Di Linh: Nắng nóng kéo dài nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp

Do nắng nóng kéo dài và nhu cầu tưới nước cho cây trồng tăng cao, nên mực nước các công trình hồ, đập đã xuống rất thấp, nhiều công trình đã cạn khô hoàn toàn. Trong khi đó, toàn huyện Di Linh có 53 công trình hồ, đập dâng phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn ao hồ nhỏ do người dân tự đào; hầu hết ao hồ nhỏ trên địa bàn đã cạn khô từ lâu không còn nước.
chay-kho202404200852272898310-1713771305.jpg
Cây cà phê bị héo, cháy, rụng lá do nắng nóng kéo dài

Điều đó đã khiến hơn 10.000 ha cây trồng của người dân (chủ yếu là cà phê) của người dân lâm vào cảnh thiếu nước, tập trung tại các xã Tam Bố, Gia Hiệp, Đinh Lạc, Gia Bắc, Sơn Điền... Đặc biệt, tại một số địa phương có hiện tượng càphê bị héo, cháy, rụng lá do nắng nóng với tổng diện tích khoảng 660ha. Trong thời gian tới, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, sẽ có khoảng 55ha lúa tại địa bàn xã Gung Ré bị thiệt hại hoàn toàn.

Đến thời điểm hiện tại dung tích các hồ chứa do Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng quản lý (cấp tỉnh) có dung tích trữ tốt, đạt trung bình 60%, mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường trung bình 2 – 3 mét, về cơ bản sẽ đảm bảo nhiệm vụ cấp nước tưới theo kế hoạch, nhiệm vụ công trình.

Đối với các hồ chứa, đập dâng còn lại đều có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1 đến 5 mét, dung tích trữ còn lại đạt trung bình 30%. Hiện tại, Di Linh đã có 12 hồ ở mực nước chết, 6 đập dâng hết nước, các hồ còn lại đa số đã xuống mực nước rất thấp.

Bên cạnh đó, nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tuy xảy ra thiếu nước cục bộ ở một số địa phương, song về cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên nếu nắng hạn tiếp túc kéo dài nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tại nhiều địa phương là rất cao.

Ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, cho biết: Đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài, thời tiết, khí hậu trên địa bàn huyện Di Linh diễn biến phức tạp. gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Nắng nóng kéo dài, tổng lượng mưa đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm (từ đầu năm 2024 đến nay trên địa huyện mới chỉ xuất hiện mưa cục bộ tại 07/19 xã, thị trấn gồm: Đinh Trang Thượng, Tân Thượng, Tân Lâm, Tân Châu, Liên Đầm, Tân Nghĩa và thị trấn Di Linh; mưa trái mùa nên thấp cả về diện và lượng so với mọi năm; nắng nóng và gió khô kéo dài, nhiệt độ trung bình cao hơn các năm từ 1,5- 2 độ C; mực nước trên các sông suối, thấp hơn trung bình nhiều năm, các nhánh suối nhỏ đã khô cạn...

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Thủy lợi tỉnh thực hiện điều tiết nước từ hồ Ka La (xã Bảo Thuận, Di Linh) để cấp nước bổ sung cho một số hồ chứa phía hạ lưu, chống hạn cho khoảng 500ha càphê thuộc một số xã trên địa bàn huyện.

Chỉ đạo Trung tâm Nông nghiệp hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp tưới nước tiết kiệm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang cây trồng ít dùng nước, chuyển đổi lịch thời vụ diện tích lúa phù hợp. Tăng cường hỗ trợ, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước, rà soát, lập kế hoạch đăng ký nhu cầu đào ao, hồ nhỏ, tưới nước tiết kiệm, tiếp tục cho rà soát, bổ sung kế hoạch hỗ trợ phát triển năm 2024.

Đồng thời, huyện Di Linh cũng kiến nghị tỉnh Lâm Đồng xem xét bố trí kinh phí 25 tỷ đồng để triển khai nạo vét một số hồ chứa phục vụ chống hạn trước mắt và lâu dài. Riêng 4 hồ chứa thuộc xã Gia Bắc, địa phương sẽ sử dụng kinh phí từ ngân sách huyện để nạo vét lòng hồ kịp thời phục vụ chống hạn.

Trước đó, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, do tình trạng hạn hán kéo dài, hơn 2.100ha cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng bình thường.

Phần lớn diện tích cây trồng trên thuộc các khu vực không có công trình thủy lợi, xa sông suối tự nhiên, khan hiếm nguồn nước ngầm như huyện Lâm Hà với hơn 1.500ha; tiếp đến là huyện Đạ Tẻh với 380ha, huyện Cát Tiên 95ha, huyện Bảo Lâm 35ha.