Hệ chim Việt Nam gồm 848 loài; trong đó, có 13 loài đặc hữu, 03 loài do con người du nhập,và 09 loài hiếm gặp và 01 loài đã tuyệt chủng. Bên cạnh số lượng đa dạng, số loài chim còn có thể gia tăng do loài mới được tiếp tục phát hiện. Đến nay, môi trường sống quan trọng của chim cư trú và chim di cư ở Việt Nam là các khu rừng thường xanh. Rừng đồng bằng là nơi sinh sống của nhiều loài chim có kích thước trung bình; rừng ở độ cao trên 1.000m là nơi cư ngụ của nhiều quần xã chim đa dạng. Các rừng ngập nước và đồng cỏ ướt trong các châu thổ thường là nơi cư trú của các loài chim nước lớn, cò,hạc, diệc, cốc …cũng như loài chim ăn thịt; những bãi bồi và dải cát dọc theo cửa sông, đảo ven biển là bến đỗ và cũng là nơi trú đông quan trọng của nhiều loài chim nước. Số lượng các loài chim Việt Nam phân bố không đồng đều theo các nhóm được phân loại.
Ngày nay, quần thể chim Việt Nam đang bị đe dọa bởi nguy cơ mất môi trường sống, đặc biệt nhiều khu rừng, bãi cỏ đã biến mất bởi sự gia tăng dân số thúc đẩy mạnh việc lấn chiếm đất nông nghiệp và đất xây dựng. Bên bên cạnh đó, nhu cầu và sở thích ăn thịt thú rừng dẫn đến săn bắn quá mức, đe dọa tuyệt chủng nhiều loài quy hiếm. Việt Nam đã có những nỗ lực trong bảo vệ sự đa dạng sinh thái thông qua các vùng chim đặc hữu và quan trọng, song thực trạng diễn ra cũng không mấy khả quan. Trước tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và thực thi các Hiệp định về Đối tác Đường bay của chim di cư, Bộ Tài nguyên và Môi trường(TN&MT) đã xây dựng Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim diễn biến phức tạp; số vụ việc phát hiện, xử lý còn ít và gặp khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện, truy bắt đối tượng có hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm chưa chặt chẽ và thiếu kịp thời.
Từ nguồn dữ liệu công khai trên phương tiện truyền thông, PanNature, một tổ chức phi lợi nhuận ngoài công lập, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã giúp cộng đồng có thể hình dung được mức độ phổ biến cũng như nhu cầu sử dụng các loài chim hoang dã ở các địa phương trong cả nước.
|
Các loài chim di cư ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp). |
Trong tổng số 164 nhà hàng, quán nhậu chim trời thu thập được, miền Bắc có 129 điểm, miền Trung 24 điểm….Trong đó, Hà Nội với 50 điểm, Hà Nam 15 và Bắc Ninh 14 là những nơi có mật độ lớn nhất. Số liệu ở các khu vực khác chưa phản ánh hết thực tế do những hạn chế về dữ liệu địa điểm công khai.
Việt Nam được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới đường bay của chim di cư và các loài chim đặc hữu toàn cầu với 63 vùng chim quan trọng và 7 vùng chim đặc hữu. Những vùng chim hoang dã, chim di cư như Vườn Quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định), Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau)… đã tạo nên những giá trị thiên nhiên phong phú. Trong khu vực Đông Dương hiện có 49 loài chim đặc hữu thì Việt Nam đã có 33 loài, trong đó, có 10 loài đặc biệt chỉ có ở Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều loài chim hoang dã, chim di cư đã được đưa vào danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều quy định về bảo tồn đa dạng sinh học và các giống loài động thực vật hoang dã đã được ban hành. Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo vệ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 64/2019/NĐ-CP, Thông tư số 04/2017/TT của Bộ NN&PT Nông thôn và Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim còn diễn biến phức tạp.
Trong xu hướng suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu, các loài chim Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm số lượng, thậm chí nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Việt Nam có 918 loài chim thuộc 24 bộ và 101 họ, trong đó có tới 109 loài cần được quan tâm bảo tồn, 11 loài cực kỳ nguy cấp, 19 loài nguy cấp, 28 sắp nguy cấp và 50 loài bị đe dọa.
Bên cạnh các nguyên nhân mất môi trường sống do con người chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác tài nguyên quá mức, ô nhiễm môi trường, v.v. một vấn nạn nổi cộm, nhức nhối diễn ra trong nhiều năm là việc săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã và chim di cư. Kết quả khảo sát người dân Việt tại nhiều địa phương do Công ty tư vấn chiến lược và điều tra thị trường GlobeScan và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) trong tháng 3/2020 cho thấy, 15% đã mua hoặc biết ai mua động vật hoang dã, trong đó mua bán chim sống đã lên đến 48%. Với độ phủ của Internet ngày càng rộng rãi, buôn bán chim trời và các loài động vật hoang dã nhộn nhịp và có phần ít bị kiểm soát. Người bán công khai sản phẩm từ tươi sống đến thành phẩm, thậm chí có cả video quá trình săn bắt hoặc giết mổ trên Facebook, Youtube, Zalo và những nền tảng Internet khác.
Các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và giống,loài động/thực vật hoang dã đã được ban hành. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho rằng, việc phát hiện, xử lý vi phạm về chim hoang dã vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những nguyên nhân chính là công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện, truy bắt, xử lý các đối tượng vi phạm chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời.
Nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt, tận diệt các loài chim hoang dã và chim di cư; chấm dứt ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, môi trường, an toàn sức khỏe con người và uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam. Theo đó, dự thảo Chỉ thị đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ban ngành và địa phương trong bảo tồn các loài chim hoang dã và di cư. Trong đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm rà soát, đề xuất để hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư; ban hành Danh mục và Hướng dẫn quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng chim hoang dã, chim di cư quan trọng; Phối hợp với các quốc gia và tổ chức quốc tế tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã,chim di cư và đường bay xuyên biên giới, bao gồm cả các vùng chim di cư quan trọng và điểm dừng chân của chúng tại Việt Nam; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện có hiệu quả; Bộ Công Thương triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý các hình thức kinh doanh trực tuyến đối với chim hoang dã, chim di cư và các công cụ bẫy, bắt như các loại lưới, bẫy, linh kiện lắp ráp súng tự chế, súng săn...;Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm các cấp tăng cường tuần tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, chim di cư trái pháp luật; đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý các vùng chim hoang dã và chim di cư quan trọng của Việt Nam; Tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh đối với việc sử dụng, tiêu thụ các loài chim hoang dã, chim di cư có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các đàn gia súc, gia cầm của người dân.
Từ những hoạt động thiết thực của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và trách nhiệm của các ngành chức năng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam hy vọng chim trời sẽ được quản lý theo khung khổ luật pháp để đảm bảo cho sự phát triển bền vững đất nước./.