Nông nghiệp đô thị Việt Nam: Cơ hội và thách thức trên con đường phát triển

Nông nghiệp đô thị đã trở thành một xu hướng toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, lĩnh vực này vẫn đang phát triển một cách tự phát, thiếu sự chỉ đạo và quy hoạch từ phía Nhà nước. Điều này khiến cho sự ổn định và phát triển bền vững của nông nghiệp đô thị ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO – The Food and Agriculture Organisation), nông nghiệp đô thị là trồng trọt và chăn nuôi trong và xung quanh thành phố. Những hoạt động này không chỉ cung cấp thực phẩm tươi sống, mà còn góp phần tạo việc làm và tăng cường khả năng chống chịu của thành phố trước biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nông nghiệp đô thị tại Việt Nam vẫn chưa được khai thác triệt để. Việc thiếu vắng chính sách và quy hoạch rõ ràng từ Nhà nước đã khiến cho sự phát triển của lĩnh vực này trở nên manh mún và thiếu ổn định. 

Từ những năm 1990, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp đô thị và đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy phát triển lĩnh vực này trên phạm vi toàn cầu. Các chương trình như "Lương thực, thực phẩm cho các thành phố", "Phát triển thành phố xanh hơn" hay "Nghị sự cho lương thực-thực phẩm đô thị" đã góp phần định hình xu hướng này.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có chính sách riêng cấp quốc gia nhưng các địa phương đều đang từng bước xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp đô thị, dù đôi khi được gọi bằng những tên gọi khác như "nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" hay "nông nghiệp thông minh". Đáng chú ý, Hà Nội và TP.HCM - hai thành phố đi đầu, đã chính thức có các đề án, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy mô hình này. Đó là Quyết định số 5568/QĐ-UBND ngày 01/11/2023 của UBND TP Hà Nội phê duyệt “Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội” và Quyết định số 6002/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND TP.HCM phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

nongnghiepdothi-1719408945.jpg
Hà Nội và TP HCM là 2 thành phố đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp đô thị

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Phần lớn sản xuất vẫn tập trung vào các loại cây trồng và vật nuôi truyền thống như hoa kiểng, rau, sinh vật cảnh. Tuy nhiên, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ đang bắt đầu hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị. Để phát triển nông nghiệp đô thị, các địa phương cần tập trung vào mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại và bền vững. Điều này sẽ nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn thực phẩm và an ninh dinh dưỡng, đồng thời kết nối tốt với nhu cầu thị trường của người dân thành thị.

Tại TP.HCM, chương trình phát triển hoa, cây và cá cảnh nhằm chuyển hướng nông nghiệp, từ truyền thống với lúa là cây trồng chính sang nông nghiệp đô thị với hoa, cây cảnh, cá cảnh, bò sữa, rau an toàn… có giá trị kinh tế cao hơn. Các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi), Trung tâm Công nghệ sinh học (Quận 12), Trung tâm Thủy sản (Cần Giờ), Trại Thực nghiệm Bò sữa công nghệ cao hợp tác với Israel (Củ Chi)… được xây dựng để tạo ra các giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, phân bón, kỹ thuật để cung cấp cho nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị.

Tại Hà Nội, Đề án nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy hoạch của Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt đối với chùm đô thị bao gồm các loại đô thị: Đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô, các đô thị sinh thái, các thị trấn chiếm 40% diện tích đất tự nhiên của toàn thành phố. Đề án cũng áp dụng ở các huyện dự kiến phát triển thành quận và khu vực nông thôn trên cơ sở thực hiện quy hoạch nông thôn.

Việt Nam là quốc gia có nhiều diện tích đất nông nghiệp hơn Singapore, Malaysia và các quốc gia khác nhưng với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ và trong tương lai, đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng giảm đi. Do đó, những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp đô thị mà các quốc gia này đã đạt được là gợi ý quan trọng cho việc xây dựng chiến lược và mô hình phát triển nông nghiệp đô thị tại Việt Nam.

TS. Vũ Thị Quyền - Trường Đại học Văn Lang nhận định rằng quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm thu hẹp quỹ đất nông nghiệp. Điều này đòi hỏi các địa phương và nông dân phải thay đổi tư duy, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp đô thị.

Nhiều thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt, Cần Thơ, Vũng Tàu và Đà Nẵng đã có chính sách riêng nhằm thúc đẩy nông nghiệp đô thị. Đó là nông nghiệp phục vụ du lịch, nông nghiệp phòng hộ môi trường xung quanh khu công nghiệp, hay nông nghiệp sinh thái trong khu vực đô thị...