Ngành Phân tích dữ liệu là gì?
Về cơ bản, Phân tích dữ liệu là một ngành khoa học tìm hiểu và phân tích dữ liệu thô (raw data). Từ việc phân tích chúng, các data analysts sẽ tìm ra các “insights” (tạm dịch: cái nhìn) về bộ dữ liệu đó để rút ra những kết luận có ích, giúp cho doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định kinh doanh hợp lý, chính xác. Việc làm trong ngành phân tích dữ liệu cũng không chỉ bó buộc theo dạng “data analyst”, mà còn có cả phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analyst - BA), kỹ sư khoa học dữ liệu (Data Scientist), v.v.
Những điều cần làm để CV của một Data Analyst trở nên nổi bật
Như đã nói, ngành Phân tích dữ liệu không chỉ bó hẹp theo một hướng mà có nhiều hướng khác nhau. Vì thế, trước hết, bạn cần xác định chính xác hướng đi và thế mạnh của bản thân trong ngành. Ở đây ta sẽ lấy ví dụ bạn đang là một chuyên viên phân tích dữ liệu (Data Analyst).
Sau khi đã xác định được ngành nghề cụ thể, có ba việc quan trọng chính mà bạn cần làm để khiến CV của bản thân trở nên thu hút hơn trong mắt nhà tuyển dụng:
- Nhấn mạnh, làm nổi bật các kỹ năng liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển.
- Nêu rõ các kinh nghiệm làm việc, dự án và kết quả mà mình đã đạt được trong quá khứ.
- Sắp xếp các mục trong CV một cách khoa học, hợp lý. Có thể trình bày sáng tạo để gây ấn tượng tốt.
1 Nhấn mạnh, làm nổi bật các kỹ năng liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển
Trong ngành Phân tích dữ liệu, các kỹ năng liên quan là điều rất quan trọng mà nhà tuyển dụng quan tâm. Chẳng hạn, nếu như bạn thành thạo các kĩ năng về Excel và PowerBI mà một công ty đang ứng tuyển Data Analysts lại tìm ứng viên biết sử dụng Python thì bạn sẽ rất khó thành công khi ứng tuyển vào đó. Vì vậy, để tăng tỷ lệ được nhận, bạn cần làm nổi bật các kỹ năng mình có liên quan đến công việc. Nếu công ty bạn apply cần người thành thạo Python, R và SQL, hãy đưa chúng lên đầu tiên trong mục kỹ năng. Đồng thời, bạn cũng có thể nhắc về chúng ở mục giới thiệu cá nhân để ngay lập tức khiến nhà tuyển dụng chú ý đến.
2 Nêu rõ các kinh nghiệm làm việc, dự án và kết quả mà mình đã đạt được trong quá khứ
Bên cạnh các kĩ năng, trong hầu hết các trường hợp, nhà tuyển dụng đều rất quan tâm đến kinh nghiệm việc làm của bạn. Nó thể hiện những gì bạn đã và sẽ có thể mang lại cho họ, cũng như sự phù hợp đối với công ty đó. Vì vậy, với mục này, bạn cần nêu ra những kinh nghiệm và dự án quan trọng và liên quan nhất có thể với công việc mà bạn làm, các kĩ năng mà bạn đã sử dụng (ví dụ: sử dụng ngôn ngữ lập trình SQL để truy vấn hơn 100.000 dữ liệu). Ngoài ra, bạn cũng nên thể hiện những kết quả tích cực của dự án và có người tham chiếu để tăng độ tin cậy.
3 Sắp xếp các mục trong CV một cách khoa học, hợp lý. Có thể trình bày sáng tạo để gây ấn tượng tốt
Mẹo này có thể áp dụng cho mọi ngành, nghề và vị trí mà bạn đang ứng tuyển chứ không riêng gì ngành Phân tích dữ liệu. Một bản CV đẹp mắt, được trình bày khoa học, sáng tạo, chắc chắn sẽ được chú ý hơn một bản CV lộn xộn, thiếu sức sống. Bạn có thể sáng tạo một chút dựa vào sở thích cá nhân, chẳng hạn thêm một chút màu sắc trang trí. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lạm dụng điều này và hạn chế sử dụng quá nhiều màu/dùng màu sắc lòe loẹt, bởi nó sẽ khiến CV của bạn thiếu chuyên nghiệp và khó xem hơn.
Tham khảo và sử dụng các mẫu để khiến bản CV của mình trở nên đẹp mắt, thu hút hơn nhé. Rất nhiều mẫu thư xin việc dành cho không chỉ các data analysts, mà còn cho nhiều ngành nghề khác như marketing, xây dựng, v.v.