Chuỗi gạo giá trị vùng đất anh hùng

Hiện nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều mô hình liên kết chuỗi cho giá trị kinh tế cao, trong đó, điển hình phải kể đến chuỗi sản xuất và tiêu thụ gạo chất lượng cao Khu Cháy của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy, hiện nay, hợp tác xã đang thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa với nông dân 4 xã: Quảng Phú Cầu, Kim Đường, Hòa Lâm, Liên Bạt với tổng diện tích khoảng 400ha. Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống sấy thóc theo dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất 300 tấn/ngày. Ngoài ra, hợp tác xã còn đầu tư hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại để đưa sản phẩm "Gạo chất lượng Khu Cháy" vào các siêu thị, cửa hàng gạo chất lượng cao.

chuoi3-1702761988.jpg
Chuỗi gạo giá trị vùng đất anh hùng

“Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm gạo Khu Cháy, hợp tác xã đã liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Nhờ chất lượng sản phẩm, trung bình mỗi vụ, hợp tác xã tiêu thụ khoảng 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho nông dân trên địa bàn huyện với giá thành ổn định, nông dân yên tâm đầu tư sản xuất”, bà Cao Thị Thủy cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Lương Hậu, thành viên Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, để cung cấp nguồn gạo chất lượng cao, người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn. Hiện nay, nhãn hiệu "Gạo chất lượng Khu Cháy" đã khuyến khích nông dân sản xuất lúa, gạo theo hướng hàng hóa, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp với giá ổn định.

gao2-1702762162.jpg
Sản phẩm gạo Nhật Japonica của HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết được chứng nhận 4 sao OCOP.

Đánh giá về hiệu quả của chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo chất lượng Khu Cháy, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, hiện nay toàn huyện có 8.350ha trồng lúa, trong đó, các giống lúa chất lượng cao chiếm 67,9% tổng diện tích. Nhằm nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm lúa, gạo, huyện đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu "Gạo chất lượng Khu Cháy" và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận năm 2018. Nhờ có thương hiệu và liên kết chuỗi nên giá bán gạo được cao hơn, gạo xuất hiện ở các kênh phân phối hiện đại.

Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin, để các chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả, chi cục tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn để nông dân áp dụng kỹ thuật mới trong trồng lúa theo hướng an toàn, tận dụng chế phẩm sinh học an toàn cho cây lúa, góp phần bảo vệ môi trường sống. Cùng với đó, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ hợp tác xã tham gia các hội chợ để quảng bá, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp nhằm nâng cao giá bán ra thị trường.

gao3-1702762336.jpg
Những cánh đồng lúa năng suất chất lượng

Hy vọng thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Hà Nội và huyện Ứng Hòa, chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng Khu Cháy tiếp tục được nhân rộng, phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Bài viết có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội