Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên và hơn 200 nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp.
Mở đầu hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Các tỉnh Tây Nguyên mong muốn các nhà đầu tư tìm hiểu, quyết định đầu tư để góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng.
Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội nghị, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đánh giá cao Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây nguyên đã được ký kết vào tháng 12/2022 cũng tại thành phố Đà Lạt, với 5 lĩnh vực hợp tác phát triển, gồm: Du lịch; Kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; Khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; Y tế, giáo dục; Nông nghiệp. Trong đó, vấn đề hợp tác - đầu tư hiện diện ở tất cả 5 lĩnh vực…
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp, nhận định: Thông qua các Hội nghị trong khuôn khổ Chương trình tổng kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025, tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên trong thời gian qua; kịp thời tổng kết, đánh giá, đề ra các chương trình hợp tác thời gian tới để đẩy mạnh liên kết phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; đồng thời, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên liên kết, hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, phân phối hàng hóa,…
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng gợi mở các nội dung thảo luận để các đại biểu tập trung, đi vào chiều sâu, là: Chính sách thu hút đầu tư, lĩnh vực thế mạnh của các địa phương; Đầu tư cho hệ thống phân phối: liên quan đến hoạt động và nhu cầu đầu tư của các đơn vị phân phối tại vùng Tây Nguyên; đề xuất, kiến nghị đối với địa phương về các chính sách hỗ trợ đầu tư; Phát triển vùng nguyên liệu: đề xuất liên kết phát triển vùng nguyên liệu bền vững, an toàn tại Tây Nguyên.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến xoay quanh phát huy tiềm năng lợi thế vùng Tây Nguyên như: du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch…
Liên quan đến sản phẩm chủ lực, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH CoachPro (Lâm Đồng) nêu, sản phẩm OCOP Lâm Đồng nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung rất chất lượng. “TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu, cửa ngõ phát triển kinh tế nên chăng có thể xây dựng sàn giao dịch điện tử trưng bày các sản phẩm OCOP cho Việt Nam. Lâm Đồng sẵn sàng tham gia xúc tiến để cùng nhau quảng bá sản phẩm. Bởi nếu đi cùng nhau sẽ mạnh hơn và nhiều lợi thế hơn”, bà Hiền đề xuất.
Ông Đặng Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần sàn giao dịch để các nhà đầu tư kết nối sản phẩm. Bởi đây sẽ là cơ hội mới để các nhà đầu tư tìm kiếm thị trường mới, quảng bá thương hiệu các sản phẩm tốt hơn.
Liên quan đến sàn giao dịch OCOP nói riêng, các sản phẩm nói chung, lãnh đạo Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài trưng bày, các địa phương nên quan tâm đến chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Sản phẩm địa phương phải có ấn tượng trong mắt người tiêu dùng thì đầu ra mới tốt.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp ở Kon Tum, Gia Lai đề xuất những chính sách về phát triển dược liệu, nguồn năng lượng xanh… Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, hiện nay, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội rất nhiều nhưng cơ hội cũng không ít. Vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là phải quyết tâm.
Riêng TP. Hồ Chí Minh luôn luôn đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với các tỉnh trong khu vực. Sở NN-PTNT, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh sẽ xem xét, nghiên cứu triển khai sàn giao dịch điện tử cho các sản phẩm, trong đó có sản phẩm hoa, cà phê. Các doanh nghiệp trong vùng chủ động kết nối để tham gia và quảng bá thương hiệu của mình.
Ngoài ra, Đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên giới thiệu tiềm năng, lợi thế và lĩnh vực thế mạnh; đồng thời, mời gọi và giới thiệu các chính sách thu hút đầu tư vào các tỉnh vùng Tây Nguyên… Cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về các nội dung: Đầu tư cho hệ thống phân phối: hoạt động và nhu cầu đầu tư của các đơn vị phân phối tại vùng Tây Nguyên; Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, an toàn tại Tây Nguyên; Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Tp.HCM và các tỉnh Tây Nguyên: Chương trình OCOP; Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái; xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, OCOP…
Với tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội; khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, đất đai, khoáng sản quý hiếm… của vùng Tây Nguyên là lợi thế quan trọng và cần thiết để đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước, mà trung tâm là TP Hồ Chí Minh - đô thị kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước… Cùng với đó, Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy nỗ lực không ngừng của chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong phát triển kinh tế; thu nhập của người dân được cải thiện; mang đến một diện mạo mới cho chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hệ thống trường học và bệnh viện được đầu tư hiện đại…
Trong năm 2025, UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các nội dung, hoạt động hợp tác song phương; đồng thời triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội… Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cũng mong muốn TP Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ để thực hiện các nội dung Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên…; đồng thời, phát biểu định hướng triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025 của tỉnh vùng Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thông tin thêm: TP Hồ Chí Minh có hợp tác với 6 vùng trong cả nước. Mỗi vùng đều có lãnh đạo UBND thành phố và một sở chủ trì, trong đó, liên kết vùng Tây Nguyên do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phụ trách. TP Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ các tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức các sự kiện tại TP Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện tốt các nội dung ký hợp tác song phương với các địa phương, gồm 9 nội dung tiếp tục của năm 2024 và 10 nhiệm vụ mới cho năm 2025…
Sau Hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp các nội dung, lấy ý kiến các địa phương và báo cáo để triển khai thực hiện. Hội nghị cũng chứng kiến Lễ trao bản ghi nhớ hợp tác giữa các địa phương, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hợp tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng đều và bền vững giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là hợp tác chặt chẽ giữa Quận 8 (TP Hồ Chí Minh) với TP Đà Lạt, Quận 6 (TP Hồ Chí Minh) và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã đạt được sự thống nhất cao về liên kết hợp tác trong thời gian tới trong việc tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác trong giai đoạn 2025 – 2030 về phát triển kinh tế - xã hội trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ và du lịch… của 2 địa phương.