Kỳ 56.
Nội dung rèn luỵên học tập theo đạo đức Hồ Chí Minh: Một là học trung với nước, hiếu với dân, suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Hai là học cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường.
Ba là học đức tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; luôn nhân ái vị tha, khoan dung và nhân hậu với con người.
Bốn là học tấm gương về ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, gian nguy để đạt được mục đích cuộc sống. [1].
10. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới.
Hồ Chí Minh xem xét con người trong một chỉnh thể thống nhất về tâm lực, thể lực và hoạt động. Hồ Chí Minh nhìn nhận con người trong tính đa dạng, phong phú trong quan hệ xã hội, trong tính cách, phẩm chất, khả năng, hoàn cảnh xuất thân, hoàn cảnh sống làm việc. Xem xét con người ở hai mặt đối lập: Thiện và ác, tốt và xấu. Xem xét con người cụ thể trong mối quan hệ giai cấp, theo giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, con người trong khối cộng đồng, trong quan hệ quốc tế. Đó là xem xét con người cụ thể khách quan.
Hồ Chí Minh còn xem xét con người mang tính xã hội, con người là sản phẩm của xã hội, là sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội: Quan hệ anh em, bè bạn, đồng bào…
Quan điểm về vai trò con ngươì, Hồ Chí Minh cho con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của cách mạng. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, “vô luận việc gì đều do người làm ra và từ nhỏ đến to, từ xa đến gần đều thế cả”[2].
Nhân dân sáng tạo ra giá trị văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần, nhân dân đầy tài năng và trí tuệ. Nhân dân giải quyết những vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra. Nhân dân là yếu tố thành công của cách mạng. “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi”[3]
Con người là động lực của cách mạng. Khi nhân dân ta còn lầm than trong xã hội thuộc địa, Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng vào trí tuệ, bản lĩnh, khả năng tự giải phóng của bản thân con người. Nhân dân là động lực có khả năng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Có dân thì có tất cả. Sự nghiệp giải phóng dân tộc, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thực hiện được với sự giác ngộ sáng tạo của nhân dân lao động.
Nhân dân là động lực của cách mạng nhưng trước hết là công nhân và nông dân, đặc biệt khi công nhân liên minh với nông dân làm cơ sở cho tập hợp lực luợng toàn dân tộc. Con ngươì chỉ có thể trở thành động lực khi được tổ chức lại, giác ngộ và được lãnh đạo. Con người không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của cách mạng. Cách mạng để giải phóng con người. Nhưng khi đất nước độc lập thì phải chăm lo đời sống của nhân dân. “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Cho nên trong độc lập phải làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở. Trong “Di chúc” Hồ Chí Minh viết “Đầu tiên là công việc đối với con người, mọi đường lối chính sách của Đảng, của Chính phủ phải vì lợi ích của nhân dân và của dân tộc”[4]. Phải làm cho nhân dân được giác ngộ và tổ chức, có trí tuệ, bản lĩnh, văn hóa, đạo đức.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về chiến lược trồng người: Xây dựng chủ nghĩa xã hội cần có con người xã hội chủ nghĩa và muốn có con người xã hội chủ nghĩa thì phải có chiến lược trồng người. “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[5]. Cho nên con nguời phải được đặt ở vị trí trung tâm của sự phát triển.
Con người xã hội chủ nghĩa có hai mặt gắn bó với nhau: Kế thừa truyền thống dân tộc, hình thành những phẩm chất đạo đức xã hội chủ nghĩa. Chiến luợc trồng người là một bộ phận trong chiến lược kinh tế xã hội. Nội dung giáo dục rèn luyện là phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, đạo đức, lý tưởng và tình cảm.
Trồng người là công việc trăm năm, tiến hành suốt thời kỳ quá độ. Hồ Chí Minh cho rằng việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học.
11. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ.
Trong lĩnh vực chính trị và Nhà nước, thế giới có nhiều loại thiết chế, quân chủ và dân chủ. Quân chủ là tất cả quyền lực nằm trong tay một người là vua, là hoàng đế. Đối lập với thiết chế quân chủ là thiết chế cộng hoà dân chủ. Hồ Chí Minh đã đối lập dân chủ với quân chủ, cho rằng dân chủ nghĩa là “Dân là chủ”. “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”[6]. Như vậy quan niệm dân chủ của Hồ Chí Minh là “ Dân làm chủ” và “ Dân là chủ”. “Dân là chủ nói lên vị thế của dân, “Dân làm chủ “nói lên năng lực, vai trò quyền lực và trách nhiệm của nhân dân.
Qua thể chế, Hiến pháp và các đạo luật để thực hiện các quyền cơ bản của nhân dân. Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959… đã cụ thể hóa về quyền lực của nhân dân, dân chủ trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Dân chủ được thể hiện trong việc bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Điều này được thể hiện trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Dân chủ trong lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, biểu hiện tập trung ở quyền lực Nhà nước vì quyền lực Nhà nước là thể hiện quyền lực của nhân dân. Nhân dân bầu cử ra bộ máy Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị” Hồ Chí Minh viết: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do dân làm chủ… Nhân dân là ông chủ nắm Chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”[7].
Thực hành dân chủ, xây dựng và hoàn thiện chế độ dân chủ rộng rãi. Dân chủ gắn liền với độc lập, tự do, hạnh phúc. Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm này trong “Tuyên ngôn độc lập” ngày2-9-1945. Dân chủ theo Hồ Chí Minh còn được thể hiện quan tâm quyền dân chủ cho phụ nữ, giải phóng phụ nữ bình đẳng với nam giới. Phụ nữ phải được tham gia vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá. Hồ Chí Minh đề cao việc làm chủ đất nước của thanh, thiếu niên, của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Xây dựng tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội vững mạnh để bảo đảm thực hành dân chủ. Xây dựng Đảng vì Đảng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và hệ thống chính trị. Chỉ có thể phát huy dân chủ trong Đảng mới phát huy dân chủ trong toàn xã hội vì Đảng là hạt nhân trong hệ thống chính trị. Dân chủ trong Đảng là yếu tố quyết định dân chủ trong toàn xã hội. Xây dựng Nhà nước vì Nhà nước là công cụ thực hiện ý chí dân chủ của công nhân và nhân dân lao động, dân chủ phải được thể chế hóa. Cùng với việc xây dựng Nhà nước phải xây dựng Mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Đây là những tổ chức thể hiện quyền làm chủ của các giai cấp và các tầng lớp trong xã hội, đây là sự biểu hiện dân chủ cao, rộng rãi. Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nếu đại biểu đó không làm tròn nhiệm vụ mà nhân dân uỷ nhiệm, nhân dân có quyền bãi miễn.
Trong Nhà nước của dân, nhân dân được hưởng mọi quyền dân chủ. Nhà nước bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân có vai trò quyết định mọi công việc của đất nước. Quyền lực của nhân dân là tối thượng.
Nhà nước do nhân dân lập nên nên người dân phải giác ngộ, có trách nhiệm chăm lo xây dựng nhà nước.
12. Tưởng Hồ Chí Minh về quân sự.
Trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh có những quan điểm mang tính nguyên tắc. Đó là quân sự phải lấy chính trị làm gốc, quân sự phải phục tùng chính trị, chính trị và quân sự có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nguyên tắc này được thể hiện ở vai trò quyết định ở đường lối chính trị trong mọi hoạt động quân sự, chính trị chỉ đạo chiến lược quân sự, thể hiện ở Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đối với lực lượng vũ trang. Quân sự phải lấy chính trị làm gốc vì hoạt động quân sự để nhằm đạt mục đích chính trị. Quan điểm có tính nguyên tắc thứ hai là lấy bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Bạo lực cách mạng là tất yếu vì giai cấp thống trị dù thối nát cũng không bao giờ tự nguyện rời khỏi vũ đài chính trị vì quyền lợi của chúng, chúng luôn luôn dùng bạo lực phản cách mạng để đè bẹp cách mạng, cho nên cách mạng muốn thắng lợi phải dùng bạo lực đè bẹp kẻ thù của cách mạng. Ở thuộc địa, chủ nghĩa thực dân là bạo lực cho nên muốn giành được độc lập thì phải sử dụng bạo lực của nhân dân đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Về hình thức bạo lực, Hồ Chí Minh cho rằng đó là bạo lực của quần chúng nhân dân với hai lực lượng: Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, kết hợp khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng. Quan điểm bạo lực của Hồ Chí Minh là bạo lực nhân đạo, tự vệ vì dùng binh vào việc nhân nghĩa cứu dân, cứu nước, dùng binh cũng là vì mục đích hoà bình, giành độc lập, bảo vệ độc lập bằng con đường hoà bình nhưng khi kẻ thù ép buộc thì buộc phải dùng bạo lực, chiến tranh. Nội dung quan trọng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là khởi nghĩa vũ trang toàn dân, chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, xây dựng căn cứ địa và hậu phương của chiến tranh nhân dân vững chắc, hậu phương là nhân tố quan trọng nhất thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Hậu phương phải bảo đảm yếu tố tinh thần, vật chất, đặc biệt trang thiết bị, vũ khí hiện đại cho quân đội, xây dựng đất nước đi đôi với phát triển xây dựng nền quốc phòng hùng mạnh và hiện đại. Tư tường Hồ Chí Minh về quân sự còn là tư tưởng về nghệ thuật quân sự. Nghệ thuật quân sự bao gồm ba bộ phận: Đó là chiến lược quân sự, thứ hai là nghệ thuật chiến dịch và thứ ba nghệ thuật chiến thuật. Tư tưởng nghệ thuật quân sự Hồ chí Minh là là nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng, tư tưởng biết tiến công và biết phòng ngự, là tư tưởng kết hợp thế lực, mưu và thời, là nghệ thuật biết phát huy thiên thời địa lợi, nhân hòa; là nghệ thuật biết khởi đầu chiến tranh và biết kết thúc chiến tranh, là nghệ thuật biết đánh những trận quyết chiến lược, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đè bẹp ý chí xâm lược, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh trên cơ sở công nhận toàn vẹn lãnh thổ, độc lập của dân tộc ta. Nghệ thuật quân sự là một bộ phận quan trọng của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nó bao hàm các vấn đề chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật. Hồ chí Minh cũng đề ra những nguyên tắc xây dựng quân đội chính quy hiện đại và hùng mạnh.
13. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân văn.
Đó là tư tưởng thương yêu con người và thưởng yêu nhân dân. Trước hết đó là thương yêu nhân dân mình. Thương yêu để đoàn kết. Muốn đoàn kết nhân dân thì phải thương yêu nhân dân. Đoàn kết để có sức mạnh bảo vệ đất nước và xây dựng đất nước. Tư tưởng chỉ cần nhân dân trong thời chiến tranh, hoà bình xây dựng đất nước chỉ là công việc của một ít người là sai lầm. Chính Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rằng phải thương yêu nhân dân để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thương yêu nhân dân phải là tình yêu thương cách mạng, không phải là lớp người trên ban ơn, bố thí. Tiếp theo là tình thương yêu nhân loại. Hồ Chí Minh đã từng thương yêu nhân dân mình và từ đó thương yêu nhân dân các dân tộc thuộc địa, thương yêu nhân dân lao động các nước tư bản:
Lọ là thân chí ruột rà
Công nông thế giới đều là anh em[8].
Khép lại bản “Di chúc” Hồ Chí Minh lại đề cập là vấn đề tình thương yêu con người “ Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi gửi chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
Tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh thương yêu con người nhưng tin tưởng vào khả năng sáng tạo và sức mạnh của con người. Hồ Chí Minh cho rằng trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh của nhân dân. Tin vào sức mạnh của nhân dân để tổ chức nhân dân tự giải phóng mình, bảo vệ và xây dựng đất nước. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, không tin vào sức mạnh nhân dân, quan liêu, xa rời nhân dân thì sẽ thất bại.
Hồ Chí Minh còn nêu lên tư tưởng về phương pháp cách mạng Việt Nam. Trong phương pháp cách mạng Hồ chí Minh yêu cầu người cách mạng phải xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng để lựa chọn phương pháp, hết sức tránh chủ quan duy ý chí. Người cách mạng phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán những điều cụ thể, những biện pháp cụ thể, kế hoạch phải chắc chắn, chớ đem chủ quan thay cho điều kiện thực tế. Hồ Chí Minh còn đề cập những phương pháp tổ chức lực lượng cách mạng, phương pháp thêm bạn bớt thù, phương pháp giành và giữ độc lập dân tộc, phương pháp xây dựng xã hội mới ở Việt Nam.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn diện sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực. Học tập và rèn luỵên theo tưởng Hồ Chí Minh không chỉ rèn luyện đạo đức cách mạng mà còn là nâng cao tri thức và trang bị phương pháp luận để giải quyết những vấn đề cụ thể cũng như về chiến lược có lợi cho dân cho nước, cho Đảng mà ngay cả bản thân mình.
(Hết)
CVL
--------------------
[1]. Bộ giáo dục và Đào tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia, H. 2009, Tr. 272, 274, 275, 276
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T5, Tr. 241, 295. .
[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T 6, Tr. 281.
[4]. Hồ Chí Minh, Toàn tập.
[5]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9. Tr. 222.
[6]. Hồ Chí Minh. Toàn tập. T 6. Tr. 515. .
[7]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T 7, Tr.218-219.
[8]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T11, Tr. 257.