Tham dự buổi lễ có GS.TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Tri, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn - Bộ NN&PTNT; TS. Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội; TS. Lê Thành Ý, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; GS.TS Nguyễn Tử Siêm, Cố vấn Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ông Mai Văn Thiết - Ủy viên BCH Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; TS. Trịnh Văn Tuấn - Chánh Văn phòng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, cùng đại diện một số cơ quan phối hợp, doanh nghiệp đối tác và bạn đọc thân thiết của Tạp chí.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã nêu bật vai trò của những nhà khoa học làm báo trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam 97 năm qua. Họ luôn có những đóng góp thầm lặng nhưng rất đỗi vẻ vang của đội ngũ những nhà khoa học Việt Nam làm báo. Trong đó, có những chuyên gia, nhà khoa học của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, đúng 10 năm trước, để đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, đóng góp về học thuật cũng như kịp thời phổ biến những mô hình tốt, cách làm hay, bài học kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thành lập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam trên cơ sở Bản tin PHANO làm cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, diễn đàn của những nhà khoa học, chuyên gia, trí thức nông nghiệp và là tiếng nói của giới Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn và những người hoạt động trong lĩnh vực Phát triển Nông thôn. Đồng thời, để đáp ứng những yêu cầu mới của hoạt động báo chí trong thời đại 4.0, ngày 26/01/2022 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương đã cấp phép Tạp chí điện tử Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - https://nongthonvaphattrien.vn bên cạnh Tạp chí in truyền thống.
"Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tạp chí điện tử và Tạp chí in đã kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng tin bài đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Bên cạnh những, Văn phòng đại diện đã có, Tạp chí đã mở thêm Văn phòng đại diện tại Khu vực miền Trung đặt tại TP. Đà Nẵng và Khu vực Tây Nguyên đặt tại tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, Tạp chí cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội tạo thành hệ sinh thái truyền thông phát triển nông thôn thiết thực hiệu quả với phương châm NHANH – TRÚNG – ĐÚNG – HAY được Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn – Bộ NN&PTNT đánh giá cao...", GS.TSKH Trần Duy Quý chia sẻ.
Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã nhấn mạnh, để có được diện mạo và sức phát triển của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tạp chí của Hội như hôm nay, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn tới các vị tiếbối sáng lập Hội và Tạp chí, tới đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên và người làm báo trong cơ quan qua các thời kỳ. Đặc biệt là những cống hiến to lớn của Nhà báo, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn.
Tại buổi Tọa đàm tri ân tưởng nhớ Nhà báo, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp đại diện cho các thể hệ học trò của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã khẳng định, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là nhà khoa học nông nghiệp uyên bác, người khai mở cách tiếp cận và nghiên cứu về hệ thống nông nghiệp; Người dẫn đầu trong nghiên cứu phát triển Nông thôn; Người có đóng góp quan trọng trong việc ra đời Nghị quyết Khóa 10 của Trung ương; Là cây đại thụ trong làng Tam Nông Việt Nam; Người kết nối và thúc đẩy hợp tác Quốc tế trong nông nghiệp…vv…
Ngoài ra, ông còn là một Nhà báo, Người làm báo luôn bênh vực Nông dân. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã viết hơn 200 bài viết đăng trên các tạp chí bằng tiếng Việt, 36 bài đăng trên các tạp chí bằng tiếng Anh, 58 bài đăng trên các tạp chí bằng tiếng Pháp và 5 bài trên các tạp chí bằng tiếng Nga. Chưa để đến hàng trăm bài nói, bài trả lời phỏng vấn các cơ quan thống báo chí trong và ngoài nước, cũng như gần 20 tác phẩm sách công bố các công trình nghiên cứu của ông.
TS. Nguyễn Văn Tri, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam bày tỏ những ấn tượng đặc biệt về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là một nhà khoa học nông nghiệp uyên bác luôn giản dị, chân thành với đồng chí, đồng nghiệp, nhưng trong nghiên cứu khoa học thì nghiêm túc, đề cao sự trung thực thẳng thắn và tinh thần cầu thị.
Nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam khẳng định, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là một tấm gương sáng về tinh thần lao động khoa học nghiêm túc mà mỗi cán bộ, hội viên Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tạp chí của Hội phải không ngừng học tập và noi theo.
GS.TS Nguyễn Tử Siêm, nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông - Bộ NN&PTNT, ký ức về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là ký ức về một người thầy uyên bác tại Học viện Nông lâm Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước.
"Thầy là người đầu tiên nhận bằng Phó Tiến sĩ Nông học (nay là Tiến sĩ Nông học) ở Liên Xô vào năm 1958 và cũng là giảng viên có học vị cao nhất của Học viện Nông lâm Hà Nội lúc bấy giờ. Môn "Sinh lý Thực vật" mới mẻ đã đành, cái cách lên lớp của thầy vừa chuẩn mực, vừa hàn lâm, vừa sinh động đã tạo nên một không khí thi đua học tập rèn luyện hấp dẫn khó cưỡng. Giảng đường im lặng, sinh viên chăm chú có thể nói không ai muốn bỏ qua một ý, nghe sót một lời. Nếu muốn nói "dạy ra dạy, học ra học" thì có lẽ đây là một ví dụ...", GS.TS Nguyễn Tử Siêm chia sẻ.
Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông còn đặc biệt ấn tượng về người thầy uyên bác của mình với tư cách nhà trí thức lớn trưởng thành trong một gia đình có truyền thống hiếu học có cha là học giả Đào Duy Anh, mẹ là nữ sĩ Trần Như Mân. Trong khoa học, ông là người khai mở cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu; Xây dựng nền móng cho các nghiên cứu hệ thống nông nghiệp; Người dẫn đầu trong nghiên cứu phát triển nông thôn và một nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước được tôn vinh danh giá.
Theo TS. Lê Thành Ý, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn coi vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta là cốt lõi của sự phát triển bền vững. Giáo sư là người sớm đề cập rằng, nếu công cuộc đổi mới dẫn đến sự phân hóa xã hội, tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thì sự phát triển sẽ không thực sự bền vững. Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân là ba vấn đề khác nhau,song nếu không cùng giải quyết một cách đồng bộ thì sự phát triển CNH - HĐH đất nước sẽ không vững vàng. Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn cũng là một trong những người quan tâm đến phát triển nông thôn với những nội hàm đầy đủ của nó, khi ông cho rằng, phát triển nông thôn là phát triển toàn diện cả khu vực, chứ không phải chỉ phát triển nông nghiệp. Thực tế ở nước ta, việc phát triển nông thôn thường tập trung vào nâng cao năng suất nông nghiệp, mang tính chất thuần túy kỹ thuật, chưa quan tâm đến sinh kế bền vững, còn nông dân lại là bộ phận yếu thế nhất trong các tầng lớp nhân dân.
Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng dành thời gian chia sẻ những kỷ niệm về những ngày tháng được làm việc, cộng tác cùng Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn. Ông cho rằng chính năm tháng này đã giúp ông học hỏi ở Giáo sư phương pháp nghiên cứu khoa học, cũng như hoạt động báo chí.
Cho đến tận bây giờ, ông Mai Văn Thiết - Ủy viên BCH Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam vẫn nhớ như in về những ngày tháng vinh dự được cùng Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn chuẩn bị cho việc ra đời Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và tờ Bản tin của Hội. Theo đó, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trăn trở về một tổ chức chuyên nghiên cứu và đề xuất chính sách về "phát triển nông thôn". Trong đó, Giáo sư đề xuất nhiệm vụ của tổ chức này phải chú trọng tìm kiếm giải pháp thúc đẩy kinh tế hộ phát triển bền vững, dân phải giàu; nông dân cần chế biến và xuất khẩu hiệu quả mới cao, vì xuất khẩu thô giá rẻ, nông dân thua thiệt. Ông Thiết cũng cho biết quá trình thành lập Hội và Tạp chí vô cùng gian nan, nhưng với sự quyết tâm cao độ của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn và cộng sự một tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm công tác phát triển nông thôn đã được thành lập cách đây 15 năm về trước.
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn Lê Đức Thịnh, Giáo sư Đào Thế Tuấn là một cây đại thụ, một người thầy cả trên lý thuyết và thực tiễn của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Giáo sư luôn căn dặn học trò, phát triển nông thôn không đơn thuần là câu chuyện phát triển kinh tế nông thôn, mà song song với đó là xã hội nông thôn.
"Trước khi mất, Giáo sư Đào Thế Tuấn còn trăn trở về sự yếu thế của người nông dân trong thực tế xã hội ta. Ông đã chỉ rõ nguyên nhân là do việc giải quyết giảm nghèo chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn bền vững, nguy cơ tài nghèo vẫn còn rất cao. Nông dân là một bộ phận ít được hưởng phúc lợi xã hội, nhất là về giáo dục, y tế. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những vấn đề xã hội nông thôn chưa được giải quyết một cách cơ bản như: bảo hiểm thiệt hại do thiên tại và thị trường, bảo hiểm xã hội. Ông cũng cho rằng, từ thực tế của các nước đi trước cho thấy, không thể chỉ giải quyết các vấn đề xã hội nông thôn bằng các biện pháp thị trường...", ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn Lê Đức Thịnh, Giáo sư Đào Thế Tuấn rất trăn trở về 7 vấn đề với người nông dân và đây cũng là món nợ mà trước khí mất ông chưa trả được họ. Đó là: (1) Thu nhập của họ còn quá thấp; (2) Giá đất nông nghiệp thấp (tức là tài sản duy nhất của họ định giá quá thấp và không được bảo vệ); (3) Ít được hưởng phúc lợi xã hội nhất so với các tầng lớp khác nhất là về giáo dục, y tế; (4) Sống trong điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm; (5) Đã nghèo lại luôn bị nạn hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành; (6) Thương mại không công bằng, người nông dân luôn bị ép giá; (7) Thiếu các phương tiện, công cụ để giảm và thoát nghèo như cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém, khó tiếp cận vốn, lao động trẻ khỏe xa rời nông nghiệp...
TS. Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tự hào về những tháng ngày được làm việc gần gũi phục vụ Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn. Kỷ niệm sâu sắc nhất với ông, chính là phương thức tiếp cận mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Giáo sư Đào Thế Tuấn là người tiên phong hướng dẫn, chỉ đạo và trực tiếp nghiên cứu. Với ông Bình, đây là quãng thời gian có nhiều ý nghĩa giúp ông trưởng thành, hình thành trong ông những cốt cách của một người làm khoa học chân chính.
Ông Bình tâm sự, từ những năm 80 của thế kỷ XX, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã là người đặt nền móng đưa vào Việt Nam tiếp cận phát triển nông nghiệp, không chỉ nhìn dưới góc độ công nghệ sinh học và kỹ thuật sản xuất, mà đặt công nghệ và kỹ thuật đó trong hệ sinh thái cụ thể. Và hơn nữa là một bối cảnh điều kiện kinh tế xã hội nông thôn cụ thể. Giáo sư đã phát triển ở Việt Nam việc tiếp cận phát triển nông nghiệp gắn với kinh tế xã hội nông thôn và nông dân trên địa bàn, là cơ sở nền tảng tư duy quan trọng mà ông sau này đã phát triển và đề xuất chính sách về Tam Nông.
"Cuộc đời Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, là một nhà khoa học, người làm chính sách, một nhà báo, một người thầy đầy sáng tạo, luôn tìm tòi những cái mới, luôn gắn nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn. Lịch sử Nông nghiệp Việt Nam khi có Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn tham gia, luôn có dấu ấn, sáng tạo và đóng góp quan trọng cả về chính sách, khoa học và tiếp cận mới. Những thành tựu đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự về phát triển Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn...", TS. Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.
Tại buổi Tọa đàm, BTC cũng đã giới thiệu cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn mang tựa đề: "Đào Thế Tuấn - Nhà khoa học Nông nghiệp uyên bác" do Nhà xuất bản Dân Trí và Bộ Nông nghiệp và PTNT mới ấn hành. Theo đó, cuốn sách quý nêu trên đã tập hợp những bài viết của hơn 40 nhà khoa học, nhà quản lý, học giả uy tín trong và ngoài nước đã có những bài viết xúc động về Nhà báo, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn. Cuốn sách mở đầu bằng bài viết giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và kết thúc bằng những trang viết xúc động của các học giả quốc tế.
Trong buổi lễ Tri ân người làm báo và Tọa đàm tưởng nhớ Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam đợt 1 cho 15 đồng chí sáng lập Hội, lãnh đạo Hội qua các thời kỳ và đại diện các cơ quan phối hợp vì đã có nhiều thành tích cho sự nghiệp phát triển Nông thôn và công tác Hội.
Cũng nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam cho 04 nhà báo của Chi hội Nhà báo Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam: Nhà báo Đào Thế Anh, Nhà báo Nguyễn Văn Bộ, Nhà báo Nguyễn Văn Tuất và Nhà báo Vương Xuân Nguyên vì đã có nhiều thành tích cho sự nghiệp báo chí Việt Nam.
Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi hội Nhà báo Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức Tri ân Người làm báo và Tọa đàm về Nhà báo, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn nhằm tri ân những cống hiến của những vị tiền bối sáng lập Hội với nền khoa học nước nhà, cũng như việc đặt nền móng cho Hội và Tạp chí phát triển trong hành trình 15 năm xây dựng và trưởng thành.
Đây là cơ hội giúp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang, những cống hiến to lớn cho khoa học nước nhà và đời sống vô cùng giản dị của một bậc trí giả yêu nước có tư duy khoa học hệ thống, tầm nhìn xa trông rộng, không ngừng học hỏi, luôn nhiệt huyết gần dân và khát vọng dân tộc chân chính như Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn. Đó cũng chính là hành trang để những người làm công tác Hội và Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam ngày càng vững vàng trên bước đường thiên lý hôm nay.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi lễ