Thực hiện Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 của Chính phủ, đến nay, tỉnh đã triển khai 8 chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn, gồm: Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; hỗ trợ sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa; triển khai mô hình IPM, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong trồng trọt; thu gom, xử lý vỏ bao bì đựng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; quản lý, bảo vệ rừng, ổn định tỷ lệ che phủ rừng 25%.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ triển khai 29 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 680 ha; 18 mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu hữu cơ; 5.000 ha sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ. Đồng thời, hỗ trợ triển khai mô hình chăn nuôi hữu cơ với quy mô 2.000 con gà tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, 200 con lợn tại xã Văn Quán, huyện Lập Thạch, mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ với quy mô 1.900 con lợn, hơn 3.000 con gà; hỗ trợ gần 280 tấn chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi, 420 tấn chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ; hỗ trợ thu gom, thiêu hủy hơn 20 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng 28 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Đánh giá hiệu quả chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Việt Xuân cho biết: “Các chương trình hỗ trợ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Việc tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn lợi giúp gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, tăng thu nhập của nông dân; đồng thời, đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững”.
Từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhận thức của doanh nghiệp, người nông dân đã có sự chuyển biến tích cực; phụ phẩm trong nông nghiệp đang dần trở thành nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị cao. Tuy nhiên, việc sử dụng, chế biến phụ phẩm nông nghiệp vẫn còn chưa đồng bộ, hiệu quả, chưa tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao. Một lượng đáng kể chưa được sử dụng hợp lý, thậm chí không được xử lý tốt gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, lãng phí nguồn tài nguyên trong khi nền nông nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về phân bón, thức ăn chăn nuôi.
Thực hiện Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 2,5 - 2,7%; 50% phụ phẩm từ trồng trọt được xử lý, tái chế sử dụng; 80% hộ gia đình, 100% trang trại ứng dụng công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi, tái sử dụng thành các nguyên liệu, nhiên liệu thân thiện với môi trường; 80% trang trại, 50% hợp tác xã nông nghiệp được tiếp cận với quy trình quản lý, tái chế sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp… Để đạt mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; tăng cường chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Cùng với đó, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; thực hiện lồng ghép cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vào các chính sách, dự án liên kết vùng, các chương trình, kế hoạch liên quan của tỉnh; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn.
Hiện nay, quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tạo ra một lượng phế, phụ phẩm rất lớn, ước tính lên tới 2 triệu tấn/năm. Trong đó có khoảng 300.000 tấn rơm rạ, 10.000 tấn vỏ trấu, 1,4 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 50.000 tấn chất thải rắn tại các luồng tiêu, trục tiêu… Phần lớn khối lượng phụ phẩm này chứa đựng nhiều dưỡng chất, có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ cho cây trồng; hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất hoặc làm chất đốt… Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều phụ phẩm nông nghiệp đã và đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tận dụng, trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp hay các lĩnh vực khác. Ðối với chất thải chăn nuôi, nhiều bà con cũng chủ động xử lý bằng sản phẩm vi sinh vật, công trình khí sinh học (biogas) để làm khí đốt tiết kiệm chi phí sinh hoạt và tận dụng triệt để bã thải để tái phục vụ sản xuất nông nghiệp của chính gia đình mình. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp, đơn vị như: Hợp tác xã Tài Yên, Hợp tác xã Môi trường và Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Anh Đăng, Hợp tác xã Dịch vụ môi trường xã Tân Phong… cũng đã tận dụng nguồn nguyên liệu tái tạo này để sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường. Với các phụ phẩm trong trồng trọt, nhiều trang trại và nông hộ cũng đang tận dụng để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi.
Được biết đến là xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa của tỉnh với quy mô chăn nuôi lên hơn 10.000 con, từ nhiều năm nay, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường đã và đang phải đối mặt với hệ lụy về ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi. Chung tay tìm lời giải cho bài toán xử lý ô nhiễm môi trường của địa phương, năm 2016, anh Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Môi trường và Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Anh Đăng đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua sắm máy móc công nghệ thực hiện thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi sản xuất phân hữu cơ. Trải qua không ít lần thử nghiệm thất bại và rút kinh nghiệm, đến năm 2018, quy trình sản xuất phân hữu cơ của Hợp tác xã Môi trường và Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Anh Đăng chính thức hoàn thiện. Từ đó đến nay, hợp tác xã duy trì thu mua và xử lý 20 - 25 tấn chất thải chăn nuôi/ngày; cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón và nguồn phân hữu cơ chất lượng cho nhiều trang trại, vườn trồng cây ăn quả trong và ngoài tỉnh. Chưa dừng lại ở đó, tháng 9/2023, anh Thảo quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại, thuê đất trồng cỏ, nhập bò sữa phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn với mong muốn tạo ra sự thay đổi tích cực, góp phần giải bài toán phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường ở địa phương. Anh Thảo cho biết: “Đàn bò sữa được chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, vừa giúp chân bò được bảo vệ, phân và nước tiểu bò thải ra được thấm hút sạch giảm ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, nguồn đệm lót sinh học này sẽ được hợp tác xã dùng để sản xuất thành các loại phân hữu cơ có giá trị dinh dưỡng cao, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp”.