Hướng tới mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2025 của tỉnh đạt 2 - 2,2%, ngành Nông nghiệp tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, chuỗi cung ứng.
Khai thác nông sản theo hướng đa giá trị, kết hợp phát triển du lịch sinh thái; đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đa giá trị.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm có chất lượng, lợi thế; tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Hiện nay, các địa phương đã đưa vào khai thác phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn với các sản phẩm như du lịch trải nghiệm vườn thanh long ruột đỏ tại các xã Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ (Lập Thạch); trải nghiệm thưởng thức đặc sản rau su su, trà hoa vàng của Tam Đảo; trải nghiệm các sản phẩm từ mật ong của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo; tham quan các làng nghề như làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn, mộc Thanh Lãng, gốm Hương Canh...
Với diện tích gần 2 ha, anh Trần Duy Đoan, xã Nhân Đạo (Sông Lô) đã trồng luân canh gối vụ các loại cây trồng như nho hạ đen, nho mẫu đơn và dưa lưới... tạo thành trang trại đa giá trị. Nơi đây không chỉ cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng mà còn trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích trải nghiệm hoạt động nông nghiệp.
Để tạo ra sản phẩm an toàn, anh Đoan đã đầu tư hệ thống giàn mái che, nước tưới tự động nhỏ giọt, phun sương; triển khai mô hình kết hợp tham quan, trải nghiệm tại vườn nho, vườn dưa; quảng bá hình ảnh nông sản lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo; đăng ký thiết lập định vị tìm kiếm nông trại nho sạch trên Google.map; số hóa các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP.
Mỗi năm, lợi nhuận thu về cho gia đình anh đạt gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, hằng năm, anh Đoan mở cửa nông trại từ tháng 5 - 7 và từ tháng 11 - 12 để du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Du khách đến trang trại không chỉ được tham quan, chụp ảnh giữa những giàn nho xanh mát mà còn được trực tiếp tham gia hái nho, tìm hiểu quy trình chăm sóc, chế biến sản phẩm. Đây là trải nghiệm thú vị, đặc biệt với những ai muốn khám phá cuộc sống nông thôn và tận hưởng không gian yên bình.
Là hộ tiên phong chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ông Năng Văn Hiệp, xã Bồ Lý (Tam Đảo) cho biết: Gia đình xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi 600 con lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín. Chất thải được xử lý bằng chế phẩm sinh học, tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng cung cấp thức ăn cho lợn, tạo vòng tuần hoàn trong sản xuất. Qua đó tạo ra sản phẩm an toàn, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn có vai trò tạo cảnh quan, cải thiện đa dạng sinh học, cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp trải qua nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có bởi thiên tai bất thường, dịch bệnh, đặc biệt là bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất. Vượt qua khó khăn, năm 2024, tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt mức tăng từ 1,5 - 1,6%; tổng giá trị sản xuất đạt gần 11.800 tỷ đồng, tăng 1,58% so với năm 2023.
Phát huy lợi thế tiểu vùng khí hậu khác nhau, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với yếu tố văn hóa, bản sắc địa phương; khuyến khích sử dụng công nghệ số, công nghệ xanh trong sản xuất, chế biến; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong nước, quốc tế, xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản; thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn.
Trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 21 mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ; phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt hữu cơ đảm bảo an toàn sinh học, theo hướng kinh tế tuần hoàn... cho hiệu quả kinh tế tăng 10 - 20% so với sản xuất thông thường.
Đến nay, tỉnh đã cấp 74 mã số vùng trồng tại các huyện, thành phố với tổng diện tích 215 ha; cơ giới hóa khâu làm đất bằng máy chiếm hơn 95%, thu hoạch lúa bằng máy đạt hơn 75% diện tích. Qua đó xây dựng thương hiệu sản phẩm, định vị giá trị nông sản ở thị trường khu vực, quốc tế.