Hiệu quả từ việc triển khai những mô hình trọng tâm
Ngày 23/5/2022, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định số 634/ QĐ – TTg về việc công nhận huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Qua đó, tạo sức bật, huyện đã thực hiện thành công nhiều mô hình kinh tế theo hướng bền vững nhằm xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh hơn, góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Một số mô hình mang lại doanh thu cao như: Bưởi Chương Mỹ, Trứng gà, rau củ quả, gạo hữu cơ…lũy kế đến quý II năm 2022 trên địa bàn huyện có 10 mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi.
Ông Phan Trung Kiên – Giám đốc công ty công nghệ cao Thăng Long người kỹ sư tâm huyết với sản phẩm cà gai leo
Theo Ông Phan Trung Kiên – Giám đốc công ty công nghệ cao Thăng Long: Tôi cùng hai người bạn của mình đã cùng nghiên cứu sản phẩm cho ra đời trà túi lọc Sadu. Sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng an toàn tuyệt đối, vùng nguyên liệu 20 ha tại khu vực huyện Chương Mỹ, Hà Nội và Hòa Bình, Lạng Sơn. Tiến hành tạo và nhân giống, kiểm soát nguồn trồng.
Tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, mô hình lúa hữu cơ đã trở thành mô hình điểm đầu tiên của huyện trong việc phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ.
Anh Phan Trung Kiên tại vườn dược liệu cà gai leo.
Theo bà Trịnh Thị Nguyệt – Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú: Việc áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ đã mang lại năng suất cao hơn, cải thiện nguồn thu nhập cho người dân hơn so với canh tác lúa thông thường. Bên cạnh đó sản phẩm được nhiều khách hàng ưu chuộng.
Theo ông Phạm Văn Hải – Chủ tịch UBND xã Đồng Phú: Nhiệm kỳ 2020 – 2025, xã thực hiện mục tiêu phấn đấu trên 50% diện tích xã trồng lúa hữu cơ. Vì thế những năm vừa qua, mỗi một năm xã tiếp tục triển khai mở rộng thêm một số diện tích vùng trồng. Cho đến nay toàn bộ diện tích trồng hữu cơ của xã đã lên tới 55 hec ta, 4 thôn/ 4 thôn đều có mô hình sản xuất hữu cơ.
Không những thế, tại xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ mô hình dưa lưới của HTX Khoa học công nghệ tiêu thụ nông sản Chương Mỹ với dự án liên kết trên diện tích 1 hec ta chủ yếu trồng dưa lưới, dưa lê, cà chua và các loại rau ngắn ngày. Với doanh thu 200 triệu/năm
Mô hình dưa lưới của HTX Khoa học công nghệ tiêu thụ nông sản Chương Mỹ
Theo bà Vũ Huyền Trang – Giám đốc HTX Khoa học – công nghệ huyện Chương Mỹ cho biết: Những năm qua, UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp thực hiện đầu tư, phát triển lĩnh vực nông nghiệp, triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX và các THT triển khai phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất nông nghiệp, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp, XDNTM, nâng cao đời sống nông dân.
Từ vinh dự đến nỗ lực
Chương Mỹ là huyện vinh dự có xã Thụy Hương được Trung ương lựa chọn là 1 trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung với tổng diện tích trên 6.800ha, bao gồm các sản phẩm như: Lúa, rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Huyện cũng đã xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm gồm: Bưởi Chương Mỹ, gạo hữu cơ Đồng Phú, gạo Japonica Nam Phương Tiến; 99 sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 258 sản phẩm đã sử dụng tem QR để truy xuất nguồn gốc sản xuất. Huyện đã huy động được nguồn lực lớn trong xây dựng nông thôn mới với 7.560 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và nhân dân đóng góp là trên 2.622 tỷ đồng (chiếm trên 34,5%).
Bên cạnh xây dựng hạ tầng nông thôn, huyện đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung
Toàn huyện có 104 hợp tác xã; 73 HTX nông nghiệp; 16 HTX công nghiệp; 5 HTX thương mại dịch vụ; 4 hợp tác xã vận tải; 1 HTX điện lực và 6 HTX tín dụng. Các hợp tác xã đều điều tiết thiết lập bộ máy trực tiếp sản xuất. Doanh thu bình quan một HTX lãi là 2.716 triệu đồng, lãi bình quân một HTX là 50 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có tổng số 582 trang trại đạt theo tiêu chí Thông tư 02/2020/TT – BNNPTNT. Trong đó có 283 trang trại nằm trong quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh tập trung nông nghiệp, 158 trang trại thực hiện liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, huyện Chương Mỹ nằm trong vùng quy hoạch phát triển hành lang xanh của Thủ đô Hà Nội về phía Tây. Huyện có Khu đô thị sinh thái Chúc Sơn và thị trấn Xuân Mai được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ: Trong 6 tháng cuối năm 2022, huyện phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt 5,5% trở lên. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi trên địa bàn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm Tập trung chỉ đạo 5 xã: Lam Điền, Quảng Bị, Trường Yên, Đại Yên, Hồng Phong phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Từ những nỗ lực và kết quả đạt được, UBND huyện Chương Mỹ phấn đấu đến năm 2025, có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 85 - 95 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội