Kỳ 14.
Trương Công Định nén đau buồn bảo người lính:
-Thôi, nam nhi đàn ông ai lại khóc như đàn bà, hãy có chí khí mà trả thù cho chủ tướng Phan Văn Đạt và phó tướng Lê Cao Dũng của anh đi. Anh có muốn gia nhập vào nghĩa quân Gò Công hay muốn về quê.
-Dạ bẩm chủ tướng, tại hạ xin gia nhập vào nghĩa quân của ngài để trả thù cho Chủ tướng và Phó tướng của tại hạ.
-Được lắm, ta cùng ngươi sẽ trả thù cho chủ, phó tướng và đồng đội Biện Kiều của ngươi.
-Đa tạ chủ tướng, đa tạ.
Lại có lính vào báo:
-Dạ bẩm chủ tướng và các quân sư, có tin vui ạ.
Trương Công Định hỏi:
-Tin vui gì?
-Dạ, sau khi từ Đại Đồn Chí Hòa, Nguyễn Trung Trực về hoạt động chống Pháp ở Tân An. Trưa ngày 10-12-1861, Nguyễn Trung Trực cùng các phó tướng là Huỳnh Khắc Nhượng, Nguyễn Học, Hồ Quang Chiêu đã dùng ba thuyền giả làm thuyền chở thóc áp vào tàu Hi Vọng của Pháp trên vàm Nhựt Tảo, đốt cháy tàu này và giết chết 42 lính Pháp và 20 lính Philippin ạ.
Trương Công Định nói:
-Quả là tin vui, đây là thắng lợi xuất sắc mở ra cách đánh mới tiêu diệt tàu chiến Pháp đang hoành hành ngang ngược trên sông nước miền Đông của chúng ta. Sớm nay Hạ Tuần tháng 12 năm 1861, trong đại bản doanh của Lãnh binh Gia Định Trương Công Định đang có cuộc họp của ông với các tướng lĩnh. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ này 25 tháng 2 năm 1861, ngày mà Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Trương Công Định và các tướng lĩnh rút về đây, xây dựng căn cứ Gò Công thuộc Tân Hòa chuẩn bị đánh Pháp trong một tình thế mới khi ba tỉnh miền Đông là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa thất thủ, Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông. Quân Triều đình của Nguyễn Tri Phương đã rút về Mười Tám Thôn Vườn Trầu, quân triều đình hàng vạn của Trương Bá Nghi cũng án binh bất động, đứng nhìn Biên Hòa, Định Tường thất thủ.
Trong một căn nhà rộng, mái lợp lá dừa nước, vách tường cũng lá dừa nước buộc vào cột là những cây khô trâm bầu, cây trôm. Giữa nhà kê một chiếc bàn gỗ to, vuông góc với bàn này là những chiếc bàn dài, hai bên đặt những chiếc ghế dài. Bàn và ghế đều đơn sơ, màu xám dân dã. Trên bàn đặt những chiếc ấm và những ly dùng uống nước. Ngồi bàn chủ tọa là Trương Công Định. Đó là một người đàn ông khoảng 40 tuổi, mặt vuông, oai phong quắc thước, thể hiện phong độ của một tướng lĩnh yêu nước, thương dân. Trương Công Định sinh năm 1820 tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi [1]. Cha là Trương Cầm, Thủy Lãnh binh vệ úy ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị (1840-1847).
Năm 1840 Trương Công Định theo cha vào Nam. Sau khi cha mất, Trương Công Định trú ngụ nơi cha đóng quân và kết hôn với bà Lê Thị Thưởng, con gái một hào phú ở Tân Hòa, tỉnh Gia Định[2]. Năm 1850 hưởng ứng chủ trương khai hoang của Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định xuất tiền ra chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận (Gò Công), vì thế được triều đình bổ làm Quản cơ, hàm Chánh lục phẩm.
Năm 1861, Pháp tấn công Gia Định, tấn công Đại Đồn Chí Hòa, Trương Công Định đem dân binh cùng phòng thủ Đại Đồn Chí Hòa. Sau khi Đại Đồn Thất thủ, Trương Công Định đem quân về xây dựng căn cứ chống Pháp ở Gò Công (Gia Thuận). Căn cứ kháng chiến này được nghĩa quân, các tướng lĩnh và nhân dân góp công sức, tiền của xây dựng trong nhiều tháng, biến thành Trung tâm kháng chiến ở Tân Hòa cùng những trung tâm kháng chiến khác trên đất Gia Định-Định Tường đánh Pháp mạnh mẽ. Trên địa bàn Gò Công dựa vào địa bàn đã xây dựng nhiều đồn lũy, pháo đài. Về phía tây đồn lũy kéo dài đến Giồng Ông Huệ [3], nhằm ngăn chặn tàu chiến từ Sài Gòn xuống sông Vàm Cỏ. Phía đông-Nam đồn lũy kéo ra tận bờ biển, hầu hết các đồn bố trí dọc rạch Vàm Giồng, dọc sông Cửa Tiểu, xóm Trại Lá Tăng Hòa và cù lao Lợi Quan án ngữ ngay Cửa Tiểu đề phòng quân Pháp tấn công vào Gò Công từ mặt biển. Nghĩa quân còn đắp những con đập (cán) trên sông và cửa biển ngăn tàu chiến địch. Đại bản doanh của Trương Công Định đặt ở Giồng Sơn Quy, giồng này cách huyện lỵ Tấn Hoành [4] khoảng 3km về hướng tây bắc, thuộc làng Tất Niên Đông [5]. Giồng Sơn Quy có tên Quy Nguyên, còn gọi là Gò Rùa vì khi mới khai phá có rất nhiều rùa, còn vì chính giữa giồng có chỗ cao lên giống như con rùa nên gọi là Gò Rùa. Địa danh Quy Sơn do vua Tự Đức đặt theo ý "Cao nhất xích vi sơn” hi vọng quê ngoại của nhả vua vững bền như núi.[6]
Giồng Quy Sơn kéo dài từ Vàm Quy Sơn, xóm Mới ở phía nam đến lăng hoàng gia, nơi có khu mộ của dòng họ Phạm Đăng gồm những người thuộc họ mẹ Tự Đức-bà Phạm Thị Hằng (Từ Dụ) và kết thúc tại Làng Chim ở phía Bắc sông Vàm Cỏ. Tại Giồng Sơn, Trương Công Định cho xây dựng chiến lũy gọi là Dung Sơn, lũy bằng đất cao 1m nằm dọc theo rạch Dung Sơn, còn có chiến lũy Dung Giam, lũy này ở phía tây Giồng Sơn, Quy Sơn gồm nhiều đoạn bắt đầu từ xóm Mới ở cuối Giồng Sơn Quy chạy dọc theo rạch Gò Công, tạo hình vòng cung bảo vệ Giồng Sơn Quy. Tại ngã ba rạch Sơn Quy-rạch Gò Công là điểm xung yếu nên chiến lũy ở đây đắp kiên cố dài 300m, mặt lũy rộng 6m. Phía bắc Giồng Sơn Quy, tại ngã ba làng Tân Niên Trung (nay là xã Tân Trung) còn có lũy Sơn Quy, gần đồn chính có một gò đất cao gọi là gò Thổ Sơn, được dùng cho các tướng lĩnh chỉ huy quan sát trận địa, chiến trường. Đồng thời Trương Công Định còn cho xây dựng đồn trại Gia Thuận vốn là đồn điền do chính ông thành lập năm 1854. Ở đây còn hoang hóa nên gọi là Đám Lá Tối Trời. Đồn Gia thuận, Đám Lá Tối Trời được gọi là hậu cứ của chiến lũy Sơn Quy, bảo vệ Quy Sơn từ hướng đông bắc tiếp ứng cho Quy Sơn, khi bị tấn công, nghĩa quân rút về Đám Lá Tối Trời để củng cố lực lượng hoặc vượt sông Soài Rạp về rừng bắc Lý Nhơn, mở hoạt động sang Biên Hòa và liên lạc với các tỉnh miền Trung.
(Còn nữa)
CVL
-----------------------
[1] Nay là xã Tình Khê, Thành phố Quảng Ngãi.
[2] .Nay là Gò Công Đông, Tiền Giang.
[3] Nay là thị Trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây
[4].Nay là Thị xã Gò Công.
[5] .Này là Xã Tân Đông.
[6] . Quê của Thái hậu Từ Dụ Phạm Thị Hằng, mẹ Tự Đức.