Vĩnh Phúc: Đưa nông sản sạch tới người tiêu dùng

Hiện nay, việc sử dụng thực phẩm sạch, nông sản an toàn đang là xu hướng được người tiêu dùng lựa chọn; các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh. Hướng đi này góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững cả về lượng và chất, đồng thời, tạo nên diện mạo sáng, xanh, sạch cho khu vực nông thôn.


 

img-8268-1723467094.jpeg
Công ty TNHH Sản xuất và Phân phối Nông sản sạch OFP, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc thực hiện biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ

Sau gần 10 năm trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nhận thấy sản xuất rau hữu cơ là hướng đi tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, tháng 5/2023, Công ty TNHH Sản xuất và Phân phối Nông sản sạch OFP, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc bắt đầu thực hiện biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cùng với hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ, công ty không sử dụng các hóa chất tổng hợp, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản hóa học... Nhờ đó, sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện các xét nghiệm về đất, nước, sản phẩm, các loại rau ăn lá, củ, quả, rau gia vị như su su, cải cúc, cải bó xôi, xà lách, rau lang, kinh giới, rau mùi, tía tô, húng quế... của công ty đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Hiện nay, ngoài liên kết tiêu thụ với Công ty cổ phần Thực phẩm Ngôi Sao Xanh, Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Phong, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nông sản, Thực phẩm Việt Nam (VAF), cung cấp cho hệ thống siêu thị AEON Mall, Co.opMart, MM Mega Market (Metro), công ty còn cung ứng các loại rau, củ, quả của nông trại rau organic OFP cho các trường học, cửa hàng rau sạch, hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện công ty đạt thu nhập gần 140 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 10 lao động; cung ứng ra thị trường trên 1 tấn rau, củ, quả an toàn/ ngày.

Là thợ cơ khí có tiếng ở đồng đất Yên Lạc, nhưng anh Phạm Văn Quỳnh, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc đã “rẽ lối” sang làm nông nghiệp sạch khi phát triển mô hình trồng nho Hạ đen và thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Chân Chính với mong muốn thuần hóa những giống cây trồng mới, lạ, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại quê nhà. Sau thời gian đi tìm hiểu, nghiên cứu nhiều mô hình tại các tỉnh, thành phố, năm 2019, anh Phạm Văn Quỳnh mạnh dạn đầu tư gần 2 tỷ đồng thu gom, cải tạo gần 1.000m2 đất nông nghiệp và trồng 2.000 gốc nho Hạ đen. Đây là giống nho “khó tính”, đòi hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cao, đặc biệt dị ứng với mưa, ngập, đất trũng. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, đây là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có ai thử nghiệm với giống cây này, anh quyết định đầu tư hệ thống nhà màng, có mái che hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bệnh; hệ thống tưới nước nhỏ giọt bảo đảm độ ẩm, cung cấp đồng đều chất dinh dưỡng cho cây nho.
Đồng thời, áp dụng quy trình trồng trọt theo hướng VietGAP, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Nhưng do kinh nghiệm chưa nhiều, kỹ thuật làm mái che chưa tốt khiến cây nho Hạ đen chịu tác động của mưa, nắng thất thường, không những ra quả ít mà sắp đến ngày thu hoạch còn thối, rụng khiến công ty thất thu đến 2 vụ liền . Không nản chí, anh Quỳnh vừa thuê thợ cải tạo, sửa chữa lại mái che vừa học hỏi thêm kỹ thuật, tiếp tục trồng, chăm sóc cây nho Hạ đen và tìm hiểu thêm một số giống cây trồng mới thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương về trồng.

Bên cạnh việc cung cấp nguồn nông sản an toàn tới người tiêu dùng, công ty đã tăng cường phối hợp, liên kết với các nông hộ để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nhằm đa dạng hóa các dịch vụ, trải nghiệm, cung cấp thêm nhiều nông sản an toàn tới người tiêu dùng. Hiện mỗi tuần, vườn nho của công ty thu hút hàng trăm du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.
 
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu của ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc khi ngày càng nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường. Để phát huy những kết quả đạt đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2573 phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, dần thay đổi tư duy của người sản xuất về sản xuất nông nghiệp sạch, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển, năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1930 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại; kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng... hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường. Triển khai thực hiện đề án, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai 6 mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ ở các xã: Vân Trục, Xuân Hòa, huyện Lập Thạch; Hồng Châu, huyện Yên Lạc; Cao Đại, huyện Vĩnh Tường; Đôn Nhân, huyện Sông Lô; Bồ Lý, huyện Tam Đảo… Đồng thời, hỗ trợ 200 ha sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ; hỗ trợ 400ha sản xuất rau, quả ăn lá theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng 10 - 20% so với sản xuất thông thường.

Với mục tiêu trồng rau hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích đất trồng trọt vào năm 2025 và 2% vào năm 2030, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tiến hành rà soát, lựa chọn cơ sở sản xuất tham gia mô hình là các đơn vị, tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư, điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, có khả năng tổ chức và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy trình kỹ thuật sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ; xây dựng các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để đánh giá, phát triển, nhân rộng; lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, có năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, có khả năng làm chủ khoa học, công nghệ, trình độ quản lý kinh tế ở các doanh nghiệp, hợp tác xã để phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với đó, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm ưu thế cạnh tranh trên thị trường; gắn xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kết hợp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm với các hoạt động văn hóa, du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.