Chương trình thu hút đông đảo đại diện các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, kinh doanh của hai địa phương tham gia.
Hội nghị tập trung giới thiệu thông tin, thực trạng và nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Tp.HCM; thông tin phương thức kết nối nông sản tỉnh Đồng Nai vào các kênh bán lẻ, hệ thống siêu thị; quy trình áp dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản…
Sở Công Thương Tp.HCM thông tin định hướng một số giải pháp cụ thể về triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Đặc biệt, đây là cơ hội để các các DN, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của tỉnh Đồng Nai kết nối với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị, cửa hàng tại Tp.HCM.
Trên cơ sở đó tìm phương án xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản chất lượng của tỉnh Đồng Nai tại Tp.HCM, tạo cơ sở để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại.
Đồng thời tổ chức cho các đơn vị sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản của tỉnh Đồng Nai đăng ký tham gia chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng nông sản, tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại Tp.HCM nói riêng, toàn quốc nói chung, cũng như hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Cụ thể hóa, nâng cao quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Đồng Nai và Tp.HCM trong lĩnh vực kết nối, giới thiệu quảng bá về nông sản chất lượng cao, gắn với công tác kiểm soát chất lượng cũng như tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm gia súc, gia cầm, rau củ quả của tỉnh Đồng Nai.
Tại hội nghị, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh có nhiều nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Nhiều sản phẩm đã được xác nhận tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường TP HCM và các tỉnh lân cận, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng và triển khai được 50 chuỗi, 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn đối với các mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa. Sản lượng hằng tháng gần 16.000 tấn thịt, rau củ quả, sản phẩm từ thịt, sữa (13.887 tấn thịt; 1.490 tấn sản phẩm chế biến từ thịt, sữa; 508 tấn rau, nấm) và hơn 10 triệu quả trứng. "Đối với sản phẩm OCOP, đến nay đã có 273 chuỗi liên kết với sự tham gia của 127 doanh nghiệp (DN), 70 hợp tác xã (HTX), 39 tổ hợp tác và 15.300 hộ gia đình; tỉ lệ giá trị sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực tiêu thụ qua chuỗi bình quân ước đạt 45,5%. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng nông sản được tiêu thụ thông qua liên kết chưa tương xứng với sản lượng thực tế sản xuất, phần lớn việc tiêu thụ vẫn phải chịu sự chi phối từ các thương lái" - ông Sinh nói.
Từ thực tế này, ông Sinh nhấn mạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP HCM để kết nối tiêu thụ nông sản vào hệ thống các siêu thị sẽ là cơ hội để các HTX, DN của Đồng Nai mở rộng, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm.
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương và các DN, HTX tích cực tham gia đóng góp các ý kiến về thực trạng liên kết, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai hiện nay; trao đổi, thảo luận những thuận lợi, khó khăn cũng như những giải pháp nhằm kết nối, hỗ trợ đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn.
Mong cơ quan quản lý nhà nước tạo môi trường minh bạch cho DN, cơ sở sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ có cơ hội quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ.
Dịp này, nhiều DN, cơ sở, HTX sản xuất, chế biến của Đồng Nai đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ hàng hóa với các nhà phân phối Tp.HCM.