Theo nhà báo Vương Xuân Nguyên, tít bài báo hiểu theo nghĩa chung nhất là tiêu đề, nhan đề, đầu đề hay là cái tên của bài báo. Nó chứa đựng những thông điệp của tác giả muốn truyền tải tới người đọc. Vì vậy, tít bài thường biểu đạt cô đọng nội dung, thể hiện bản chất, tư tưởng chính trị của tác phẩm, là yếu tố tiếp xúc đầu tiên giữa tác phẩm với công chúng. Khác với đầu đề của tác phẩm văn học, đầu đề tác phẩm báo chí có vai trò định hướng thông tin rất rõ ràng. Việc đặt đầu đề có tính quyết định số phận của bài báo. Có khi chỉ cần đọc đầu đề, người ta cũng đã có thể nắm bắt được phần nội dung quan trọng nhất, chủ yếu nhất của tác phẩm báo chí. Bài báo dù rất hay, nhưng đầu đề dở thì có thể làm mất đi ít nhất một nửa độc giả vì đầu đề bài báo là một yếu tố phân biệt bài nào quan trọng hơn bài nào. Đầu đề không thể làm nên giá trị của toàn bộ tác phẩm nhưng nó là yếu tố đầu tiên thu hút sự quan tâm của người đọc.
Với một tác phẩm báo chí ở bất cứ loại hình nào thì phần mở đầu luôn có một vị trí quan trọng trong việc thu hút công chúng. Nếu như Truyền hình dùng những hình ảnh độc đáo, Phát thanh dùng lời dẫn thú vị để tạo ấn tượng ban đầu cho một tác phẩm thì Báo in và Báo mạng điện tử lại tập trung làm nổi bật Tít nhằm lôi cuốn lượng độc giả cho bài viết của mình.
"Giữa một rừng thông tin như hiện nay, người đọc báo không thời gian và sự kiên nhẫn để click vào từng tin rồi đọc hết bài. Mà thói quen của cư dân mạng khi tìm kiếm thông tin là chỉ click vào những tin nào có Tít ấn tượng, hàm chứa tính nóng sốt, gay cấn. Một tít báo hay, đúng, trúng, hấp dẫn, cân bằng, khách quan nhưng không mang tính “giật gân”, “câu khách”, phạm vào những điều nhạy cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục hay gây ra sự hiểu tầm cho người đọc luôn là thử thách với mỗi người cầm bút...", Nhà báo Vương Xuân Nguyên phân tích.
Theo góc nhìn của Nhà báo Vương Xuân Nguyên, tít báo phải khái quát được nội dung của cả bài báo trong một cấu trúc ngôn ngữ định danh xác định, chuẩn mực, ngắn gọn và có thể có sức biểu cảm. Nó không chỉ cần đuợc trình bày hấp dẫn mà phải chứa đựng những thông tin, thông điệp rõ ràng, dễ hiểu để độc giả có thể hiểu ngay lập tức. Tránh các từ trừu tượng, từ viết tắt, từ chuyên môn hay từ gây hiểu lầm. Nó được viết một cách trực tiếp, loại bỏ các yếu tố thừa, yếu tố lặp, thông tin chính xác, không quá mơ hồ, chung chung. Những từ khóa, những điều độc đáo nhất, ấn tượng nhất của bài viết phải được thể hiện một thích thích đáng ngay ở tít bài báo.
"Theo một kết quả điều tra xã hội học thì những nhà báo được hỏi cho rằng chỉ có khoảng 30% tít đặt hay. Đồng thời họ cũng cho rằng đặt tít hay không phải là khâu đơn giản, mặc dù cố gắng nhưng chưa chắc đã có kết quả tốt. 100% những nhà báo được hỏi đều công nhận luôn có hứng thú đọc những bài báo có tít hấp dẫn, có 18% số người được hỏi nói họ không thường xuyên cố gắng đặt tít hấp dẫn. Cũng theo kết quả này thì có tới 80% số người thích tít báo hấp dẫn về phương diện nội dung và 20% thích tít báo được trình bày hấp dẫn...", Nhà báo Vương Xuân Nguyên cho biết thêm.
Cũng theo nhà báo Vương Xuân Nguyên phân tích, đối với báo in, tít của tin bài gắn chặt với nội dung, các bức ảnh, các tiểu mục. Hơn nữa, cả tờ báo lại nằm trên tay nên người đọc chỉ cần liếc qua cũng hiểu. Báo mạng điện tử không như thế. Tít trên báo điện tử thường xuất hiện không gắn liền với ngữ cảnh. Các tít trên báo điện tử có thể dưới dạng một danh sách các bài báo, trong một danh mục của công cụ tìm kiếm hoặc trong phần bookmark của một trình duyệt. Đối với báo điện tử, trên màn hình chỉ nhìn thấy một lượng thông tin giới hạn. Vì thế khi lướt qua một danh mục các tin tức, người sử dụng thường chỉ nhìn vào những tít nổi bật nhất và bỏ qua hầu hết các phần tóm tắt. Cụ thể, theo giảng viên Fabienne Gerault thuộc Đại học Báo chí Lille, Pháp, thì tít một bài viết có các chức năng như: Thu hút sự chú ý vào trang viết; Cung cấp thông tin chính trong một cái liếc mắt; Giúp độc giả lựa chọn bài; Khiến độc giả muốn đọc; Tổ chức trang; Sắp xếp thông tin...
Từ thực tế làm báo trên 20 năm qua, nhà báo Vương Xuân Nguyên đã chia sẻ một số loại tít anh thường sử dụng như: Dùng những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca hay những từ khóa để trong ngoặc kép để làm tít dẫn vào bài; Sử dụng những con số để gây sự ấn tượng; Đặt ra những câu hỏi quan trọng đến vấn đề cần trình bày trong bài viết; Đưa tên riêng, từ khóa, vấn đề nổi bật lên phần đầu của tít và phần sau nêu khái quát về đặc điểm, tính chất của nó; Tạo ra những cấu trúc lại, bất thường cho tít, có thể là sự dụng nghĩa đen hoặc nghĩa bóng cho một cụm từ; Thủ thuật chơi chữ, dùng phép ẩn dụ, so sánh trên tít; Tạo ra một mệnh đề ngược lại với những lối mòn về tư duy và ngữ cảnh để tạo ra sự tò mò hấp dẫn cho người đọc...
Nói về thực trạng giật tít, câu view, sử dụng những “thủ thuật” “mẹo” để làm sao độc gỉả kích chuột vào tít để đọc nội dung bên trong tin, bài, nhà báo Vương Xuân Nguyên trăn trở, gần đây, chúng ta có thể thấy ngày càng xuất hiện nhiều bài báo đã "lạm dụng" quá nhiều bới những từ cảm thán, tạo cảm xúc quá mức, không đúng như bản chất của sự kiện sự việc, nhằm gây tò mò, kích thích độc giả vào đọc bài, hoặc thậm chí, tít hoàn toàn không ăn nhập với nội dung của bài viết. Chính điều này góp phần làm méo mó bản chất thực sự của một bài viết. Dư luận phản ứng trái chiều không đáng có sau những bài viết "giật tít, câu View".
"Báo chí cách mạng phải "phò chính, trừ tà", mỗi bài viết phải có quan điểm rõ ràng, định hướng dư luận chân chính, không thể để những người làm báo đặt tít một cách tùy tiện. Khi thì "thái quá" khi thì chung chung khiến bạn đọc hiểu xuôi, hiểu ngược đều đúng. Với tôi mỗi lần đặt tít cho một bài báo là một sự trăn trở để làm sao có một tít bào phù hợp nhất, ấn tượng nhất với nội dung bài viết và những thông tin cần truyền tải tới bạn đọc. Có khi cùng một đề tài đã viết hàng chục bài rồi thì việc đặt tít bài sau sao cho vượt qua được các bài viết trước của mình cung là điều phải cân nhắc. Tít của một bài báo đúng là rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Một tít bài rất hay nhưng nội dung bài viết nhạt nhẽo, trống rỗng sẽ gây thất vọng cho người đọc. Đặt tít cho một bài báo đã phần nào nói nên năng lực, phong cách và quan điểm của một người làm báo. Với một nhà báo chân chính, không nên và không bao giờ cho phép mình đặt một tít báo phi chính trị, gây hiểu lầm, phảm cảm để phục vụ cho mục đích "câu View" rẻ tiền hay những lợi ích cá nhân nào đó. Tôi thường đặt tít trước, rồi mới lên ý tưởng cho cà bài viết với một nguyên tắc xuyên suốt là tránh sự "Nhàm - Nhạt - Nhảm - Nhăng", Nhà báo Vương Xuân Nguyên trao đổi.
Một số hình ảnh về nhà báo Vương Xuân Nguyên.