COP26: Cơ hội để chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh

TH
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng phù hợp, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế đất nước là nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất của Việt Nam.

Hội thảo: Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hội thảo: Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc Việt Nam sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2050 đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, Quy hoạch Điện 8 đã phải hiệu chỉnh lại toàn bộ phương án phát triển điện lực thời kỳ 20212030, tầm nhìn tới năm 2045 như phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu ở quy mô phù hợp; đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện và tính kinh tế chung của hệ thống điện…

Đó là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội.

Giảm tối đa nhiệt điện than

Đại diện Bộ Công Thương cho biết Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm liên tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 5,9-7%, kể cả thời kỳ suy giảm kinh tế thế giới 2006-2010 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Cùng với đó, nhu cầu điện hàng năm trong giai đoạn này đều ở mức 2 con số, thường từ 1,5-1,8 lần tốc độ tăng trưởng GDP (trong đó giai đoạn 2000-2010 là 13%, 2011-2019 là 10,5% (trừ 2020 tăng trưởng thấp do đại dịch COVID-19).

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tính tới cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới về quy mô công suất.

Trong đó, thủy điện đạt 20.993 MW (chiếm 30,3% công suất và 29,6% sản lượng); nhiệt điện than 21.383 MW chiếm 30,8% công suất, khoảng 50% sản lượng); tua bin khí 9.025 MW (chiếm 13,1% công suất, 14,6% sản lượng), điện Mặt Trời 16.506 MW (23,8% công suất, 3,7% sản lượng).

Thực tế cho thấy, các nguồn nhiệt điện là các nguồn điện chính của hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt điện than vẫn chiếm hơn 31% công suất và tới 50% tổng sản lượng điện sản xuất.

Trong khi đó, ngày 8/10/2021, trước khi diễn ra Hội nghị COP26, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 6277/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện 8).

Theo đó, cơ cấu điện sản xuất năm 2045 bao gồm: thủy điện 8,2-9,8%, nhiệt điện than 27,4-32,4%, nhiệt điện khí 28,4-33,1%, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện 26,5-28,4%.

Với phương án này, theo ông Hoàng Tiến Dũng, các nguồn nhiệt điện trong cơ cấu nguồn điện đến năm 2045 của Phương án trình trước COP26 vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, từ 36% đến gần 41% công suất và từ 56 đến 66% sản lượng điện. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng phát thải khí CO2 ở mức cao.

Hơn nữa, theo tính toán của phương án này, phát thải khí CO2 từ lĩnh vực sản xuất điện tăng khá nhanh, đạt khoảng 245 triệu tấn vào năm 2030 và khoảng 383 triệu tấn vào năm 2045.

“Tuy nhiên, cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc Việt Nam sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2050 đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian tới. Quy hoạch điện 8 vì vậy đã phải hiệu chỉnh lại toàn bộ phương án phát triển điện lực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045,” đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói.

Tăng trưởng xanh: Cơ hội và lựa chọn tất yếu

Bài học về tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy với sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo ra nhiều đột phá lớn nhưng chưa dẫn đến sự bền vững. Minh chứng rõ nhất là việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô lớn đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu toàn cầu…

Với nền kinh tế đang phát triển nhanh, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững khi nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của Việt Nam.

Theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng phù hợp, khả thi, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước là nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất của Việt Nam, nhằm đạt 2 mục tiêu cao nhất, đó là: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển và Đảm bảo tiếp cận năng lượng cho người dân và nền kinh tế với chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển và khả năng thực tế của Việt Nam.

Trong đó, điều đặc biệt quan trọng là mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương, người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách đều phải được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để thực hiện được hai mục tiêu nêu trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo, các loại hình năng lượng sơ cấp mới; nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ sử dụng năng lượng và cường độ sử dụng điện của nền kinh tế…

Theo Dự thảo Quy hoạch Điện lực Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo khác được phát triển, trong đó mục tiêu đưa ra là không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030, phát triển các nguồn điện chạy khí ở mức độ hợp lý để tránh lệ thuộc vào thị trường thế giới và xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí hiện có và tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo để tận dụng thế mạnh của Việt Nam…

“Đến năm 2050, ước tính phát thải CO2 từ lĩnh vực sản xuất điện còn khoảng 40 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng ”0” vào năm 2050,” đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, với nguồn lực còn hạn chế đang có những bước đi thực sự trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, việc sử dụng năng lượng hiệu quả là cực kỳ quan trọng trong chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững. Theo đó, cần có các biện pháp chủ động hơn nữa trong sử dụng năng lượng hiệu quả trên phạm vi toàn quốc và cần tăng cường năng lực tốt hơn cho địa phương về vấn đề này.

Quá trình chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững của Việt Nam cần nhận được sự đồng hành và hỗ trợ thỏa đáng từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và công ty/tập đoàn lớn của thế giới.

“Lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với giá cả phải chăng, đồng thời giảm thiểu tác động đến các nhóm/đối tượng trong xã hội,” bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nói./