Cuộc đời học giả Đào Duy Anh

Thưa các cụ, các bác, các thân hữu quí mến,

Thưa hai bác Đào Duy Anh và Trần Thị Như Mân,

Thưa các anh chị em và các cháu trong họ Đào,

Hôm nay, chúng ta sum họp để chúc mừng bác Đào Duy Anh tám mươi tuổi. Nhân dịp vui chung này, tôi có bổn phận phải trình bày với họ hàng và bầu bạn mấy điều khái quát về cuộc đời hoạt động của bác Đào trên con đường cống hiến cho nền văn hóa của đất nước.

giao-su-dao-duy-anh-1704190853-1712116431.png
Học giả Đào Duy Anh

Trong hơn một nửa thế kỉ vừa qua ở Việt Nam, đồng bào từ Bắc chí Nam vẫn không ngớt quí trọng các đóng góp của Đào Duy Anh trên nhiều mặt học thuật, trước hết về sử học, văn học, ngôn ngữ học. Dư luận của các nước trên thế giới cũng đã đánh giá cao những công trình học thuật của nhà trí thức Việt Nam mà tên tuổi gắn liền với Quan Hải tùng thư là một cơ quan xuất bản nổi tiếng từ xưa kia. Bởi vậy, thật khó tóm tắt đầy đủ được những cống hiến một cách liên tục và phong phú của bác Đào đối với Tổ quốc và Cách mạng qua sáu chục năm lao động bền bỉ.

Từ 1968, nghĩa là cách đây mười sáu năm, bộ Từ điển Bách khoa Larousse, xuất bản tại Paris từng ghi nhận trong chữ Việt Nam ở trang 813, tập 10 rằng: “Đào Duy Anh là một tên tuổi lớn trong các nhà bách khoa toàn thư hiện đại…”. Bộ từ điển thế giới ấy còn trân trọng khái quát chữ Đào Duy Anh ở trang 788, tập 3 là: “Nhà văn Việt Nam hiện đại, nhà phê bình, nhà khảo luận và tác giả của nhiều bộ từ điển, trong đó nổi tiếng nhất là bộ Hán Việt từ điển. Ngoài nhiều tác phẩm phổ thông được xuất bản trong sưu tập của Quan Hải tùng thư, ông còn viết các sách rất được quí trọng về Khổng giáo và một cuốn khảo luận về lịch sử của nền văn hóa Việt Nam”.

Những điều ghi nhận đó từ 1968 trong bộ Từ điển Bách khoa ở nước Pháp, vẫn chưa nêu đầy đủ cả cuộc đời hoạt động văn hóa của Đào Duy Anh cho tới nay, mà chỉ mới tóm tắt có bốn mươi năm lao động học thuật của bác Đào, kể từ khi Quan Hải tùng thư ra đời năm 1928 trên đường Hàng Bè của Huế. Thêm nữa, các tác giả từ điển tại Paris lại cũng chưa nêu rõ một điều đặc biệt quan trọng mà chắc hẳn chúng ta đều muốn hiểu biết thấu đáo là: Chí hướng chính trị nào và phương pháp tư tưởng nào đã chỉ đạo nhất quán các sáng tạo học thuật của Đào Duy Anh xuyên suốt sáu chục năm qua?

Các hoạt động văn hóa của Đào Duy Anh đã diễn ra ngay trong hơn nửa thế kỉ cách mạng nóng bỏng của nhân dân Việt Nam, chứ không phải ở một thời gian và một không gian nào khác chẳng dính dáng gì tới bối cảnh lịch sử đó của đất nước. Bởi vậy, có thể nào chỉ xem xét các cống hiến của bác Đào một cách đơn thuần về mặt học thuật, mà lại không đồng thời nhìn thấy những giá trị cũng to lớn về mặt tư tưởng và chính trị? Nếu như các công trình học thuật của Đào Duy Anh đã đi ngược dòng với những tư tưởng thời đại, hoặc đã luồn lách trong các dòng chính trị đầu cơ để buôn văn bán chữ cho những thế lực cường quyền, thì chắc rằng ngày nay chúng ta không thể nào lại chúc mừng bác Đào tám mươi tuổi.

Dư luận vẫn tỏ ra nghiêm khắc trong việc xem xét các trí thức, nhất là các nhà học thuật và các nhà nghệ thuật, tức các giới phải tự biểu hiện và tự khẳng định ngay trong các tác phẩm của mình. Cho nên, giờ đây ôn lại cuộc đời học thuật của Đào Duy Anh trải qua hơn một nửa thế kỉ đầy bão táp cách mạng ở Việt Nam, chúng ta có thể vui mừng trước hết với sự nhất quán thật là đẹp đẽ giữa trí tuệ và lương tâm nơi một nhà trí thức đã vì nhân dân mà cống hiến. Đó cũng chính là điều chủ yếu mà chúng ta cùng nhau khẳng định hôm nay để chúc thọ bác Đào tám mươi tuổi: chúc mừng sự nhất quán giữa học thuật và chính trị qua suốt cuộc đời của Đào Duy Anh.

*
*    *

Một bản quyết toán về những cống hiến của Đào Duy Anh ắt phải chú ý ngay rằng: Cuộc đời học thuật của anh không mở ra từ những văn bằng cao. Anh sinh năm 1904 tại Thanh Hóa, rồi năm 1910 bắt đầu học chữ Hán. Năm 1915 anh bắt đầu học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, đến năm 1923 thì tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học tại trường Quốc học Huế. Tới nay tám mươi tuổi, mặc dầu đã để lại cho đất nước nhiều công trình học thuật mang giá trị đặc biệt, anh vẫn chỉ ghi trong gia phả của mình một văn bằng khiêm tốn thời Pháp là Cao đẳng tiểu học.

Thế nhưng, để có một ý niệm rõ rệt về sự học vấn mà anh đã phải tự tạo cho mình trên con đường học thuật, chúng ta có thể tạm hình dung một cách bao quát tuy chưa đầy đủ rằng: So với cả tiến sĩ Hán học và tiến sĩ Tây học trước kia ở Việt Nam, Đào Duy Anh đều có nhiều ưu thế, do vừa tinh thông cả chữ Pháp và chữ Hán cổ, cũng như chữ Nôm của nước ta và chữ Trung Quốc ngày nay, lại vừa am hiểu cả sử học, triết học, văn học, v.v… của cả phương Đông và phương Tây từ cổ đại đến hiện đại. Ghi nhận rằng Đào Duy Anh là một tên tuổi lớn trong các nhà bách khoa toàn thư hiện đại, chắc hẳn bộ Từ điển bách khoa Larousse cũng đã phản ánh cả sự học vấn đó của anh.

Khi đánh giá những tài năng lớn của các thế kỉ gần đây, Engels từng nhấn mạnh trong Phép biện chứng của Tự nhiên rằng: Mỗi nhân vật ấy đều tinh thông nhiều ngôn ngữ và am hiểu nhiều lĩnh vực của học thuật, đều lớn cả về tư tưởng và nhiệt tình cũng như về sự toàn năng và sự uyên bác[1]. Chính là bằng con đường tự học thầm lặng, con đường tự học bền bỉ, con đường thông thường và phi thường của nhiều trí thức nghèo ở Việt Nam và trên thế giới, Đào Duy Anh đã đạt tới những điều kiện của các tài năng lớn như Engels từng tổng kết. Quả vậy, chính là do con đường tự học xuyên suốt cuộc đời học thuật của mình, Đào Duy Anh đã nêu rõ vì sao anh không có văn bằng cao, mà lại đạt tới những thành tựu cao trong cống hiến cho nền văn hóa của đất nước…

Năm 1923, với tấm bằng Cao đẳng tiểu học tại trường Quốc học Huế, anh đi làm thầy giáo ở trường tiểu học Đồng Hới, vì gia đình chỉ có thể cố gắng nuôi cho anh ăn học được tới đó. Đến nửa năm 1926, trước phong trào yêu nước lại bùng lên từ cuộc xử án Phan Bội Châu và đám tang Phan Chu Trinh, anh từ chức giáo học với dự định làm báo và hoạt động xã hội. Vào Huế ngay mùa hè năm đó, anh diện kiến nhà yêu nước Phan Bội Châu, liền được cụ truyền bá cho một số điều khái lược về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tam dân. Rồi lại vào luôn Đà Nẵng, gặp gỡ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng vừa trúng cử viện trưởng của Viện dân biểu Trung Kì, anh được cụ giao cho việc chuẩn bị thành lập báo Tiếng Dân tại Huế. Cũng trong thời gian này ở Đà Nẵng, Đào Duy Anh đã được Trần Mộng Bạch kết nạp vào Việt Nam cách mạng đảng và sau đổi tên là Tân Việt cách mạng đảng.

Như thế là ngay trong mùa đông 1926, Đào Duy Anh đã khẩn trương hoạt động tại Sài Gòn, với nhiệm vụ nghiên cứu nghề làm báo để chuẩn bị thành lập báo Tiếng Dân, kể từ việc xây dựng nhà in cho đến việc tổ chức biên tập, quản lí, phát hành, v.v… Bên cạnh các nhiệm vụ hết sức mới lạ đó ở nước ta bấy giờ, nhà trí thức hai mươi tuổi còn bị thu hút vào một hoạt động khác nữa, cũng rất quan trọng đối với những bước mở đầu cuộc đời học thuật của anh: Đó là việc lùng mua sách để xây dựng thư viện của báo Tiếng Dân sắp ra đời, đồng thời tìm kiếm các sách về chủ nghĩa cộng sản vừa hé ở nước ta, như yêu cầu bí mật của Đảng và cũng là theo yêu cầu nghiên cứu của anh.

Từ các hiệu sách chữ Pháp ở Sài Gòn đến các hiệu sách chữ Hán ở Chợ Lớn, anh đã chọn mua được hàng trăm quyển về sử học, triết học, kinh tế học, xã hội học, trong đó có cả Tam dân chủ nghĩa luận của Tôn Dật Tiên và một số quyển truyền bá hợp pháp về chủ nghĩa Mác, như Duy vật sử quan, Kinh tế sử quan, Nhân loại tiến hóa sử, v.v… Chỉ riêng các sách của Đông Phương văn khố do anh mua trọn bộ, cũng đã gồm hơn một trăm quyển viết về các vấn đề chính trị, kinh tế, triết học, nghệ thuật, theo tinh thần tân học của trí thức Trung Quốc sau cách mạng Tân Hợi. Trong số các sách tìm mua được bấy giờ, ngay từ buổi thanh niên ấy của cuộc đời, thật đặc biệt là Đào Duy Anh đã rất chú ý tới những tác phẩm của các học giả phương Tây, hoặc Nhật Bản và Trung Quốc chuyên nghiên cứu về văn hóa và triết học phương Đông.

Trong thời gian ở Sài Gòn, anh lại gặp được một thanh niên quê ở Thanh Hóa là Hồ Hữu Nhã, từng lui tới chăm sóc Phan Chu Trinh khi cụ ốm nặng sắp qua đời. Hồi đó, anh bạn đồng hương đang làm thư kí tàu biển cho một công ti hàng hải Pháp, thường có dịp đi Thượng Hải và Hương Cảng, nên có nhiều liên lạc với các thủy thủ từ Pháp sang và vẫn nhận được qua họ những sách báo cộng sản đem về phân phát kín đáo cho bạn bè trong nước. Đào Duy Anh cũng được Hồ Hữu Nhã hai lần cho sách, mỗi lần một gói to, phần nhiều là sách do Đảng Cộng sản Pháp xuất bản thuộc sưu tập ABC về chủ nghĩa cộng sản và các tác phẩm khác như Lịch sử của chủ nghĩa xã hội, Thuyết duy vật lịch sử, Karl Marx: cuộc đời và sự nghiệp, Lenin và vấn đề dân tộc, v.v…

Với số sách chữ Pháp và chữ Hán tìm kiếm được tại Sài Gòn và Chợ Lớn, từ mùa xuân 1927 Đào Duy Anh đã bắt đầu lập được một tủ sách nghiên cứu ở Huế cho báo Tiếng Dân và cả một tủ sách bí mật của đảng Tân Việt với nhiều tác phẩm truyền bá về chủ nghĩa cộng sản. Đó là những cơ sở đầu tiên mở ra con đường tự học và cũng là con đường học thuật của anh. Và quả nhiên, tự những cơ sở vật chất ấy đã nêu rõ ngay từ đầu các phương hướng nghiên cứu của anh trên con đường hoạt động văn hóa. Ngay trong những bước đầu tự học đó, Đào Duy Anh không chỉ đi thu thái các kiến thức của cả cổ kim và Đông Tây, mà còn nuôi chí hướng da diết đi tìm kiếm “cái chìa khoá mở cửa” cuộc đời, giữa lúc tình hình đất nước đang gặp cơn khủng hoảng sâu sắc. Anh đã kể lại rằng:

Sau một năm đọc ngốn ngấu các sách chữ Pháp và chữ Hán vừa kiếm được ở Sài Gòn và Chợ Lớn, anh đã nhận thấy rằng phương pháp tư tưởng và chủ trương cách mạng của chủ nghĩa Marx chính là “cái chìa khóa mở cửa” giúp anh giải quyết được nhiều vấn đề về nhân sinh quan. Đối với những vấn đề như thế do tình hình đất nước khiến anh phải tự đặt ra với mình, thì các triết học của phương Đông như Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo và các học thuyết của phương Tây về cách mạng dân chủ, cũng như chủ nghĩa Tam dân của Tôn Văn đều không thể giúp anh giải quyết được thỏa đáng… Như thế là ngay trong những bước đầu tiên trên con đường nghiên cứu của mình, xuất phát từ tinh thần yêu nước lại bùng lên với tuổi trẻ khắp cõi Việt Nam, Đào Duy Anh đã tìm thấy phương pháp luận của chủ nghĩa Mác, một điều quyết định nhất đối với sự thành công của nhà học thuật sau này.

Đúng vào lúc đó, anh lại được đọc Đường kách mệnh là một tập sách in thạch trong số các tài liệu huấn luyện do Tổng bộ Tân Việt gửi cho. Hồi này Tân Việt cách mạng đảng đã có liên hệ bí mật với Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, nên Thanh Niên đã chuyển cho Tân Việt các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong lớp huấn luyện ở Quảng Châu được tập hợp thành quyển Đường kách mệnh. Chính đây là quyển sách đầu tiên của Bác Hồ viết bằng quốc ngữ để chính thức đưa chủ nghĩa cộng sản về với nhân dân Việt Nam. Bởi vậy sau khi được đọc Đường kách mệnh, nhà trí thức trẻ tuổi Đào Duy Anh lại càng náo nức hướng theo phương pháp tư tưởng và chủ trương cách mạng của chủ nghĩa Mác.

Rồi cũng vào đúng thời gian này, Tổng bộ Tân Việt đã giao cho anh lấy danh nghĩa cá nhân mà lập ra Quan Hải tùng thư, nghĩa là bộ sách nhìn ra bốn bể để công khai xuất bản các sách truyền bá tư tưởng mới cho nhân dân Việt Nam, nhất là các sách khoa học xã hội mang tới cho tuổi trẻ những kiến thức sơ bộ về chủ nghĩa Marx. Bấy giờ, Đào Duy Anh hai mươi ba tuổi đã cùng với Huỳnh Thúc Kháng đứng trong các sáng lập viên của báo Tiếng Dân, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Trung Kì là nơi bị mang những gông ách nặng nề nhất của thực dân và phong kiến. Với tôn chỉ mở mang dân trí và bênh vực dân quyền, tờ báo do cụ Huỳnh làm chủ nhiệm và bác Đào làm thư kí tòa soạn đã nhanh chóng có uy tín rộng lớn trong nhân dân miền Trung.

Uy tín rộng lớn ở báo Tiếng Dân ắt đã giúp cho Đào Duy Anh có thể lập ra Quan Hải tùng thư ngay tại Huế là nơi bị thực dân và phong kiến trói buộc nghiệt ngã nhất. Giữa thời kì còn rất hiếm nhà xuất bản ở nước ta, Huế đã có thể tự hào với Quan Hải tùng thư ra đời từ đầu năm 1928, là một nhà xuất bản đầu tiên trong toàn cõi Việt Nam chuyên về sách khoa học, nhất là sách khoa học xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa Mác.

*
*    *

Trước sự kiểm soát khắc nghiệt của bọn cầm quyền lúc bấy giờ, Quan Hải tùng thư đã chọn một tập sách có vẻ hiền lành để ra mắt bạn đọc: Đó là cuốn Trí khôn do y sĩ Trần Đình Nam viết nhằm giúp cho bạn đọc hiểu được sự cấu tạo và hoạt động của bộ óc. Tuy vậy, ngót sáu chục năm trước ở nước ta, những tri thức khoa học như thế vẫn còn hết sức mới lạ đối với toàn thể nhân dân. Cho nên việc giúp đồng bào hiểu rằng tư duy của con người có một cơ sở vật chất chứ không phải thuần tuý tinh thần, lại chính là một điều rất cần để hướng dẫn độc giả đi dần vào chủ nghĩa duy vật và tư tưởng cách mạng.

Tiếp đến, quyển Lịch sử các học thuyết kinh tế tập 1 do Đào Duy Anh lược dịch, cũng nhằm một yêu cầu rất khiêm tốn và có vẻ hiền lành: giúp bạn đọc nhìn thấy tầm quan trọng của cơ sở kinh tế trong sự phát triển của mọi chế độ xã hội. Thế nhưng, đó lại cũng chính là một tri thức rất căn bản để mở đường cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác. Tiến lên một mức nữa, tập Đông Tây văn hóa phê bình gồm hai quyển do Võ Liêm Sơn dịch của Đông Phương văn khố, đã cốt làm cho nhân dân Việt Nam rõ rằng các nền tư tưởng truyền thống của cả phương Đông và phương Tây đều không thể mở đường mưu cầu hạnh phúc của con người. Rồi quyển Thế giới cường quốc chính thể do Trần Mạnh Nhẫn viết, cũng nhằm vạch rõ với bạn đọc trong nước rằng các chính thể dân chủ trên thế giới, như ở Pháp, Anh, Mĩ, v.v…, tuy có tiến bộ hơn chính thể quân chủ và thực dân tại nhiều nước, vẫn chưa phải là những chế độ thỏa mãn được yêu cầu tự do của quần chúng nhân dân.

In đến tập Hài văn của Võ Liêm Sơn là tập văn hài hước chính trị đầu tiên trên luận đàn Việt Nam, thì nhà xuất bản bắt đầu bị bọn cầm quyền trừng phạt và tác giả bị cách chức giáo học tại trường Quốc học Huế. Vì đả kích trực tiếp vào chế độ quan lại và chế độ thực dân ở nước ta, quyển sách này chưa kịp phát hành thì đã bị cấm và bị tịch thu, Quan Hải tùng thư lại phải cho ra tiếp một vài quyển có vẻ hiền lành, rồi mới in tới cuốn Lịch sử nhân loại do Đào Duy Anh viết, dưới dạng thưởng thức về sử học không có gì kịch liệt để dễ được lưu hành. Tuy vậy, chính đây là tập sách đầu tiên ở nước ta đã công khai truyền bá các quan điểm khoa học của Karl Marx về lịch sử nhân loại, từ chế độ công xã nguyên thủy, qua chế độ nô lệ, chế độ phong kiến, chế độ tư sản, đến chế độ xã hội chủ nghĩa như đã mở ra ở Liên Xô.

Khi cuốn sách ấy được lưu hành trót lọt, nhà xuất bản phải in tiếp một quyển khác chẳng có gì dữ dội đối với bọn cầm quyền: Đó là quyển Xã hội luận do Phan Đăng Lưu dịch của Đông Phương văn khố, chỉ cốt giúp bạn đọc hiểu rằng xã hội loài người tiến hóa là có qui luật khách quan chứ không do ý chí chủ quan của một ai cả. Nhưng kế liền đấy, Quan Hải tùng thư cho ra luôn cuốn Lịch sử các học thuyết kinh tế tập 2, với phần đầu do Đào Duy Anh lược dịch và phần cuối do Phan Đăng Lưu biên soạn, dựa theo một tác phẩm của Nhật Bản được in ở Trung Quốc, nhằm giới thiệu với nhân dân ta học thuyết của Marx về kinh tế.

Ngoài các tác phẩm kể trên, nhà xuất bản lúc này còn phát hành một số sách phổ thông nữa, như quyển Phụ nữ vận động dịch của Đông Phương văn khố và các quyển Tôn giáo là gì? Xã hội là gì? Dân tộc là gì? được biên soạn dựa vào lí luận của Lenin và Bukharin. Trong ngót hai năm hoạt động trước sự kiểm soát ngặt nghèo của thực dân Pháp, Quan Hải tùng thư mới chỉ xuất bản được mười ba tập sách thì phải đình bản do Đào Duy Anh bị bắt vào tháng 9 năm 1929, khi bọn cầm quyền bắt đầu đàn áp cả Tân Việt và Thanh Niên suốt từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, chúng ta phải ngược lên ngót sáu chục năm trước kia, để có thể đánh giá một cách đúng đắn số đầu sách có vẻ ít ỏi đó.

Lịch sử thường chứng minh rằng lắm lúc giá trị của một ngày lại lớn hơn tích số của nhiều năm. Khi chúng ta có thể mua được dễ dàng hàng tủ sách khoa học xã hội, ngay cả một học sinh cũng đã có thể nói trôi chảy hàng loạt từ ngữ khoa học của Marx và Lenin thì sự đánh giá ắt khác hẳn lúc mà đối với hết thảy nhân dân Việt Nam; mỗi từ ngữ về khoa học và cách mạng còn là một điều hoàn toàn mới lạ, đặc biệt khó hiểu nếu chưa kể rằng còn sẵn sàng gây nên bắt bớ tù đầy dưới chế độ thực dân: Chính là Quan Hải tùng thư đã ra đời trong bối cảnh lịch sử ấy của nước ta, khi mà ngay cả ở Hà Nội và Sài Gòn là hai thành phố lớn có nhiều ưu thế so với Huế, cũng chưa ai lập được nhà xuất bản nào công khai in ra các sách về khoa học xã hội và tư tưởng cách mạng.

Hiện thực lịch sử từng chứng tỏ rằng Quan Hải tùng thư đã tự gánh vác phần nặng nhọc đi trước thiên hạ, để làm nhiệm vụ của một nhà xuất bản tiên phong trong việc công khai truyền bá các tư tưởng cách mạng, nhất là một số kiến thức sơ bộ về lí luận khoa học của Marx và Lenin ở Việt Nam. Với ý thức rõ rệt về sứ mệnh mở đầu ấy của mình trước bao điều mới lạ của khoa học và cách mạng, Quan Hải tùng thư lại còn cố gắng in thêm ở cuối mỗi tập sách một mục giải thích các từ ngữ khó hiểu. Cho nên đi đôi với việc phổ biến các tư tưởng mới đối với nước ta, ngay từ thời điểm khắc nghiệt đó của lịch sử Việt Nam dưới gông ách của thực dân và phong kiến, nhà xuất bản của Đào Duy Anh cũng đã đóng góp vào kho tàng tiếng nói của đất nước một khối lượng phong phú các từ ngữ hiện đại.

Như thế đấy, từ nội dung các tập sách được xuất bản đến việc giải thích các từ ngữ khó hiểu ở cuối mỗi tập sách, Quan Hải tùng thư đã góp phần thúc đẩy nhanh thêm sự giác ngộ của nhân dân ta trên chặng đường đầu tiên tiếp thu tư tưởng của Marx và Lenin từ hơn một nửa thế kỉ khắc nghiệt trước đây. Qua các bản tự thuật cách mạng được ghi giữ tại một số Ban nghiên cứu lịch sử Đảng ở các tỉnh, một số cán bộ lão thành đến nay vẫn nhắc lại rằng trong những năm 1929, chính do đọc sách của Quan Hải tùng thư mà đã giác ngộ kịp thời về chủ nghĩa cộng sản, đúng vào giai đoạn đang diễn ra sự chuyển hướng ở nước ta từ tư tưởng quốc gia sang tư tưởng quốc tế. Rồi cho đến cả những năm 1934-1935 là khi phong trào cách mạng bắt đầu nhen nhóm lại sau cuộc tổng khủng bố Đảng Cộng sản, nhiều đảng viên cộng sản vừa ở tù ra cũng vẫn lấy việc đọc sách của Quan Hải tùng thư để tập hợp lực lượng và khôi phục hoạt động.

Đến lúc này thì trong các sách của Quan Hải tùng thư đã có thêm bộ Hán Việt từ điển mà một số cán bộ cách mạng ở nước ta từng coi là bộ sách giúp ích rất nhiều cho việc tự học lí luận Marx -Lenin. Chúng ta hãy hiểu điều kì lạ ấy đúng như nó diễn ra trong một giai đoạn lịch sử thường được gọi là thời kì thoái trào của cách mạng Việt Nam. Sau một năm ở tù do hoạt động Tân Việt, Đào Duy Anh và vợ chưa cưới là Trần Thị Như Mân được trả lại tự do vào cuối 1930, khi bọn cầm quyền đã chuyển sang khủng bố khốc liệt hơn trước với đối tượng đàn áp mới là Đảng Cộng sản Đông Dương. Tự thấy không thể hoạt động chính trị trong điều kiện bí mật như trước đó, hai anh chị thành hôn và sống bằng một cửa hàng bán sách ở Huế, để Đào Duy Anh lại theo đuổi các hoạt động văn hóa và xuất bản công khai, với mong mỏi có thể vẫn phục vụ quốc dân bằng phương pháp tư tưởng và lí luận cách mạng của chủ nghĩa Mác mà anh hằng hâm mộ.

Thế nhưng, 1930-1931 lại đúng là những năm khủng bố khốc liệt nhất của chính quyền thực dân Pháp ở nước ta. Đào Duy Anh chưa thể tìm kiếm được thêm các tác phẩm về chủ nghĩa Marx, mà cũng chưa thể xuất bản được ngay các sách ra mặt truyền bá những tư tưởng của Marx và Lenin. Với sự cộng tác của vợ cũng là một trí thức từng dạy học ở trường Đồng Khánh Huế, anh liền bắt tay soạn bộ Hán Việt từ điển để qua đó mà phổ biến trong nhân dân ta hàng nghìn khái niệm mới, những thuật ngữ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được giải thích theo quan điểm của chủ nghĩa Marx, hoặc những thuật ngữ khoa học của bản thân chủ nghĩa Marx. Có lẽ không ai ngờ rằng công việc biên soạn bộ từ điển này lại là sự phát triển kế tục của các mục giải thích từ ngữ ở cuối mỗi tập sách trước đây của Quan Hải tùng thư.

Sau ngót nửa năm làm việc ngày đêm, mùa xuân 1931, Đào Duy Anh đã lập thành một bản thảo đầu tiên của sách Hán Việt từ điển, liền đem trình bậc đại nho Phan Bội Châu để xin ý kiến. Cùng với ông Lâm Mậu cũng là một bậc túc nho, cụ Phan đã chỉ bảo cho anh những thiếu sót trong bản thảo và viết luôn bài tựa đề ngày 01 tháng 3 năm 1931 với biệt hiệu là Hãn Mạn Tử. Bản thảo được tiếp tục sửa chữa và bổ sung thêm cho đến đầu năm 1932, thì Hán Việt từ điển đã ra mắt bạn đọc với hơn bốn vạn từ ngữ. Thật là kì lạ, khi Đảng Cộng sản Đông Dương đang bị chính quyền thực dân Pháp dìm trong máu lửa, mà Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh được phát hành rộng khắp nước nhờ tiền đặt mua của bạn đọc, lại công nhiên giải thích về Đảng Cộng sản, về Chủ nghĩa cộng sản, về Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, cũng như về Duy vật sử quan, về Vô sản chuyên chính, về Thặng dư giá trị… tức là những từ ngữ và khái niệm chỉ thuộc về chủ nghĩa Marx.

*
*    *

Qua bao từ ngữ và khái niệm của chủ nghĩa Marx từng được giải thích trong Hán Việt từ điển cách đây hơn một nửa thế kỉ, ai mà chẳng thấy rằng Đào Duy Anh đã mang cả trí tuệ lẫn lương tâm giữa một thời kì rất bi kịch của đất nước bấy giờ, để vẫn công khai truyền bá cho quốc dân đồng bào những tư tưởng cách mạng của học thuyết cộng sản. Và cũng giữa cơn máu lửa khủng bố hồi đó của thực dân Pháp, khi Phan Bội Châu hăm hở cầm bút đề tựa cho Hán Việt từ điển để giới thiệu với quốc dân bộ sách của “người bạn thanh niên” là Đào Duy Anh, phải chăng bậc đại nho cách mạng đã đồng thời biểu hiện cả nhiệt tâm hậu thuẫn cho tư tưởng cộng sản và thế hệ thanh niên ở nước ta? Trong không khí vui vầy hôm nay để chúc mừng bác Đào tám mươi tuổi, quả là thú vị khi chúng ta đọc lại các từ ngữ đã được ghi vào Hán Việt từ điển, với những giải nghĩa vẫn căn bản đứng vững qua hơn chục năm thử thách. Chẳng hạn:

Cộng sản chủ nghĩa là cái chủ nghĩa muốn tiêu diệt quyền tư hữu, đem tất cả cơ quan sinh sản và sinh sản phẩm trên xã hội làm của chung của tất cả mọi người, đặt cơ quan thống kê vào quản lí chung; về chính trị thì chủ trương liên hiệp tất cả giai cấp lao động để đánh đổ chế độ tư bản.

Cộng sản đảng là chính đảng chủ trương cộng sản chủ nghĩa (Parti communiste).

Cộng sản đảng đồng minh là đoàn thể xã hội chủ nghĩa thành lập năm 1847 tại Luân Đôn (Ligue communiste).

Cộng sản đảng tuyên ngôn là bài tuyên ngôn khai hội của Đảng Cộng sản đồng minh, do Mã Khắc Tư (tức Karl Marx) và Ân Cách Nhĩ (tức Engels) thảo ra. Thuyết duy vật sử quan của Mã Khắc Tư xuất hiện trước nhất trong bài ấy (Le Manifeste communiste).

Duy vật sử quan là một sự kiến giải về cuộc tiến hóa của xã hội, do Mã Khắc Tư thủ xướng, theo thuyết ấy thì chế độ của xã hội cùng tất cả những gì thuộc về tinh thần là theo sự phát đạt của vật chất, tức là của sinh sản lực, mà quyết định, như thời đại dùng cái xa quay tơ thì có chế độ phong kiến, thời đại dùng máy hơi nước thì có chế độ tư bản. Cũng gọi là kinh tế sử quan (Materialisme historique).

Vô sản chuyên chính là cái chế độ do giai cấp vô sản đánh đổ giai cấp tư sản, cướp lấy chính quyền, thi hành chuyên chế để thực hành chủ nghĩa cộng sản. Chế độ ấy hiện thi hành ở nước Nga (Diétature du proléteriat).

Thặng dư giá trị: Theo học thuyết Mã Khắc Tư, lao động bán sức cho nhà tư bản thường đến mười phần, nhưng nhà tư bản trả tiền công chỉ được bốn đến năm phần, còn dư nữa là cướp sức không của người lao động. Nhà tư bản vì thế mà thu được lợi nhiều, cái lợi nhà tư bản thu được đó gọi là thặng dư giá trị (Plusvalue).

Mã Khắc Tư (Karl Mark): nhà đại học giả và đại cách mạng nước Đức, năm 1847 phát biểu tờ Cộng sản đảng tuyên ngôn (Manisfeste communiste), sau làm sách Tư bản luận. Sinh năm 1818, chết 1883. Học thuyết trọng yếu của ông là duy vật sử quan, giai cấp đấu tranh, thặng dư giá trị, làm căn bản cho cuộc vận động xã hội cách mệnh hiện tại.

Mã Khắc Tư chủ nghĩa (Marxisme): chủ nghĩa về xã hội và kinh tế của Mã Khắc Tư, hiện làm lí luận căn bản cho cuộc vận động xã hội cách mệnh và thế giới cách mệnh…

Nêu lên một số từ ngữ trên đây làm ví dụ khi điểm lại bộ từ điển của Đào Duy Anh, chúng ta cũng nên nhắc tới một điều mà Phan Bội Châu từng nhấn mạnh trong bài tựa viết năm 1931 rằng: “Hiện sách giáo khoa Quốc ngữ với các báo chí tùng thư trên vũ đài Quốc văn ngày nay, Hán văn vẫn chiếm một bộ phận lớn, nhất là những danh từ thành ngữ thuộc về các khoa học mới… Muốn nghiên cứu khoa học mới, hoặc nghiên cứu sách ngoài, thì những danh từ thành ngữ như: trừu tượng, cụ thể, mục đích, phương châm, v.v… mà nhà tân học cần dùng, hết thẩy phải lấy ở Hán văn”. Điều nhấn mạnh ấy của cụ Phan càng nêu bật vai trò của Hán Việt từ điển trong hơn một nửa thế kỉ qua, khi đó là bộ từ điển độc nhất ở nước ta cho đến nay về loại hình Hán Việt để thỏa mãn các yêu cầu học mới, nếu chưa kể là cũng đã đáp ứng luôn cả yêu cầu đọc các sách cũ do cha ông truyền lại cho chúng ta dịch ra quốc ngữ.

Với vị trí độc đáo như thế của một công trình học thuật, chắc hẳn Hán Việt từ điển cũng đã tỏ rõ những giá trị đặc biệt trong việc góp phần công khai truyền bá các khái niệm của chủ nghĩa Mác. Việc làm khó khăn này của Đào Duy Anh dưới sự kiểm soát ngặt nghèo bấy giờ của thực dân Pháp, ắt chỉ có thể trót lọt nhờ dựa vào danh nghĩa của học thuật và lí do về từ ngữ trên con đường văn hóa nhằm mở mang dân trí. Và cũng chính nhờ dựa vào lí do từ ngữ và danh nghĩa học thuật đó, Đào Duy Anh lại có thể tiến thêm một bước nữa với bộ Pháp Việt từ điển, nhằm tiếp tục phổ biến cho quốc dân đồng bào các khái niệm của chủ nghĩa Mác, kế theo công việc mà bộ Hán Việt từ điển đã mở ra trước đấy bốn năm đầy gai góc. Trong mấy vạn từ ngữ rất cần thiết cho việc tiếp xúc của nhân dân ta với các tri thức của thế giới qua các sách báo tiếng Pháp, bộ Pháp Việt từ điển ra đời năm 1936 tại Huế vào đúng lúc Mặt trận Bình dân vừa giành được thắng lợi quan trọng ở Pháp và có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, quả là bộ từ điển độc nhất bấy giờ có thể giúp cho nhiều thanh niên trí thức của nước ta đọc các sách báo của Đảng Cộng sản Pháp đã sang đến Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

Ngày nay, mở lại các trang Pháp Việt từ điển do Đào Duy Anh biên soạn, chúng ta còn nhìn thấy biết bao từ ngữ đầy nguy hiểm hồi đó, chẳng hạn: Communisme (chủ nghĩa cộng sản), Communiste (người cộng sản), Maxisme (học thuyết của Các-Mác), Manifeste communiste (bản tuyên ngôn cộng sản đảng), Materialisme (chủ nghĩa duy vật), Materialisme historique (lịch sử duy vật luận), Materialisme dialectique (biện chứng duy vật), Dictature du proléteriat (vô sản chuyên chính), Soviet (Xô viết), Soviétique (thuộc chế độ Xô viết), Karl Mark (nhà đại cách mệnh), Lénine (lãnh tụ đảng Bolchevik - đệ nhất anh hùng của cách mạng nước Nga)… Chính là hàng vạn từ ngữ như thế thuộc mọi mặt triết học, văn học, sử học, kinh tế học, chính trị học, xã hội học, được phiên dịch và giải thích trong Pháp Việt từ điển của Quan Hải tùng thư, đã giúp cho nhiều thanh niên nước ta tự học về lí luận của Mác và Lê-nin.

Gần đây anh Vương Nhị Chi, một cán bộ lão thành nguyên là Phó Trưởng Ban Công nghiệp của Trung ương Đảng ta, còn kể lại với tôi rằng: Trong kháng chiến chống xâm lược Pháp, khi làm uỷ viên thường vụ của Đảng bộ cộng sản khu IX, anh vẫn dùng một bộ Pháp Việt từ điển của Đào Duy Anh, để đọc các sách báo của Đảng Cộng sản Pháp lúc đó đã được chuyển sang Nam Bộ qua Thái Lan. Một hôm bị giặc Pháp càn quét ráo riết, anh phải lặn lội suốt đêm qua bao kinh rạch, ướt hết quần áo và tài liệu mang theo trên lưng. Cuối cùng để có thể đi tới nơi an toàn, anh quyết định vứt hết các thứ mang theo, trừ bộ từ điển là một trợ thủ không thể thiếu được. Mặc dầu đã bị cụt hai bàn tay do thử vũ khí, anh vẫn kẹp chặt quyển sách dày cộp và ướt sũng trong nách, chờ khi về đến cơ quan lại đem phơi khô từng trang nguyên lành. Rồi ngày tập kết từ Nam Bộ ra miền Bắc, anh đã đem theo bộ Pháp Việt từ điển đó và giữ gìn trọn vẹn cho tới nay.

Trong một nửa thế kỉ vừa qua, Hán Việt từ điểnPháp Việt từ điển của Quan Hải tùng thư đều đã được nhân dân ta quí trọng như thế đấy, vì một lẽ rất cụ thể là trước đây không một bộ từ điển nào khác ở Việt Nam có thể thay thế được trong việc tự học của chúng ta về chính trị và nói rộng hơn nữa là trong việc tự nghiên cứu về lí luận của chủ nghĩa Mác - Lênin tại một nước mà chữ Hán và chữ Pháp đều thông dụng. Nội dung của hai bộ từ điển đã có trên dưới năm chục tuổi đời đó, chắc hẳn càng giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ thêm chí hướng chính trị ấp ủ trong hoạt động học thuật của Đào Duy Anh.

*
*    *

Những cố gắng tự học để có thể kế tiếp biên soạn hai bộ từ điển hiện đại kia, khiến Đào Duy Anh đã có thêm nhiều kiến thức toàn diện cả về học vấn phổ thông và lí luận khoa học của Marx. Nhờ vậy, lòng hâm mộ đối với phương pháp luận của chủ nghĩa Marx đặc biệt đối với quan điểm khoa học của Marx trong chủ nghĩa duy vật lịch sử và phương thức sản xuất châu Á càng hướng anh đi sâu vào việc nghiên cứu về sử học, triết học, văn học của phương Đông và chủ yếu hơn cả, vào việc nghiên cứu lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Sau khi in xong bộ Pháp Việt từ điển trong năm 1936, anh đã hướng mọi hoạt động học thuật của mình vào mục tiêu trung tâm đó: lí giải lịch sử của dân tộc Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỉ XIX. Mong muốn của anh đã mở ra đúng lúc Mặt trận Bình dân vừa giành được thắng lợi quan trọng ở bên Pháp, nên Đào Duy Anh đã có thể dễ dàng mua được các tác phẩm về chủ nghĩa Marx đang rất cần cho việc nghiên cứu và sáng tác của mình. Nguồn cung cấp các sách hiếm ấy cho anh bấy giờ là hai nhà xuất bản của Đảng Cộng sản Pháp: Bureau d’édition và Editions internationales. Trong thư viện của gia đình anh ở Huế từ đó đã có được một tủ sách riêng về các tác phẩm của Marx và Engels, đặc biệt với đủ hai sưu tập các sách nghiên cứu về chủ nghĩa Marx là Problèmes và À la lumière du maxisme.

Tuy thế, nắm được tư tưởng và phương pháp của chủ nghĩa Marx để vận dụng vào việc nghiên cứu và sáng tác của mình vẫn không phải là điều đơn giản. Đào Duy Anh lại phải trải qua những bước tập dượt thêm nữa trên con đường học thuật tiến theo phương hướng đó, với mong muốn vận dụng phương pháp duy vật lịch sử của Marx vào việc lí giải lịch sử dân tộc Việt Nam từ nguồn gốc. Mở đầu những bước tập dượt mới này, anh đã biên soạn cuốn Việt Nam văn hóa sử cương và xuất bản năm 1938 tại Huế trong Quan Hải tùng thư. Tự biết là chưa đủ năng lực và căn cứ để vận dụng phương pháp duy vật lịch sử, trong tác phẩm khai trương công việc nghiên cứu đó ở nước ta theo một hướng mới, anh chỉ cố gắng vận dụng quan điểm duy vật thông thường mà phân bổ tư liệu và nêu cao những nét ưu điểm độc đáo trong nền văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Mặc dầu như vậy, Việt Nam văn hóa sử cương đã được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh ngay từ bấy giờ, khi nó vừa cắm được cột mốc đầu tiên trên con đường nhận thức lịch sử của dân tộc Việt Nam theo quan điểm duy vật, nhất là một cột mốc nêu cao niềm tự hào dân tộc về những giá trị độc đáo trong nền văn hóa cổ truyền của đất nước.

Đầu những năm 1940, Quan Hải tùng thư còn tiếp tục xuất bản các sách Khảo luận về Kim Vân Kiều, Khổng giáo phê bình tiểu luậnTrung Hoa sử cương. Đó cũng là những tác phẩm của Đào Duy Anh trong bước tập dượt đứng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác mà lí giải một số vấn đề về văn học, triết học, sử học của phương Đông đang được bàn luận bấy giờ ở Việt Nam và bởi vậy, cũng là những tác phẩm đã được dư luận bấy giờ đặc biệt chú ý do đưa ra các quan điểm mới. Tuy thế, như anh từng tự nhận xét, Khảo luận về Kim Vân Kiều còn vướng phải thuyết địa lí quyết định luận, Khổng giáo phê bình tiểu luận còn vướng phải quan điểm duy vật máy móc, Trung Hoa sử cương còn nhiều chỗ vụng về trong sự vận dụng quan điểm duy vật lịch sử, dựa trên kết quả nghiên cứu của một số học giả Trung Quốc như Quách Mạt Nhược và La Chấn Vũ. Dẫu sao, những kinh nghiệm qua các thành công và các khuyết điểm ấy vẫn là những thực tiễn đã giúp cho anh có thể dần dần nắm vững phương pháp luận đi vào nghiên cứu cổ văn. Nhưng hoạt động chủ yếu từng tập trung tâm lực của anh là: nghiên cứu lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Từ ngày lựa chọn phương hướng chủ yếu trong hoạt động học thuật của mình là nghiên cứu lịch sử của đất nước tận nguồn gốc, Đào Duy Anh đã dùng một phần không nhỏ tiền thu nhập ở bộ Pháp Việt từ điển để mua sắm các tác phẩm và tài liệu. Anh phải tự xây dựng ở Huế một thư viện riêng khá phong phú về khoa học xã hội gồm cả cổ kim Đông Tây, với hàng nghìn quyển sách gồm cả triết học, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, kinh tế học, xã hội học, dân tộc học, ngôn ngữ học và nhiều nhất là các tác phẩm, tài liệu về sử học. Ngoài các sách in chữ Hán, chữ Pháp, chữ Việt, cùng những sưu tập các tạp chí, tập san chữ Pháp và chữ Việt có quan hệ với sử học, anh còn sưu tầm và thuê chép hoặc thuê in nhiều bản tài liệu rất hiếm. Chẳng hạn, anh đã thuê in tất cả những sách của Quốc sử quán ở Huế bấy giờ còn giữ bản in gỗ, trong đó có một bộ đề là Khâm định tiễu bình phỉ khấu phương lược toàn thư gồm 150 quyển, ghi các công văn nói về sự đàn áp những cuộc nổi dậy của nông dân các địa phương và của đồng bào các dân tộc ít người dưới triều Minh Mạng.

Trong thời kì này, vào những vụ nghỉ hè và nghỉ Tết Nguyên đán, Đào Duy Anh thường đi về các vùng nông thôn để tìm kiếm những tài liệu cần cho sử học, những tài liệu hết sức quí giá còn được các gia đình cất giữ và ngay cả ở các thư viện cũng không có. Ví dụ như khi ra Nghệ Tĩnh, anh đã tìm thấy nguyên bản Hoa tiên kí của Nguyễn Huy Tự, vẫn được cất trong nhà thờ họ Nguyễn tại làng Trường Lưu (nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; chú thích của người biên soạn), cũng như anh đã tìm thấy bản thảo gốc các Điều trần của Nguyễn Trường Tộ do con cháu của cụ vẫn cất giữ tại làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; chú thích của người biên soạn). Thật may mắn là anh còn giữ được các tài liệu quí báu ấy đến ngày nay và đã trao lại cho Viện Sử học và Viện Bảo tàng lịch sử của Nhà nước ta. Việc sưu tầm sử liệu đi đôi với việc chỉnh lí sử liệu bấy giờ đã nằm trong kế hoạch nghiên cứu lâu dài của anh về cổ sử Việt Nam. Ngay hồi đó anh đã khảo chứng, rồi phiên dịch và chú giải sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn là một tác phẩm rất quan trọng về lịch sử và địa lí của “Đường Trong” ở nước ta, nhưng sách chưa kịp in thì xảy ra sự biến Nhật đảo chính Pháp và sau đấy bản thảo gốc bị lạc mất.

Cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đào Duy Anh vẫn day dứt rằng về cổ sử Việt Nam, thì từ các sách cũ bằng chữ Hán đến bộ sử bằng tiếng Việt là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, nhân dân ta chỉ được biết mơ hồ về nguồn gốc của dân tộc qua các truyền thuyết về những đời Hùng Vương và thời An Dương Vương. Sách giáo khoa viết bằng chữ Pháp của Dương Quảng Hàm thì lại dựa vào những bài nghiên cứu tuy có vẻ khoa học, nhưng đầy thiên kiến thực dân của các tác giả tư sản Pháp, xem tổ tiên chúng ta chỉ là một nhóm người nguyên thủy đã được khai hóa nhờ cuộc chinh phục của Hán tộc! Chính với những day dứt ấy trên con đường học thuật, anh càng quyết tâm đem ánh sáng của chủ nghĩa duy vật lịch sử mà soi tỏ các vấn đề cơ bản trong lịch sử cổ đại của nước ta.

Bước đường hoạt động sử học của Đào Duy Anh đã bắt đầu như thế đấy ngay dưới chế độ thực dân. Song phải chờ đến Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến toàn quốc chống Pháp, anh mới có thêm điều kiện cụ thể để thật sự bắt tay vào biên soạn các công trình về lịch sử Việt Nam theo quan điểm của chủ nghĩa Mác.

*
*     *

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, hoạt động trong Chi hội Văn nghệ Liên khu IV tại vùng tự do Thanh Hóa, Đào Duy Anh biên soạn xong bộ Việt Nam lịch sử giáo trình gồm bốn tập, để làm tài liệu dạy học theo yêu cầu của Phòng chính trị quân khu IV. Lúc đó anh vẫn mang theo bên mình bản thảo về Cổ sử Việt Nam đã được biên soạn từ trước Cách mạng tháng Tám và cũng đã được bổ sung ngay sau Cách mạng tháng Tám khi anh giảng dạy ở trường Đại học Văn khoa tại Hà Nội.

Như anh tự đánh giá, Việt Nam lịch sử giáo trình so với các sách lịch sử đã in trước kia ở nước ta, tuy có nhiều tiến bộ về tài liệu và quan điểm, nhưng vẫn chưa vận dụng được quan điểm của chủ nghĩa Mác một cách ổn thoả. Còn bản thảo về Cổ sử Việt Nam thì đến giữa năm 1950 ra Việt Bắc, để phụ trách Ban Sử Địa trong Vụ Văn học nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục, anh mới có dịp kiểm tra và xác định là về căn bản đã vận dụng được quan điểm của chủ nghĩa Mác. Đó là sau khi anh đã đọc mấy bộ sách viết về lịch sử Trung Quốc theo quan điểm mác xít, là bộ Trung Quốc xã hội sử cương của La Chấn Vũ, Trung Quốc thông sử giản biên của Phạm Văn Lan, Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu của Quách Mạt Nhược.

Đối với bản thảo về Cổ sử Việt Nam, anh thấy chỉ cần nhấn mạnh thêm một số đoạn về trạng thái văn hóa và hình thái xã hội của thời Hùng Vương và thời Âu Lạc. Nhưng về bộ Việt Nam lịch sử giáo trình thì Đào Duy Anh đã viết lại hoàn toàn thành bộ Lịch sử Việt Nam, với những nghiên cứu bổ sung theo quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác. Công việc này được bắt đầu từ mùa thu năm 1951 tại Việt Bắc, khi anh đã dịch hết bộ Trung Quốc thông sử giản biên của Phạm Văn Lan, để nắm vững thêm việc vận dụng quan điểm duy vật lịch sử. Lúc đó, bên cạnh bản thảo về Cổ sử Việt Nam và một số tài liệu về sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn do anh từng khảo chứng trước kia, anh chỉ có trong tay hai bộ tài liệu cơ bản là Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên và Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Bởi vậy, được Vụ Văn nghệ của Bộ Giáo dục giúp đỡ, anh lại phải đi bộ từ Tuyên Quang vào Thanh Hóa để lấy thêm tài liệu của mình, rồi vào luôn Nghệ An mượn thêm ngót hai trăm tác phẩm trong tủ sách gia đình của Cao Xuân Dục ở Diễn Châu, thuê gánh ra Việt Bắc lập thư viện của Ban Sử Địa.

Viết gần xong bản thảo về Lịch sử Việt Nam, thì đầu năm 1952 anh bị bệnh phổi tái phát và phải hoàn thành những trang cuối cùng trên giường bệnh. Tháng 9 năm ấy, anh trở vào Thanh Hóa để tiện việc điều trị, rồi một năm sau đó sức khỏe phục hồi, lại được vào dạy lớp Dự bị đại học sau trở thành trường Sư phạm cao cấp. Để có tài liệu giảng dạy môn lịch sử Việt Nam, anh đã viết lại một lần nữa bộ Lịch sử Việt Nam của mình. Và anh lại phải vào Nghệ An nhận thêm một số sách quí trong thư viện của họ Cao để nghiên cứu. Trong tủ sách của Cao Xuân Dục, mỗi tác phẩm thường có năm bản giống nhau, nhằm phân chia cho năm con trai lớn của cụ, nên qua bao lần biến động mà vẫn còn nhiều tài liệu quí…

Cuối năm 1954, Đào Duy Anh trở về thủ đô giải phóng, vẫn dạy môn lịch sử Việt Nam tại trường Đại học Sư phạm rồi ít lâu sau chuyển sang trường Đại học Tổng hợp. Trong năm 1955 tại Hà Nội, anh đã đồng thời đưa xuất bản cả sách Cổ sử Việt Nam và bộ Lịch sử Việt Nam gồm hai tập. Như vậy là qua hai chục năm theo đuổi công cuộc nghiên cứu về lịch sử dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, mãi tới ngày thủ đô giải phóng khỏi ách thống trị thực dân lần thứ hai, Đào Duy Anh mới có thể tự khẳng định trong tư cách nhà sử học hiện đại của nhân dân Việt Nam.

Sách Cổ sử Việt Nam đã được Viện Đông phương học ở Mátxcơva dịch và in, với lời giới thiệu là tác phẩm đầu tiên về lịch sử cổ đại Việt Nam viết theo quan điểm duy vật lịch sử. Đến năm 1957, tác phẩm này lại được Đào Duy Anh viết bổ sung thành bộ Lịch sử cổ đại Việt Nam gồm bốn tập do Tập san Đại học tại Hà Nội xuất bản. Bản bổ sung mới đó đã được Khoa học xuất bản xã ở Bắc Kinh xuất bản năm 1959, do Lưu Thống Văn ở Viện Khoa học Trung Quốc dịch, với lời giới thiệu rằng tác giả đã dùng sử liệu phong phú mà nghiên cứu và phân tích một cách đặc biệt tinh tế nhiều vấn đề trọng yếu về lịch sử cổ đại Việt Nam.

Năm 1957, bộ Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỉ XIX cũng đã được Đào Duy Anh viết bổ sung và do Nhà xuất bản Văn hóa tại Hà Nội xuất bản tập 1 trong năm 1958. Tập 1 của bộ sử này liền được Từ Dật Quần dạy trường Đại học Quảng Châu dịch ra chữ Trung Quốc và cũng đã gửi bản dịch cho tác giả xem lại và góp ý như Lưu Thống Văn ở Bắc Kinh từng làm trước đó. Trong năm 1957, Tập san Đại học tại Hà Nội còn xuất bản một tác phẩm nữa của Đào Duy Anh là quyển Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam, lần đầu tiên vạch ra rằng do đặc điểm của xã hội ta giống như nhiều “xã hội Á châu”, nên dân tộc Việt Nam đã hình thành rất sớm từ thời đại phong kiến, chứ không chờ đến sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản mới hình thành như các dân tộc ở Âu Mĩ.

Trong nền sử học của nước Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám và kháng chiến toàn quốc chống Pháp, quả vậy, Đào Duy Anh đã đặt tảng đá đầu tiên cho sự vận dụng quan điểm duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc Việt Nam tận nguồn gốc. Đặc biệt, bác Đào đã kiên trì vận dụng lí luận của Mác về phương thức sản xuất Á châu để làm sáng tỏ rằng lịch sử dân tộc Việt Nam không trải qua chế độ nô lệ cổ điển như ở Tây Âu và vì thế không tự nó tiến lên giai đoạn tư bản chủ nghĩa được. Mặc dầu bấy giờ một số cán bộ tại Hà Nội bắt đầu đi vào sử học lại cứ muốn cho rằng trong lịch sử Việt Nam cũng có đầy đủ chế độ nô lệ, giống như một vài giới ở Bắc Kinh lúc đó đang ra sức tô vẽ rằng xã hội Trung Quốc cũng đã phát triển tuần tự với cả chế độ nô lệ và chủ nghĩa tư bản. Điều kết luận này trong học thuật có ý nghĩa thật là quan trọng về mặt chính trị, bởi lẽ như Engels từng nêu bật rằng chế độ nô lệ xưa kia là một tiền đề tất yếu của chủ nghĩa tư bản ngày nay. Khi xã hội Việt Nam xưa kia vốn không trải qua chế độ nô lệ, thì đó cũng là một tiền đề tất yếu khiến đất nước ngày nay không tự dấn thân vào con đường của chủ nghĩa tư bản nữa.

Với quan điểm trước sau như một trong học thuật, qua các tác phẩm và sự giảng dạy của mình, bác Đào đã mở ra phương hướng cho nhiều môn sinh đi vào sử học với hứng thú tìm tòi bằng phương pháp của chủ nghĩa Mác. Và nổi bật hơn cả, bác Đào có thể đặc biệt tự hào với những khám phá độc đáo của mình về cổ sử Việt Nam, trong các vấn đề trọng yếu mà các tác giả kế tục cứ ngày càng xác minh đầy đủ thêm chứ không ai phủ nhận. Đó chính là một sự tự khẳng định cao hơn của dân tộc ta trong thời đại mới, khi các phát hiện của Đào Duy Anh về sử học đã nêu rõ với nhân dân:

Rằng ý nghĩa thật sự của các truyền thuyết lịch sử về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là ở các quan hệ xã hội của thời cộng đồng nguyên thủy, tức thời vua Hùng dân Lạc, cũng như ở mối quan hệ giữa các tên đất và tên tộc của tổ tiên ta với tín ngưỡng Tô tem là điều phổ biến trong xã hội thị tộc, chứ không phải là những gì huyền hoặc phi lí.

Rằng nền văn hóa Đông Sơn là sản phẩm độc đáo do tổ tiên trực tiếp của chúng ta trong cộng đồng Lạc Việt đã sáng tạo nên ngay trên cương vực của nước ta bấy giờ, chứ không phải như một số tác giả thực dân đã trình bày xuyên tạc thành một văn hóa chỉ nảy sinh nhờ ảnh hưởng chinh phục của văn hóa Hán tộc.

Rằng nước Âu Lạc do An Dương Vương dựng lên, là kết quả của sự liên minh chiến đấu giữa hai bộ tộc Tây Âu và Lạc Việt đã trở thành hai thành phần cơ bản trong cộng đồng dân tộc của nước ta về sau, chính do sự liên kết chiến đấu đó mà tổ tiên chúng ta đã tiến hành cuộc kháng chiến đầu tiên ngót một chục năm đánh bại quân đội của Tần Thủy Hoàng là thế lực bành trướng ghê gớm nhất ở châu Á bấy giờ.

Đồng thời lần đầu tiên Đào Duy Anh cũng đã dùng địa lí học lịch sử để sơ bộ xác định cương vực nước Âu Lạc, rồi do đó tìm hiểu luôn cương vực đất nước thời Hùng Vương và cương vực của ba quận bị phân chia dưới nền đô hộ của nhà Hán, để càng khẳng định sự tồn tại của tổ tiên chúng ta trên lãnh thổ của mình ngay từ buổi đầu lịch sử…

Từ tháng 3 năm 1958, bác Đào bị điều động về Bộ Giáo dục chứ không giảng dạy về lịch sử nữa, rồi đến đầu năm 1960 thì được chuyển sang Viện Sử học để chỉ làm việc hiệu đính cho tới ngày hưu trí. Như thế là hơn năm năm ở Viện Sử học trước khi về hưu, bác Đào chỉ được giao một công việc chủ yếu là hiệu đính các bản dịch những sử liệu bằng chữ Hán do người khác dịch mà chưa chỉnh lí. Tuy vậy, bác Đào vẫn cố gắng hiệu đính và chỉnh lí ở mức chính xác nhất ngót một vạn trang, gồm những tài liệu lịch sử có giá trị cơ bản nhất trong kho tàng nước ta, như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam thống nhất chí, Đại Nam thực lục, Binh thư yếu lược, Hổ trướng khu cơ, Khâm định tiễu bình phỉ khấu phương lược, v.v… Do công việc hiệu đính, chỉnh lí, chú giải của bản dịch những sử liệu gốc đó của đất nước, với tất cả trí tuệ và lương tâm của mình, nhà sử học Đào Duy Anh đã để lại cho nhân dân một cống hiến thật là quí báu.

*
*    *

Trên thực tế, Đào Duy Anh đã nghỉ việc ở Viện Sử học từ năm 1965 là khi bác Đào bước qua tuổi sáu mươi, để chờ nhận quyết định về hưu từ đầu năm 1967 rồi hầu như thôi hẳn mọi hoạt động trên trường sử học. Thế nhưng, “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì nhà học thuật vẫn không thể nào dứt bỏ học thuật. Một khi không còn điều kiện cụ thể để hoạt động sử học được nữa, bộ óc sẵn những kiến thức toàn diện lại thôi thúc bác Đào hướng vào hoạt động văn học. Qua ngót hai chục năm trở về với lao động đơn chiếc bên cạnh một tủ sách gia đình, chính trong căn buồng vắng vẻ ấy ở phường Kim Liên của Hà Nội, Đào Duy Anh đã cống hiến thêm cho nhân dân các văn phẩm quả là vô giá:

Tự phân công trong nghĩa vụ chung trước các thế hệ hôm nay và ngày mai, với ý thức sâu sắc về những giá trị muôn đời của dân tộc và nhân loại, anh lại dốc sức vào Nguyễn Trãi toàn tập, vào Từ điển Truyện Kiều, vào Thơ chữ Hán của Nguyễn Du, vào Hoa tiên kí của Nguyễn Huy Tự, vào Đạo đức kinh của Lão Tử, vào Khóa hư lục của Trần Thái Tông, vào Sở từ của Khuất Nguyên, vào Chữ Nôm của nước ta, v.v… Đặc biệt trong những năm cuối đời, Đào Duy Anh còn gửi gắm cho nhân dân bốn trăm trang Nhớ nghĩ chiều hôm là một tập hồi kí học thuật đầy ắp các tri thức học thuật gần gũi với chúng ta, bao gồm từ những kinh nghiệm thực tiễn về mặt lao động khoa học, cho đến các kiến giải nghị luận về nhiều vấn đề sử học, triết học, văn học của Việt Nam và châu Á.

Trong Nguyễn Trãi toàn tập được xuất bản lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1969, Đào Duy Anh đã phiên dịch Ức Trai thi tập và chú giải toàn bộ các thơ văn chữ Hán, đồng thời phiên âm lại và chú giải toàn bộ về Quốc âm thi tập sau khi chỉnh lí rất công phu. Những việc chỉnh lí, phiên dịch, phiên âm, chú giải, kèm theo các khảo luận của bác Đào trong Nguyễn Trãi toàn tập, cũng như đối với Truyện KiềuThơ chữ Hán của Nguyễn Du hoặc đối với Hoa tiên kí của Nguyễn Huy Tự và Khóa hư lục của Trần Thái Tông, v.v… đều là những cống hiến được nhân dân tin cậy trên nhiều mặt giá trị về cả sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và tư tưởng. Lòng tin cậy ấy dĩ nhiên vừa căn cứ vào vốn liếng kiến thức sâu rộng của một học giả, vừa căn cứ vào cả phương pháp khoa học hiện đại dựa trên quan điểm duy vật lịch sử mà bác Đào vẫn kiên trì vận dụng ngay trong các công trình học thuật ở cuối đời mình.

Cùng với những cống hiến văn hóa cuối đời đó, Đào Duy Anh có thể đặc biệt tự hào về Từ điển Truyện Kiều đã ra mắt quốc dân đồng bào năm 1974 tại Hà Nội là nơi sinh của Nguyễn Du. Từ điển Truyện Kiều hẳn là một công trình độc đáo trong lịch sử thế giới, vì khi ở Liên Xô đã có Từ điển Pushkin và nước Anh đã có Từ điển Shakespeare là các từ điển về một tác giả, thì chắc chắn chưa ở đâu có quyển từ điển về một tác phẩm như Việt Nam đã phát hành. Chính sự sáng tạo mới lạ này của Đào Duy Anh càng khiến nhân dân ta thêm tự hào với Truyện Kiều là một tác phẩm hết sức phong phú cả về ngôn ngữ và tư duy của dân tộc. Nếu không do sự phong phú trên nhiều mặt ấy của Truyện Kiều, thì nhà học thuật dựa vào đâu để làm nên từ điển về tác phẩm?

Mở đầu Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh đã nêu bật ngay rằng: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc, thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta”. Giờ đây chắc hẳn ai nấy đều đồng tình với kết luận đó của nhà học thuật đã nổi tiếng cả về từ ngữ học. Cho nên chúng ta cũng có thể nhấn mạnh rằng, khi Nguyễn Du với Truyện Kiều là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước nhà, thì Đào Duy Anh với Từ điển Truyện Kiều lại là người bồi đắp bền vững nền móng ấy cho ngôn ngữ văn học hiện đại của dân tộc Việt Nam. Hãy chỉ nhìn riêng vào các giáo viên và học sinh, nếu không dựa vào Từ điển Truyện Kiều thì từ nay dạy và học ra sao đây tiếng nói của đất nước qua áng thơ của Nguyễn Du?

Vả chăng, như Lenin đã từng vạch ra, mỗi từ ngữ là một khái niệm. Qua hàng vạn từ ngữ đã trở thành bất hủ cùng với Truyện Kiều, phải chăng cũng đã có biết bao khái niệm mà nếu không được bảo tồn, thì đó là một mặt của sự tha hóa ở chung dân tộc và ở mỗi con người? Nhìn từ góc độ đó, chúng ta ắt thấy Từ điển Truyện Kiều là một cống hiến quí giá vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của một cốt cách dân tộc vẫn âm vang trong tiếng nói đất nước, chẳng hạn như Đào Duy Anh từng vạch rõ, “Gươm đàn nửa gánh” trong vần thơ của Nguyễn Du vốn khác biệt với “bán khiên cung kiếm” trong vần thơ của Hoàng Sào[2]. Các nhà triết học, văn học, từ ngữ học ắt còn có thể phát hiện nhiều điều sâu sắc trong một cuốn từ điển vốn có nguồn gốc từ Khảo luận về Kim Vân Kiều và bản thảo Truyện Kiều khảo chứng và chú giải của Đào Duy Anh đã viết trong quãng đầu những năm 40 trước Cách mạng tháng Tám.

Trong việc biên soạn Từ điển Truyện Kiều cũng như biên soạn Hán Việt từ điểnPháp Việt từ điển, Đào Duy Anh cũng có một Jenny tận tụy với sự nghiệp của chồng: Đó là Trần Thị Như Mân, con gái của một quan Tổng đốc quê ở làng Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên trước kia, một cô giáo thuộc lớp đầu tiên của trường Nữ học Đồng Khánh ở Huế, từng thay mặt các giáo viên và nữ sinh cả trường gửi điện cho Toàn quyền Đông Dương đòi thả ngay nhà yêu nước Phan Bội Châu vừa bị Pháp bắt giam. Sinh năm 1907 tại làng Minh Hương, chị đậu bằng Cao đẳng tiểu học năm 1925, bị cách chức giáo viên trường Đồng Khánh năm 1927 do hưởng ứng cuộc bãi khóa của trường Kĩ nghệ Huế, năm 1928 tham gia Tân Việt cách mạng đảng, năm 1929 bị Pháp bắt và giam tù một năm.

Từ ngày ra tù cho đến nay bảy mươi tuổi, Trần Thị Như Mân đã trọn đời đóng góp vào sự nghiệp học thuật của chồng, không chỉ chăm lo mọi mặt gia đình để chồng có thể đem hết tâm lực vào hoạt động văn hóa, chị còn tận tụy làm việc tra cứu và ghi chép giúp cho anh trong nhiều công trình, nhất là trong việc biên soạn ba bộ từ điển của Đào Duy Anh. Trước kia ở Huế, khi làm Hán Việt từ điển rồi Pháp Việt từ điển, chị đã ghi soạn sơ bộ cho anh mấy vạn tấm phích về các từ ngữ được liệt kê để nghiên cứu và lại biên chép giúp anh các bản thảo cuối cùng để đưa vào nhà in, với đòi hỏi chính xác rất cao của việc làm từ điển còn mới lạ ở nước ta. Sau này ở Hà Nội, khi soạn Từ điển Truyện Kiều, bác gái lại cũng giúp bác trai lập sơ bộ hàng mấy nghìn tấm phích các từ ngữ và biên chép các bản thảo của tác phẩm mà khó có một thư kí nào khác thay thế được, vì lẽ đơn giản là ít ai đoán nổi chữ viết hết sức nguệch ngoạc trên các bản nháp của Đào Duy Anh.

Bản thảo đầu tiên của Từ điển Truyện Kiều được viết xong vào cuối năm 1963, trong dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du và tiếp đó đã từng bước hoàn chỉnh qua những năm giặc Mĩ leo thang chiến tranh đánh phá Hà Nội. Chính là giữa bom đạn của giặc Mĩ hàng ngày trút xuống miền Bắc nước ta, Đào Duy Anh đã hoàn thành biên soạn Từ điển Truyện Kiều vào cuối năm 1971. Và cũng chính trong những góc nhà đi sơ tán do bà con nông dân chung quanh Hà Nội nhường cho ăn ở, bác Đào đã dịch hơn 200 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du và dịch sang luôn cả tập Sở từ của Khuất Nguyên với những chú giải có giá trị nhiều mặt đối với các độc giả ngày nay muốn hiểu tác phẩm…

Trong những năm phải lui về Viện Sử học, cũng như trong ngót hai chục năm nghỉ hưu, chỉ riêng với việc chỉnh lí, phiên dịch, phiên âm, chú giải các tác phẩm về sử học và văn học bằng cổ văn, Đào Duy Anh cũng đã cống hiến thật là lớn lao cho nền học thuật của đất nước. Đặc biệt với Từ điển Truyện Kiều được xuất bản lần đầu vào đúng năm tác giả tròn bảy mươi tuổi và với các công trình nghiên cứu khác nữa trong những năm cuối của cuộc đời lao động sáng tạo, quả là Đào Duy Anh lại tự khẳng định rạng rỡ trong lời thơ dạt dào tâm huyết của Nguyễn Du:

Dầu rằng sông cạn đá mòn,

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ!

Nhìn lại cả cuộc đời học thuật của Đào Duy Anh trong hơn một nửa thế kỉ vừa qua, chắc hẳn ai nấy đều đã thấy nổi bật lên những cống hiến miệt mài vì nhân dân, không chút đòi hỏi đáp đền và cũng chẳng mong chờ khen ngợi. Lòng yêu Tổ quốc và nhân loại cùng với đạo lí làm người và làm việc đã không ngớt thôi thúc nhà trí thức của chúng ta sáng tạo, dù dưới sự kiểm soát cay nghiệt của lũ thực dân cướp nước hay trong cuộc kháng chiến gian nan chống quân xâm lược, cũng như từ khi chỉ làm việc hiệu đính các bản dịch ở Viện Sử học và ngay giữa những năm giặc Mĩ leo thang chiến tranh trên miền Bắc nước ta.

Tất cả các hoạt động văn hóa của bác Đào, kể từ Quan Hải tùng thư buổi đầu và các từ điển biên soạn tiếp theo, cho đến các công trình sử học và những tác phẩm học thuật cuối đời; hoặc nói một cách khác, kể từ những cố gắng vận dụng các tư tưởng của chủ nghĩa Mác trong học thuật, cho đến việc đi sâu vào lịch sử dân tộc và văn học dân tộc với Nguyễn Trãi và Nguyễn Du; tất cả các hoạt động văn hóa ấy đều đã biểu hiện tập trung tấm lòng của Đào Duy Anh trọn đời yêu đất nước và yêu con người. Về phần một nhà trí thức chắc hẳn không có gì đáng tự hào hơn thế nữa khi các tác phẩm của mình đã biểu hiện trọn vẹn một tấm lòng trong sáng đối với Tổ quốc và Cách mạng.

Tuy nhiên, niềm tự hào của Đào Duy Anh còn có thể lớn hơn nữa, nếu hai bác nhìn lại ảnh hưởng và công lao của mình đối với các em mà hai bác đã thay mặt cha mẹ nuôi nấng cho ăn học nên người. Nhờ biết yêu đất nước và yêu con người theo tấm gương của anh chị, trong gia đình ta ít nhất cũng đã có bốn em trai và một em gái của Đào Duy Anh bị kẻ thù đầy đi Côn Đảo hoặc giam tại nhà lao Huế. Rồi ngay cả những khi đi hoạt động bí mật và bị đế quốc phong kiến bắt tù đầy, các em lại vẫn được anh chị cổ vũ bằng mọi cơ hội chăm sóc và giúp đỡ. Đối với nhân dân cũng như gia đình, quả vậy, bác Đào Duy Anh đều có thể khẳng định sự nhất quán giữa trí tuệ và lương tâm của một trí thức.

Gia phả của họ Đào tại làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ là nguyên quán của cha, từng một thời rạng rỡ với ông tổ xưa kia đã từ Khúc Thủy tìm vào Lam Sơn đi theo Lê Lợi đánh dẹp giặc Minh, được phong Thượng tướng khinh xa tức Anh liệt tướng quân Đào Đình Lãng. Đến đời cha, gia phả của nhà ta lại có thêm niềm tự hào với ông nội của mẹ, là tướng Tôn Thất Hùng từng tham gia trấn giữ đồn Ba Đình, cùng nhân dân Thanh Hóa dốc lòng chống đánh giặc Pháp. Tới ngày nay, gia phả của họ Đào càng vinh hạnh ghi tiếp tên tuổi của Đào Duy Anh, nhà học thuật đã cống hiến tất cả tâm lực cho nền văn hóa của nhân dân ta.

Trong những năm tháng nghỉ ngơi từ nay, bác Đào đã có thể hoàn toàn thanh thản với cuộc đời cống hiến tận tụy của mình. Thế nhưng, chúng ta cũng nên nhớ lại là hồi đầu năm 1975, nhân đề tặng Từ điển Truyện Kiều cho một số bạn thân và các em, dường như bác Đào còn muốn gửi gắm một tâm sự, khi liên hệ với đoạn thơ của Nguyễn Du từng viết rằng: Thật khó hỏi ông trời về những mối u hận xưa nay; trong vận mệnh của các khách tài hoa mang nỗi oan kì lạ cũng đã có cả ta; chẳng biết rồi hơn ba trăm năm sau nữa; liệu có ai còn phải khóc Tố Như hay không?:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kì oan ngã tự cư.

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như?!

Với buổi sum vầy hôm nay của họ hàng và bầu bạn để chúc mừng Đào Duy Anh tám mươi tuổi, chắc hẳn bác Đào đã có thể giải đáp một cách sáng tỏ điều nan vấn kia của Nguyễn Du. Và từ hôm đề tặng Từ điển Truyện Kiều cho bạn thân và các em, có lẽ bác Đào cũng đã tự cảm nhận về mình qua vần thơ cảm đề về cụ Nguyễn:

Ông hỏi đời sau ai khóc mình,

Mà nay bốn bể lại lừng danh.

Cho hay hết thảy đều mây nổi,

Còn với nghìn thu một chữ tình.[3]

Xin phép cho tôi được mang chữ tình bất tận ấy của bác Đào để cảm tạ tất cả họ hàng và bầu bạn đã quây quần bên Đào Duy Anh hôm nay.

 Hà Nội, 1984

[1] Engels: Phép biện chứng của Tự nhiên, Nxb Xã hội, Paris, 1955, tr. 30.

[2] Từ điển Truyện Kiều, xem chữ Gươm, tr. 153.

[3] Bài này có một số chữ dị bản khác với bốn câu ở trang bìa hồi kí Nhớ nghĩ chiều hôm của Đào Duy Anh, Nxb Trẻ, năm 1989. Chúng tôi giữ nguyên theo văn bản (chú thích của người biên soạn). Cụ thể như sau : « Ông hỏi đời sau ai khóc mình ?/ Mà nay bốn bể lại lừng danh/ Cho hay hết thảy đều mây nổi/ Còn với non sông một chút tình ».

(Bài viết trích trong cuốn “Học giả Đào Duy Anh” của tác giả Lê Xuân Kiêu và Kiều Mai Sơn)