Ba Vì - Hà Nội: Những nỗ lực để trở thành huyện nông thôn mới

30/08/2022 12:45

Là huyện ở xa trung tâm thành phố, có 7/30 xã miền núi là nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Ba Vì đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2021, huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã. Trong năm 2022, Ba Vì đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới với những kế hoạch, giải pháp cụ thể, bứt phá để về đích.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, năm 2022, Ba Vì sẽ tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại của huyện nông thôn mới và có thêm 2-3 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Huyện đề xuất thành phố ưu tiên hỗ trợ kinh phí thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới và 3 xã nông thôn mới nâng cao với kinh phí còn thiếu là hơn 836 tỷ đồng; hỗ trợ hoàn thiện các tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hóa, đặc biệt là các trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn; sớm ban hành hướng dẫn chi tiết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và kiến nghị thành phố có chính sách mời gọi doanh nghiệp tham gia hỗ trợ và liên kết với Ba Vì từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực.

Tại cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” với huyện Ba Vì mới đây, các cơ quan chức năng của thành phố đã gợi mở nhiều vấn đề và cho rằng Ba Vì cần tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, đồng bộ; hình thành các cụm công nghiệp mới; nâng cấp các chợ dân sinh; đồng thời tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất theo nhu cầu thị trường, qua đó mở rộng vùng sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

0231-ba-vi-1670811616.jpg
Ba Vì - Hà Nội: Những nỗ lực để trở thành huyện nông thôn mới

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Ba Vì cần đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, phát huy thế mạnh về nguồn nước sạch, không khí sạch, đất sạch hình thành những vùng sản xuất chuyên canh giá trị cao.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu huyện Ba Vì cần đầu tư chỉnh trang đô thị, chú trọng phát triển du lịch xanh, nông nghiệp công nghệ cao…; đồng thời cho biết thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ một số huyện, trong đó có Ba Vì, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới.

Bước sang năm 2022, huyện Ba Vì tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện Nông thôn mới. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng các hợp tác xã, nhân rộng các làng nghề…Trong công tác xây dựng Nông thôn mới, xác định là mục tiêu lâu dài, bền vững, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng Nông thôn mới. Tích cực triển khai các chỉ tiêu, tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM. Đến nay Huyện có 2 chỉ tiêu đạt, 1 chỉ tiêu chưa đạt, 1 chỉ tiêu chưa đánh giá. Trong 9 tiêu chí huyện Nông thôn mới, đến tháng 6/2022 qua kết quả rà soát, có 4 tiêu chí đạt, 4 tiêu chí cơ bản đạt, 1 tiêu chí chưa đạt. Về 36 nội dung, có 22 nội dung đạt, 8 nội dung cơ bản đạt, 6 nội dung chưa đạt. 

ba-1670811928.jpg
Cơ sở hạ tầng huyện Ba Vì ngày càng khang trang

Đối với các xã NTM nâng cao, UBND huyện thường xuyên bám sát, hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần, đến nay xã Sơn Đà đã đạt 10 tiêu chí, 9 tiêu chí cơ bản đạt; xã Tản Hồng đạt 11 tiêu chí, 9 tiêu chí cơ bản đạt; xã Vạn Thắng 11 tiêu chí đạt, 8 tiêu chí cơ bản đạt. Kế hoạch trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM và chương trình OCOP, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phấn đấu đạt 2-4 xã nông thôn mới nâng cao, trong đó trọng tâm là các xã Sơn Đà, Vạn Thắng, Tản Hồng.

Tại Ba Vì sở hữu hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu. Nơi đây đồng bào dân tộc Dao sống dưới chân núi Ba Vì (huyện Ba Vì) đã bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam lâu đời đặc biệt tại thôn Yên Sơn, xã Ba Vì làng nghề thuốc nam đang là nghề truyền thống, trở thành kinh tế chủ lực, giúp bà con gia tăng thu nhập. 

Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Đơn vị cũng đã liên kết tiêu thụ dược liệu cho 10 gia đình khu vực quanh chân núi Ba Vì. Thuốc Nam của người Dao ở đây có tác dụng trong chữa trị rất nhiều bệnh từ xương khớp, gan, thận, dạ dày, thần kinh, răng miệng, thuốc tắm cho  phụ nữ sau sinh...". Theo giới thiệu của chị Lan, mảnh đất này, rất nhiều gia đình đều hiểu cặn kẽ, nắm bắt đặc tính, công dụng, tỷ lệ kết hợp, pha trộn các thảo dược để cho ra những bài thuốc quý chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.

Bà con người dao đang thu lá thuốc phơi khô trước khi đưa vào chế biến

Theo Phó chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, huyện Ba Vì đang tập trung phát triển kinh tế tập thể, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, phát huy những mô hình kinh tế trọng điểm. Song song với đó, Phối hợp với đơn vị tư vấn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đối với 30 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng để tổ chức đánh giá vào tháng 8/2022.

Trong mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, huyện tập trung bám sát bộ tiêu chí tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Thành phố. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc các tiêu chí huyện NTM, phấn đấu hoàn thành tiêu chí huyện NTM vào tháng 11/2022. Để nhiệm vụ phát triển kinh tế được ổn định bền vững, công tác quy hoạch vùng phải được triển khai, phấn đấu sẽ hoàn thành trong năm 2022 và hoàn thành cắm mốc điểm dân cư của 27 xã trên địa bàn huyện, tỷ lệ đô thị hóa thực hiện phấn đấu đạt theo đúng kế hoạch đề ra. 

---

BÀI VIẾT CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI

 

Văn Mạnh TH
Bạn đang đọc bài viết "Ba Vì - Hà Nội: Những nỗ lực để trở thành huyện nông thôn mới" tại chuyên mục Nông thôn mới. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309