Tôi không phải là người thường xuyên được gặp và làm việc nhiều với các vị lãnh đạo, quản lý; các nhà khoa học lớn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, khi nhớ về những năm tháng làm việc tại Viện Khoa học Kỹ Thuật Nông nghiệp Việt Nam (VASI) giai đoạn 1978-2006, tôi không thể không nhớ về một vị lãnh đạo viện giản dị, gần gũi; một nhà khoa học uyên bác, nhiệt thành, tâm huyết, luôn quan tâm đến những người trẻ; và đặc biệt, ông là người có tầm nhìn xa, đưa ra một số hướng nghiên cứu mới đi trước thời gian trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp và nông thôn ở Việt Nam - GS.VS. Đào Thế Tuấn.
Trong bài viết ngắn này, tôi không kể về những dấu ấn lịch sử cuộc đời cũng như những công lao to lớn của ông trong sự nghiệp khoa học, đào tạo; lãnh đạo VASI và những đóng góp thiết thực cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam, mà chỉ viết về một vài kỷ niệm nhỏ nhớ về ông ở góc độ, coi ông như một bậc tiền bối tài năng, người đồng nghiệp đáng kính.
Ngẫu nhiên, tôi được gặp GS.VS. Đào Thế Tuấn hai lần ở nước ngoài. Một, tại thủ đô Matxcơva, Liên Xô cũ, khi tôi làm nghiên cứu sinh tại Học viện Nông nghiệp Timiriadep (TCXA) năm 1987; và lần thứ hai tại phòng ở của bạn Nguyễn Văn Linh, Wagningen, Hà Lan năm 1993, lúc tôi tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về chọn tạo giống ứng dụng. Cả hai lần gặp, sau những câu chuyện vui với mọi người, trước khi chia tay GS.VS. Đào Thế Tuấn đều dặn dò: Cô phải bồi bổ sức khỏe, gầy quá. Được cử đi đào tạo nước ngoài hãy cố gắng học hỏi, nắm bắt được những gì mới nhất trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng, đa dạng hóa sản xuất và nhập nội cây trồng mới của người ta để về áp dụng hiệu quả vào Việt Nam nhé! Nông nghiệp nước nhà còn lạc hậu, nông dân ta còn bần hàn lắm.
Lời căn dặn của vị lãnh đạo viện ở ngoài nước khi đó như nhắc nhở, giao nhiệm vụ; đã động viên tôi vượt qua những trở ngại, khó khăn trong học tập, nghiên cứu và phấn đấu trong suốt quãng đường công tác sau này, để ngày càng bản lĩnh hơn, giỏi hơn có thể. Tôi biết ơn, tôn trọng và thầm kính phục ông thật nhiều từ những tháng, năm còn trẻ đó.
GS.VS. Đào Thế Tuấn là một trong những nhà khoa học tâm huyết phát triển lĩnh vực Tài nguyên Di truyền Thực vật (TNTV) ở Việt Nam. Ông là người sớm đưa ra ý tưởng phát triển “Nông nghiệp bảo tồn” tại các vùng có sự đa dạng nguồn gen thực vật, với mục đích phát triển kinh tế hộ gắn với bảo tồn nguồn gen cây trồng bản địa, địa phương song hành với bảo tồn, phát triển các phương thức canh tác truyền thống liên quan nguồn gen của các cộng đồng dân tộc ít người. GS.VS. Đào Thế Tuấn cho rằng “muốn bảo tồn tại chỗ được các loài cây trồng địa phương thì phải bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống”. Ví dụ: Muốn bảo tồn được nguồn gen lúa nương chất lượng cao, phải bảo tồn được phương thức canh tác nương rẫy của người Mông, M’nông, người Cơ Tu...
Ông đã trao đổi say sưa với tôi không ít hơn 3 lần về chủ đề này và mong muốn nếu được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép, ông xin được tài trợ quốc tế để xây dựng một khu bảo tồn phương thức canh tác cổ truyền liên quan các nguồn gen cây trồng bản địạ, và tôi sẽ cùng ông thực hiện đề án đó. Quả thực thời gian ấy, tôi đã rất mong chờ được triển khai ý tưởng đó cùng ông. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, cho đến khi tôi nghỉ hưu, đề án đó vẫn không thành hiện thực. Tôi còn nhớ, sau khi nghỉ công tác quản lý (2004), mỗi lần ghé vào Bộ môn Nhân giống và Đánh giá Nguồn gen, Trung tâm TNTV, gặp tôi ông đều hỏi: “Trung tâm cô không làm được việc đó à” với khuôn mặt buồn. Giờ đây, bất chợt ở đâu đó, có người nhắc về ông, tôi lại cảm thấy có gì đó không phải với người đồng nghiệp tâm huyết đáng kính . Hiện nay, tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Ba Vì - Hà Nội, các nhà quản lý thành phố và Sở Văn hóa - Du lịch cũng có những kế hoạch để bảo tồn và phát triển các phong tục, tập quán của nhiều trong số 54 dân tộc anh em, là địa điểm du lịch để mọi người dân Việt Nam có thể tới để tìm hiểu, giải trí. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, theo tôi mô hình này có vẻ thiếu bền vững khi tại đó không có “Nông nghiệp bảo tồn” mà chỉ hướng tới các hoạt động văn hóa bề nổi thiếu gắn kết với sinh kế truyền thống của các tộc người.
Những năm 90 của thế kỷ trước, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã quan tâm đến vấn đề đa dạng hóa cây trồng, nhập nội cây trồng mới trong phát triển nông nghiệp bền vững. Ông trực tiếp giao nhiệm vụ “nghiên cứu và phát triển cây trồng mới” cho tôi thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Khoai tây - Rau, nay là Trung tâm NCPT Cây có củ - Viện Cây Lương thực và cây TP. Chính GS.VS. Đào Thế Tuấn đã chỉ đạo trực tiếp tôi trồng thử nghiệm và nghiên cứu tính thích ứng của một số cây trồng nhập nội mới, mà ngày nay đã trở thành nhiều sản phẩm chính tạo nguồn kinh tế cho hộ nông dân như cây Măng tây (Asparagus officinalis L.), cây Dâu tây (Fragaria spp. L.), cây Kim thất Mỹ (Gynura procumbens, Lour.)… Ông đã từng ra tận ruộng vài lần để xem tôi làm giàn và thu hoạch Măng tây. Giờ đây mỗi lần đi siêu thị hay chợ ở Hà Nội, thấy Măng tây, Dâu tây sản xuất tại Việt Nam được bán phổ biến, tôi lại bồi hồi nhớ đến kỷ niệm cùng ông trao đổi chuyên môn, thậm chí cả lúc ông tranh luận gay gắt, to tiếng, khi tôi không đồng quan điểm.
GS.VS. Đào Thế Tuấn cũng sớm đưa ra cách tiếp cận Nông nghiệp Sinh thái từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông từng nói với tôi “Nếu thực hiện được nông nghiệp sinh thái bền vững sẽ giải quyết được các vấn về độ phì nhiêu của đất và suy giảm đa dạng sinh học”. Ông cũng là người đề cập đến Nông nghiệp sinh thái trong cuốn "Hệ sinh thái nông nghiệp" (NXB Khoa học Kỹ thuật, 1983) là sách giáo khoa đầu tiên về Sinh thái học Nông nghiệp. Hiện nay, các nhà khoa học quốc tế cũng đã coi Nông nghiệp Sinh thái là một trong những giải pháp lớn để giải quyết tác động của Hệ thống Nông - Thực phẩm đến môi trường, bao gồm cả hệ sinh thái, loài và nguồn gen. Đây cũng là cách làm hiệu quả và phù hợp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng nông dân tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tôi cũng biết, GS.VS. Đào Thế Tuấn là nhà nghiên cứu đầu ngành về nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Những công trình nghiên cứu khoa học của ông đã trở thành giáo trình chuyên sâu, cẩm nang hướng dẫn cho cán bộ đang công tác trong ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nông dân. Ông cũng là một trong những chuyên gia đi tiên phong trong nghiên cứu nông nghiệp gắn liền với phát triển nông thôn. Cách tiếp cận mới về: “Kinh tế hộ nông dân” (NXB CTQG, 1997) đã mở ra một hướng nghiên cứu mới phục vụ việc phát triển kinh tế hộ nông dân, là cơ sở cho nghiên cứu Tam nông sau này. Đi trước đón đầu vấn đề này, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã cử hàng loạt cán bộ trẻ đi đào tạo bài bản tại các nước tiên tiến, phát triển như Cộng hòa Pháp, Hà Lan, Italia.. để kế thừa các nghiên cứu phát triển nông thôn, vốn là khâu yếu trong hệ thống nghiên cứu và khuyến nông của Việt Nam trong nhiều năm.
Nhân 90 năm ngày sinh của GS.VS. Đào Thế Tuấn, nhớ về ông, tôi thầm nghĩ: Cám ơn ông! Ông là bậc tiền bối đáng kính nể của chúng tôi. Nhờ ông tôi đã hiểu, để trở thành nhà khoa học chân chính thì phải biết kiên trì, học hỏi không ngừng trong nghiên cứu và trung thực, dám đột phá vào lĩnh vực mới để đạt được thành công có ích cho cộng đồng