Ở vùng núi phía Bắc Việt Nam có "tứ đại đỉnh đèo" là Khau Phạ, Pha Đin, Ô Quy Hồ và Mã Pí Lèng. Tra cứu thì thấy Ô Quy Hồ tên chữ là 烏龜湖; trong cách gọi và cách viết ấy, "Quy" nghĩa là rùa; không thấy văn bản cổ nào biên là "Quý" cả; danh pháp bản đồ ta cũng gọi Ô Quy Hồ. Đèo Mã Pí Lèng là 馬鼻梁 (phiên âm Hán-Việt "mã tị lương") nghĩa là sống mũi con ngựa; văn bản xưa nay gọi Mã Pí Lèng. Còn “Mã Pì Lèng” chẳng rõ là ai phát âm chệch đi. (Nếu sai xin chỉ giùm, bác Nho sĩ Phạm Thức xem nhé).
Ai không sống ở Thế kỷ trước khó mà hình dung biên ải trập trùng Hà Giang. Cung đường Quốc lộ 4C từ thủ phủ tỉnh qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc lên biên cương phía Bắc toàn núi đá tai mèo dốc dựng. Phương tiện duy nhất đi bộ hoặc theo chân ngựa thồ. Từ phong kiến qua thực dân đến dân chủ cộng hòa đây vẫn là nơi quá vãng, chốn nương náu của giang hồ tứ chiếng, đầu trộm đuôi cướp, thổ phỉ, phiến quân thất trận dạt vòm từ bên kia biên giới sang. Có những lúc uy lực của chính quyền trung ương còn bị lấn lướt bởi các thổ ty, các vua Mèo tự xưng. Người Pháp đến đây năm 1900 cũng không làm gì hơn được cái "ổ đề kháng cuối cùng" này.
Năm 1959, Khu tự trị Việt Bắc được giao mở một con đường dài 184 km từ thị xã Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc. Vượt qua đỉnh Mã Pí Lèng là “chối tỷ” nhất, chỉ có thể treo người, quai búa, cắm chòòng đục vách đá… từng tấc trong suốt 7 năm (1959-1965). Đoạn cuối - Mã Pí Lèng cũng là đoạn gian nan nhất. Độ cao thì choáng, tình nguyện thì nhiều, khiến Ban chỉ huy phải khám sức khỏe ngặt nghèo; chỉ tuyển 30 thanh niên vào “Đội Cơ dũng" (cảm tử), thêm người nữa … không có chỗ đặt chân !.
Công trường đã trang bị tới 2 tấn dây thừng đặc dụng dùng để căng theo vách núi đá. Riêng đoạn này “Đội Cơ dũng” treo mình trên vách đá hàng ngày và hàng đêm suốt hơn 11 tháng. Cả quá trình thi công có 14 thanh niên xung phong đã hy sinh, nằm lại vĩnh viễn nơi miền đá lạnh.
Thành kính thắp nén nhang tri ân 14 tử sĩ linh thiêng trên đỉnh đèo gió hú.