Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 14

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 14.

-Đa tạ vương gia, thống nhất như vậy. Chúng tôi dự tính khoảng năm Giáp Thìn 1904 sẽ tổ chức Đại hội thành lập Hội, khi đó tôi sẽ cho người báo và đưa vương gia vào Nam Thịnh sơn trang của tôi ở Quảng Nam.

-Đa tạ tiên sinh Tiểu La, ngài cứ báo tin, tôi nhất định sẽ đến dự.

-Vậy xin phép vương gia ngày mai xin tạm biệt. Vương gia bảo trọng.

-Đa tạ, chúc Tiểu La tiên sinh thượng lộ bình an. Bảo trọng.

-Đa tạ Vương gia.

Hôm sau Tiểu La rời Huế về Quảng Nam, Tháng 12 năm đó (1903), Tiểu La Nguyễn Thành tổ chức cho Phan Bội Châu đi Nam Kỳ, giúp tiền lộ phí, phái gia nhân thân tín là Tư Doãn đi theo giúp đỡ bảo vệ Phan Bội Châu. Chuyến đi này Phan Bội Châu gặp một nhà sư yêu nước là Trần Thị ở ẩn tại Thất Sơn, thuộc tỉnh Châu Đốc, nhờ nhà sư gặp các nghĩa quân Nam kỳ ngày xưa, nhờ họ giới thiệu với quan lại yêu nước, văn thân sĩ phu, giới địa chủ, giới công thương về Duy Tân hội, về Minh chủ Kỳ Ngoại hầu Cường Để là cháu 5 đời của Hoàng Thái tử Cảnh để đồng bào biết mà tham gia Hội, giúp đỡ tiền bạc cho hội hoạt động.

 Đường từ Trung Kỳ vào Nam Kỳ khi đó đã thuận lợi, Pháp đã mở mang đường thiên lý ngày xưa thành đường rộng, rải đá, rải nhựa, phương tiện đã có xe đò ô tô, nhờ Tiểu La mua vé từ Quảng Nam đi Sài Gòn cả chuyến đi và về thuận tiện. Đến Sài Gòn Phan Bội Châu và Tư Doãn lại đi xe đò về Châu Đốc. Lần đầu tiên Phan Bội Châu đến Sài Gòn, thủ phủ của nền cai trị của Pháp ở xứ thuộc địa Nam Kỳ mà đứng đầu là tên Thống đốc người Pháp. Phan Bội Châu vừa đi vừa suy về những trang sử Việt Nam dưới thời cai trị của Pháp. Nổ súng xâm lược Việt Nam từ năm 1858, tới năm 1884 coi như Pháp hoàn thành xâm lược. Ngày 17 tháng 10 năm 1887 Pháp sáp nhập ba nước Căm bốt, Lào, Việt Nam thành lập cái gọi là Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp, còn gọi là xứ Đông Pháp theo sắc lệnh của Tổng thống Cộng Hòa Pháp. Đứng đầu Liên bang Đông Dương là Toàn quyền Đông Dương. Liên bang Đông Dương được chia làm 5 xứ: Xứ Căm bốt đứng đầu là một viên Khâm sứ người Pháp bên cạnh là triều đình Khơ me Nô rô đôm đầu hàng làm tay sai, xứ thứ hai là Lào đứng đầu là một viên Khâm sứ Pháp bên cạnh triều đình phong kiến Lào đầu hàng làm tay sai, xứ thứ ba là Bắc Kỳ của Việt Nam đứng đầu là một viên Thống sứ người Pháp, xứ Bắc Kỳ theo hiệp ước năm 1884 là toàn bộ miền Bắc đến Ninh Bình, xứ thứ tư là Trung Kỳ đứng đầu là một viên Khâm sứ người Pháp bên cạnh triều đình Nguyễn đầu hàng làm tay sai, lãnh thổ của Trung Kỳ cũng theo hiệp ước 1884 kéo dài từ Thanh Hóa cho đến tỉnh Bình Thuận, xứ thứ 5 là Nam Kỳ đứng đầu là viên Thống đốc người Pháp. Dưới bốn xứ là tỉnh đứng đầu là một viên công sứ Pháp, bên cạnh có một tổng đốc người bản xứ. Dưới tỉnh là phủ đứng đầu là viên tri phủ bản xứ, dưới phủ là huyện, dưới huyện là tổng, dưới tổng là xã, dưới xã là thôn. Từ phủ xuống thôn (bản ở miền núi) đứng đầu là người bản xứ, từ tri phủ, tri huyện, chánh phó tổng, lý trưởng phó lý, hương kiểm ở thôn. Như vậy bọn Pháp đã dựa cơ bản vào quan viên bản xứ, lính tráng bản xứ, nếu không chúng không đủ người cai trị. Riêng ở Nam kỳ không có bộ máy phong kiến trong hành chính, dù có người Việt cộng tác thì cũng chỉ là trong guồng máy của Pháp vì Nam Kỳ là xứ thuộc địa, bốn xứ còn lại chỉ là xứ bảo hộ. Đây là chính sách chia để trị thâm độc của Pháp, nhằm phá hoại ngăn cản sự đoàn kết dân tộc chống lại chúng. Cả guồng máy đều tập trung quyền lực vào kẻ đứng đầu ở mỗi cấp và cuối cùng toàn bộ quyền lực tập trung vào tay Toàn quyền Đông Dương.

  Pháp đánh chiếm Sài Gòn năm 1859. Đặt chân tới đây, Phan Bội Châu như nghe thấy lửa đốt thành Gia Định của Pháp, lửa khói phun lên trời suốt ba năm trời thiêu đốt toàn bộ vũ khí kho tàng, riêng lương thực trong kho 1 vạn quân có thể ăn trong 1 năm. Lý do Pháp đốt thành Gia định vì Gác ni e cho rằng binh lính ít không thể cố thủ khi bị tấn công nên chúng đốt thành để xuống tàu ở cho an toàn. Sau khi đã vơ vét toàn bộ của cải vàng bạc thì chúng đốt. Chính quân Pháp sau này cũng tiếc và hối hận cho hành động này. Phan Bội Châu còn như nghe thấy tiếng gầm của đại bác, tiếng gươm khua đạn réo trong trận huyết chiến bảo vệ thành Gia Định của quân Nam, dù vũ khí lạc hậu kém cỏi nhưng đã anh dũng hy sinh đến người cuối cùng. Phan Bội Châu còn như nghe thấy tiếng rút gươm để tự sát của Tổng Đốc Võ Duy Ninh khi thành thất thủ. Thành Gia Định thất thủ năm 1859 mở đầu cho cuộc kháng chiến thất bại của triều đình, mở đầu cho sự thắng thế liên tục của Pháp trong cuộc viễn chinh xâm lược 30 năm nhờ có tàu chiến, đại bác và súng bộ binh hiện đại, nhờ đường lối mơ hồ ảo tưởng của triều đình nhà Nguyễn với chính sách thủ để hòa của vua Tự Đức. Sau trận Gia Định đến trận Đại Đồn Chí Hòa, trận Đồng Nai, triều đình phải ký hàng ước 1862, nhà Nguyễn dâng ba tỉnh miền Đông cho Pháp: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường với điều kiện Pháp trả lại tỉnh Vĩnh Long và không đánh chiếm ba tỉnh miền Tây. Sau hàng ước Pháp bội ước đánh chiếm nốt ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Vậy là Pháp chiếm trọn Nam Kỳ lục tỉnh.

  Sau 64 năm cai trị, Pháp đã xây dựng Sài Gòn thành một thành phố phồn vinh hơn xưa rất nhiều. Nhà cửa cao tầng, thấp tầng kiểu kiến trúc Phương Tây mọc lên chọc trời, san sát, đường sá, giao thông mở rộng, công thương nghiệp phát triển, phố sá sầm uất. Xe người đi lại náo nhiệt suốt ngày. Cù Lao Phố ngày xưa mà người Hoa gọi là “Tài Ngon” sau này người Pháp gọi là Sài Gòn. Sài Gòn được ví là con mắt của 9 con rồng ở vùng Cửu Long sông nước, được gọi là "hòn ngọc" Viễn Đông.

  Từ Sài Gòn, Phan Bội Châu và Tư Doãn đi xe đò xuống miền Tây Nam Bộ. Hai người lần đầu tiên đến vùng đất nổi tiếng. Từ sông Tiền, sông Hậu là hai con sông mẹ tạo nên không biết bao nhiêu là sông nhánh xuyên suốt quanh co khắp đồng bằng Nam Bộ, tạo nên Cửu Long Giang và đồng bằng Cửu Long trù phú. Thực ra không phải 9 nhánh sông mà không thể kể hết những rồng con. Sông ngòi chằng chịt, đất đai phì nhiêu, khí hậu quanh năm nắng ấm, tạo nên vùng đất giàu có lúa gạo, tôm cá dồi dào, sản vạt hoa quả bậc nhất Đông Dương.

  Từ Sài Gòn, Phan Bội Châu và Tư Doãn đi xe đò khoảng 300km vượt qua sông Tiền đến Cần Thơ và đi về tây bắc. Châu Đốc nằm ở phía tây sông Hậu, giáp biên giới với Căm Bốt. Đó là vung châu thổ do sông Hậu tạo nên. Giữa đồng bằng lại có 37 ngọn núi, tiêu biểu cho 37 ngọn trên là núi gọi Thất Sơn thuộc vùng Tri Tôn và Tịnh Biên. Thất Sơn có nhiều tên gọi nhưng phổ biến gọi là núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), thứ hai là núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), thứ ba là núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), thứ tư là núi Dãi (Ngọa Long Sơn), thứ năm là núi Két (Anh Vũ Sơn), thứ 6 là núi Nước (Thủy Đài Sơn), thứ 7 là núi Tượng (Liên Hoa Sơn). Phan Bội Châu và Tư Doãn như lạc vào cảnh thần tiên giữa những cánh đồng xanh mênh mông của lúa, giữa một bên là trời nước mênh mông Hậu Giang nhô lên những ngọn núi xanh rì những cây xanh của rừng vang lên những tiếng kêu mang tác của hươu nai hổ báo, những con phượng hoàng, những con quạ bay lượn trên tầng không rồi sà xuống những khu rừng có những ngọn núi tròn như những chiếc bát úp khổng lồ của thiên nhiên, của trời đất. Đúng là hang núi ngậm mây, suối long nhả ngọc. Cây giáng hương, cây tứ hương và nhiều cây cao thấp um tùm reo theo nhạc gió vi vu. Phía tây có đồng ruộng bằng phẳng, lại có hồ nước rộng xanh ngát. Phan Bội Châu và Tư Doãn còn nghe thấy tiếng dã thú kêu vang, tiếng gà gáy, tiếng cho sủa. Bảy Núi không chỉ đẹp cảnh thần tiên mà đại thế còn hiểm trở, từng là căn cứ nghĩa quân Nam Bộ chống Pháp trong các cuộc khởi nghĩa của Đoàn Minh Huyên, Thủ Khoa Huân, Trần Văn Thành, Ngô Lợi... Cảnh thần tiên bây giờ cũng là nơi hội tụ của các đạo giáo, “Tu phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi”. Phan Bội Châu và Tư Doãn đóng vai là những du khách vãn cảnh chùa chiền đi đến Tịnh Sơn Tự của nhà sư Trần Thị.

  Sớm hôm đó nhà sư đang ngồi uống trà chợt có chú tiểu vào báo:

-Dạ bẩm sư phụ có hai vị khách vãng lai muốn gặp sư phụ đang đợi ở sân chùa.

-Ta ra đây.

-Dạ.

  Sư Trần Thị bước ra chắp tay:

-Nam mô a di đà Phật, chào hai thí chủ.

Phan Bội Châu và Tư Doãn chắp tay cúi đầu:

-Nam mô a di đà Phật. Sư phụ là Trần Thị.

-Chính là bần tăng.

(Còn nữa)

CVL