Nông nghiệp đô thị và những vấn đề đặt ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (Kỳ 7)

II. Tác động của các yếu tố chủ quan đến phát triển nông nghiệp đô thị

2.1. Hệ thống quản lý nhà nước và chiến lược chính sách của Thủ đô

Hệ thống quản lý Nhà nước và chiến lược chính sách của Thủ đô là yếu tố mang then chốt, định hướng cho các kế hoạch, chương trình phát triển ngành nông nghiệp phát triển nông thôn nói chung và nông nghiệp đô thị nói riêng. Quá trình rà soát các chính sách chiến lược của Thủ đô cho thấy Hà Nội đã và đang định hướng rất cụ thể cho phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn tới và tầm nhìn 2045. Theo Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 10/7/2023 của UBND Thành phố kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 03/02/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; mục tiêu được đặt ra đến hết năm 2025 của Thành phố:

- Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm từ 2,5-3,0%.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ đạt trên 70%.

- Phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 05% tổng diện tích gieo trồng với các cây trồng chủ lực, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 5-7% trên tổng sản phẩm chăn nuôi;...

- Thành phố đánh giá, phân hạng được thêm 2.000 sản phẩm OCOP trở lên (giai đoạn 2021-2025).

- Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị, nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.

- Phát triển hợp tác xã chuyên ngành, phát triển chế biến sản phẩm nông sản gắn với vùng sản xuất;

- Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới,...

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, nông dân giàu có; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh;

- Triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới;

- Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm;... ứng dụng công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;...

Định hướng chính sách cũng xác định cụ thể từng loại hình nông nghiệp giá trị cao, đa giá trị gắn với sản xuất tập trung hàng hóa nhưng nâng cao bảo vệ môi trường và kết hợp du lịch. Đặc biệt, tăng cường khai thác các khu vực có tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả như đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống, sông Cà Lồ để tập trung phát triển cây rau, đậu thực phẩm, cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây công trình theo hướng trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Trong chính sách phát triển của Thành phố từng loại cây con và các công nghệ phù hợp cũng được xác định cụ thể theo hướng phát triển tập trung theo vùng, như vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện trọng điểm lúa của Thành phố, như: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai; vùng trồng cây dược liệu tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Quốc Oai,... Đặc biệt là chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, là cơ sở gắn kết ngành nông lâm thủy sản, phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn cũng là định hướng chính sách quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp đô thị.

Bên cạnh đó, chính sách phát triển nguồn nhân lực của ngành từ đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp,... đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn là yếu tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp đô thị của Thành phố.

2.2. Năng lực của người dân và các tổ chức tư nhân

Năng lực của người dân (bao gồm năng lực của các HTX Nông nghiệp và thành viên) và các tổ chức tư nhân là một yếu tố ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển nông nghiệp thủ đô bởi. Theo kết quả đánh giá, năm 2022, có 61,02% HTX được xếp loại khá và tốt; 34,9% HTX xếp loại trung bình và 4,06% loại yếu. Bên cạnh đó, phát triển HTX trên địa bàn còn một số khó khăn vướng mắc như: trình độ cán bộ HTX hạn chế; thiếu vốn; chưa đa dạng dịch vụ thành viên; sản phẩm của HTX chủ yếu là thô, chưa qua chế biến; sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi chưa nhiều; chuyển đổi số còn hạn chế… Độ tuổi làm nghề nông ở ngoại thành Hà Nội đa số trên 45 tuổi. Trong đó lao động thuộc khu vực hợp tác xã có hơn 53% lao động chưa qua đào tạo, đa số chỉ làm theo thời vụ; số có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp mới chỉ chiếm khoảng 14% (Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 của Sở NN và PTNT, 2023).

Đối với khu vực tư nhân, giống như tình trạng chung cả nước, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chiếm tỷ lệ thấp quy mô chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ mặc dù Thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Doanh nghiệp nông nghiệp là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cung ứng vật tư, tư vấn khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng từ 270 năm 2015 lên gần 900 đến hết năm 2020. Tuy nhiên con số này chỉ chiếm 0,71% vào năm 2020 so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, là một con số rất khiêm tốn chưa xứng tầm với tiềm năng phát triển và đòi hỏi của nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội (Đào Thế Anh (chủ biên) và cộng sự, 2019. Phát triển Nông nghiệp ven đô bền vững ở Việt nam. Sách Nhà xuất bản NN. ISBN 978-604-60-3084-3. 300 trang).

Tỷ lệ lao động chung có trình độ cao đẳng, đại học trở lên có xu hướng ngày càng tăng so với lao động có trình độ trung cấp trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng lớn, tỷ trọng số lao động nông nghiệp đã qua đào tạo và lao động sơ cấp nghề vẫn còn thấp. Cụ thể, trong tổng số 50.2296 lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản Hà Nội năm 2016, lao động chưa qua đào tạo chiếm 90,55%; lao động đã qua đào tạo, nhưng không có chứng chỉ chiếm 4,56%; lao động sơ cấp nghề và có chứng chỉ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật chiếm chỉ 1,94%. Trong đó, lao động trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề chiếm 1,44; lao động cao đẳng, cao đẳng nghề chiếm 0,95%; lao động trình độ đại học trở lên chiếm 0,51% trong tổng số lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản (Niên giám thống kê 2022 Việt Nam, 2023).

2.2. Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức (SWOT) của nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội

Phương pháp phân tích SWOT thường được sử dụng để đánh giá lợi thế cạnh tranh của đối tượng và phát triển kế hoạch chiến lược. SWOT giúp đánh giá các yếu tố bên trong với bên ngoài, tiềm năng hiện tại với tương lai của đối tượng. Nông nghiệp đô thị của Hà Nội được phân tích SWOT dựa trên các thông tin đã  trình bày ở phần trên, cụ thể như sau:

2.2.1. Điểm mạnh

Điểm mạnh (Strengths hoặc S) là những yếu tố vượt trội, giúp duy trì và phát triển những thành tựu đã đạt được của nông nghiệp đô thị Hà Nội. Với đặc điểm là Thủ đô, nông nghiệp Hà Nội có vị trí địa kinh tế đặc biệt với tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 2,5%. Nông nghiệp đô thị Hà Nội cũng được thừa hưởng một nền tảng hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển với 7 tuyến đường kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận và cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài. Về tài nguyên thiên nhiên, phần lớn diện tích là đất phù sa cổ thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, hệ thống sông gồm 7 sông dài (sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đáy, sông Cà Lồ) chảy qua địa phận Thành phố cung cấp nguồn nước vô cùng lớn cho sản xuất nông nghiệp, và phần lớn đất nông nghiệp đang tập trung tại một số huyện ngoại thành (Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh và Gia Lâm). Về nguồn nhân lực, Hà Nội là thành phố đông dân thứ 2 cả nước (chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh) với khoảng 50,9% dân cư sống ở nông thôn, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo là khá lớn (70,25% tổng số lao động).

2.2.2. Điểm yếu      

Điểm yếu (Weaknesses hoặc W) là những yếu tố không thuận lợi, hoặc gây cản trở quá trình phát triển của nông nghiệp đô thị Hà Nội. Do Hà Nội là đô thị định hướng phát triển theo mô hình công nghiệp - dịch vụ - xây dựng (chiếm 87,28% trong cơ cấu kinh tế) nên ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (2,07% cơ cấu kinh tế). Do vậy, nông nghiệp đô thị Hà Nội khó có thể trở thành trụ cột của nền kinh tế Thủ đô. So với các ngành kinh tế khác, mức độ áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp thấp hơn rất nhiều, và chủ yếu được áp dụng ở quy mô nhỏ (hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp MSME). Tỷ lệ che phủ xanh trong nội đô còn thấp so với yêu cầu, gây tác động đến môi trường.

2.2.3. Cơ hội

Cơ hội (Opportinities hoặc O) là những cơ hội tiềm năng mà nông nghiệp đô thị Hà Nội có thể tận dụng để phát triển. Hà Nội có quy mô dân số trung bình năm 2023 là 8,587 triệu người (Niên giám thống kê 2023 Hà Nội, 2024). Nông nghiệp Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu lương thực, thực phẩm cho dân cư toàn Thành phố, khoảng 40% còn lại là nhập từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nhập khẩu. Do vậy, nông nghiệp đô thị Hà Nội còn dư địa rất lớn về nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ. Do nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô ngày càng được nâng cao, nhu cầu về lương thực, thực phẩm an toàn giúp định hướng nền nông nghiệp đô thị Hà Nội theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng các yêu cầu về ATTP Đồng thời, những năm gần đây dân cư thành thị cũng phát sinh nhu cầu lớn về du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm. Đây là cơ hội cho nông nghiệp đô thị Hà Nội mở ra và tiếp cận ngành “công nghiệp không khói” này.

2.2.4. Thách thức

Thách thức (Threats hoặc T) là những khó khăn, rủi ro có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nông nghiệp đô thị Hà Nội. Những thách thức này thường là những thay đổi về chính sách, pháp luật, biến động của thị trường hoặc ngay trong chính nội tại của chủ thể, hoặc những đối thủ cạnh tranh. Như đã đề cập ở trên, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt khoảng 65-75%. Thực tế, quá trình đô thị hóa của Hà Nội đã diễn ra với tốc độ khá nhanh so với các thành phố khác trong cả nước. Trong quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác như công nghiệp, xây dựng, khu đô thị. Do vậy, nguồn tài nguyên đất (cùng với các tài nguyên khác đi kèm như nước ngầm, thảm thực vật, hệ thống sông ngòi) phục vụ nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Quá trình đô thị hóa cũng dẫn tới môi trường bị ô nhiễm như chất thải công nghiệp không được xử lý sả thải ra sông hồ, ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng lớn. Tại các làng nghề của Hà Nội, tình trạng ô nhiễm do hoạt động sản xuất của làng nghề cũng đang trở thành một vấn đề mang tính thời sự và chưa có giải pháp xử lý toàn diện.

Phân tích SWOT về nông nghiệp đô thị Hà Nội có thể được tóm tắt như sau:

Bảng 1: Tóm tắt phân tích SWOT về nông nghiệp đô thị của Hà Nội

anh-chup-man-hinh-2024-06-19-luc-201834-1718803218.png