Đọc nhiều quyển sách, đến một vài xứ sở, tìm hiểu các thiết chế hiệp hội ngành hàng, cảm nhận được con đường đi đến hai chữ “cùng nhau”. Ẩn sâu dưới hai chữ “cùng nhau” đơn giản là cả một triết lý sống và kinh doanh, chứ không chỉ đơn thuần là tập hợp nhiều thành viên. Trong cuộc sống, đôi khi con người tập trung tìm kiếm lợi ích nên ít dành thời gian suy ngẫm về cách thức sống, cách thức đi, cách thức làm ăn, và nhuần nhuyễn hai chữ “cùng nhau”.
Chuyên mục “Con đường nông sản” trên Đài Truyền hình Việt Nam có một lời bình đáng suy ngẫm: “Chúng ta chỉ mới xuất khẩu sản phẩm doanh nghiệp chứ chưa xuất khẩu sản phẩm ngành hàng”. Sản phẩm doanh nghiệp thuộc về doanh nghiệp. Sản phẩm ngành hàng là hình ảnh đất nước đi ra thế giới. Một thương gia nổi tiếng chia sẻ bí quyết thành công “Buôn bán đừng chỉ cốt lấy tiền của khách hàng mà hãy chiếm lấy trái tim của họ”. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng góp phần tạo dựng thương hiệu quốc gia bằng cách chiếm lấy trái tim của người tiêu dùng trên thế giới bằng hình ảnh đất nước.
Không có công thức thành công chung cho tất cả. Không có khái niệm đồng nhất về giàu có, hạnh phúc, mỗi người mỗi khác nên được luận bàn, tranh cãi từ ngàn năm nay. Đó cũng là lẽ thường. Do con người khác nhau về năng lực, văn hóa, mục đích sống nên cách tiếp cận sẽ khác biệt.
Chính điều này nên “chung sống cùng nhau” trở thành mục tiêu quan trọng của nhiều nền giáo dục trên thế giới. Một tổng kết của một doanh nhân: “85% thành công nhờ vào mối quan hệ, mỗi người cần xây dựng cho mình vòng tròn các mối quan hệ. Sự thành công tỷ lệ thuận với đường kính của vòng tròn”.
Hiệp hội ngành hàng là một thiết chế cộng đồng, tập hợp các doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh hoặc những lĩnh vực bổ trợ nhau. Mỗi thành viên có quy mô khác nhau, mô hình doanh nghiệp khác nhau, chiến lược kinh doanh khác nhau. Chính các điều khác nhau đó dễ tạo ra sự cách biệt. Muốn thu ngắn khoảng cách biệt cần một mục tiêu chung, đó là lợi ích chung một ngành hàng và nhất là hình ảnh đất nước. Hai chữ “quốc gia” sẽ là mẫu số chung và mục tiêu chung cho con đường đưa nông sản Việt đến được và đứng vững trên thị trường.
Nhiều doanh nhân thành đạt trên thế giới được vinh danh, thậm chí được các thế hệ sau tôn thờ, không phải vì để lại một gia sản cho đất nước. Họ đã để lại những bài học cuộc sống, trong đó có cách sống, từ đó hình thành triết lý kinh doanh. Nói cách khác, họ không chỉ để lại gia sản vật chất mà để lại cả một di sản tinh thần. Ngoài ra, họ còn góp phần kiến tạo thế hệ doanh nhân tương lai cho đất nước theo triết lý “người đi trước rước người đi sau”.
Thật ấn tượng khi đến thăm Học viện đào tạo lãnh đạo của một tập đoàn lớn ở đất nước không xa. Nghe họ trình bày về quá trình hình thành và phát triển trăm năm từ một cửa hàng nhỏ bán hạt giống. Trong kinh doanh, họ cũng có những bước thăng trầm, nhưng họ vẫn say sưa nói về tầm nhìn cho mấy mươi năm sau. Họ kiến tạo những nhà lãnh đạo tương lai, không chỉ cho tập đoàn mà có thể trở thành những nhà lãnh đạo cho cả đất nước.
Trong quyển sách “Cách sống”, một doanh nhân nổi tiếng tự sự: “Địa vị càng cao thì nhân cách càng lớn. Và bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng nói câu “xin cám ơn”. Cám ơn đội ngũ nhân viên, cám ơn đối tác cung cấp nguyên liệu, đối tác tiêu thụ sản phẩm. Từ quan hệ “thuận mua, vừa bán” đến quan hệ “biết ơn” là một hành trình thay đổi chiến lược kinh doanh. Hài hòa giữa “cái riêng” và “cái chung” là một hành trình thay đổi nhân cách. Đến thăm hiệp hội ngũ cốc nước ngoài, nhìn thấy dòng chữ để lại nhiều lắng đọng: “Chúng tôi cùng nhau phát triển thị trường để góp phần tăng lợi nhuận cho người nông dân”.
Lý thuyết “lợi thế dựa vào quy mô” là bài học quan trọng trong các trường đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh. Hiệp hội nếu hoạt động đúng bản chất, chính là tạo ra không gian phát triển với mục tiêu tạo ra cạnh tranh dựa vào quy mô một ngành hàng.
Trong hiệp hội ngành hàng, không chỉ là phân chia chiếc bánh lợi ích mà thảo luận làm sao cùng nhau tạo ra chiếc bánh lợi ích lớn hơn. Một chiếc bánh nhỏ mà nhiều người muốn chia phần thì không thể cùng nhau đi xa.
Một vài lãnh đạo hiệp hội ngành hàng than phiền, có những doanh nghiệp hàng đầu không mặn mà tham gia hiệp hội, hoặc có tham gia cũng chỉ là “đánh trống ghi tên”. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng tham gia hiệp hội chỉ là hình thức, không mang lợi ích thiết thực trong khi còn nhiều mối quan tâm khác, thậm chí có tính chất sống còn. Vậy, muốn thay đổi để có những hiệp hội đặt lợi ích quốc gia dân tộc bắt đầu từ ai, từ đâu?
Tất cả bắt đầu từ định vị lại vai trò, sứ mạng của hiệp hội. Hiệp hội cần làm đúng hơn, đầy đủ hơn những nhiệm vụ, tôn chỉ trong quyết định thành lập. Nhiều người thường nghĩ rằng nhiệm vụ của hiệp hội là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên và khuyến nghị chính sách. Điều đó đúng nhưng chưa đủ.
Vai trò quan trọng là hình thành quy tắc đạo đức, xây dựng mối quan hệ thiện chí, gắn hoạt động của thành viên với trách nhiệm xã hội. Sứ mạng cao cả là đồng hành kiến tạo sự phát triển bền vững ngành hàng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia. Lợi ích quốc gia phải được đặt trên lợi ích doanh nghiệp.
Làm được những điều đó, hiệp hội thực sự đại diện hình ảnh quốc gia. Làm được điều đó, thành viên sẽ tự hào về sự đóng góp của mình cho sự thịnh vượng nước nhà và đem lại lợi ích cho bà con nông dân.
Sau khi được định vị theo tôn chỉ, sứ mạng mới, những người lãnh đạo hiệp hội phải có tâm, đủ tầm. Lãnh đạo hiệp hội phải là người có khả năng kết nối thành viên tạo thành “vòng tròn các mối quan hệ”.
Lãnh đạo hiệp hội tổ chức không gian sinh hoạt định kỳ để các thành viên chia sẻ thông tin thị trường, xu thế tiêu dùng từng thị trường, nghiên cứu những sáng kiến mới, dòng sản phẩm mới, tổ chức diễn đàn trao đổi, các hoạt động xã hội như trồng cây xanh, thả cá, thăm hỏi cộng đồng nông dân, hợp tác với các hiệp hội nước ngoài.
Có dịp tiếp một tập đoàn sản xuất giống của nước ngoài để lại nhiều điều suy ngẫm. Họ không giới thiệu về doanh nghiệp của mình trước mà họ bắt đầu bằng cách trình bày tổng quan nền nông nghiệp đất nước của họ. Tiếp đến họ giới thiệu đến chiến lược phát triển ngành giống quốc gia của họ, cuối cùng mới giới thiệu về tập đoàn của họ và đề nghị được hợp tác hai bên.
Câu chuyện thiếu nhi về 7 sắc màu tranh chấp với nhau màu nào là đẹp nhất? Cuối cùng sau cơn mưa cầu vồng 7 sắc hiện lên rực rỡ. Mỗi màu đều có vẻ đẹp riêng, ý nghĩa riêng!