Vai trò của chính quyền địa phương trong việc phát triển du lịch xanh

Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng: chính quyền địa phương luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia, trong bất kỳ chính thể nào thì chính quyền trung ương chỉ có thể đảm bảo thống nhất quản lý khi giành được sự tin tưởng, ủng hộ của chính quyền địa phương.
img-7314-1720312867.jpeg
Du khách chụp ảnh bên hồ sen thôn Đông, xã Phú Đa, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc)

Chính quyền địa phương ở Việt Nam là một bộ phận hợp thành của chính quyền nhà nước, thực hiện các chức năng quản lý và quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ của địa phương theo quy định của pháp luật, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhân dân địa phương với lợi ích chung của cả nước. Theo Hiến pháp năm 2013, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.[1] Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2019, Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[2]

Chính quyền địa phương có vai trò kép: là một bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước thống nhất, thay mặt Nhà nước thực thi quyền lực trên lãnh thổ địa phương; là cơ quan do Nhân dân địa phương bầu ra nên có tính tự chủ nhất định.

Chính quyền địa phương có nhiệm vụ: Tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn địa phương. Quyết định những vấn đề của địa phương trong phạm vi được phân công, phân cấp theo quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền. Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp dưới. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Với những vai trò và nhiệm vụ như vậy ở địa phương thì trong những năm gần đây chính quyền địa phương có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển du lịch xanh. Theo Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế (TIES) và Hiệp hội Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch xanh được hiểu là du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì cuộc sống của người dân địa phương một cách bền vững.
Thường gắn với 3 dòng sản phẩm du lịch chiến lược từ thế mạnh quốc gia: sinh thái-văn hóa và nông nghiệp-nông thôn, các nhóm sản phẩm này tương đồng trong khai thác khi gắn với môi trường tự nhiên và văn hóa, chú trọng các yếu tố Xanh (nguyên bản từ tự nhiên) - Sạch (bảo đảm về vệ sinh, an toàn) - Đẹp (đặc sắc về cảnh quan, kiến trúc). Được chú trọng gắn với phát triển bền vững, trở nên phổ biến từ năm 1987 và được LHQ chính thức đưa ra vào tháng 6/1992, du lịch xanh - từ một ngách khai thác thị trường phục vụ du khách ưa thích các điểm đến chưa chịu nhiều tác động của hiện đại hóa, công nghiệp hóa đã dần được chuẩn hóa gắn với du lịch bền vững.

Du lịch xanh được đặc biệt ưa thích chủ yếu trong thời gian gần đây, khi các vấn đề về suy thoái môi trường tự nhiên - văn hóa xã hội và biến đổi khí hậu... được chú ý và khiến thay đổi ý thức con người. Trong đó, nhóm khách tiềm năng đều thuộc các nước phát triển, cũng là nhóm quốc gia được ngành du lịch Việt Nam quan tâm đặc biệt với vai trò là thị trường chính, ổn định và có mức chi tiêu cao. Vì thế, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” đều coi phát triển du lịch xanh đồng nghĩa với phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững. Thế nhưng, hiện tại chưa có các chính sách hỗ trợ cụ thể riêng cho mảng du lịch này, khi các cơ chế, chính sách chủ yếu nằm trong nhóm hỗ trợ liên quan đến bảo tồn và phát triển rừng; đa dạng sinh học; biển và hải đảo; biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo, nông nghiệp tác động gián tiếp tới du lịch. Dù vậy, nhờ sự chung tay đồng lòng của cả cơ quan quản lý, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư và cả du khách, hành trình xanh hóa du lịch đã đạt được khá nhiều thành tựu. Ở cấp quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng được nhiều quy định, chương trình cụ thể về phát triển du lịch xanh - bền vững như bộ tiêu chí gắn với các nhãn hiệu, xây dựng được các chương trình du lịch quốc gia... Ở cấp địa phương, du lịch xanh trở thành các quan điểm, mục tiêu phát triển trong các kế hoạch, chiến lược cụ thể cần được ưu tiên hàng đầu, đồng thời được triển khai gắn với các định hướng, giải pháp về bảo vệ và có trách nhiệm với môi trường. Nhiều điểm đến đã phát triển được các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá theo hướng du lịch xanh: Đặt mục tiêu hiệu quả và bền vững, không chạy theo số lượng khách bằng mọi giá.

Cụ thể, chính quyền địa phương có thể thúc đẩy chuyển đổi xanh trong ngành du lịch thể hiện trên mấy điểm sau:

Thứ nhất, chính quyền địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu chi ngân sách nhà nước, chính quyền địa phương được trao quyền ngày càng lớn. đây là cơ sở để chính quyền địa phương đảm bảo cân đối được nguồn lực và chủ động hơn trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước cho phát triển du lịch ở địa phương nói chung và phát triển du lịch xanh nói riêng.

Thứ hai, thông qua việc phân bổ nguồn lực để phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương, trong đó đối với du lịch xanh thì bằng cách xây dựng các chương trình về văn hóa sống, lối sống xanh, và phát triển sản phẩm du lịch xanh.Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu du lịch và điểm du lịch. Đánh giá tiềm năng, phân tích thực trạng và khuyến nghị các giải pháp tạo đột phá trong phát triển du lịch xanh tại địa phương cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Thứ ba, chính quyền địa phương cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn lao động tại chỗ để trực tiếp cung cấp cho các doanh nghiệp du lịch hoặc định hướng người dân phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm du lịch để phục vụ cho chính các điểm du lịch xanh tại địa phương của mình. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng phải định hướng tư duy cho người dân trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Thứ tư, thông qua việc phát triển du lịch xanh trên địa bàn thì chính quyền địa phương đóng vai trò dẫn dắt, liên kết để phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là vai trò của các địa phương lớn trong các vùng kinh tế trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm phát huy lợi thế so sánh và cạnh trạnh đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch xanh trên toàn lãnh thổ.

 ​Tuy nhiên, việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có bước đột phá rõ rệt, dù đã có nhiều văn bản và hoạt động liên quan đến du lịch xanh và phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Chính quyền các địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng cũng như còn rất thụ động trong triển khai chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đảm bảo nguồn lực cho phát triển du lịch xanh còn nhiều hạn chế. Không phải địa phương nào cũng được thiên nhiên ưu đãi để có thể phát triển hiệu quả ngành du lịch theo hướng bền vững. Ngoài ra, phát triển du lịch xanh đòi hỏi phải có chiến lược đầu tư lâu dài và chưa thể nhìn thấy ngay được hiệu quả kinh tế, chính vì thế mà nhiều chính quyền địa phương để phát triển được kinh tế tại địa phương mình thì cũng không chọn hướng phát triển du lịch xanh. Một số địa phương có thể phát triển du lịch xanh thì lại chọn các hoạt động gần gũi với đời sống và dễ thực hiện hiệu quả bao gồm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn, cũng như vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch – chứ chưa phải là các hoạt động mang tính chiến lược và lâu dài. Bên cạnh đó thì đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu tổ chức thực hiện các chính sách về phát triển du lịch theo hướng bền vững tại nhiều địa phương còn mỏng, năng lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. 

Để thực hiện tốt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” gắn với phát huy đầy đủ vai trò, tính tích cực, chủ động của chính quyền địa phương thì trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm như sau:

Một là, quán triệt sâu sắc để tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch xanh tại “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” với các mục tiêu cụ thể.

Hai là, các địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch xanh cần chủ động xây dựng chương trình hành động, chiến lược và các đề án, kế hoạch phát triển du lịch của địa phương trong từng giai đoạn gắn với quy hoạch chung đã được phê duyệt của địa phương trong tổng thể quy hoạch của vùng và của quốc gia. Bố trí nguồn lực thoả đáng trên cơ sở phù hợp với tình hình ngân sách và kinh tế - xã hội của địa phương, tổ chức bộ máy và có các cơ chế phù hợp, khả thi để triển khai các chính sách, chương  trình hành động phát triển du lịch xanh của địa phương. Đẩy mạnh cơ chế huy động nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn.

Ba là, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách của địa phương để phát triển ngành du lịch - Để đạt được mục tiêu này, chính quyền địa phương cần hỗ trợ phát triển và xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện với khách du lịch.Tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp du lịch phát triển. tổ chức và vận hành có hiệu quả hệ thống cung ứng phân phối hàng hoá và các sản phẩm du lịch gắn với việc phát triển, xây dựng và bảo vệ các thương hiệu sản phẩm trong nước.

Bốn là, có chính sách cụ thể cho việc đào tạo và cơ cấu hợp lý nguồn lao động ở địa phương cho ngành du lịch, Hướng dẫn nhân dân và các hộ gia đình phát triển các sản phẩm du lịch, làm giàu chính đáng đồng thời cũng nâng cao ý thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh các khu, điểm du lịch.

Năm là, chọn ra một số các địa phương có lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch xanh để đầu tư trọng điểm, đóng vai trò là trung tâm kết nối, liên kết du lịch của vùng. Đồng thời, từ đó cũng rút ra các kinh nghiệm để các địa phương khác có thể học hỏi cùng phát triển.

Sáu là, cần xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển dịch vụ du lịch xanh gắn với chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới; gắn với quy hoạch PTDLX vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc và của cả nước, đồng thời quy hoạch phải tính đến yếu tố hội nhập quốc tế. Đồng thời, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế trong liên kết chuỗi dịch vụ du lịch xanh; cơ chế, chính sách hỗ trợ các thành phần tham gia trong hoạt động phát triển dịch vụ du lịch xanh như doanh nghiệp kinh doanh kinh doanh du lịch, cư dân địa phương, đội ngũ cán bộ làm du lịch,…

Bảy là, cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong thực hiện quy hoạch phát triển du lịch xanh để giải quyết những vấn đề có liên quan đến quản lý, phát triển du lịch như: đầu tư phát triển, xúc tiến quảng bá du lịch, khai thác và bảo vệtài nguyên - môi trường.

Tám là, chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn,..., coi đó là phương thức tiếp cận quan trọng để PT DLX ở tỉnh Vĩnh Phúc bởi một mặt sẽ tạo ra được những sản phẩm du lịch hấp dẫn như “homestay” trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của người dân nông thôn vùng Bắc Bộ, mặt khác sẽ tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia, điều hành du lịch, qua đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường du lịch, đảm bảo cho sự PTBV. 

Chín là, tổ chức huy động nguồn lực phục vụ đẩy mạnh phát triển du lịch xanh: nguồn lực về tài nguyên, vốn, lao động,...Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau. 

Mười là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch: ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn phục vụ tốt yêu cầu công tác. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch. 

Mười một là, tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động phát triển du lịch xanh: Tổ chức định kỳ, đột xuất các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh du lịch về việc thực hiện quy định của pháp luật trong kinh doanh khách sạn, nhà hàng và quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong kinh doanh,... nhằm kịp thời phát hiện và xử lý.