Khách hàng thích thú khi được tham quan, trải nghiệm tại vườn nho của anh Trần Duy Đoan
Với xuất phát điểm là sinh viên Đại học Ngoại thương, có 2 năm du học tại Nhật Bản, nhiều người nghĩ Đoan sẽ tìm kiếm cho mình cơ hội làm việc ở thành phố lớn nhưng chàng trai này lại bắt đầu khởi nghiệp bằng một dự án nông nghiệp sinh thái kết hợp trải nghiệm.
Trong quá trình tìm hiểu, anh Đoan nhận thấy hình thức giáo dục thực tế kết hợp với du lịch trải nghiệm đang trở thành xu hướng tại các cơ sở giáo dục đào tạo; phong trào “rời phố” về quê vào các dịp lễ, tết, các kỳ nghỉ dài… được nhiều người hướng đến. Vì vậy, anh đã nảy ra ý tưởng trồng nho hạ đen kết hợp với du lịch và giáo dục trải nghiệm.
Tuy nhiên, khi trình bày ý tưởng khởi nghiệp, Đoan vấp phải sự phản đối kịch liệt của bố mẹ với lý do làm nông nghiệp rủi ro cao, chi phí lớn, cơ hội thành công thấp như “muối bỏ bể”, sinh viên ra trường bám trụ thành phố để lập nghiệp thì mình lại “bỏ phố" để về quê “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Anh phải thuyết phục mãi mới nhận được cái gật đầu của bố mẹ với cam kết đã triển khai phải thành công.
Được sự tiếp sức của gia đình, nhất là sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng và đổi mới sáng tạo tỉnh, anh Đoan đã xây dựng ý tưởng khởi nghiệp với dự án “Xây dựng mô hình vườn nho sinh thái kết hợp với giáo dục và du lịch trải nghiệm tại huyện Sông Lô”.
Để ý tưởng thành công, anh Đoan đã kết nối với một số chuyên gia về sư phạm nghiên cứu, phân tích và xác định nhu cầu hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong các nhà trường hiện nay; điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường; thiết kế, xây dựng các mô hình trải nghiệm phù hợp với từng cấp học; hợp tác với các cơ sở giáo dục phát triển nông trại theo hướng du lịch học tập; xây dựng các chương trình đem đến tư liệu học tập bổ ích cho học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm, học tập. Đồng thời, đầu tư hệ thống giàn mái che, nước tưới tự động nhỏ giọt, phun sương. Tháng 4/2021, anh bắt đầu gieo trồng 1.400 gốc nho hạ đen trên diện tích 4.000m2.
Thời kỳ đầu chăm sóc giống nho này rất vất vả, bởi hạ đen là giống nho “khó tính”. Để bảo đảm cây sinh trưởng tốt, anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu từng đặc tính của cây, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc; xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động, cung cấp dinh dưỡng đến từng gốc cây. Để nho cho chất lượng quả tốt, anh áp dụng quy trình sản xuất theo phương pháp hữu cơ; thường xuyên cắt tỉa, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; khi ra quả non phải tiến hành tỉa bớt quả để chùm nho đến khi thu hoạch được to, tròn, đều. Sau 3 tháng chăm sóc, hơn 1.400 gốc nho hạ đen đầu tiên đã vươn cành, đẻ nhánh, phủ xanh cả khu đất cằn cỗi. Đến tháng thứ 6 thì vườn nho có 60% cây ra bói. Sau một năm trồng, sản lượng đã đạt 3,5 tấn nho trên diện tích 4000m2 với giá hơn 150.000 đồng/kg, thu về hơn 500 triệu đồng. Ngay từ vụ đầu, nho của gia đình đã được đánh giá có vị ngọt đậm, thơm và mọng nước.
Để nhiều người biết đến nông trại nho sạch, anh Đoan đã quảng bá hình ảnh vườn nho lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Fanpage; đăng ký thiết lập định vị tìm kiếm nông trại nho sạch trên google.map; số hóa các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP; mở cửa đón chào du khách tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh. Các du khách có thể theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm nho sạch, an toàn cung cấp ra thị trường của nông trại. Bên cạnh đó, các hoạt động nông trại còn được anh tập hợp thành tư liệu giáo dục cho các khóa đào tạo học tập, tham quan trải nghiệm thực tiễn tại nông trại gắn với các bài học lý thuyết trong các nhà trường ở nhiều cấp học.
Với sự đầu tư bài bản, dự án khởi nghiệp từ mô hình du lịch sinh thái kết hợp học tập trải nghiệm ở nông trại nho sạch của chàng trai trẻ Trần Duy Đoan đã trở thành điểm sáng về phát triển hoạt động nông nghiệp theo định hướng du lịch trên địa bàn huyện Sông Lô nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, góp phần thúc đẩy quảng bá các hoạt động du lịch tại địa phương, đồng thời, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành tư duy sản xuất mới cho những người nông dân vốn chỉ quen với cây lúa, củ khoai, củ sắn.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Trần Duy Đoan cho biết, anh sẽ liên kết với các hộ dân ở địa phương để phổ biến kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, hướng tới mở rộng diện tích trồng nho kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm; xây dựng quy trình sản xuất theo quy chuẩn để đưa sản phẩm nho tươi, các sản phẩm chế biến từ quả nho vào hệ thống các chuỗi siêu thị lớn như Vinmart, BigC, các cửa hàng hoa quả sạch; kết nối giữa các địa điểm tham quan, trải nghiệm tại địa phương và các vùng lân cận để xây dựng các chương trình du lịch “Một chuyến đi nhiều điểm đến”.