Cảm xúc về bộ phim Ô SIN gần 30 năm trước

Bộ phim Ô Sin kể về cuộc đời của một người trưởng thành từ nghề giúp việc có tên tiếng Nhật là Sin (Shin) sinh ra vào cuối thời Minh Trị cho đến đầu thập niên 1980.

1. Từ tên phim đến danh từ mới trong tiếng Việt

Sin một phụ nữ huyền thoại, bà đã thể hiện như là một biểu tượng của sự kiên nhẫn và không bao giờ chịu khuất phục của một người phụ nữ kể cả trong những tình huống khó khăn nhất. Bà được gọi là "Ô Sin" để thể hiện sự tôn kính đối với một con người có ý chí kiên cường vượt qua khó khăn thử thách của cuộc sống.

Ô Sin cũng chính là hình ảnh thu nhỏ của đất nước mặt trời mọc đạt được những thành tựu thần kỳ trong thế kỷ 20. Nhật Bản từ trong đổ nát sau chiến tranh thế giới thứ 2 đã "rũ bùn đứng dậy" vươn lên trở thành một cường quốc về kinh tế, khoa học kỹ thuật.

Ba diễn viên đóng vai Ô Sin qua các giai đoạn

Bộ phim có tổng cộng có 297 tập, mỗi tập dài 15 phút được yêu mến không chỉ những người Nhật Bản mà còn ở mọi người trên nhiều nước khắp thế giới. Tại Nhật Bản, nhiều trường hợp được nói tới như là Ô Sin khi liên quan đến tính kiên nhẫn. Ví dụ như võ sĩ môn đấu vật Sumo là Takanosato được gọi là Oshin Yokozuna như là một sự thể hiện lòng dũng cảm vượt qua khó khăn của bệnh tiểu đường để đạt được trình độ cao trong môn đô vật Sumo. Những hoạt động khác cũng liên quan đến từ Ô Sin trong năm 1980 như từ "Oshin Diet" khi người dân tại Nhật Bản cố gắng vượt qua nền kinh tế bong bóng và ăn uống khổ cực với củ cải và gạo. Và sau đó một con tàu nổi tiếng xuôi dòng sông Mogami đã được đặt tên là "Oshin Line".

Bộ phim được công chiếu ở 59 quốc gia trên thế giới. Ở đâu bộ phim cũng gây được tiếng vang lớn. Ở Việt Nam, bộ phim trên được khởi chiếu vào năm 1994. Đây cũng là bộ phim truyền hình lồng tiếng Việt đầu tiên và là bộ phim tạo nên một cơn sốt truyền hình chưa từng có. Cũng từ đó, Ô Sin trở thành danh từ mới trong tiếng Việt có nghĩa là "người giúp việc trong gia đình".

2. Không bao giờ bỏ cuộc, luôn vượt lên số phận

Bộ phim được mở đầu bằng bối cảnh năm 1983, thay vì tham dự buổi lễ khai trương cửa hàng thứ 17 của gia đình mình, bà Sin Tanokura (Ô Sin) lại quyết định thực hiện một chuyến du lịch bằng tàu hỏa mà không cho gia đình mình biết.

Mọi người trong gia đình bà rất lo lắng, tìm kiếm bà khắp nơi nhưng vô ích. Chỉ có Kei - Cháu nội của bà Sin chợt nhớ ra câu chuyện về con búp bê Kokeshi mà bà đã từng kể cho anh. Dựa vào những tình tiết của câu chuyện và linh cảm của mình, Kei đã tìm ra bà Sin. Tại nơi bà cháu gặp nhau, hai người đã cùng ôn lại những kỷ niệm trong suốt cuộc đời bà, và cũng là những giai đoạn thăng trầm nhất của đất nước Nhật Bản trong Thế kỷ 20.

Năm 1907, Ô Sin khi đó mới 7 tuổi đã bị cha mình cho đi ở - giữ trẻ cho một nhà ở khá xa để gia đình "bớt đi một miệng ăn". Mặc dù bị nhà chủ đánh đập, hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng Ô Sin vẫn ráng sức chịu đựng, em nghĩ về "ba bao gạo" có thể cứu đói cho các thành viên trong gia đình mình...tất cả em đều nghĩ về gia đình mình, mong muốn cha mẹ và các em đỡ khổ.

Nghị lực phi thường của cô bé 7 tuổi đã gieo tình yêu thương cho hàng triệu con tim

Thế nhưng, đến một ngày em bị nhà chủ vu cho là ăn cắp tiền của họ thì Ô Sin không chịu đựng được nữa, em trốn về với mẹ. Giữa đường, em gặp phải một trận bão tuyết lớn và bị lạnh cóng đến suýt chết. Em được một người đàn ông cứu sống, chính ông cũng là một người đang bị truy đuổi, phải bỏ trốn nên hai người đồng cảnh ngộ đã ở lại cùng nhau chờ cho đến khi tuyết tan. Người đàn ông này đã gạy em viết chữ, dạy em thổi kèn ắc mô ni ca và dạy em thế nào là một người tốt trong xã hội...Nhưng rồi người này có liên quan đến "phần tử đỏ" nên bị chính quyền bắt giữ và em cũng ít nhiều bị liên lụy. Với bố em thì đây là một tin cay nghiệt, ông nguyền rủa em và trụt mọi cân giận dữ lên người vợ nghèo khổ của mình.

Đến khi về được nhà thì Ô Sin, một lần nữa, lại bị cho đi ở, lần này là đến vùng Kaga-ya ở Sayaka cũng với nghề trông trẻ. Ở đây, em kết bạn với cô Cay Ô, người con gái của nhà chủ và sống ở Kaga-ya cho đến khi em 16 tuổi. Thế nhưng, đến khi được trở về nhà, cha của Ô Sin lại muốn cô ra ngoài đi làm, lần này là làm việc ở một quán Bar. Khi Ô Sin phát hiện, quán Bar chỉ là vỏ bọc cho một động mại dâm, Ô Sin đã bỏ lên Tokyo, theo chị gái mình làm nghề làm đầu.

Trong khi ổn định với công việc làm đầu, nhờ tài trang điểm cho những người đẹp nổi tiếng mà cô được chính những người này nhờ viết thư tỏ tình với một doanh nhân tên là Ri U Rô (Ryuzo). Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, chàng doanh nhân Ri U Rô  đã đem lòng yêu mến Ô Sin. Nhưng vì không môn đăng hậu đối nên Ri U Rô phải tổ chức cưới chui với Ô Sin. Cô là nàng dâu không được gia đình nhà chồng thừa nhận.

Năm 1923, một trận động đất lớn ở Tokyo đã phá hủy toàn bộ nhà và cửa hàng của hai vợ chồng Ô Sin. Mặc dù sống sót sau thảm họa nhưng do đã trắng tay nên hai người quay về ở bên nhà chồng. Do cuộc hôn nhân của hai người không được mẹ chồng chấp nhận nên khi về sống với nhà chồng, Ô Sin phải chịu rất nhiều gian nan, khổ cực. Cô thậm chí đã bị gãy tay và mất đứa con sắp chào đời vì phải làm việc đồng áng nặng nhọc dài ngày.

Những hủ tục trong quan niệm môn đăng hộ đối, mẹ chồng nàng dâu đã bóp chết cả thể xác lẫn tinh thần của Ô Sin trong những năm sống ở nhà chồng

Cuối cùng Ô Sin quyết định rời bỏ nhà chồng để xây dựng lại cuộc đời mình. Cô mang theo cậu con trai mới sinh tên Ta Ke Si bỏ trốn không để cho chồng biết. Cô vô cùng đau khổ khi nhận ra rằng với cánh tay bị gãy của mình, cô không thể theo nghề làm đầu được nữa. Mẹ con cô phải đối đầu với muôn vàn khó khăn nơi thành phố và nhiều khi là sự cạnh tranh trong kinh doanh phải đánh đổi sự cần kề cả mạng sống qua nhiều nghề như: Chủ một quán ăn nhỏ, làm bánh, hay bán cá,... 

Trong khi chồng của cô lại tìm một hướng lập nghiệp khác là đi khai hoang lấn biển. Cuối cùng anh thêm một lần nữa thất bại và quay về phụ giúp việc kinh doanh với vợ của mình trong việc phát triển nhà hàng hải sản. Cuộc sống gia đình của hai người ở Tokyo trải qua nhiều thử thách. Việc kinh doanh đi xuống do hậu quả sau chiến tranh cộng với việc thiếu nhạy bén của Ri U Rô khiến Ô Sin lao vào nỗ lực kiếm tiền để nuôi gia đình. Cũng từ đây Ô Sin trở thành người có thu nhập còn chồng của cô mất đi vai trò trụ cột. Anh ngày càng trở nên chán nản, lao đầu vào rượu và phụ nữ trong khi Ô Sin phớt lờ vì tình yêu cô dành cho anh.

Cuối cùng nhờ những nỗ lực trong việc nhận được những đơn hàng may mặc quân nhu, chồng của Ô Sin đã vào con đường binh nghiệp phục vụ trong quân đội và động viên những người con của mình tham gia chiến tranh thể hiện tinh thần của người Nhật khi đó. Là một người vợ, người mẹ Ô Sin kịch liệt phản đối những cuộc chiến tranh, nhưng rồi chiến tranh cũng đã cướp đi người con Ta Ke Si yêu quý của cô và Ri U Rô, chồng của cô cũng đã tìm đến cái chết sau thất bại của quân đội Nhật Hoàng khi kết thúc thế chiến thứ hai.

Gia đình nhỏ của Ô Sin trước khi xảy ra chiến tranh

Kìm nén bao nỗi đau mất chồng mất con, mất người thân trong lòng, cô tập trung vào công việc kinh doanh và dần trở nên phát đạt bằng những triết lý kinh doanh rất độc đáo của riêng mình. Đến năm 1983, gia đình Ô Sin đã xây dựng được chuỗi 17 nhà hàng siêu thị, trở thành một dòng họ Tanokura giàu có.   

Cuộc đời Ô Sin tiếp tục trải qua nhiều thăng trầm, một mình gây dựng sự nghiệp, nuôi dạy con cái trưởng thành, làm ăn phát đạt cho đến khi câu chuyện kết thúc vào năm 1983. Câu chuyện về cuộc đời của bà là một minh chứng sống động cho tinh thần "Không bao giờ bỏ cuộc, luôn vượt lên số phận" được lan truyền đi khắp thế giới.

3. Những ấn tượng không thể nào quên

Cho đến tận bây giờ những diễn biến trong bộ phim Ô Sin trên màn ảnh nhỏ sau 30 năm vẫn còn in sâu đậm trong ký ức tuổi thơ của anh, một chàng trai ở ngoại thành Hà Nội. Nhớ khi đó cả làng quê nghèo của anh, từ người già đến trẻ nhỏ háo hức đợi chờ tụ tập trước màn hình chiếc tivi đen trắng để được xem, được hòa vào cuộc sống trong phim của cô bé Ô Sin đáng yêu. Người mẹ hiền của anh và nhiều người đã không cầm nổi nước mắt khi theo dõi những tập đầu tiên của bộ phim.

Thời gian sau đó, căn bệnh hen suyễn và công việc bận rộn khiến mẹ anh không còn thời gian để đi xem bộ phim rất hay đó. Thương mẹ, anh đã đi xem rồi về kể lại tỷ mỉ từng diễn biến trong phim cho mẹ nghe. Thấy mẹ vui anh đã chuyển thể nội dung phim ra thơ lục bát cho mẹ dễ nhớ. Càng về sau, phim càng hấp dẫn và có nhiều nhân vật nên câu chuyện dưới dạng thơ không còn phù hợp. Chính vì vậy từ tập 21 trở đi, anh quyết định ghi chép lại dưới dạng tự truyện.

Ô Sin và mẹ khi còn nhỏ

Công việc này sau đó đã được một người bạn thân của anh là Vương Đắc Lực tham gia ghi chép cùng. Kết thúc 297 tập phim trong suốt hơn một năm, anh đã có trong tay ba tập sách dày với tựa đề Truyện Ô Sin. Những tập truyện Ô Sin được ghi lại theo diễn biến của phim truyện với những câu cú còn rất nhiều vụng về của cậu học sinh lớp 8 đã trở thành những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong ký ức tuổi thơ của anh mỗi khi nghĩ về người mẹ hiền tảo tần lam lũ của mình và tình bạn thân thiết của anh với Đắc Lực.

Có thể thấy những đức tính tự lập, chịu thương chịu khó, không chịu khuất phục hoàn cảnh khó khắn, chỉn chu, trách nhiệm từ những việc nhỏ nhất đã giúp cho nhân vật Ô Sin có được những mối quan hệ tốt trong cuộc sống. Chính những năm tháng làm giúp việc cho bà chủ gạo ở Kaga-ya thuộc Sayaka đã mang lại cho Ô Sin những mối quan hệ định mệnh theo cô đến cuối cuộc đời.

Ô Sin và mẹ khi trưởng thành

Những năm tháng đầu tiên từ vùng quê nghèo ra thành phố học Đại học, anh đã mang theo những tập truyện Ô Sin trên như một thứ cẩm nang quý giá để dẫn dắt trên con đường đi tới tương lai. Những diễn biến trong phim và đức tính tự lập của nhân vật Ô Sin đã phần nào ảnh hưởng đến mỗi hành vi, việc làm, sự lựa chọn của anh sau đó.

Cũng có những việc "bắt chước" một cách máy móc nhân vật Ô Sin nhưng lại là sự lựa chọn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hiện tại của anh. Đó là quyết định cuộc sống tự lập nơi thành phố, tự trang trải kinh phí học tập bằng việc đi gia sư.

Thật may mắn, anh được nhận làm gia sư cho con gái út của một người cô đồng hương. Cô sống rộng lượng phóng khoáng, luôn giúp đỡ anh mọi mặt như con cái trong gia đình. Cũng chính những năm tháng này, anh vinh dự được gặp gỡ rồi trở nên thân tình với nhà báo Đỗ Phượng. Thương cảm cậu học trò ham học con nhà nghèo, nhà báo Đỗ Phượng đã động viên và giúp đỡ anh vào nghề báo. Kể từ đó, anh đã gắn bó với nhà báo Đỗ Phượng trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh và nghề báo.

Suy nghĩ về những gì đã qua và còn muôn vàn trăn trở về những khó khăn thách thức phía trước, nhưng anh vẫn cảm thấy vinh dự tự hào về những gì đã qua, đã xảy đến với anh trong cuộc đời này. Bởi anh cũng như nhiều người như đã từng được nếm đủ những hương vị ngọt, bùi, cay, đắng của cuộc đời qua số phận của nhân vật Ô Sin trong bộ phim cùng tên của Nhật Bản.