Chiều ngày 30/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Diễn đàn đầu tư "Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững: Cơ hội cho nhà đầu tư".
Theo đó, Diễn đàn đã thu hút 250 đại biểu là các nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước; lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh; các doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch dịch vụ và sản xuất kinh doanh trong tỉnh; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng kết nối trực tiếp của 3 vùng kinh tế là vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ - khu vực phát triển năng động nhất Việt Nam.
Lâm Đồng có địa hình đa dạng, khí hậu ôn hoà, hệ sinh thái phong phú, thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng… Đặc biệt là Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà với diện tích trên 70.000 ha thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang, là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học lớn bậc nhất nước ta với hàng ngàn loài động thực vật sở hữu nguồn gen cực kỳ quý hiếm.
Từ đó, đã mang lại cho tỉnh Lâm Đồng nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 54,37%, tiềm năng lớn để tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon và là tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đang chú trọng vào nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh lợi thế nổi bật về tự nhiên, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Lâm Đồng mang nhiều nét độc đáo, mà tiêu biểu là Không gian văn hóa cồng chiêng – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, tạo nên những thế mạnh riêng để Lâm Đồng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – lịch sử và du lịch cộng đồng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Ông Trần Hồng Thái cũng cho rằng: Trong bối cảnh khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn thế giới. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về di dân, nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục; các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… ngày càng tác động, ảnh hưởng nặng nề; đặt ra những khó khăn về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên, đất đai và xử lý ô nhiễm môi trường, đó là những thách thức lớn đối với việc phát triển nhanh và bền vững.
“Tỉnh Lâm Đồng luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thành công các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Đó cũng chính là ý nghĩa, mục đích của Diễn đàn đầu tư được tổ chức ngày hôm nay” – GS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn,Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, khái quát định hướng chiến lược các dự án thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh hướng tới mục tiêu Net-Zero 2050. Trong đó nêu bật những định hướng quan trọng của địa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát triển Lâm Đồng hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng chia sẻ về các nội dung có liên quan đến nguồn lực, phương thức, giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi cũng như cơ hội của các nhà đầu tư đối với các dự án, các hạng mục chuyển đổi xanh của tỉnh Lâm Đồng về các nguồn lực tài chính quốc gia cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; phát triển rừng trồng cây bản địa trong định hướng đương đại hướng tới NET-ZERO 2050 và giải pháp cải thiện sinh kế cho cộng đồng các dân tộc địa phương; chia sẻ về các quy chuẩn với hàng hóa việt nam xuất khẩu đi các thị trường, về mô hình chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín và ứng dụng thực tiễn tại việt nam cũng như kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình rừng bền vững trên thế giới và giải pháp cho phát triển bền vững rừng việt nam trong cơ chế cbam, thị trường “tín chỉ carbon” và một số các ý kiến trao đổi, thảo luận của các tổ chức, doanh nghiệp.
Đặc biệt là các dự án mà Lâm Đồng đang kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực chế biến nông sản, y tế, giáo dục, du lịch, hạ tầng đô thị và giao thông. Cụ thể đó là các dự án sẽ góp phần vào tăng trưởng xanh đối với Lâm Đồng gồm: Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế, trường đại học đa cấp, Khu du lịch quốc gia Đankia – Suối Vàng, Dự án chống úng lụt cục bộ, mô hình quảng trường nước tại TP Đà Lạt, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo… và dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương.
Diễn đàn diễn ra 2 phiên thảo luận, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp, cùng bàn thảo về quy hoạch và định hướng chuyển đổi xanh, nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng; nguồn lực và mô hình cho phát triển bền vững hướng tới Net Zero 2050 - cơ hội cho nhà đầu tư.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Diễn đàn đã diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn với những ý kiến phát biểu định hướng gợi mở, sâu sắc, nhiều thông tin hữu ích về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, của tỉnh Lâm Đồng, những nhận định và các giải pháp, động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh bền vững của tỉnh Lâm Đồng.