Giá tiêu tăng trở lại sau gần 10 năm qua: Nông dân dồn sức đầu tư

Giá tiêu đang nằm ở mức cao trong vòng gần 10 năm qua khiến nông dân trồng tiêu rất phấn khởi. Nguyên nhân giá tiêu hồi phục do nguồn cung thiếu hụt sau nhiều năm khó khăn, nông dân bỏ cây trồng này khiến diện tích tiêu giảm mạnh. Tuy nhiên, cùng với nhiều mặt hàng nông sản tăng giá cao như hiện nay, hồ tiêu trở thành “của để dành”, nông dân vẫn chưa vội bán.

289917780-5037406469705450-6524290332838844659-n-1719808092.jpg

Nông dân thu hoạch tiêu

Từ đầu năm đến nay, giá hạt tiêu Việt Nam trên đà tăng mạnh, đặc biệt vào nửa đầu tháng 6, giá tăng “nóng” khi đạt đỉnh 180.000 đồng/kg vào ngày 12/6 đã được nhiều người kỳ vọng hồ tiêu sẽ trở lại thời hoàng kim. Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh thì đến nay, giá tiêu giảm và thay đổi liên tục, dao động quanh mốc 140.000 – 160.000 đồng/kg, nhưng vẫn được xem là mức cao kỷ lục tính từ năm 2016. Giá tiêu ở mức cao khiến người dân rất phấn khởi và yên tâm hơn để chăm sóc vườn tiêu đang có.

Đồng thời, mặc dù giá tăng nhưng người trồng được hưởng lợi không nhiều do đa số vườn tiêu lâu năm đã bị thay thế bằng sầu riêng và một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên năng suất tiêu giảm mạnh trong những năm gần đây, trung bình từ 20 - 30%.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 110 ngàn tấn hạt tiêu các loại, thu về 469 triệu USD, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 15,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu trên thị trường xuất khẩu tăng cao do nguồn cung giảm là nguyên nhân khiến từ đầu năm 2024 đến nay, giá hồ tiêu trong nước không ngừng tăng.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, nguyên nhân giá tiêu bất ngờ giảm mạnh sau khi tăng sốc do giá tiêu quá cao khiến một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này tạm dừng mua. Đây là động thái nhằm cân bằng lại thị trường hồ tiêu đang bị “đầu cơ”. Ngoài ra, giá tiêu nội địa giảm còn do giá tiêu Việt Nam xuất khẩu vào tháng 6 giảm hơn so với các phiên giao dịch trước đó.

Người trồng tiêu đang tập trung dưỡng lại vườn tiêu sau thời gian đầu tư cầm chừng vì giá thấp với mong muốn khôi phục lại năng suất cây trồng này; đồng thời, nhân rộng mô hình trồng tiêu, nuôi dê, tận dụng nguồn lá cây từ trụ tiêu làm thức ăn nuôi dê, nguồn phân chuồng trong chăn nuôi được tận dụng để bón cây. Với mô hình này, nông dân đang chuyển đổi canh tác tiêu theo hướng hữu cơ để phát triển cây tiêu bền vững hơn, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng tốt cho thị trường xuất khẩu.

Thông tin từ VSPA, năm 2024 nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529.000 tấn, vượt 64.000 tấn so với sản xuất. Với tình trạng khan hiếm nguồn cung hồ tiêu như hiện nay, nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định giá tiêu trong thời gian tới có thể vượt đỉnh chu kỳ giá lần trước. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, giá hạt tiêu tăng trong bối cảnh tăng giá chung của các mặt hàng nông sản cũng là tín hiệu tốt để nông dân không đổ xô đi trồng như thời điểm tăng giá trước đây. Đồng thời, nông dân sẽ có điều kiện chăm sóc vườn tiêu tốt hơn theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng giá trị sản phẩm.