Phát triển liên kết chuỗi
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 101/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Ông Nguyễn Đình Khoát, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến nay, địa phương có 3 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh và 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Đà Lạt và Bảo Lộc.
Cũng theo ông Khoát, thời gian qua, các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân tại các xã NTM được ưu tiên đầu tư, phát triển để nâng cao chất lượng và hoàn thành các tiêu chí NTM theo kế hoạch. Các địa phương đã thực hiện và phát huy hiệu quả các cơ chế đầu tư trong Đề án phát triển đường giao thông nông thôn, đề án phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ theo nhóm hộ và đề án xã hội hóa, đầu tư, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn…
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh này đã khởi công xây dựng mới, nâng cấp 250 công trình như đường giao thông với tổng chiều dài 220km, cầu, 32 công trình trường học các cấp, 26 nhà văn hóa xã, thôn và nhiều công trình phúc lợi công cộng khác.
Tỉnh này cũng chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân bằng hình thức đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và hữu cơ. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ vào sản xuất kết hợp chuyển đổi giống cây trồng, bố trí lại sản xuất. "Đến nay diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 62 nghìn ha (chiếm 20,8% diện tích đất canh tác), trong đó diện tích rau các loại khoảng 25 nghìn ha, hoa trên 2 nghìn ha... Chúng tôi cũng thực hiện chuyển đổi 17 nghìn ha cây trồng các loại để nâng cao giá trị sản xuất", ông Nguyễn Đình Khoát chia sẻ.
Để phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đẩy mạnh các mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, thời gian qua, địa phương đã thành lập mới 13 HTX, nâng số HTX toàn tỉnh lên 342; xây dựng 3 Liên hiệp HTX với 18 HTX thành viên và 300 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp.
Doanh thu bình quân của mỗi HTX khoảng 3 tỷ đồng/năm với lợi nhuận bình quân khoảng 600 triệu đồng/năm. Từ việc đẩy mạnh mô hình kinh tế tập thể, thu nhập bình quân của mỗi lao động trong HTX cũng đạt khoảng 72 triệu đồng/năm.
Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 175 chuỗi liên kết trong các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Theo đánh giá, phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm với các hợp đồng lâu dài.
Hướng đến nông nghiệp bền vững, hiện đại
Ông Nguyễn Đình Khoát cho biết, trong năm 2022, tỉnh tập trung chỉ đạo, xây dựng và phấn đấu huyện Lạc Dương đạt chuẩn huyện NTM. Đồng thời xây dựng để phấn đấu 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu..
Để đạt được kết quả đó, địa phương hướng đến toàn kiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc cho Ban chỉ đạo các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM.
Tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó là thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.
Cũng theo ông Khoát, đối với phát triển cơ sở hạ tầng, địa phương sẽ phân bổ nguồn lực năm 2022 trên cơ sở các danh mục dự án công trình đã được phê duyệt, tạo cơ chế phù hợp cho UBND các huyện, thành phố được quyền chủ động phân bổ vốn kế hoạch cho những công trình cụ thể trên địa bàn. Tăng cường công tác giám sát chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn xã.
Tỉnh Lâm Đồng tập trung chỉ đạo các sở, ngành chủ động lồng ghép các nguồn lực và hướng dẫn các địa phương nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn.
"Về bảo vệ môi trường nông thôn, địa phương tập trung thực hiện cải thiện cảnh quan, tạo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; nghiên cứu xây dựng và triển khai một số mô hình xử lý môi trường, đặc biệt là tổ chức thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp ngay tại đồng ruộng, nơi sản xuất", ông Nguyễn Đình Khoát thổ lộ.
Theo Văn phòng điều phối NTM Lâm Đồng, năm 2021 vừa qua, việc phân bổ vốn kế hoạch ngân sách Trung ương chậm và hạn chế. Ngoài ra do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid - 19 nên việc huy động nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn, nhất là huy động vốn tín dụng, vốn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn đối ứng của người dân thực hiện chương trình tại các xã nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn.
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn thực hiện chưa hiệu quả, còn nhiều bất cập. Việc kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư thực hiện các nhà máy xử lý rác thải rắn trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do thủ tục vướng mắc, chính sách hỗ trợ chưa thực sự hấp dẫn, việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, chưa thực sự bền vững.