến hơn 180 nước và trở thành nước xuất khẩu nông thủy sản hang đầu thế giới.

Trong qua trình phát triển, hộ nông dân Việt Nam không chỉ tăng về số lượng sản phẩm mà quan trọng hơn là đã có sự chuyển dịch từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản sang hoạt động phi nông. Vào giữa thập niên 2010, khu vực nông thôn có 8,58 triệu hộ nông dân, chiếm 53,7% tổng số hộ nông thôn (khoảng 15 triệu hộ) so với 10 năm trước đó (năm 2006) là 71,06%. Đến nay, số hộ ở nông thôn đã giảm xuống còn khoảng 9 triệu hộ. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp cho một hộ nông dân sử dụng bình quân cả nước còn dưới 0,5 ha, trong đó, hộ trồng cây hằng năm khoảng 0,4 ha, trồng lúa trên 0,3 ha. Đồng bằng sông Hồng là nơi có diện tích sản xuất nông nghiệp bình quân hộ khá thấp  chưa đến 0,2 ha. Trong đó, hộ trồng cây hằng năm dưới 0,17ha.

Thu nhập bình quân đầu người/năm tuy được cải thiện tăng gần 3,5 lần( từ 9,1 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017), khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 xuống còn 1,8 lần năm 2017. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của hộ nông dân năm 2017 chỉ bằng 78% so với bình quân chung cả nước. Nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao trên 30%. Đến hết năm 2017, lao động nông nghiệp vẫn chiếm 40,2% trong tổng số lao động xã hội.

Khó khăn thách thức và những giải pháp cần làm

 Nghiên cứu thực trạng phát triển kinh tế xã hội nông thôn Việt Nam, các nhà phân tích nhận thấy, còn nhiều  khó khăn và thách thức trong tiến trình hội hập vào nền kinh tế toàn cầu. Thách thức lớn đối với nông dân và kinh tế nông hộ là sự chênh lệch lớn về năng suất lao động giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước có xu hướng giảm nhưng ở nông thôn, số hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ cao (khu vực nông thôn chiếm tới 90% số hộ nghèo của cả nước), nhưng tốc độ giảm nghèo vẫn chậm hơn thành thị. Để đảm bảo giảm nghèo bền vững, cần có giải pháp mang tính đột phá mới thay đổi được hiện trạng này.

Cùng với hiện trạng, hộ nông dân còn dễ bị tổn thương trước sự chi phối của quy luật thị trường. Về nguyên lý, thị trường dường như mang lại cơ hội cho tất cả mọi người, nhưng không phải mọi người đều có đủ khả năng như nhau để tận dụng cơ hội. Người nắm được thông tin và có nhiều vốn thường tận dụng cơ hội tốt hơn, do đó giàu lên nhanh hơn, trong khi nhiều hộ nông dân nghèo thiếu vốn sản xuất lại rơi vào cảnh thua thiệt trước "vòng xoáy" của quy luật thị trường, Bởi vậy, sự nghiệt ngã của tình cảnh "nghèo thì nghèo thêm, giàu thì giàu nhanh hơn" đang là tác nhân chính ngăn cách giàu nghèo.

Cùng với hiện trạng chênh lệch thu nhập và tỷ lệ ghèo còn cao trong hội nhập kinh tế toàn cầu, những khó khăn thách thức được tâp trung vào các mặt dưới đây.

Ruộng đất giao cho các hộ nông dân còn manh mún và bình quân ruộng đất trên đầu người và giá đất nông nghiệp đang còn quá thấp. Trình độ học vấn, tay nghề của người lao động thấp, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên chất lượng sản phẩm còn thấp, khó tham gia vào các chuỗi giá trị, toàn cầu. Sản phẩm hàng hoá của hộ gia đình còn ở dạng thô và phân tán, giá trị hiệu quả sản phẩm thấp và tiêu thụ có nhiều khó khăn.

Ngoài ra, người dân nông thôn phải sống trong điều kiện ít được hưởng phúc lợi xã hội, nhất là về giáo dục và y tế. Nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, trong khi lại thiếu phương tiện thoát nghèo do cơ sở hạ tầng yếu kém, khó tiếp cận được nguồn vốn, lao động trẻ khỏe có xu hướng rời bỏ nông thôn xa rời nông nghiệp và nhất là thị trường nông thôn luôn bị nạn hàng giả, hàng kém chất lượng chi phối, thương mại chưa công bằng và người nông dân luôn bị ép giá.

Tổ chức Liên Hợp Quốc đã coi thời kỳ 2019-2028 là thập niên Nông nghiệp hộ gia đình, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của phương thức kinh tế hộ nông dân và những đóng góp của họ vào Mục tiêu phát triển bền vững.

Ở Việt Nam, hộ nông dân từ tự cung tự cấp đang chuyển mạnh sang kinh tế hàng hóa và hội nhập. Vai trò của hộ nông dân trong phát triển nông nghiệpvà kinh tế nông thôn ngày càng được khẳng định. Theo các nhà nghiên cứu, để kinh tế hộ nông dân có thể phát triển theo xu hướng  toàn cầu, về giải pháp cần được thể hiện trên các mặt sau đây.

(1)Xây dựng các nông trại hay trang trại gia đình, đó là quá trình hình thành các cơ sở sản xuất hàng hóa nông nghiệp và nông dân sẽ trở nên chuyên nghiệp.

(2) Tập trung vào phát triển dịch vụ kinh tế, kỹ thuật phục vụ cho chuỗi giá trị nông sản-thực phẩm và đời sống của dân cư nông thôn.

(3) Quá trình phân h về kinh tế ở nông thôn cho thấy, đa số ,hộ nông dân còn nghèo, sản xuất với hiệu quả thấp, thu nhập còn ở dưới ngưỡng tích lũy. Muốn phát triển nông thôn bền vững cần; mở rộng cách làm nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch nông thôn.

(4) Quá trình rút lao động khỏi nông nghiệp cần thực hiện đồng thời với quá trình gia tăng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.

(5)Việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới cần coi trọng việc hỗ trợ,  đảm bảo cho kinh tế hộ nông dân phát triển.

Thay lời kết luận

Kinh tế hộ trang trại ở nước ta đã có sự phát triển với yêu cầu đầu tư lớn, việc thuê đất canh tác và lao động trở nên thường xuyên hơn theo thời vụ và chuyển dịch cơ cấu cây, trồng vật nuôi theo hướng đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thị trường.

Lượng hàng hóa nông sản làm ra của các trang trại ngày càng có vị trí trên thương trường. Những trang trại lớn đã bắt đầu phát triển thương hiệu, mở rộng quan hệ với các công ty lớn trong chế biến, thu mua và xuất khẩu. Chủ trương khoán 10  đã đưa nông nghiệp nước ta trở thành là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy hải sản và nhiều nông sản khác. Trong đó, kinh tế nông hộ đã có vai trò quan trọng trong tạo ra lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu.

Từ quan niệm của các nhà nghiên cứu toàn cầu , thực trạng kinh tế nông hộ nước ta. Với tâm nguyện của các nhà nghiên cứu trong nước, hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ có giải pháp phù hợp cho kinh tế nông hộ trên chặng đường phát triển của đất nước theo mục tiêu trở thành nươc phát triển có thu nhập cao vào năm 2045./

Tài liệu tham khảo

1.Wikipedia Bách khoa toàn thư mở (2021)  Hộ nông dân

https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99_n%C3%B4ng_d%C3%A2n y 16 tháng 6 năm 2021

3. Đào Thế Anh, Lê Thành Ý, Nguyễn Tử Siêm (2021) Từ tư duy khoán hộ đến xu thế kinh tế hộ gia đình  Hộ nông dân Việt Nam và kinh tế hợp tác trong nông nghiệp

https://nongnghiep.vn/tu-tu-duy-khoan-ho-den-xu-the-kinh-te-ho-gia-dinh-d281769.htmlngaỳ 16/01/2021

Lê Xuân Đình(2018) Bức tranh kinh tế hộ nông dân hiện nay và một số vấn đề đặt ra

https://tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/1285/buc-tranh-kinh-te-ho-nong-dan-hien-nay-va-mot-so-van-de-dat-ra.aspx# 16:35, ngày 14-04-2018

Lê Thành Ý (2022) Kinh tế HTX vấn đề tất yếu trong xây dựng KTXH nông thôn.

Tạp Khoa học Phát triển Nông thôn số 68 tháng 9 năm 2022; tr. 20-26

Địa chỉ liên lạc Lê Thành Ý 19b/668 Đường Lac Long Quân phường Nhật Tân Quận Tây Hồ Hà Nội.

Mob 0829848231