Thu hoạch dừa ở Bến Tre. (Ảnh: TTXVN) |
Theo người dân tại các địa phương trồng dừa với diện tích lớn như Bến Tre, Trà Vinh…, giá dừa khô xuống thấp là do gần đây đầu ra xuất khẩu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân do Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu các sản phẩm nông sản để phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm cũng góp phần làm giá dừa khô giảm mạnh.
Trong khi giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào tăng cao, giá bán dừa lại giảm và khó bán nên người trồng dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh Bến Tre hiện có 77.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích trồng dừa của Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nơi đây. Tuy nhiên, nhiều cơ sở ở tỉnh Bến Tre đã ngừng hoặc hạn chế thu mua dừa khô. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập người trồng dừa.
Trước tình hình trên, để giải quyết khó khăn cho ngành dừa, giúp người nông dân ổn định cuộc sống trong bối cảnh giá xăng dầu, phân bón... tăng cao, tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh Bến Tre xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU...; đồng thời đề nghị Tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhất là các nước trong Hiệp định thương mại tự do. Các Bộ hỗ trợ các doanh nghiệp Bến Tre đưa sản phẩm dừa tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện việc đàm phán với cơ quan thương mại Trung Quốc để đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre, trong đó có mặt hàng dừa trái vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sớm cho phép trái dừa tươi Việt Nam vào danh sách được xuất khẩu vào Hoa Kỳ./.