III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Phạm vi của Đề án
1.1. Phạm vi không gian nông nghiệp đô thị:
Đề án nông nghiệp đô thị Hà Nội được xây dựng có phạm vi phù hợp với đặc thù của thành phố Hà Nội với diện tích đô thị hiện nay chiếm khoảng 40% của tổng diện tích, bao gồm 03 vanh đai: vùng nội đô đã được đô thị hoá ổn định, vùng ngoại thị sẽ đô thị hoá trong tương lai gần chiếm diện tích khá lớn và vùng ven đô có diện tích nông nghiệp nông thôn phục vụ cho đô thị. Đề án nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy hoạch của Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt đối với chùm đô thị bao gồm các loại đô thị: đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, Thành phố thuộc Thủ đô, các đô thị sinh thái, các thị trấn chiếm 40% diện tích đất tự nhiên của toàn Thành phố. Đề án cũng áp dụng ở các huyện dự kiến phát triển thành quận và khu vực nông thôn trên cơ sở thực hiện quy hoạch nông thôn.
Các địa phương cụ thể trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm các vùng theo vị trí trong không gian đô thị và mức độ tác động của đô thị hoá sẽ chịu sự điều tiết của Đề án nông nghiệp đô thị bao gồm:
+ Nội đô - Khu vực đô thị hóa ổn định bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân,
+ Ngoại thị - Khu vực đô thị hóa và khu vực nông thôn ven đô sẽ trở thành đô thị trong tương lai gần bao gồm các quận Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, Thị xã Sơn Tây.
+ Ven đô - Khu vực nông thôn ổn định ở ngoại thành bao gồm các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Quốc Oai.
1.2. Phạm vi thời gian:
- Thời gian xây dựng đề án: 2023
- Thời gian thực hiện triển khai đề án từ năm 2024 - 2026 và tầm nhìn 2030
2. Đối tượng của Đề án
- Các cơ quan quản lý nhà nước cấp thành phố, quận/huyện, thị xã, thị trấn, phường/xã.
- Các tổ chức (DN, HTX, Liên hiệp HTX, Trung tâm dịch vụ, Hội, Hiệp hội…), cá nhân (hộ gia đình, cá nhân) có liên quan đến hoạt động triển khai thực hiện đề án.
3. Các nguyên tắc xây dựng của Đề án
Xây dựng một đề án nông nghiệp đô thị cho Hà Nội cần tuân theo một số nguyên tắc quan trọng để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả và phù hợp với tình hình cụ thể của các vùng theo vị trí trong đô thị của các địa phương thuộc Thành phố:
3.1. Cần hợp tác liên ngành chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với đa đối tác:
Không gian nông nghiệp đô thị cần được quản lý theo tiếp cận liên ngành, đa chủ thể. Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu cho UBND Thành phố trong việc quản lý Không gian nông nghiệp đô thị bền vững. Cần thiết phải kết nối với các đơn vị nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để đảm bảo sự hợp tác và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm.
3.2. Phù hợp với thực tế địa phương:
Đề án nông nghiệp đô thị Hà Nội cần tiến hành phân tích cụ thể về tình hình đô thị, dân số, diện tích và sử dụng đất, địa hình, khí hậu và nguồn tài nguyên, nhu cầu thực phẩm và vấn đề môi trường, tôn trọng sáng kiến của các địa phương.
3.3. Tích hợp và hợp nhất:
Đề án cần tích hợp và tương thích với các kế hoạch phát triển đô thị khác như quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng cháy chữa cháy, tích hợp quy hoạch xây dựng, tích hợp với các đề án đã và đang triển khai liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp.
3.4. Sử dụng hiệu quả không gian:
Hà Nội có diện tích hạn chế, vì vậy đề án hướng tới đẩy mạnh đào tạo, truyền thông, khuyến nông về việc tận dụng mọi không gian trống có thể làm nông nghiệp trong thành phố như mái nhà, sân thượng, bãi đất trống, vùng bãi ngoài đê để phát triển xu hướng nông nghiệp đô thị bền vững dựa trên cơ sở pháp lý của các văn bản hiện hành, nội dung phù hợp và đánh giá tác động.
3.5. Tiếp cận theo hướng Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững:
Đảm bảo rằng sản phẩm nông nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm, đầy đủ dinh dưỡng.
3.6. Ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số:
Áp dụng công nghệ để tối ưu hóa quản lý, theo dõi, và tự động hóa một số quy trình trong nông nghiệp đô thị.
3.7. Giáo dục và tạo nhận thức:
Thông qua các chương trình giáo dục và tạo nhận thức, đề án cần khuyến khích cư dân đô thị hiểu về giá trị của nông nghiệp đô thị và cách tham gia vào hoạt động nông nghiệp.
3.8. Quản lý tài nguyên và môi trường:
Đảm bảo rằng việc phát triển nông nghiệp đô thị không gây ra quá tải tài nguyên và không gây hại cho môi trường đô thị.
3.9. Theo dõi, Đánh giá và điều chỉnh định kỳ: Đề án cần được theo dõi, đánh giá định kỳ để xác định hiệu quả và đối mặt với các thay đổi trong tình hình đô thị và nông nghiệp. Công tác thanh tra cũng cần chú trọng để đảm bảo các hoạt động nông nghiệp đô thị không vi phạm pháp luật.
Còn tiếp...!