Trước đây, 8.000m² đất này được anh Sỹ thuê thầu để trồng lúa. Tuy nhiên, do đất thường xuyên bị ngập úng, bùn lầy, năng suất lúa đạt thấp, lợi nhuận không ổn định nên anh đã quyết định chuyển đổi sang trồng sen. Quyết định này đến sau khi anh tham gia lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với UBND xã Nhơn Hậu và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã An Nhơn tổ chức.
Tham gia thực hiện mô hình, gia đình anh Sỹ đã xuống giống 1.200 cây sen giống và được hỗ trợ 50% chi phí giống, 50% chi phí vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Thị xã thường xuyên đến tận hồ sen để hỗ trợ. Kết quả thực tế cho thấy, sen tại mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu bệnh.
Sen rất phù hợp với đất phèn, bùn lầy, ngập úng nên tỷ lệ sống đạt hơn 90%. Loài cây này dễ chăm sóc, ít tốn công và chi phí đầu tư thấp hơn trồng lúa, ít bị sâu bệnh và không chịu tác động nhiều từ điều kiện bất lợi của môi trường, từ đó cho năng suất ổn định. Sen có thể canh tác liên tục trong năm và sau khoảng 3 tháng trồng sẽ cho thu hoạch trong khoảng 4 tháng, từ lúc trồng đến khi thu hoạch xong là khoảng 6 đến 7 tháng/vụ. Sau khi thu hoạch, cây sen chỉ cần bón phân và phun thuốc BVTV để nuôi dưỡng lại, khoảng 1-2 tháng sau là có thể thu hoạch tiếp.
Hiện tại, gia đình anh Sỹ thu hoạch hạt sen tươi để bán ra thị trường. Mỗi ngày, anh thu hoạch được khoảng 20-30kg hạt sen tươi từ diện tích 8.000m² sen đang ra hoa. Với giá bán dao động ngoài thị trường từ 30.000 – 40.000đ/kg hạt sen tươi, sau khi trừ hết các chi phí, gia đình anh thu về lợi nhuận khoảng 20-30 triệu đồng mỗi vụ, cao gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây.
Nguồn lợi nhuận từ việc trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả đã giúp gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ có thu nhập ổn định hơn. Mô hình trồng sen này không chỉ cải thiện kinh tế gia đình mà còn góp phần vào sự phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. Đây là một ví dụ điển hình cho việc chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất và nâng cao đời sống người dân nông thôn.