Tại Tọa đàm Chào mừng Kỷ niệm 78 năm Ngày HTX Việt Nam 11/4 được tổ chức ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, HTX chính là “hợp tác” của người dân trên phạm vi một địa phương như làng, xã… Như tại Nhật Bản, muốn dạy học sinh trồng hoa, trồng cây, chăn nuôi… thì điều đầu tiên những nhà quản lý dạy học sinh chính là tư tưởng hợp tác. Điều này cho thấy HTX chính là một tư tưởng, một triết lý thời đại, mang tính phổ quát.
HTX "giúp người dân vượt qua nỗi sợ hãi khi liên kết"
Thực tế, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ. Nên muốn phát triển những dự án lớn phải thuê ruộng đất của hàng trăm, hàng nghìn hộ nông dân. Từ đây cho thấy sự cần thiết của việc liên kết, hợp tác theo mô hình HTX là vô cùng quan trọng.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc cần làm hiện nay là phải truyền bá tư tưởng liên kết, hợp tác để người dân kết thành một vòng tròn để thành HTX. Bởi một người không thể giỏi bằng nhiều người. Nhưng khi liên kết, muốn thành công thì chỉ khi những người đó, thành viên trong HTX phải cùng chung một chí hướng, cùng đồng hành, hỗ trợ trợ nhau thì HTX mới phát triển.
Thấm nhuần tư tưởng liên kết, đến nay có nhiều HTX đã thu được trái ngọt bằng việc thu hút đông đảo người dân cùng phát triển những thế mạnh địa phương. Tiêu biểu như HTX Yến Dương (Bắc Kạn) đã thu hút được 30 thành viên, 400 hộ liên kết thực hiện sản xuất nông sản gắn với du lịch sinh thái. Hiện, HTX đã sản xuất những sản phẩm như bí xanh kết hợp chế biến. Ngoài ra, HTX còn có sản phẩm nếp với diện tích 20 ha, rau dền đỏ 30 ha. Các sản phẩm đều được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng HTX chính là sự tử tế. Tử tế là cùng sống, cùng phát triển, cùng đóng góp cho quê hương, đất nước. |
Hay HTX Lục Ngạn Xanh (Bắc Giang) đã phát triển sản phẩm bản địa theo hướng bền vững thông qua chuỗi giá trị khép kín. Hiện, HTX đã sản xuất theo hướng tuần hoàn kết hợp chế biến. Đặc biệt, HTX đã ứng dụng nhật ký điện tử vào sản xuất trái cây như ổi, táo, giúp minh bạch quá trình sản xuất, tiêu thụ thuận lợi.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, trên cả nước đã có 2.500 HTX ứng dụng công nghệ cao, 4.000 HTX đảm nhận bao tiêu hàng hóa cho thành viên; 1.739 chuỗi liên kết do HTX làm chủ trì chuỗi.
Sự lớn mạnh và phát triển của các HTX đã giúp ngành nông nghiệp năm 2023 vượt cơn gió ngược, tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế.
Đặc biệt, những HTX như Yến Dương, Chúc Sơn, Lục Ngạn Xanh… thành công còn bởi tinh thần liên kết ở các HTX này rất cao vì đã liên kết được đến hàng trăm hộ nông dân và thậm chí còn nhiều HTX khác để tạo ra không gian mới, tinh thần mới cho HTX. Điển hình như HTX Lục Ngạn Xanh đã liên kết với nhiều HTX khác để thành lập Liên hiệp HTX sản xuất và tiêu thụ các nông sản.
“Chỉ cần mở mắt ra, mỗi người dân đều nghĩ cần phải liên kết hợp tác thì với dân số hàng triệu người thì ắt làm ăn, sản xuất sẽ thành công, vì người dân Việt vốn đã cần cù chịu khó. Những HTX thành công không chỉ dừng ở câu chuyện làm kinh tế mà còn giúp người dân vượt qua nỗi sợ hãi khi làm ăn theo hướng tập trung, liên kết”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Cần đội ngũ chuyên gia đồng hành cùng HTX
Tuy nhiên, theo đại diện của các HTX, nhiều HTX vẫn còn gặp những khó khăn trong liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Ông Lê Đức Thịnh, Cụ trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết Nghị định 98 về liên kết chuỗi đã mở ra cơ hội cho nhiều HTX phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.
Vậy nhưng, Nghị định này vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ để các HTX thuận lợi trong tiếp cận chính sách hỗ trợ, cũng như liên kết, ứng dụng máy móc, công nghệ.
Chị Kiều Oanh, Phó Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh (Bắc Giang) cho biết trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX đều phải tự mày mò, tự tìm ra những công thức, phương thức chế biến, sơ chế nông sản nên việc đổ bỏ nông sản, không thành công diễn ra khá nhiều. "Chính vì vậy, HTX rất cần có sự đồng hành, tưu vấn, hỗ trợ từ đội ngũ các chuyên gia để giải quyết khó khăn này".
HTX Yến Dương là mô hình thành công trong liên kết phát triển sản phẩm bản địa. |
Trước những kết quả và khó khăn mà một số HTX đang gặp phải. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng thực tế hiện nay, các HTX vẫn chưa xây dựng được một kế hoạch phát triển cụ thể, rõ ràng. Trong khi muốn sản xuất kinh doanh thành công thì cần phải cụ thể, chi tiết giống như cách Bác Hồ từng nói, đó là trong chăn nuôi muốn biết được hiệu quả hay không thì cần phải tính toán một con gà trong quá trình nuôi, chi phí thức ăn hết bao nhiêu, việc mang gà từ chỗ nuôi ra chỗ bán hết bao nhiêu… mới có tính thuyết phục.
Việc HTX chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nguyên nhân không chỉ đến từ riêng các HTX, mà còn do các chương trình, chính sách đào tạo cho HTX còn chung chung, vĩ mô.
Trong khi ở Thái Lan có một thiết chế cộng đồng, trong đó có những người chuyên “dịch lại” lời của những chuyên gia, cơ quan quản lý, bởi theo người dân Thái Lan, những chuyên gia, những nhà quản lý thường nói quá rộng, quá cao, quá sâu nên họ khó tiếp cận được các chủ trương, chính sách, hỗ trợ, định hướng một cách thuận lợi.
“Điều đó cho thấy, cùng là tiếng Thái nhưng không phải người dân nào cũng hiểu, Chính vì vậy, Thái Lan có đến 6.500 chuyên gia để hỗ trợ người dân làm nông nghiệp, HTX hiểu chủ trương của nhà nước. Vậy phải chăng ở Việt Nam, việc chưa thuyết phục được người dân vào HTX, liên kết, việc HTX chưa phát triển hiệu quả và thuận lợi là do chủ trương chính sách còn chung chung, chưa phù hợp với tâm lý, trình độ, nhận thức của người dân, HTX?”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề.
Do đó, việc ban hành chính sách, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cần cụ thể, phù hợp với các thành viên HTX là điều được Tư lệnh ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ HTX thuyết trình trước đám đông để thuyết phục khách hàng, đối tác. Và, hỗ trợ HTX xây dựng kế hoạch để sản xuất, kinh doanh thuận lợi để HTX quản lý được rủi ro, lường trước được những khó khăn, tránh bị bất ngờ trước thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường cũng không kém phần quan trọng, bởi trên thị trường, cơ hội nhiều thì rủi ro cũng vô cùng lớn. Trong khi hiện nay, chưa có ai dạy HTX nhận diện thị trường nên khi tiếp cận với doanh nghiệp, HTX chưa quan tâm đến việc tìm kiếm thông tin, điều tra, phân tích thông tin của đối tác nên vẫn xảy ra những rủi ro trong khi ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
“Suy cho cùng, HTX chính là sự tử tế. Tử tế là cùng sống, cùng phát triển, cùng đóng góp cho quê hương, đất nước. HTX muốn thành công cũng cần mở rộng “vòng tròn” của chính mình. Vì vậy, cần thu hút nhiều thành viên, cùng mua chung bán chung để giảm chi phí. Nhưng HTX hiện nay vẫn còn ít liên kết, hợp tác nên “lủi thủi” một mình, từ đó vẫn còn lúng túng trong sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông Bùi Quang Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ, thương mại nông nghiệp Cây Trôm (Long An) cho biết, việc tham gia các đề án, chính sách lớn như chuyển đổi số, 1 triệu ha lúa giảm phát thải giúp HTX có kiến thức khoa học, học hỏi kinh nghiệm để phát triển HTX lớn mạnh, phát huy thế mạnh sẵn có. Điều này cho thấy, cần xây dựng những chính sách mới, cần tạo ra nhiều cơ hội thông qua các dự án, chương trình, công nghệ… để các HTX trên toàn quốc có thể trao đổi, từ đó giúp các HTX phát triển đồng đều, bền vững.