Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 16

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 16.

-Kính thưa các quý vị, các vị đã biết rằng phong trào cứu nước theo phương pháp Cần Vương đã thất bại, một trong những lý do thất bại là vì không có sự lãnh đạo chung thống nhất các cuộc khởi nghĩa, thống nhất hành động. Cho nên nay chúng ta theo phương pháp mới là thành lập một tổ chức cách mạng để lãnh đạo thống nhất phong trào vũ trang bạo động đánh Pháp trong toàn quốc. Nay tôi tuyên bố thành lập một chính đảng gọi là Duy Tân hội. Những ai tán thành thành lập một chính đảng với tên gọi Duy Tân hội xin giơ tay biểu quyết.

               Tiểu La quan sát và nhẩm đếm, cả 20 người trong phòng họp đều giơ tay.

               Tiểu La nói tiếp:

               Cả 20 vị đều tán thành.

               Và ông nói tiếp:

               -Thưa quý vị, tôn chỉ mục đích của hội ta là đấu tranh vũ trang để đánh đuổi giặc Pháp. Sau khi giành độc lập thì thành lập nhà nước Quân chủ lập hiến, còn gọi là quân chủ nghị viện. Nhà nước này vẫn có vua để kế tục truyền thống dân tộc nhưng lại có nghị viện để thảo ra Hiến pháp, có Chính phủ do Thủ tướng đầu để tiến hành hành pháp, thực thi pháp luật. Có vua nhưng như vậy vẫn bảo đảm quyền dân chủ cho đồng bào. Thiết chế này ở đa số nước Phương Tây sau khi làm cách mạng xong đã lập như vương quốc Anh, Bỉ, Hà Lan, Lúc xem bua, ở châu Á thì có Nhật Bản. Thiết chế này vua là nguyên thủ quốc gia nhưng vẫn bảo đảm các quyền cho con người. Thiết chế này đã đưa các nước trên phát triển hùng cường như ngày nay.

               -Thứ ba, hội ta có nghĩa vụ lãnh đạo đồng bào toàn quốc giành chính quyền, cho nên phải xúc tiến phát triển lực lượng, như vậy cần rất nhiều tiền để mua sắm vũ khí. Muốn vậy, Hội phải được mọi tầng lớp đồng bào ủng hộ. Cho nên phải có một Minh chủ là dòng dõi hoàng tộc yêu nước và được toàn thể đồng bào kính trọng và ủng hộ. Tôi và ngài Phan Bội Châu nhà yêu nước hoạt động nổi tiếng của chúng ta và nhiều hội viên khác đã đề cử ngài Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm Minh chủ của hội. Kỳ Ngoại hầu Cường Để là cháu đích tôn 5 đời của Hoàng Thái tử Cảnh, con cả Hoàng đế Gia Long. Ngài Cường để đã có mấy năm tham gia quân Cần Vương của nghĩa quân Hương Khê Hà Tĩnh do Tiến sĩ  Đình Nguyên Phan Đình Phùng lãnh đạo. Xin kính mời ngài Kỳ Ngoại hầu đứng dậy để các hội viên thấy ngài.

               Kỳ Ngoại hầu Cường Để ngồi ngay ghế đầu đứng dậy cúi chào các đại biểu. Các đại biểu hài lòng vỗ tay nhẹ khi thấy một thanh niên khoảng 20 tuổi, mặc Âu phục, thắt ca la vát, mái tóc cắt ngắn gọn rẽ ngôi đen mướt bồng bềnh. Mọi người trong phòng họp cũng vội đứng dậy chắp tay và đồng thanh:

               -Kính chào vương gia, kính chào Minh chủ.

               -Hân hạnh, hân hạnh.

               -Đa tạ, đa tạ, xin các quý vị bình thân.

               -Đa tạ vương gia.

               -Đa tạ Minh chủ.

               Khi mọi người và Kỳ Ngoại hầu Cường Để ngồi xuống, Tiểu La nói tiếp:

               -Ngài Kỳ Ngoại hầu Cường Để đã tham gia phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng, khi phong trào thất bại ngài đã lui về Huế nhưng chí vẫn muốn hoạt động xông pha trên con đường cứu nước. Bây giờ đại biểu nào tán thành ngài Cường Để làm Minh chủ thì giơ tay.

               Tiểu La đưa mắt đếm và nói:

               -Tất cả đều tán thành.

               Tiểu La nói tiếp:

               Duy Tân hội là một Đảng cách mạng nên có Minh chủ thì cần phải có Chủ tịch hội và Tổng Thư ký Hội. Tôi đề cử ngài Phan Bội Châu làm Chủ tịch hội.

               Ở hàng cử tọa có một đại biểu giơ tay.

               -Ngài muốn đề cử thêm, xin kính mời.

               Đại biểu đó đứng lên và nói:

               -Tôi xin đề cử thêm ngài Tiểu La Nguyễn Thành.

               Tiểu La nói:

               -Xin đa tạ nhưng Chủ tịch hội là một công việc đi lại nhiều có khi phải đi nước ngoài để cầu viện. Các vị đã biết là hoàn cảnh của tôi đang rất khó khăn. Tôi đã tham gia quân Cần Vương, cho nên bây giờ mọi động tĩnh đều dưới sự giám sát của mật thám Pháp. Các vị vào đây ban đêm nên chưa thấy chung quanh trang viên của tôi rất nhiều mật thám Pháp. Xin quý vị thông cảm cho.

               Ở dưới có tiếng bàn luận:

               -Tiểu La nói cũng phải, nếu Chủ tịch mà bị bắt thì thiệt hại lớn cho phong trào, thôi để ngài Phan Bội Châu là tốt nhất.

               Tiểu La hỏi:

               -Những ai đồng ý Phan Bội Châu là Chủ tịch hội xin giơ tay.

               Tiểu La đưa mắt nhìn và nói:

               -Tất cả đồng ý. Mời ngài Phan Bội Châu đứng dậy cho mọi người làm quen. Nhiều người đã biết nhưng còn nhiều người mới chỉ nghe nói mà thôi.

               Phan Bội Châu đứng dậy chắp tay cúi đầu đáp lễ. Đó là một người tầm thước khoảng 40 tuổi, đầu đội khăn đen càng làm cho khuôn mặt vuông vức cương nghị, mắt sáng, áo dài đen, quần trắng. Phan Bội Châu cúi chào nói:

               -Xin đa tạ các vị đã tín nhiệm tôi nhưng ngài Tiểu La nếu không giữ chức vụ gì thì Duy Tân hội sẽ rất khó khăn với thực lực và tài năng của ngài. Tôi đề nghị ngài Tiểu La giữ chức Tổng thư ký của Duy Tân hội. Chức vụ này phát huy được thực lực và tài năng của ngài mà ít đi lại tránh được tai mắt của bọn mật thám. Xin mời các quý vị biểu quyết Tổng thư ký Duy Tân hội là ngài Tiểu La Nguyễn Thành.

               Cả 20 người trong hội trường giơ tay. Phan Bội Châu nói:

               -Tất cả các quý vị đã đồng ý.

               Tiểu La đứng dậy chắp tay nói:

               -Xin đã tạ quý vị đã tín nhiệm. Bây giờ xin mời ngài Chủ tịch Phan Bội Châu điều hành Đại hội.

               Phan Bội Châu nói:

               -Cấu trúc Duy Tân hội của chúng ta bên trên là Tổng hội gồm Minh chủ, Chủ tịch và Tổng thư ký, dưới là Kỳ Hội, chúng ta có ba kỳ hội Bắc Trung Nam. Kỳ hội gồm Chủ tịch, phó Chủ tịch và Tổng thư ký. Chúng tôi chỉ định Kỳ hội Nam Kỳ là Chí sĩ Trần Chánh Chiếu, nhà sư Trần Nhật Thị và Nguyễn Anh. Phụ trách Kỳ hội Trung Kỳ là ngài ngài Đặng Thái Thân, Hồ Học Lãm, Tăng Bạt Hổ. Phụ trách Kỳ hội Bắc Kỳ là ngài Nguyễn Văn Đảng, Hoàng Đình Tuân. Các Chủ tịch hội các Kỳ hội về tổ chức Đại hội và bầu ra Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Tổng thư ký. Cấp dưới Kỳ hội là Tỉnh hội. Tổ chức Tỉnh hội cũng gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và Tổng thư ký. Các Kỳ hội có nhiệm vụ thành lập và tổ chức các Tỉnh hội. Tất cả hội viên của Duy Tân hội có nghĩa vụ đóng Hội phí và hô hào đồng bào ủng hộ để lấy kinh phí cho hội hoạt động.

               -Thưa các quý vị, Duy Tân hội là một đảng cách mạng, là một tổ chức bí mật, cho nên khi ra ngoài nghiêm cấm hội viên dùng chữ Đảng hay chữ hội, không được gọi ngài Cường Để là Minh chủ mà chỉ gọi là ông chủ, không được gọi là Chủ tịch và Tổng thư ký mà cũng gọi là ông chủ, điều này áp dụng cho cả ở các Kỳ hội và các Tỉnh hội. Các thành viên của hội chỉ gọi là huynh đệ, anh em.

               -Chúng ta phải triển khai các hoạt động của hội chủ yếu gồm ba trọng tâm:

               -Thứ nhất, mở rộng hoạt động của Hội, muốn vậy phải nhanh chóng kết nạp những hội viên mới. Thứ hai, phải lo đủ tài chính, các tài liệu để tuyên truyền phát triển lực lượng tiến tới vũ trang bạo động trên toàn quốc. Thứ ba, xác định phương châm ra nước ngoài để cầu viện. Hướng tới có thể cầu viện Nhật Bản là nước hùng cường ở Á Châu, lại là nước đồng chủng đồng văn với ta, có thể giúp ta đánh Pháp.

               -Hai vấn đề trên giao cho tất cả các hội viên của Hội phải làm. Còn vấn đề thứ ba giao cho ngài Cường Để, ngài Tiểu La và ngài Phan Bội Châu bàn bạc tiến hành.

               -Thưa các quý vị, vấn đề tổ chức phát triển lực lượng và vấn đề tài chính Duy Tân hội có thể giải quyết, nhưng khó khăn nhất là vấn đề vũ khí. Nước Anh đã làm cách mạng từ 1640, nước Mỹ làm cách mạng từ 1776, nước Pháp làm cách mạng từ 1789. Nhìn chung các nước tư bản Âu-Mỹ đã làm cách mạng chính trị từ thế kỷ XVI như Hà Lan, Bỉ Lúc xem bua, còn đa số từ thế kỷ XVIII và XIX, Nhật Bản làm cách mạng từ 1868.

              (Còn nữa)

                CVL