Phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL

Sáng ngày 10/03, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án "Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh" (GIC) tại TP. Cần Thơ. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng nhân rộng các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong ngành lúa gạo và xoài tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
img-0763-1741575230.jpeg

Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng; Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ; Đại diện Đại sứ quán Đức; Giám đốc quốc gia GIZ; Phó giám đốc quốc gia GIZ kiêm Điều phối viên Cụm các dự án Môi trường, nông nghiệp và khí hậu; Giám đốc dự án GIC Việt Nam; Đại diện các Bộ, Ngành liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Đại diện 06 tỉnh, thành phố tham gia Dự án: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang: Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; Ban Quản lý dự án GIC/ Sở Nông nghiệp và PTNT/ Chi cục phát triển nông thôn/ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật/ Trung tâm Khuyến nông; Đại diện HTX trong Dự án; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục Phát triển nông thôn 07 tỉnh: Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre; Các tổ chức quốc tế, tổ chức nghiên cứu và các thành phần khác: Đại diện một số doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo và trái cây; Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam; Hiệp hội rau quả Việt Nam; Trường đại học Cần Thơ; Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; Trường đại học An Giang; Trường đại học Kiên Giang; Trường đại học Nông Lâm TP.HCM và đại diện các cơ quan Báo chí, đài phát thanh truyền hình.

img-0760-1741575308.jpeg

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng cùng các vị khác quốc tế tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Văn Hưng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cám ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ giúp đỡ Chính phủ CHLB Đức, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ, các chuyên gia Đức đã liên tục triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt Dự án “Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh”.  Đồng thời, vị đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã biểu dương và ghi nhận nỗ lực của các ban ngành ở các địa phương đã phối hợp, cộng tác trong suốt quá trình thực hiện dự án.

img-0771-1741581590.jpeg

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng phát biểu tại hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng, sau 4 năm triển khai dự án “Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh” cho thấy mục tiêu và nội dung hoàn toàn phù hợp với ưu tiên của Chính phủ Việt Nam; Các hoạt động thử nghiệm đổi mới sáng tạo trong ngành lúa gạo và xoài, như: canh tác lúa bền vững (SRP), giám sát dư lượng hóa chất (MRL), áp dụng quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm phát thải trong canh tác lúa gạo, quản trị, chế biến rơm rạ và trấu, nhân rộng lớp học kinh doanh nông dân (FBS), thúc đẩy nâng cao năng lực cho các HTX, kỹ thuật thu hái, bảo quản và kết nối thị trường đối với 2 sản phẩm lúa gạo và xoài đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường rõ nét; bước đầu đóng góp trực tiếp cho việc thực hiện các chủ trương và chính sách phát triển của ngành nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là tiền đề trong việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Theo đó, Dự án đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc triển khai 10 giải pháp tiên tiến dành cho nông hộ, bao gồm 6 giải pháp cho chuỗi giá trị lúa gạo: (1) Canh tác Lúa gạo Bền vững (SRP), (2) Phương pháp canh tác tưới nước ngập & khô xen kẽ (AWD), (3) Quản lý Mức Tồn dư Hóa chất Tối đa (MRL) và Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), (4) Mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên tôm – lúa, (5) Quản lý rơm rạ, (6) Lớp học kinh doanh cho nông dân (FBS), và 4 giải pháp cho chuỗi xoài: (1) Kỹ thuật tỉa cành tạo tán cho cây xoài, (2) Quản lý dinh dưỡng trong đất, (3) Tưới tiêu bền vững, (4) Quản lý Mức Tồn dư Hóa chất Tối đa (MRL) và Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Không chỉ dừng lại ở cấp nông hộ, dự án cũng đã xác định các giải pháp đổi mới cho các hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm Quản lý kinh doanh cho hợp tác xã (gạo), Canh tác theo hợp đồng (gạo), Cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ nông nghiệp (gạo), Kinh doanh sản phẩm thương hiệu (gạo và xoài), Quản lý thất thoát sau thu hoạch (xoài). Những đổi mới này giúp nâng cao năng suất, giảm tác động môi trường và tăng tính bền vững cho sản xuất nông nghiệp.

Số liệu từ các kỳ đánh giá Dự án GIC chỉ ra rằng, đến hết năm 2024, đã có hơn 20.000 nông dân được tiếp cận các kiến thức về đổi mới sáng tạo, những công nghệ và thực hành khác nhau trong canh tác lúa và xoài. Một số chỉ tiêu Dự án tiến hành đánh giá trên mô hình sản xuất lúa cho thấy: Lượng nước tiêu thụ giảm 28%. Lượng phân bón hóa học giảm 8,6%. Lượng phát thải khí nhà kính giảm 63% so với kịch bản sử dụng phương thức sản xuất truyền thống. Số hộ trồng lúa đạt yêu cầu về giới hạn dư lượng tối đa thuốc BVTV theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu tăng 21%. Kết quả đánh giá cũng chỉ ra rằng, những hộ áp dụng một số ĐMST mà dự án thúc đẩy như FBS và SRP thu được lợi nhuận trung bình cao hơn khoảng 8-11% so với những hộ không áp dụng.  Đối với mô hình xoài: Lượng phân bón hóa học giảm 25%. Thời gian bảo quản tăng 500% (từ 7 ngày lên 35 ngày). Năng suất tăng 29%. Thu nhập bình quân tăng 20%.

img-0772-1741581731.jpeg

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường  tặng Kỷ niệm chương tri ân bà Sonja Esche, Giám đốc Dự án GIC, Trưởng nhóm nông nghiệp, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ.

Dự án cũng đã thu hút sự tham gia của 294 hợp tác xã cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở trong chuỗi giá trị, hỗ trợ công tác quản trị và kinh doanh của 91 hợp tác xã lúa gạo và 39 DNVVN chuỗi xoài, hỗ trợ thử nghiệm 43 mô hình canh tác theo phương thức đổi mới sáng tạo cho hiệu quả kinh tế cao hơn, phát thải thấp hơn so với các mô hình áp dụng phương thức truyền thống. Số liệu cũng cho thấy 85% DNVVN cải thiện ít nhất 3/5 chỉ số kinh doanh chính, 307 việc làm được tạo mới, trong đó có 174 việc làm dành cho nữ lao động (57%), và 178 việc làm dành cho thanh niên (58%). Những kết quả đó khẳng định Dự án GIC đã hoàn thành tốt, thậm chí nhiều chỉ tiêu đã vượt so với kế hoạch ban đầu đề ra.

"Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá những bài học kinh nghiệm cùng các đổi mới sáng tạo đã thực hiện từ Dự án GIC sẽ là những công cụ, giải pháp hữu ích thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam, phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần thực hiện tốt cam kết mạnh mẽ của Việt Nam cùng cộng động quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước mắt, những kinh nghiệm từ Dự án sẽ có đóng góp thiết thực cho việc triển khai thực hiện các Đề án quan trọng của ngành nông nghiệp, đặc biệt là Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng ĐBSCL đến năm 2030…”, ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh. 

Để các nỗ lực triển khai, các đổi mới sáng tạo, thành tích đạt được của Dự án được phát huy hiệu quả hơn, tôi đề nghị Chính phủ CHLB Đức, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ ĐBSCL phát triển toàn diện và bền vững hơn trong tương lai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Dự án tiếp tục phát triển, nhân rộng các kết quả của Dự án một cách linh hoạt với tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng, tập trung vào một số nhiệm vụ chính sau đây:

Thứ nhất, Đề nghị Tổ chức GIZ phối hợp với Cục KTHT và PTNT, Cục Chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai các giải pháp nhằm số hóa các sản phẩm tri thức, kiến thức, kinh nghiệm của Dự án để nhiều cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận, tìm hiểu và học tập cũng như triển khai nhân rộng; tiếp tục nâng cấp, duy trì và vận hành ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo “lớp học kinh doanh”, quản trị hợp tác xã để thúc đẩy “chuyển đổi tư duy” cho người sản xuất và các tác nhân ngành nông nghiệp.

Thứ hai, Nghiên cứu, giới thiệu, ứng dụng và nhân rộng các tri thức, giải pháp kỹ thuật, các kết quả của Dự án trên địa bàn triển khai Đề án Phát triển 01 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp mà Bộ và các địa phương 12 tỉnh ĐBSCL đang phối hợp triển khai.

Thứ ba, Giao Vụ Hợp tác quốc tế tiếp tục phát huy các kiến thức, sản phẩm Dự án đế giới thiệu quảng bá sản phẩm lúa gạo Việt Nam và thúc đẩy hoạt động hợp tác Nam – Nam trong khuôn hổ hợp tác về an ninh lương thực và phát triển bền vững toàn cầu; chủ trì việc đánh giá, nghiệm thu kết thúc Dự án GIC và phối hợp với Tổ chức GIZ trong việc đề xuất, thiết kế các hoạt động hợp tác tiếp theo, trong đó quan tâm hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp và các chuỗi liên kết ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.

Thứ tư, Giao Vụ Tài chính hướng dẫn Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương tham gia dự án, đối tượng hưởng lợi thực hiện nghiêm túc các công việc đánh giá, bàn giao tài sản hình thành từ Dự án theo đúng quy định pháp luật, khai thác và sử dụng hiệu quả tài sản sau bàn giao.

Thứ năm, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh thành phố ĐBSCL tổ chức thực hiện tốt các khóa huấn luyện, đào tạo, khuyến nông, nhằm trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các chủ trang trại, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và nhu cầu thị trường trong nước và Quốc tế.