Triển khai Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng về nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tình hình mới, ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 263/QĐ – TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 với những mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Theo đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 tập trung vào 11 nội dung chính: (1) Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá; (2) Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; (3) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; (4) Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; (5) Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; (6) Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn; (7) Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; (8) Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong NTM, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; (9) Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM; (10) Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn; (11) Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng NTM; truyền thống về xây dựng NTM; thực hiện phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM.
Trong đó, Chương trình OCOP, du lịch nông thôn, chuyển đổi số, bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn…là những nội dung được quan tâm đầu tư để trở thành những xung lực cho sự phát triển nông thôn bền vững.
Chương trình OCOP khẳng định vị thế nông sản Việt
Về Chương trình OCOP, tập trung triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội. Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi sổ trong nông nghiệp...Triển khai Chương trình OCOP gắn với lợi thế vùng miền, thành lập Trung tâm OCOP Quốc gia; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn; đẩy mạnh sản xuất, chế biến muối theo chuỗi giá trị…
Ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 919/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025 nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triên tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vừng.
Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tôn cảnh quan, văn hóa truyền thông, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn.
Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP, trong đó: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hoá, phát triển dịch vụ; tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phấm, an toàn thực phẩm; hỗ trợ: tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP.
Chương trình đề ra các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phâm OCOP đạt 5 sao; Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phâm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gẳn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; Tỷ lệ lao động được đào tạo có bàng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng/xã một sản phẩm được tố chức ít nhất 1 lần/năm nhằm nâng cao và khẳng định thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo đó, Chương trình bao gồm các nội dung và nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; Chuấn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; Quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; Nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình.
Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nữa là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phấm; số hóa sản phấm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phấm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương; Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phâm OCOP.
Du lịch nông thôn sức sống ngành kinh tế tiềm năng
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Đây là những nội dung được nêu tại Quyết định số 922/QĐ - TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Chương trình phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.
Mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Phấn đấu đến năm 2025, phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Và có ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất một nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ; Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm,… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch; Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn,…); Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ; Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường; Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao; Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống,… gắn với du lịch nông thôn; Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; (12) Tăng cường nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch; Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn.
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, xây dựng các công cụ, phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn phù hợp với các loại hình du lịch và các đối tượng du khách; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện cho xúc tiến quảng bá các điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn, tiếp cận các thị trường du lịch, kết nối với khách hàng mục tiêu; Tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế. Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững: Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách,…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Xây dựng tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền, quảng bá du lịch nông thôn thông qua các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP.
Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh
Về Chuyển đổi số, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn. Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội…Trước yêu cầu đó, ngày 02/8/2022 Chính phủ ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo đó, Chính phủ đã chỉ rõ quan điểm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới như: Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 03 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan đã và đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.
Đồng thời, Chính phủ đặt ra mục tiêu cụ thể phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao; Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của tiêu chí số 6 về kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao; Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa làng nghề Việt
Việt Nam là một đất nước có nhiều nghề thủ công truyền thống gắn liều với lịch sử dân tộc. Các làng nghề hình thành, tồn tại, trải qua nhiều thăng trầm và phát triển cho đến tận bây giờ. Những làng nghề đã chứng tỏ được sức sống bền bỉ của mình góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của cha ông chúng ta để lại và tạo điều kiện cho xã hội phát triển. Ngày nay, việc bảo tồn và phát triển làng nghề có một vị trí ngày càng quan trọng trong cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn.
Ngày 07/07/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 807/QĐ - TTg về phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển lang nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu chung là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ cảnh quan môi trường.
Mục tiêu đến năm 2025: Khôi phục, bảo tồn được ít nhất 56 nghề truyền thống và 85 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 116 nghề và 40 làng nghề truyền thống; phát triển 181 làng nghề gắn với du lịch; trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); có ít nhất 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 4 tỷ USD; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2030: Khôi phục, bảo tồn 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 6 tỷ USD; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Chương trình đề ra 04 nhiệm vụ trong tâm: (1) Phát huy vai trò của đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị. Sưu tầm, lưu giữ và tổ chức trưng bày các tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc. Tổ chức phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân và các sản phẩm làng nghề tiêu biểu; (2) Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống như rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại danh mục các nghề, làng nghề truyền thống và đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, xét công nhận; xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn những nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhận rộng; (3) Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới như phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống; khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề. Tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch; (4) Phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Chương trình cũng đã đề ra một số giải pháp như: Rà soát, sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng; xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề; xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Việt Nam; khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề; xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển các giá trị của nghề, làng nghề; đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề; chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề; nâng cao chất lượng của các hiệp hội ngành hàng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh diễn biến bất thường, xung đột địa chính trị gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động tới ổn định xã hội thời gian vừa qua, càng cho thấy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi vừa đảm bảo an ninh lương thực, duy trì an sinh xã hội vừa đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Và phát triển nông thôn bền vững càng trở nên đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Bởi nông thôn, nông nghiệp sản xuất ra những nông sản phẩm thiết yếu cho đời sống con người mà không một ngành sản xuất nào có thể thay thế được. Ngoài ra nông thôn còn sản xuất ra những nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trên địa bàn nông thôn có trên 60% lao động xã hội, đó là nguồn cung cấp lao động cho các ngành kinh tế quốc dân, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ. Số lao động đó nếu được nâng cao trình độ, được trang bị công cụ thích hợp sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động đáng kể, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý trong phân công lao động xã hội. Nông thôn là nơi sinh sống của trên 65% dân số cả nước, đó là thị trường tiêu thụ rộng lớn, nếu được mở rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển. Địa bàn nông thôn nước ta có 54 dân tộc khác nhau, bao gồm nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, mỗi biến động tích cực hay tiêu cực đều có tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, chính trị; xã hội, an ninh quốc phòng. Sự ổn định tình hình nông thôn sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo tình hình ổn định của đất nước. Nông thôn chứa đại đa số tài nguyên đất đai, khoáng sản, động thực vật, rừng, biển…có ảnh hưởng to lớn đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, đến việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, đảm bảo cho việc phát triển lâu dài và bền vững của đất nước.
Ý thức được tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã ban hành nhiều chính sách để phát triển nông thôn bền vững, trong đó xác định nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xét trên cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường để người nông dân thực sự là nhân vật trung tâm, là người được hưởng lợi trước tiên từ những thành quả của quá trình phát triển đó.