382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Phóng viên (PV): Hà Nội đã đạt kết quả như thế nào trong xây dựng NTM, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chí. Ảnh: NGUYỄN KIỂM |
Ông Nguyễn Văn Chí: Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, đến nay Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và Sơn Tây. 382/382 xã đạt chuẩn NTM; 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM từ năm 2021 đến quý 3-2022 là 40.650,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 20.416 tỷ đồng (chiếm 50,22%). Ngoài ra, các quận đã chung tay hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí 414,7 tỷ đồng.
PV: Thưa ông, việc xây dựng NTM của Hà Nội có điểm gì khác biệt so với các địa phương khác?
Ông Nguyễn Văn Chí: Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” xác định rõ mục tiêu là xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị. Đây là điểm khác biệt lớn nhất trong xây dựng NTM của Hà Nội so với các địa phương khác.
Tiêu chí thu nhập bình quân đầu người là thách thức lớn
PV: Với đặc thù của Thủ đô, việc xây dựng NTM tại Hà Nội có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chí: Trước hết, nói về thuận lợi, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong triển khai thực hiện xây dựng NTM. Còn về thách thức, Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu về tiêu chí thì thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã NTM kiểu mẫu phải cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm công nhận xã đạt chuẩn NTM. Yêu cầu này là tương đối cao so với các xã. Năm 2021, các xã đạt NTM kiểu mẫu phải đạt từ 76,5 triệu đồng/người/năm trở lên; trong khi thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội chỉ đạt 54,07 triệu đồng/người/năm.
Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 gồm 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu, trong đó có 3 tiêu chí mới: Hành chính công, tiếp cận pháp luật, chất lượng môi trường sống. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Các yêu cầu của Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu còn cao hơn rất nhiều so với Bộ tiêu chí NTM nâng cao, đặc biệt là lĩnh vực về môi trường, an ninh trật tự. Yêu cầu bắt buộc để đạt xã NTM kiểu mẫu là phải có mô hình thôn thông minh, đây là khái niệm mới. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đang xây dựng hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ cho các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu còn hạn chế. Năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập của người dân bị giảm sút nên việc huy động, đóng góp của người dân cho xây dựng NTM giảm.
Một đoạn đường ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Song Phượng (Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: TRỌNG TÙNG |
Xây dựng nông thôn mới song song với xây dựng xã thành phường, huyện thành quận
PV: Để thực hiện xây dựng NTM hiệu quả, thực chất và bền vững, Hà Nội sẽ tập trung vào vấn đề gì trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chí: Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này, TP Hà Nội sẽ phải tiếp tục tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân. Cần ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Trong đó các xã cần xác định rõ lĩnh vực thế mạnh của địa phương để tập trung đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân, nhằm động viên nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân.
PV: Thưa ông, được biết Hà Nội đã có đề án xây dựng 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Việc thực hiện xây dựng NTM ở những huyện sẽ phát triển thành quận này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Chí: Mục tiêu xuyên suốt của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do vậy, Thành ủy Hà Nội xác định việc xây dựng NTM song song với việc xây dựng xã thành phường, huyện thành quận. Đối với 5 huyện phát triển thành quận theo lộ trình từ nay đến năm 2025, thực hiện song song hai bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, huyện NTM nâng cao và tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận. Trong đó, nếu cùng một chỉ tiêu thì yêu cầu của bộ tiêu chí nào cao hơn thì thực hiện, bảo đảm hiệu quả, tránh đầu tư lãng phí.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!