Kiên Giang: Xã Mong Thọ B (Châu Thành) phát huy vai trò xung kích của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã trở thành một trong những điển hình của phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Bằng nỗ lực và sự xung kích trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân xã đã góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng đời sống người dân.

Ông Lưu Hoàng Ý, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết, trong nhiệm kỳ 2018-2023, xã đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Với 1.362 hội viên Hội Nông dân, số lượng hộ gia đình đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” tăng vượt bậc, bao gồm 15 hộ cấp Trung ương, 195 hộ cấp tỉnh, 610 hộ cấp huyện và 1.680 hộ cấp xã. Những con số này không chỉ phản ánh sự quyết tâm của người dân trong sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà còn cho thấy sự đồng hành tích cực từ chính quyền và các tổ chức địa phương. Từ đó, đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,08%. Năm 2024, hộ nghèo giảm còn 65 hộ, chiếm 1,78%, hộ cận nghèo giảm còn 87 hộ chiếm 2,38%. Đây là kết quả của việc phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ và sự tham gia tích cực của nông dân trong các phong trào kinh tế.

1-kien-giang-1738825883.jpg

Mô hình trồng bưởi của ông Trần Văn Cước, Tổ trưởng Hội nghề nghiệp nông dân ấp Phước Ninh luôn được các đoàn khách tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã, có được kết quả đáng mừng đó là do phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của xã Mong Thọ B được thúc đẩy bởi các mô hình sản xuất sáng tạo, hiệu quả. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng nguồn lực địa phương và áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và giá trị kinh tế.

Một trong những ví dụ điển hình là chị Danh Thị Kim Ảnh, ấp Phước Ninh. Khởi nghiệp từ nguồn vốn hỗ trợ 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị đã cải tạo khu vườn 4.000 m² để trồng bưởi da xanh ruột hồng. Chỉ sau một thời gian ngắn, khu vườn đã mang lại cho gia đình chị thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Câu chuyện của chị là minh chứng cho việc tận dụng hiệu quả nguồn lực tài chính và khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh cùng với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm để vươn lên thoát nghèo.

Ông Danh Hóa, ngụ ấp Phước Lợi đã xây dựng mô hình VAC trên diện tích 4.000 m² đất quanh nhà. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản, mang lại thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Đây là mô hình kết hợp bền vững, giúp tận dụng tối đa nguồn lực đất đai và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

Mô hình “nuôi cá lóc bông an toàn thực phẩm” của ông Lê Tấn Kiệt (ấp Phước Hòa) và “nuôi cá lóc” của ông Trần Nhất Si (ấp Phước Chung) đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư trong việc thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế gia đình. Những mô hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tăng giá trị sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Ông Lưu Hoàng Ý khẳng định Hội Nông dân xã Mong Thọ B cũng đã thể hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ nông dân trong việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế. Hội đã quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ Nông dân trong việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Châu Thành để cho hội viên nông dân vay sản xuất, kinh doanh. Trong nhiệm kỳ, Hội đã hỗ trợ 561 hộ dân vay gần 12 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ Nông dân vận động trong nhiệm kỳ đến nay đạt 112.350.000 đ đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh giỏi trong hội viên nông dân. Đặc biệt, dự án “nuôi cá nước ngọt” đã hỗ trợ 3 hộ dân ở ấp Phước Lợi với số tiền 113 triệu đồng, tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Bên cạnh đó, Hội cũng đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tham quan mô hình sản xuất thành công giúp nông dân nâng cao kỹ năng và kiến thức phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các chi hội ở ấp Phước Ninh, Phước Hòa đã chú trọng phân loại hội viên, lắng nghe ý kiến để có biện pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế phù hợp. Trong phát triển kinh tế tập thể, xã hiện có 1 Hợp tác xã nông nghiệp với diện tích 230 ha, 4 câu lạc bộ cánh đồng mẫu lớn, 4 mô hình nuôi cá nước ngọt và nhiều tổ hợp tác sản xuất. Các mô hình này đã giúp nông dân chia sẻ nguồn lực, tăng sức cạnh tranh và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới tại xã Mong Thọ B.

2-kien-giang-1738825883.jpg

Mô hình nuôi dê đã giúp gia đình anh Danh Cải vươn lên thoát nghèo.

Ông Lưu Hoàng Ý, cho biết, trong 5 năm qua, Hội Nông dân đã huy động các nguồn lực để sửa chữa, duy tu hơn 82,5 km lộ giao thông nông thôn, xây dựng mới 5 cây cầu và vận động làm đèn đường với tổng trị giá trên 103 triệu đồng. Những nỗ lực này giúp cải thiện điều kiện đi lại, giao thương và đời sống của người dân. Hội đã phối hợp với các đoàn thể địa phương xây dựng 5 căn nhà “Đại đoàn kết” với tổng số tiền 175 triệu đồng giúp các hộ nghèo ổn định chỗ ở, vươn lên trong cuộc sống. Trong phòng chống biến đổi khí hậu, Hội Nông dân xã đã xây dựng 5 mô hình bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đây là hướng đi quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài cho sản xuất nông nghiệp.

Năm 2024, Ban lãnh đạo ấp Phước Ninh đã vận động làm đèn đường với số tiền 103.500.000đ. Hội nông dân ấp Phước Ninh phối hợp với UBND và các ngành, đoàn thể vận động làm 02 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng trị giá trên 500 triệu đồng. Hội nông dân ấp Phước Ninh phối hợp với MTTQ xã cất 01 căn nhà đại đoàn kết, tổng giá trị 350 triệu đồng (gia đình đóng góp 300 triệu, vận động 50 triệu).

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã, với mục tiêu phát triển phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đi vào chiều sâu, Hội Nông dân xã phấn đấu đến năm 2028 sẽ thành lập thêm 2 tổ nghề nghiệp cũng như khuyến khích hội viên nông dân tập trung vào các ngành nghề, chăn nuôi gà thả vườn, trồng cây ăn trái và nuôi cá nước ngọt nhằm phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hội Nông dân xã cũng sẽ triển khai 5 mô hình tự quản về an ninh trật tự và các mô hình bảo vệ môi trường. Đồng thời, xã cũng sẽ xây dựng thêm các mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân hợp tác sản xuất hiệu quả hơn. Xã phấn đấu hàng năm có trên 60% hội viên đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Đây không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là động lực để nâng cao ý thức cộng đồng và tinh thần hợp tác của các hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đồng chí Huỳnh Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Mong Thọ B, chia sẻ, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” tại xã Mong Thọ B đã khẳng định vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế nông thôn. Những thành tựu đạt được không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững mà còn xây dựng cộng đồng gắn kết, hướng tới mục tiêu nông thôn mới hiện đại và văn minh. Với những định hướng rõ ràng, sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và tinh thần tự lực, tự cường của người dân, xã Mong Thọ B hứa hẹn sẽ tiếp tục vươn xa, trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp tại tỉnh Kiên Giang.