Ngày 23-1-1979 (25 Tết), đơn vị rời chốt hành quân truy quét địch, băng qua cánh đồng hoang ngập nước, tiến vào ngôi làng nằm rìa khu rừng rậm. Kênh rạch to nhỏ, ngang dọc tuy cạn nước nhưng cũng làm cho chúng tôi di chuyển khó khăn vì trơn trượt.
Mới nửa buổi sáng mà trời nắng chói chang, tôi cảm nhận nước dưới chân mình bắt đầu nóng lên, ngấm vào đôi giày vải vốn bị chật nên tôi phải khoét lỗ ở mũi giày để khỏi đau ngón chân cái.
Thoát ổ phục kích nhờ súng M79 cướp cò
Chếch phía trước, một trung đội đang dàn hàng ngang, lặng lẽ tiến. Khẩu đội 12ly7 của tôi là hỏa lực nên đi phía sau một khoảng, sẵn sàng bắn chi viện cho bộ binh ở tuyến đầu khi gặp địch.
Chúng tôi đang lội ruộng, đĩa nhiều vô kể, có anh bị đĩa bám nên bước vội, cũng gần đến rìa làng thì bổng nghe tiếng "Póc" gọn lỏn và tiếng hô:
- Tất cả nằm xuống, M79 cướp cò!
Lính ta ở phía trước nằm rạp xuống. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra nhưng chúng tôi cũng lập tức nằm xuống theo phản xạ sẵn sàng chiến đấu.
Hơn chục giây trôi qua, một tiếng nổ "đoàng" của quả M79 và sau đó là hàng tràng tiểu liên của bọn Pol Pôt từ trong làng bắn ra. Chúng tôi bắn trả, nả cối 82, M79 và 12ly7 bắn thẳng khiến bọn địch phải rút chạy.
Thì ra, một chiến sĩ của ta mang súng phóng lựu M79 đang đi thì bị trượt chân, cướp tay cò, đề phòng quả đạn M79 bay cầu vồng có thể nổ gần gây sát thương nên lính ta hô nằm xuống. Bọn địch phục kích ở rìa làng tưởng ta đã phát hiện chủ động nổ súng trước nên chúng bắn trả. Một tình huống cướp cò M79 hi hữu đã cứu cả trung đội khỏi thương vong, nếu không, chỉ vài bước chân nữa là rơi vào ổ phục kích.
Lòng bao dung bị phản bội
Chúng tôi tiến vào xóm nhỏ có hơn chục nóc nhà, vườn không, nhà trống, duy chỉ có một người đàn ông Khmer trung niên bị thương đang ở trong một căn chòi. Tôi nhìn thấy hắn có dáng người khắc khổ, đang rên rỉ vì bị thương ở vùng bộ hạ. Tôi không rõ các đồng chí chỉ huy xử lý ra sao, nhưng anh em thấy hắn bị thương thì tỏ ra tội nghiệp, băng bó vết thương, đối xử tử tế, đến bữa thì cho ăn. Tôi cũng trực tiếp đem cơm cho hắn ta ăn một lần, dù biết nó có thể là lính Khmer Đỏ, dù biết sự tàn ác của lũ Khmer Đỏ khi bắt được bộ đội ta là chúng hành hạ và giết chết, không trao trả tù binh bao giờ.
Khẩu đội tôi đóng chốt trên đồi cây lúp xúp nhìn ra bờ sông, kế bên là đơn vị bạn. Thi thoảng, bọn địch ra bìa rừng bên kia sông bắn tỉa mấy phát đì đọp rồi bỏ chạy; có hôm trực chiến, phục khi nó vừa bắn, chúng tôi điên tiết nả hết gần 1 thùng 70 viên 12ly7 về hướng chúng cho bỏ ghét, thế nào cũng có đứa ăn đạn. Từ hôm sau không thấy tăm hơi chúng nữa.
Đêm đêm chúng tôi nằm giữa trời, bẻ ít lá cây mềm rãi làm chiếu, đã bao đêm như thế, lá cây dày lên êm như nệm. Mà có ngủ được đâu, phiên gác đêm phải thức 3, 4 tiếng đồng hồ, chia ba phía, đề phòng địch tập kích. Muỗi thì hàng đàn cứ vo ve suốt bên tai, lúc châm chỗ này, lúc chích chỗ kia đến khổ.
Đêm khuya càng về sáng sương rơi nhiều càng lạnh. Hết phiên gác, tôi nằm co ro bên cạnh súng, lưng dựa vào khúc gỗ khô mục để giữ chút hơi ấm, chợp mắt lấy lại sức cho ngày mai. Rừng đêm âm u, tĩnh mịch, tiếng côn trùng thi nhau ngân nga nỉ non, có hôm, nó còn chui vào ngay khúc gỗ nơi tôi nằm kêu réo rắt nghe cũng vui tai, tôi nằm im thưởng thức khúc nhạc thiên nhiên hoang dã, ít ra, nó cũng báo hiệu sự yên tĩnh và không có kẻ lạ đang đột nhập.
Đến đêm thứ tư thì bọn địch tập kích đơn vị bạn. Tiếng súng tiểu liên và từng tràng đại liên của ta bắn dòn dã, bổng tiếng đại liên tắt đột ngột. Tôi đoán có sự chẳng lành, xin lệnh B trưởng cho bắn 12ly7 về hướng súng nổ nhằm uy hiếp địch, hỗ trợ tinh thần cho đồng đội. Sáng hôm sau chúng tôi đau buồn biết tin xạ thủ đại liên của ta đã hy sinh, còn kẻ bị thương ở căn chòi kia - đích thị là tên Khmer Đỏ cũng biến mất. Kẻ thù đã phản bội lòng bao dung, nhân đạo của chúng tôi.
Lạc giữa rừng đêm 30 Tết
Sau trận địch tập kích, chiều 29 tháng Chạp Tết Kỷ Mùi - 1979 (tháng thiếu, tính 30 Tết), đơn vị tôi mở cuộc truy quét sang khu rừng bên kia sông. Khẩu đội tôi nhận lệnh cơ động bắn dọn đường để quân ta vượt sông. Theo chân trinh sát dẫn đường, chúng tôi tiến sâu vào rừng, chọn vị trí có độ cao rồi đặt súng bắn quét gần 2 thùng đạn 12ly7 sang mé sông nơi địch có thể phục kích. Các loại tiểu liên, trung liên, M79, cối 82 ly cũng đồng loạt nổ súng.
Sẩm tối, khẩu đội được lệnh rút quân. Trời tối nhanh, tối đen như mực, giữa rừng cảm giác còn tối hơn, đúng là "tối như đêm ba mươi". Từng chiến sĩ thì thầm truyền đạt ám hiệu hành quân, bám sát nhau cách hơn một mét mà chỉ thấy lờ mờ. Tôi đi gần cuối đội hình, đường không lối mòn nên đến giữa rừng thì một nửa khẩu đội bị lạc, không biết anh em phía trước đã đi về hướng nào. Nếu mất phương hướng mà đi tiếp hoặc lên tiếng gọi nhau, nguy cơ sẽ rơi vào ổ phục kích của địch hoặc bị chúng ném lựu đạn. Tôi yêu cầu đứng yên, im lặng, lấy một viên AK gõ nhịp 2 tiếng vào băng đạn để bắt liên lạc. Một, hai… ba phút trôi qua chậm chạp nhưng không có ám hiệu trả lời. Đêm tối thui, thanh vắng đáng sợ. Đứng chờ chừng 5 phút, tôi quyết định bắn chỉ thiên một phát AK để báo hiệu vị trí, nòng súng tóe lửa xé màn đêm. Thì ra, nhóm đi trước biết chúng tôi bị lạc nên cũng dừng lại chờ cách chừng hơn chục mét, nhận ra đốm lửa phát súng, quay lại đón.
Ba ngày Tết truy quét tàn quân địch, đến chiều mồng 4 Tết (31.1.1979) đơn vị mới ra khỏi rừng. Chiều hôm đó, khẩu đội tôi nhận quà Tết muộn. Chẳng gì nhiều nhưng anh em rất vui vì có không khí Tết. Nửa gói trà hương được pha vào nồi quân dụng, 2 gói kẹo cứng nhãn hiệu Xí nghiệp bánh kẹo Đông Hà của quê nhà Quảng Trị, 1 gói thuốc lá Tam Đảo và mấy điếu thuốc lẻ Đồ Sơn, Sapa, Vàm Cỏ... tất cả để trên thùng đạn ngay công sự trung tâm nhưng không được ngồi tụ tập, đề phòng địch pháo kích. Mỗi người tuần tự đến múc 1 ca trà, lấy mấy cái kẹo, châm điếu thuốc, lấy thêm 1 điếu rồi quay ra vị trí của mình trên chốt, thưởng thức và trò chuyện qua lại. Hương vị ngọt ngào của trà thơm và kẹo làm ai cũng nhớ quê hương, gia đình!
Đón đọc Kỳ 6: Tổ quốc trong trái tim người lính.