Gốm Chu Đậu - Tinh hoa Văn hóa Việt, tỏa sáng khắp năm Châu

13/09/2022 10:40

Chu Đậu là một trong những cái nôi nghề gốm Việt Nam. Thôn Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (xưa huyện Thanh Liêm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương). Theo tiếng Hán Chu là thuyền, Đậu là bến, Chu Đậu là thuyền đậu bến. Chu Đậu là một làng quê nhỏ, nằm nép mình bên tả ngạn sông Thái Bình, một nhánh của sông Lục Đầu, nơi thông thương với Thăng Long và ra biển rất thuận lợi.

Gốm Chu Đậu là một dòng gốm cao cấp có niên đại khoảng thế kỷ XIII – XIV và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV – XVI. Nhưng sang thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu bị thất truyền, bởi do cuộc chiến giành quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh-Mạc diễn ra rất ác liệt ở châu Nam Sách, trong đó có Chu Đậu bị tà phá nặng nề, dân tình phải chạy tán loạn khắp nơi, mà kẻ bức tử gốm Chu Đậu không ai khác chính là Trịnh Tùng, người dành thắng lợi trong cuộc chiến tương tàn ấy.

bat-tra-chan-cao-the-ky-xvi-men-lam-do-chu-dau-1-1663039684.jpg
Bát trà chân cao, thế kỷ XVI, men lam đỏ; Ảnh tư liệu

Nói đến gốm Chu Đậu không thể không nhắc đến những dòng họ danh giá nhất trong làng gốm, đó là họ Đặng, họ Bùi, họ Vương…, với những bậc danh tài như Đặng Huyền Thông, Đặng Hữu, Đặng Tính, trong đó công sức Đặng Huyền Thông được ghi trên nhiều văn bia còn lại đến ngày nay. Về họ Bùi có bà Bùi Thị Hý, một nghệ nhân nổi tiếng, có tác phẩm được lưu giữ ở bảo tàng nước ngoài.

Gốm Chu Đậu tuy bị lụi tàn, nhưng những tinh hoa của nó vẫn còn tồn tại đến nay và đang được nhân loại gìn giữ trong các bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng thế giới.

 

Năm 1980, trong một chuyến đi công cán sang Thổ Nhĩ Kỳ, ông Makato Anabuki, nguyên Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, đã nhìn thấy một chiếc bình gốm hoa lam, cao 54cm, được trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul. Trên bình có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (tức Thái Hòa năm thứ 8- đời vua Lê Nhân Tông, 1450 – thợ gốm là Bùi Thị Hý, người Nam Sách). Ông còn cho biết chiếc bình này đã có người trả giá  tới 1 triệu USD, trong một phiên đấu giá.

Ông Makato Anabuki đã viết thư nhờ Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương lúc bấy giờ là ông Ngô Duy Đông xác minh xuất xứ bình sứ quý giá đó.

Những thông tin do ông Makato Anabuki cùng cấp, đã giúp cơ quan văn hóa Hải Dương đẩy mạng công tác nghiên cứu sưu tầm những dấu tích làng gốm cổ Chu Đậu. Tháng 4/1986, Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương đã tiến hành khai quật  di chỉ Chu Đậu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật gốm mỹ nghệ  cao cấp.

anh-1-lo-gom-men-lam-xam-3-1663039856.jpg
Lọ gốm men lam xám; Ảnh tư liệu

Đến nay đã qua 8 lần khai quật ở độ sâu 2m, trên diện tích 70.000m2, tại xã Thái Tân, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều gốm cổ và trên 100 lò gốm.

Ngoài các hiện vật gốm cổ trong các cuộc khai quật, ngườii ta còn tìm thấy nhiều sản phẩm gốm ở hai con tàu bị đắm ở biển Pandanan (Philippine) và ở biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam, Việt Nam vào các năm 1993 và 1997, đã thu được hơn 340.000 đồ gốm Chu Đậu, trong đó có khoảng 240.000 hiện vật còn nguyên vẹn. Qua việc trục vớt hai con tàu đắm, cho thấy, thời bấy giờ gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu rộng rãi ra thế giới. Rõ ràng xưa kia Chu Đậu là nơi sản xuất đồ gốm dân dụng và mỹ nghệ của cư dân Việt. Sản phẩm gốm Chu Đậu đã đến với thế giới, vì chất lượng và vẻ đẹp của gốm.

Gốm Chu Đậu không chỉ tìm thấy ở các di chỉ khảo cổ, ở hai con tàu đắm, mà theo cuốn “Gốm sứ Việt Nam, một truyền thống riêng biệt” (Vietnamese Ceramics, a separate tradition) của NXB Art Media Resource ấn hành 1997, do John Stevenson và John Grey chủ biên, cho biết: Gốm Chu Đậu Việt Nam đã được 46 bảo tàng của 32 nước trên thế giới lưu giữ.

Ngoài Bảo tàng Topkapi Saray, Thổ Nhĩ Kỳ, còn có Bảo tàng Lịch sử Nghê thuật Hoàng gia Bỉ đã trưng bày trên 3.000 cổ vật Việt Nam, trong đó gốm Chu Đậu nổi trội nhất là bộ sưu tập chân đèn thời Mạc, gồm 20 chiếc. Cũng tại Vương quốc Bỉ còn có Bảo tàng Hoàng gia Mariemont  cũng có khoảng  150 cổ vật Việt Nam, trong đó có khá nhiều đĩa lớn, bình tì bà và đặc biệt là bộ sưu tập các con giống thuộc dòng gốm Chu Đậu, có niên đại thế kỷ XVI.

Riêng Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya, Nhật Bản, đã trưng bày bộ sưu tập bát uống trà  chân cao của Chu Đậu bằng men tam thái, trong đó đáng chú ý  là chiếc bát trà của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, có từ năm 1616, vẽ hoa văn men đỏ và men lục, vành ngoài vẽ hoa văn cánh sen, hoa cúc, đáy phủ men nâu. Chiếc bát trà chân cao  này được coi là bảo vật của gia tộc Owari Tokugawa và được lãnh chúa Owari Tokugawa  dùng làm mẫu để chế tác bát trà ở lò gốm của ông.

Nhà khảo cổ Philippe Trương cho rằng: Căn cứ vào kiểu dáng, lối trang trí độc đáo, kỹ thuật thể hiện và kiểu vẽ hoa văn, thì chiếc bát trà gốm Chu Đậu này được thửa riêng biệt cho Tướng quân và gia tộc Tokugawa. Vì thế mà chiếc bát trà này được Chính phủ Nhật Bản đưa vào danh mục “Tài sản Văn hóa Quốc gia đặc biệt quan trọng của Nhật Bản”. Chiếc bát trà gốm này đã có ảnh hưởng lớn đến kiểu dáng và trang trí cho các đồ gốm của Nhật Bản từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.

gom1-1663040567.jpg
 
Chiếc ang gốm thế kỷ XV, Chu Đậu; Ảnh tư liệu

Trong số các đồ gia bảo của dòng họ quan Khâm sai vùng Nagasaki Ozawa Shiroemon Mitsunota có 8 món đồ sứ Chu Đậu  và 1 món men trắng đời Lý. Hiện tại 4 trong số 9 món này thuộc sở hữu Bảo tàng Quốc gia Kyoto, Nhật Bản.

Tại Bảo tàng Guinet (còn gọi Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á Guinet) ở Paris, Pháp, có trưng bày bộ sưu tập gốm Chu Đậu rất hiếm của nước ta.

Tại Bảo tàng Nghệ thuật Dresden (CHLB Đức) có một số hiện vật gốm Chu Đậu vào thời Lê (thế kỷ XV) hoặc  thời Lê – Mạc (thế kỷ XV –XVII).

Sở dĩ, từ xa xưa gốm Chu Đậu đã lừng danh thế giới, được nhiều nước ưa chuộng bởi chất lượng gốm: “Mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”. Hơn nữa từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… đều mang đậm bản sắc Việt và đạt đến trình nghệ thuật độ cao.

Các bình gốm Chu Đậu được thiết kế rất đa dạng về kiểu dáng, kích thước phù hợp để trang trí trong các không gian. Đặc biệt men gốm Chu Đậu làm từ tro vỏ trấu lúa nếp cái hoa vàng. Đây là dòng men tro trấu thiên nhiên đã được xác lập “kỷ lục độc bản” Việt Nam và được cả thế giới ngợi ca về độ bền cũng như giá trị nghệ thuật  đỉnh cao.

gom12-1663040588.jpg
 
Đĩa gốm Chu Đậu thế kỷ XV, (hiện vật Bảo tàng Dresden, Đức); Ảnh tư liệu

Bình gốm Chu Đậu có giá trị cả về mặt thẩm mỹ, đồng thời mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc. Người sử dụng đồ gốm sứ Chu Đậu thu hút tài lộc, giúp người dung có thể cải thiện vận khí và cuộc sống bản thân.

Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cao cấp, bởi loại gốm này được sản xuất từ loại đất sét trắng chỉ có ở vùng Trúc Thôn, Chí Linh, nguồn nguyên liệu đặc biệt tạo nên độ bền và vẻ đẹp riêng của sản phẩm.

Nét nổi bật nhất của bình gốm Chu Đậu là thể hiện được nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc Việt Nam – phản ảnh đời sống sinh hoạt cũng như giá trị nhân văn của Phật giáo, Nho giáo trong các tác phẩm gốm.

Từ thông tin của ngài Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và qua công tác khảo cổ cũng như việc tìm thấy các hiện vật gốm trên hai con tàu đắm và ở các bảo tàng của các nước, những người con  của Chu Đậu cảm thấy tự hào. Từ đó người dân Chu Đậu bừng khởi phục hồi lại nghề truyền thống mà cha ông họ đã để lại.

Nhờ thế, hiện nay các sản phẩm gốm Chu Đậu ngày càng phát triển cả về số lượng mẫu mã cũng như chất lượng và giá trị nghệ thuật và đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia trở thành sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, thu được một lượng ngoại tệ lớn./.

Trần Mạnh Thường
Bạn đang đọc bài viết "Gốm Chu Đậu - Tinh hoa Văn hóa Việt, tỏa sáng khắp năm Châu" tại chuyên mục Làng nghề. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309