Dự án “Các Trung tâm đổi mới Sáng tạo Xanh”: Những tác động tích cực đối với sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long

Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm (Dự án GIC) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ tại 06 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025. Để rõ hơn về nội dung này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT.

PV: Thưa ông, đến thời điểm này, Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh đã đạt được những kết quả như thế nào?

Ông Lê Đức Thịnh: Trong những năm qua, CHLB Đức đã liên tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực tái cơ cấu và phát triển bền vững ngành nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL. Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (GIC Việt Nam) là cam kết hỗ trợ của Chính phủ CHLB Đức nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển quan trọng này. Dự án GIC Việt Nam hướng đến việc tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, tạo giá trị gia tăng và kiện toàn các chuỗi giá trị nông sản chủ lực lúa gạo và xoài ở ĐBSCL.

thinh1-1733994219.jpg

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT.

Qua 04 năm triển khai, có thể nói đã hoàn thành cơ bản tất cả các mục tiêu. Dự án này nằm trong khuôn khổ dự án vùng, được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước châu Phi và một số nước châu Á. Điểm đặc biệt là dự án triển khai tại Việt Nam được đánh giá là một trong những dự án thành công nhất, với các đổi mới sáng tạo và kết quả rõ ràng.

Chúng tôi triển khai hai nhóm đổi mới sáng tạo chính: Nhóm đổi mới sáng tạo trong ngành hàng lúa gạo và xoài tại đồng bằng sông Cửu Long: (1) Tập trung vào nâng cao chất lượng quản trị hợp tác xã để cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn; (2) Liên kết sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị bền vững, đặc biệt trong ngành hàng xoài và lúa gạo chất lượng cao; (3) Ở cấp độ hợp tác xã, tập trung vào quản trị kỹ thuật, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị thương hiệu cho lúa gạo và xoài trong khuôn khổ dự án.

Nhóm đổi mới sáng tạo cấp độ hộ nông dân: Tuy nhiên, có thể gom 10 nhóm đổi mới sáng tạo thành 5 nhóm, đặc biệt có thể kể đến các kết quả lớn như: (1) Ứng dụng quy trình canh tác bền vững như sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, sinh thái; (2) Tiên phong kỹ thuật cắt tỉa xoài, thay đổi phương pháp canh tác truyền thống; (3) Quản lý dư lượng chất cấm trong sản phẩm để đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tái chế rơm rạ thành phân hữu cơ, giảm ô nhiễm môi trường.

Trong hơn 3 năm qua, dự án đã triển khai 40 mô hình đổi mới trong lĩnh vực lúa gạo và 3 mô hình trong lĩnh vực xoài. Kết quả cụ thể: tiết kiệm 20-28% nước tưới cho lúa gạo, giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản xoài từ 1 tuần lên 18 ngày.

Cũng tương tự, bảo vệ nguồn lợi ở cấp độ nông hộ qua các mô hình triển khai trong lĩnh vực lúa gạo hay xoài cho thấy kết quả rõ rệt. Ví dụ, chúng ta giảm xấp xỉ 28% lượng nước tưới so với truyền thống, giảm tổn thất sau thu hoạch, và tăng thời gian bảo quản xoài từ 1 tuần lên 18 ngày mà vẫn giữ được độ tươi sống rất tốt.

Một nhóm thứ tư liên quan đến đổi mới sáng tạo ở cấp độ nông hộ là việc đào tạo nông dân. Cụ thể, việc này hướng đến giúp nông dân trở thành những người kinh doanh, thông qua các lớp SBS, nhằm hỗ trợ nông dân tính toán và quản trị dòng tiền theo nguyên lý "nông nghiệp là kinh doanh, nông dân là doanh nhân". Tôi đặc biệt ấn tượng với việc nông dân tham gia các lớp này, và chúng ta có thể thấy rõ rằng điều đó đã thay đổi hẳn tư duy của họ trong phương thức canh tác và sản xuất. Hiện nay, chúng ta đang chuyển từ mô hình sản xuất theo sản lượng, chạy theo số lượng, sang tư duy kinh tế, tập trung vào hiệu quả và lợi nhuận. Điều này không chỉ hướng tới hiệu quả kinh tế mà còn bao gồm cả hiệu quả về môi trường và xã hội.

Các nhóm đổi mới sáng tạo dành cho tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã cho thấy ở cấp độ nông hộ, những đổi mới này được thể hiện bằng các con số cụ thể. Ví dụ, tính đến thời điểm này, sau hơn 3 năm triển khai, dự án đã đào tạo được 21.000 nông dân, hỗ trợ 281 doanh nghiệp và hợp tác xã trong các chuỗi giá trị. Đồng thời, có khoảng 91 hợp tác xã đã được hỗ trợ tư vấn, cung cấp máy móc và các tài sản cần thiết, giúp nông dân thực hiện 40 mô hình canh tác theo phương thức đổi mới sáng tạo. Các mô hình này bao gồm sản xuất theo GAP, tiết kiệm nước, hay tưới khô xen kẽ. Đặc biệt, các mô hình canh tác xoài đã giúp bảo quản xoài tốt hơn, tăng giá trị, kéo dài thời gian bảo quản, và tăng năng suất. Thực nghiệm trong ba năm qua đã chứng minh rằng năng suất xoài tăng 10% so với đối chứng bên ngoài, năng suất lúa tăng 5-6%, và lượng phân bón vô cơ giảm khoảng 20%. Tất cả những kết quả này đã được tổng hợp và đưa vào báo cáo đánh giá cuối kỳ.

Các đánh giá trên khẳng định rằng dự án đã hoàn thành tốt và thậm chí vượt một số mục tiêu đề ra. Xin bổ sung thêm, dựa trên kết quả tốt của dự án, hợp phần Nam Nam đã tiếp nhận 30 thành viên từ 6 quốc gia châu Phi đến thăm và học hỏi các mô hình đổi mới sáng tạo về lúa và xoài tại Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 5 năm 2023. Ngoài ra, một số kinh phí không sử dụng ở các quốc gia khác đã được bổ sung cho dự án này tại Đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện rõ sự thành công và kết quả tốt của dự án.

PV: Những lớp học kinh doanh cho nông dân FBS cũng như khóa đào tạo giúp các HTX nâng cao năng lực kinh doanh cũng như quản trị HTX tốt. Vậy thì ông cho biết, thời điểm này, kết quả đào tạo trong lĩnh vực này đã vượt trội hơn so với thời điểm năm ngoái như thế nào và nó mở ra những cơ hội gì ạ?

Ông Lê Đức Thịnh: Trong 21.000 hộ nông dân được đào tạo vừa rồi thì hơn 1.000 là trong lĩnh vực ngành hàng xoài, còn khoảng gần 20.000 là trong lĩnh vực lúa gạo. Trong số gần 20.000 hộ nông dân này, hơn 19.000 hộ tham gia các lớp FBS 5 cách đây hơn 1 năm. Sau hơn 1 năm đào tạo dự án, số lượng FBS đã tăng gấp đôi, cả về số lớp và số hộ được đào tạo tham gia.

Tại sao lại như thế? Mặc dù kinh phí không thay đổi, nguồn lực không thay đổi, và thời gian rất ngắn, nhưng chính sự cuốn hút của bà con nông dân đã làm nên điều này. Chúng tôi đã tổ chức các lớp cho bà con trong vòng khoảng 3-4 buổi, 3-4 ngày, và mở lớp đào tạo theo phương thức thực tế. Nghĩa là, nông dân sẽ được hướng dẫn cách tính toán dòng tiền của mình, biết cân nhắc chi phí sao cho hợp lý, cái gì cần tiết kiệm, cái gì cần đầu tư. Làm thế nào để đầu tư vừa giảm rủi ro vừa đạt hiệu quả cao nhất.

Bà con nông dân tham gia rất tích cực, hiệu quả, làm bài tập, và thậm chí còn lên thuyết trình để các hộ nông dân khác góp ý, trao đổi sôi nổi. Chính sự quan tâm và tinh thần tham gia tích cực của bà con đã thu hút sự chú ý của nhiều tỉnh. Rất nhiều tỉnh tự bỏ kinh phí bổ sung, không chỉ trong 19.000 hộ đó, mà chỉ có khoảng một nửa thuộc dự án. Khoảng 7.000-8.000 hộ còn lại là nhờ các địa phương tự bỏ kinh phí để mở thêm lớp.

Chúng tôi xin nhấn mạnh, dự án đã đào tạo được 426 giảng viên chính thức trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo thuộc vùng ĐBSCL. Giáo trình, bài giảng mẫu cũng được phổ biến xuống tất cả các địa phương. Các địa phương đã áp dụng vào chương trình đào tạo nghề khuyến nông và mở rộng lớp FBS cho bà con nông dân.

Số lượng đào tạo không chỉ giới hạn ở ĐBSCL mà đã mở rộng ra các tỉnh miền Bắc. Ví dụ, ở Vĩnh Phúc, đồng bằng sông Hồng hay Thái Nguyên đều đã đề nghị mở các lớp đào tạo, đặc biệt là đào tạo giáo viên cho các tỉnh ngoài dự án. Hiện nay, cho đến ngày hôm qua, Trường Quản lý Cán bộ của Bộ Nông nghiệp vẫn đang tiếp tục mở các lớp này bằng nguồn kinh phí ngoài dự án.

PV: Từ những kết quả đó, có thể khẳng định dự án và các phương thức đổi mới sáng tạo đã đánh trúng vào mục tiêu và nhu cầu của người nông dân hiện nay. Thưa ông, sau hơn 3 năm triển khai, đâu là những kết quả và kinh nghiệm mà dự án rút ra? Những kinh nghiệm này sẽ góp phần như thế nào trong các đề án quan trọng ạ?

Ông Lê Đức Thịnh: Sau khi thực hiện chương trình và dự án về các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi rút ra bốn bài học quan trọng từ dự án này và cho cả tương lai, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Bài học đầu tiên là về chuyển đổi tư duy. Chúng ta không thể phát triển một nền nông nghiệp, đặc biệt là hai ngành hàng lúa gạo và xoài, theo tư duy cũ. Hiện nay, cả ngành nông nghiệp đang hướng tới chuyển đổi và phát triển bền vững. Tuy nhiên, dự án này nhấn mạnh rằng đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Những bài học về chuyển đổi tư duy, như áp dụng các kỹ thuật canh tác theo GAP, sản xuất theo hướng sinh thái, tăng cường khả năng bảo quản nông sản, tiết kiệm nước, hay tích hợp giá trị như quản trị rơm rạ để tăng thu nhập cho nông dân, đều khẳng định rằng đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp là vô cùng cần thiết. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro gia tăng, việc nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, đồng thời bảo vệ môi trường và nguồn lợi nông nghiệp là rất quan trọng. Đây chính là bài học về chuyển đổi tư duy thông qua áp dụng đổi mới sáng tạo, và chúng tôi cho rằng bài học này không chỉ áp dụng trong dự án này mà còn cho nhiều dự án khác.

Bài học thứ hai là sự kết hợp giữa ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật với tổ chức lại sản xuất trong ngành hàng. Theo kinh nghiệm của chúng tôi từ các trung tâm đổi mới sáng tạo, hai yếu tố này không thể tách rời. Khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, cần tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là xây dựng các hợp tác xã. Trong dự án, chúng tôi đã tác động đến 281 hợp tác xã và doanh nghiệp, trong đó 91 hợp tác xã được hỗ trợ trực tiếp. Điều này cho thấy việc tổ chức ngành hàng qua các hợp tác xã, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, là rất quan trọng.

Bài học thứ ba là về hợp tác quốc tế. Các dự án không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân mà còn khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Những đổi mới sáng tạo này được thế giới công nhận, và tác động theo mô hình Nam-Nam có thể mang lại lợi ích lớn. Điều này không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn tăng giá bán, tích hợp các giá trị sản xuất, tạo ra hiệu ứng tăng thu nhập và lợi nhuận cho ngành hàng. Đây là bài học quan trọng cần được tiếp tục áp dụng.

Cuối cùng, dự án này cũng cho thấy kỳ vọng vào hội nông dân và bà con nông dân trong việc thu hút và nâng cao năng lực cộng đồng. Điều này không chỉ liên quan đến kỹ thuật mà còn bao gồm những tư duy mới, là những kinh nghiệm cần áp dụng cho các dự án trong tương lai.

PV: Vậy làm thế nào để chúng ta có thể thúc đẩy và nhân rộng những sáng kiến trong thời gian tới?

Ông Lê Đức Thịnh: Chúng tôi cho rằng, trước khi có dự án GIC, những đổi mới sáng tạo cũng đã xuất hiện ở đâu đó. Ví dụ, máy cắt lúa thông minh của VA ngày xưa, các dự án cũ của GIZ hoặc của các đối tác nước ngoài đã thực hiện. Tuy nhiên, lần này chúng ta đã khẳng định rằng đổi mới sáng tạo là rất quan trọng và cần thiết.

May mắn là, sau dự án của Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Bộ Nông nghiệp và các địa phương cũng đang triển khai nhiều dự án theo hướng cách mạng về sản xuất lúa gạo, cây trồng hay cây ăn quả. Điều này thể hiện qua các đề án cụ thể như Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải, hay Đề án thí điểm ở năm vùng nguyên liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng phát triển các loại hình khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp một cách bền vững.

Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ các đổi mới sáng tạo của dự án GIC, chúng tôi nhận thấy rằng ngay lập tức các vấn đề như sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, phương pháp canh tác tưới ngập khô xen kẽ để giảm chi phí nước tưới, giống, và phân bón (bao gồm phân hữu cơ), quản lý rơm rạ... đã mang lại hiệu quả. Một số hợp tác xã trong khuôn khổ dự án đã chế biến rơm rạ thành phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh chất lượng tốt để cung cấp ngược lại cho sản xuất lúa gạo. Nhiều giải pháp khác cũng sẽ được tiếp nhận ngay vào chương trình Đề án 1 triệu hecta lúa.

Chúng tôi rất hy vọng rằng 91 hợp tác xã đang thực hiện trong dự án này sẽ cơ bản nằm trong vùng của Đề án 1 triệu hecta lúa. Các canh tác khác tại các vùng nguyên liệu này cũng sẽ áp dụng được ngay. Đồng thời, chúng tôi nhắc lại rằng, đổi mới sáng tạo trong kỹ thuật và công nghệ phải đi kèm với đổi mới sáng tạo về tổ chức sản xuất. Hai yếu tố này không thể tách rời nhau.

Chúng tôi cũng đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp trong việc xây dựng Đề án 1 triệu hecta lúa với những giải pháp rất cụ thể. Ví dụ, trong 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải, mục tiêu là củng cố các hợp tác xã. Hiện nay, trong vùng dự án, chúng tôi xác định có khoảng 620.000 hợp tác xã cần được hỗ trợ và củng cố để đảm nhận các chức năng trong cung cấp dịch vụ cho nông dân, đặc biệt là giám sát, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hay đổi mới về kỹ thuật.

Đi kèm với đó là những thể chế như khuyến nông cộng đồng để đồng hành cùng bà con nông dân. Sự phối hợp giữa nông dân, hợp tác xã, và doanh nghiệp sẽ đảm bảo cả đầu vào và đầu ra, đồng thời giám sát việc áp dụng kỹ thuật, đo đếm các kết quả giảm phát thải. Đây là tất cả những bài học mà GIC đã thực hiện và đã được áp dụng trong các dự án, đề án của Bộ Nông nghiệp.

Cũng cần nói thêm rằng Bộ Nông nghiệp không chỉ dựa vào kết quả này. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy sự trùng hợp trong địa bàn triển khai, đặc biệt là tại đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án trong ngành hàng lúa gạo, cùng Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải, đã góp phần nhân rộng và làm bền vững chính dự án mà chúng ta vừa triển khai.

PV: Đến thời điểm này, ông nhận định như thế nào về sự hỗ trợ của GIZ, cũng như sáng kiến mà họ đã triển khai ở các quốc gia châu Phi nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam?

Ông Lê Đức Thịnh: GIZ hỗ trợ Việt Nam rất nhiều, thông qua nhiều dự án. Tôi cho rằng các dự án GIZ hỗ trợ ngành nông nghiệp đến nay, và thậm chí cả các ngành khác, đều rất hiệu quả. Trong ngành nông nghiệp, không chỉ có đợt này chúng ta làm trên lúa gạo hay cây xoài, mà còn có những dự án bảo vệ bờ biển hay các dự án liên quan đến rừng. Những dự án này cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, quay lại câu chuyện về đổi mới sáng tạo trong ngành hàng lúa gạo, chúng ta thấy rằng tại sao GIZ đánh giá chúng ta rất cao. Ở đây, một mặt là những kết quả cụ thể từ chính các dự án hiện nay, và một mặt khác là ngay cả bạn bè quốc tế cũng nhìn thấy tiềm năng và vai trò của lúa gạo Việt Nam trong chuỗi lương thực toàn cầu.

Chúng ta thấy rằng rất nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo, đúng không? Nhưng sự bứt phá của Việt Nam về lúa gạo, cùng với tinh thần hiện nay là phát triển lúa gạo bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đã trở thành một biểu tượng, một hình ảnh, hay thậm chí một chìa khóa. Các quốc gia cùng nhau thực hiện, nhưng chúng ta là người thực hiện thành công. Ít nhất, chúng ta đã đạt được ở cấp độ này.

Chẳng hạn, các bạn ở châu Phi, như tôi đã đề cập, vào tháng 5 năm 2023, 6 quốc gia với 31 cán bộ đã đến Việt Nam. Các quốc gia châu Phi mong muốn sản xuất lúa gạo đều đánh giá rất cao tầm quan trọng của ngành hàng này. Họ nhận thấy Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và kỹ thuật với bạn bè quốc tế. Điều này thể hiện qua rất nhiều dự án hợp tác. Đây chính là kết quả của ngoại giao thông qua lĩnh vực lương thực.

Thông qua vai trò lãnh đạo, chúng ta cũng thấy rằng nếu biết định hướng hợp tác cụ thể hàng năm, kết quả sẽ mang lại rất nhiều giá trị. Trước đây, chúng ta đã từng gửi cán bộ sang các nước để hỗ trợ họ các dự án trồng lúa. Nhưng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đổi mới thể chế trong sản xuất và phát triển bền vững, chúng ta không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước mà còn tạo dựng niềm tin và hình ảnh cho các sản phẩm, đặc biệt là lúa gạo, của Việt Nam trên trường quốc tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!