Tiếp nối phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng từ những năm 60, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng phát triển hoa cây cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái, gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 35.000 ha đất chuyên canh hoa cây cảnh, phân bố đều ở cả hai miền (chưa tính diện tích trồng tại các hộ gia đình). Trong 10 năm (2005 - 2015), diện tích trồng hoa tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trên 60 triệu USD. Thu nhập trên mỗi ha tăng gấp 3 lần, với nhiều mô hình sản xuất đạt từ 800 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm tại các tỉnh thành như Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp...
Theo Viện Nghiên cứu Rau quả, nhu cầu thị trường về hoa cây cảnh tăng khoảng 15% mỗi năm trong 5 năm qua, tạo điều kiện cho phát triển hoa cây cảnh bài bản và thành hàng hóa lớn. Ngành sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD của nhóm ngành rau, hoa quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, cải thiện môi trường sống và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
PGS. TS. Đào Thế Anh cho rằng, Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc, có nhiều lợi thế để phát triển hoa cây cảnh nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm và quỹ đất lớn ở vùng trung du, miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Các địa phương như Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên, Lai Châu có điều kiện tốt để phát triển các trang trại hoa công nghiệp phục vụ nội địa và xuất khẩu.
Ông Trần Xuân Định, nghuyên Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, hoa cây cảnh là ngành hàng chủ lực trong tái cơ cấu ngành trồng trọt. Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, khí hậu và tay nghề khéo léo của người làm nghề, giúp phát triển ngành này. Sản xuất hoa cây cảnh không đòi hỏi quá nhiều về đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và dễ áp dụng công nghệ cao, cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng thông thường khác.
Ngành hoa cây cảnh đang được phát triển như một trong những ngành trồng trọt mũi nhọn. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận diện thế mạnh và tính hiệu quả của lĩnh vực này trong những năm gần đây. Các viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp... đã được đầu tư vào nhiều chương trình nghiên cứu chọn tạo giống hoa và các dự án về giống. Nhiều địa phương cũng chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học trong trồng hoa như hoa hồng, hoa ly, hoa đồng tiền, hoa cúc, đồng thời đầu tư trang bị nhà kính, nhà lưới, và nuôi cấy tế bào.
Tuy nhiên, ngành hoa cây cảnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Theo PGS. TS. Đặng Văn Đông, sản lượng và thu nhập từ hoa cây cảnh tăng, nhưng hoạt động xuất khẩu và kinh doanh vẫn manh mún, tự phát; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế và liên kết lỏng lẻo. Thị trường hoa cây cảnh cũng có những diễn biến phức tạp, như các ý kiến trái chiều về hoạt động kinh doanh hoa lan đột biến.
GS. TS. Nguyễn Quang Thạch cho rằng ngành hàng hoa cây cảnh chưa phát triển ổn định và bền vững theo chuỗi giá trị, chưa sản xuất theo yêu cầu thị trường về số lượng và chất lượng với giá cạnh tranh. Ngành cần phân tích yêu cầu thị trường, nghiên cứu xu hướng giá cả, và áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt GAP và công nghệ cao để nâng cao khả năng cạnh tranh.
GS. TS. Trần Duy Quý chỉ ra rằng ngành chưa có chính sách thuế phù hợp để thúc đẩy phát triển. Cần công nghệ sản xuất tiên tiến và chính sách hỗ trợ người trồng hoa. Hiện nay, phần lớn giống hoa đang được nhập không chính thức từ nước ngoài, gây khó khăn trong việc xuất khẩu do thiếu bản quyền.
PGS. TS. Đặng Văn Đông cho biết, về mục tiêu nghiên cứu hoa, ngành hoa cây cảnh cần đầu tư bài bản ngay từ con giống. Mục tiêu từ nay đến năm 2030 là tạo ra giống hoa cây cảnh trong nước, nhưng cần ít nhất 5 năm để đạt được.
Từ 2021 - 2025, ngành hoa cây cảnh đặt mục tiêu tạo ra 3 - 5 giống mới mỗi năm, công bố lưu hành 15 - 20 giống và hoàn thiện 5 - 7 quy trình kỹ thuật. Đến năm 2025, mở rộng diện tích lên 50.000 ha, giá trị sản lượng đạt 750 triệu đồng/ha/năm, và giá trị xuất khẩu đạt 150 - 200 triệu USD/năm. Để đạt được mục tiêu này, cần hoàn thiện chu trình từ nghiên cứu đến sản xuất, tăng cường hỗ trợ đầu tư xúc tiến thương mại. Ngành nông nghiệp cần mua bản quyền một số giống hoa có giá trị và liên kết với chuyên gia nước ngoài để tạo giống mới, ưu tiên các giống có yêu cầu kỹ thuật thấp. Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu, triển khai các trung tâm giao dịch và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất hoa cây cảnh xuất khẩu.