Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã, căn cứ trên cơ sở nguồn lực và mục tiêu đăng ký xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Theo báo cáo, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, như sau: Các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM; các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch, phong trào thi đua thực hiện ở nông thôn phù hợp, sát thực tế, gắn với với quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân.
Đồng thời, phong trào xây dựng khu dân cư xanh, sạch đẹp, an toàn, văn minh được nhân dân đồng tình tổ chức thực hiện; diện mạo nông thôn ở nhiều xã được đổi mới, văn minh hơn, xanh sạch hơn; cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập và điều kiện sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh trật tự nông thôn được giữ vững.
Song đó, nông nghiệp ở nông thôn có nhiều khởi sắc; các tiến bộ về khoa học kỹ thuật được nông dân áp dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Thành phố đã hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, tạo ra nông sản có chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Cụ thể hơn, số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn nâng cao đến cuối năm 2023: 01 xã (xã Lộc Thanh). Về kế hoạch trong năm 2024 đề nghị công nhận thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Lộc Châu, xã Lộc Nga, xã Đại Lào và xã ĐamBri) và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục (xã Lộc Thanh). Về thực hiện bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu: Đối với xã Lộc Thanh, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021 và đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023, khi rà soát với bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, xã đạt 17/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao; Xã ĐamBri: Đạt 14/19 tiêu chí; Xã Lộc Nga: Đạt 15/19 tiêu chí; Xã Lộc Châu: Đạt 16/19 tiêu chí; Xã Đại Lào: Đạt 14/19 tiêu chí.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế, tiến độ xây dựng nông thôn mới của các xã nhìn chung còn chậm, tỷ lệ các tiêu chí đạt được còn chưa cao. Một số tiêu chí tuy đã đạt nhưng chưa bền vững hoặc hiệu quả đạt được không cao như : Tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiêu chí Y tế, tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa…
Cơ cấu kinh tế của các xã chủ yếu vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp, chịu tác động của giá cả nông sản trên thị trường nên thu nhập của người dân vẫn chưa ổn định. Việc huy động sức đóng góp của nhân dân để thực hiện các tiêu chí theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” đã thực hiện khá tốt nhưng mới chỉ tập trung chủ yếu vào đường giao thông; các lĩnh vực khác như vỉa hè, chiếu sáng, văn hóa, giáo dục còn ở tỷ lệ thấp.
Bên cạnh đó, các xã vẫn có xu hướng tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng đúng mức đến các chương trình sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Một số địa bàn việc tổ chức triển khai các đề án, kế hoạch hiệu quả chưa cao.
Vệ sinh môi trường nông thôn, nhất là môi trường sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ô nhiễm do nông dân lạm dụng sử dụng các loại thuốc diệt cỏ và bảo vệ thực vật ngày càng ở mức độ nhiều hơn; ý thức trách nhiệm của người dân và cộng đồng về bảo vệ, giữ gìn môi trường chưa cao. Kinh phí đầu tư hàng năm từ ngân sách Nhà nước phân bổ cho địa phương để xây dựng NTM còn hạn chế.
Với mục tiêu chung của Chương trình MTQG năm 2024 là góp phần đưa các chủ trương, chính sách, định hướng, nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đi vào cuộc sống, tạo được sự thống nhất trong triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp thành phố, từ cấp thành phố đến cấp xã; góp phần chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”; phát huy được sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận và đồng lòng, cùng chung sức xây dựng chương trình, hoàn thành với kết quả tốt nhất mục đích chương trình đề ra.