Ngay từ tháng 1 năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghi quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (kt-xh). Cùng thời gian này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kt-xh và triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Ngoài ra, trước những biến động liên tục của kinh tế thế giới và kinh tế vĩ mô trong nước, tháng 9 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 15 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đã tận dụng tốt những thời điểm 'chín muồi' để tổng lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kt-xh, qua đó góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong tăng trưởng năm vừa qua.
Chúng ta thấy rằng việc thực hiện rất nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng thực sự đã đi vào cuộc sống và được thể hiện qua những con số thống kê khi năm 2022 kết thúc, với mức tăng trưởng GDP ở mức 8,02%, lạm phát ở mức 3,15%. Đặc biệt có sự phục hồi rõ nét trong các lĩnh vực như việc gia nhập và quay trở lại thị trường của các doanh nghiệp, những vấn đề liên quan đến tăng trưởng xuất nhập khẩu, những vấn đề liên quan đến thúc đẩy phục hồi ngành du lịch, hay việc mở ra những cơ hội ngày càng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài ."
2022 là một năm mà kinh tế toàn cầu đã thấm thía hơn về những cụm từ "bất định", "phức tạp", "khó lường". Chính vì vậy, năm 2023 đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng theo dõi, cập nhật các đánh giá và hành động nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng môi trường thuận lợi cho cải cách, phục hồi và phát triển.
"Để một nền kinh tế phát triển bền vững thì chúng ta phải có một khung khổ thể chế tốt.
Đặc biệt chính sách cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những rào cản liên quan tới điểm nghẽn trong thể chế hay vấn đề liên quan đến cơ chế thực thi về thủ tục hành chính để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thể sản xuất kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam theo tinh thần mà Thủ tướng đã chỉ đạo đó là tinh thần hai bên cùng thắng".
Báo cáo "Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023" của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố mới đây đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP đạt 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD. Kịch bản thứ hai tích cực hơn khi tăng trưởng GDP tăng 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD. Các mức tăng trưởng này khá cao so với mức dự báo tăng trưởng bình quân của thế giới là 2,2% mà báo cáo đưa ra.
Bước sang năm 2023 với dự báo nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển bởi khi bối cảnh càng phức tạp, khó khăn thì yêu cầu trao đổi, phối hợp và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế càng có ý nghĩa đặc biệt, mà Việt Nam hiện là thành viên quan trọng tại nhiều cơ chế chính thức và hợp tác nghiên cứu của khu vực Đông Nam Á và thế giới.