Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 35 (Hết)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.    

Kỳ 35.

  Về phần Phan Bội Châu, sau khi chia tay Đặng Đình Điền, lòng càng thấy buồn mênh mông. Cụ giết thời gian bằng cách hay chèo thuyền đi sông Hương và đọc báo hàng ngày. Đọc báo Phan Bội Châu biết được tháng 6 năm 1925, Pháp đã đưa Phan Chu Trinh về Việt Nam. Phan Chu Trinh vẫn say sưa học thuyết “Pháp Việt đề huề” như xưa và đi diễn thuyết nhiều nơi Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn. Sau đó không lâu, ngày 26 tháng 3 năm 1926 báo đăng tin Phan Chu Trinh đã mất. Cả nước lại dấy lên một phong trào sâu rộng để tang Phan Chu Trinh để tỏ lòng thương yêu kính trọng người cả đời đi tìm đường cứu nước[A1] , cũng là để biểu hiện tinh thần yêu nước của dân tộc. Nghe tin Phan Chu Trinh mất, Phan Bội Châu buồn bả ngồi nhớ lại những kỷ niệm với Phan Chu Trinh, những lần tranh luận về hai con đường bạo lực và ôn hòa. Cuối cùng cả hai đều thất bại. Đúng là trăm con đường chết không tìm ra được một con đường sống.

Rồi tin buồn lại đến, tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, dù thời cuộc tình thế chưa đến nhưng đã phát động cuộc khởi nghĩa Yên Bái với tư tưởng và ý chí “Sát thân thành Nhân”, “Không thành công cũng thành nhân” và Khởi nghĩa Yên Bái đã bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, Việt Nam Quốc Dân Đảng bị tiêu diệt, 12 lãnh tụ chủ chốt của đảng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, Đặng Đình Điền...đã anh dũng hy sinh dưới lưỡi giao, họng súng tàn bạo của quân thù, trong đó có cả những  liệt nữ như Nguyễn Thị Giang, Tổng Thư ký đảng, phu nhân của Nguyễn Thái Học đã tự sát, Nguyễn Thị Bắc, em Nguyễn Thị Giang bị đày đi côn đảo. Ông coi thất bại của Việt Nam Quốc Dân Đảng không chỉ là thất bại của dân tộc mà là thất bại của chính ông. Ông là Chủ tịch danh dự của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Phan Bội Châu ngồi viết bài “Văn tế” Nguyễn Thái Học mà lệ như mưa tràn xuống đôi mắt già nua, chan hòa giấy mực.

Có lẽ năm 1930 cũng chính trong tháng 2, ngoài nỗi buồn thì có một tin vui lớn đối với Phan Bội Châu và cho cả dân tộc. Đó là qua báo chí ông biết được Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương ở Hương Cảng. Đảng được tổ chức chặt chẽ ở khắp ba kỳ, từ Trung ương xuống đến cơ sở khắp Việt Nam. Đảng bén rễ trong quân chúng, giác ngộ, tổ chức công nông là giai cấp đông đảo nhất của nhân dân Việt Nam, lại còn đoàn kết với các giai cấp khác để dùng sức mạnh toàn dân, khi thời cơ đến sẽ dùng bạo lực lật đổi kẻ thù. Kẻ thù mà Đảng Cộng sản đánh đổ là cả thực dân phong kiến vì hai kẻ thù này đã cấu kết chặt chẽ với nhau để thống trị và bóc lột đàn áp nhân dân. Chỉ đánh đổ Pháp mà không đánh đổ phong kiến hay ngược lại chỉ đánh đổ phong kiến mà không đánh Pháp thì cách mạng không thể thắng lợi. Bạo lực của cách mạng là lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của nhân dân được tổ chức, tạo nên sức mạnh như bão táp mà kẻ thù không thể đương đầu nổi. Càng nghĩ, Phan Bội Châu càng khâm phục Nguyễn Ái Quốc, người cháu, người đồng hương lỗi lạc, đúng là “Hậu sinh Khả úy”. Phan Bội Châu thấy yên tâm và vui mừng, con đường cứu nước mà ông và Phan Chu Trinh theo đuổi suốt đời đã có người kế tục với con đường và chủ trương đúng đắn nhất định sẽ thành công. Vấn đề còn lại là thời cơ và thời gian.

Thế rồi năm 1930-1931, Phan Bội Châu được đọc và nghe về cuộc nổi dậy của quê hương ông mà báo chí gọi là “Xô Viết Nghệ-Tĩnh” do chính Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo. Ông được chứng kiến sức mạnh vĩ đại của công-nông và sự tàn bạo khủng khiếp của quân thù. Năm 1936-1939, Phan Bội Châu còn được nghe và đọc về Phong trào “Dân chủ Đông Dương”cũng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ông nghe nói đó là hai cuộc Tổng Diễn tập để tổ chức quần chúng lao khổ, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa khi có thời cơ.

 

                          *         *

                             *   

Năm 1936, Phan Nghi Huynh, con trai cả của Phan Bội Châu với bà Thái Thị Huyên vào Huế, khóc với Phan Bội Châu:                                                                                        

-Thưa cha, ngày 1 tháng 4 năm Bính Tý (21-5-1936) mẹ Thái  Thị Huyên đã từ trần, thọ 70 tuổi.

     Phan Bội Châu đau buồn đứng lặng, nước mắt tuôn rơi và nói với con:

-Con à, năm 23 tuổi mẹ mầy kết duyên với ta, hết lòng trọn đạo làm dâu nhà họ Phan. Nhà chồng nghèo, cha chồng ốm đau, một tay bà tần tảo bán buôn, lo liệu vun quén giúp chồng nuôi chí lớn. Bạn chồng tới nhiều, bà vẫn cần cù chăm lo tiếp đãi. Chồng đỗ Giải nguyên, bà vẫn bình thản sống cuộc đời bình dị, chồng xuất dương cứu nước suốt mấy chục năm bà vò võ nuôi con.

 Phan Bội Châu chép về bà khi năm 1936 khi nghe tin bà mất bằng một câu đối bằng chữ Hán:

  Trấp niên dư cầm sắc bất tương văn, khổ vũ thê phong, chi ảnh vi phu, nhật hướng săn nhi huy nhiệt lệ

Cửu tuyền hạ băng thân như kiến vấn, di sơn diễn hải  hữu thùy tương, bá, Thiên cai lẫn hán bả không quyền .

        Tạm dịch:

Hai mươi năm đàn nhịp không hòa, gió thảm mưa sầu, lấy ảnh làm chồng, ngóng đàn con tuôn giọt lệ

Dưới chín suối bạn bè gặp hỏi, dời non lấp biển có ai giúp mợ, trời ghen thân lão nắm tay không.

        Phan Bội Châu khóc bằng câu đối quốc ngữ:

Tình cờ đáng khách năm châu, hơn 30 năm chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, nuốt đắng ngậm cay tròn đạo mẹ

Khen khéo giữ bến đức, gần 70 tuổi sống đau hơn thức, thôi về mau cho khỏe, đền công trả nợ nặng vai con.

Rồi Phan Bội Châu đã kể cho Phan Nghi Huynh công lao của bà: “Cha ta với Tiên Nghiêm (thầy của mẹ mày xưa) đều là Nho cũ rất nghiêm giữ đạo đức xưa. Mẹ mầy lớn hơn ta một tuổi. Hai ông đính thông gia với nhau khi con còn nên một. Tới năm mẹ mầy 23 tuổi (1888) về làm dâu nhà ta. Lúc ấy mẹ ta bỏ ta (mất) đã 8 năm, trong nhà duy có cha già và em gái bé. Ta vì sinh nhai bằng nghề dạy trẻ luôn năm ngồi ở quán phương xa, cái gánh sớm hôm gạo nước gởi vào trên vai mẹ mầy. Cha ta đối với con dâu rất nghiêm thiết nhưng không bao giờ có sắc giận với mẹ mầy. Cha ta hưởng thọ được 70 tuổi nhưng bệnh nặng từ những ngày 60. Liên miên trong khoảng 10 năm. Những công việc thuốc thang hầu hạ bên giường bệnh cho đến cái việc khó nhọc nặng nề mà người ta không thể làm, thảy thảy mẹ mầy gánh cả. Kể việc về thờ ông gia, như mẹ mầy là một việc hiếm có.

Tới ngày ta bị bắt về nước, mẹ mầy được gặp một lần ở thành tỉnh Nghệ An hơn nửa tiếng đồng hồ chỉ có một câu nói: “Vợ chồng ly biệt nhau hơn 20 năm, nay được một lần giáp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ đây về sau chỉ trông mong thầy giỏi được làm thầy như xưa, thầy làm những việc gì mặc thầy, thầy không phiền nghĩ tới vợ con”.

Hỡi ôi, câu nói này bây giờ còn phảng phất bên tai ta... Mẹ mầy thật chẳng phụ ta, ta phụ mẹ mầy công nhi vong tư (Lo việc chung mà quên việc riêng). Chắc mẹ mầy lượng thứ cho ta chứ...”.

Vào năm 1940, Phan Bội Châu đau ốm liên miên, bạn bè chỉ còn cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh kêu gọi chí sĩ, đồng bào quyên góp giúp cụ Phan trong những ngày già yếu bệnh tật. Cụ Huỳnh viết Điếu văn trước và đọc đoạn kết cho Phan Bội Châu nghe. Nghe xong, Phan Bội Châu đang mê man tỉnh lại được một tuần. Ngày 29-10 năm 1940 cụ Phan Bội Châu tạ thế, thọ 73 tuổi. Đồng bào cả nước đau đớn xót thương. Báo “Tiếng Dân" đã lấy ngày mất của Phan Chu Trinh làm ngày nghỉ hàng năm (24-3-1926), nay lại thêm một ngày nghỉ nữa, ngày mất của Phan Bội Châu.

(HẾT)

CVL