Hoa sen – Nét đẹp thanh lịch thuần khiết của cố đô Huế

Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024 sẽ diễn ra "Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam" vào chiều ngày 12/7/2024. Nhân dịp này, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ một số thông tin về hoa sen trên địa bàn tỉnh. Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu một số thông tin liên quan.

1. Giới thiệu

Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa và lịch sử, trong đó cây sen có vai trò quan trọng và gắn liền với các giá trị tinh thần, văn hóa, ẩm thực và kiến trúc của người Việt nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Đặc biệt, ở Thừa Thiên Huế, cây sen đã mọc tự nhiên và phát triển trong các sông và hồ, nhờ khí hậu nóng ẩm và nguồn nước phong phú. Thành phố Huế cổ kính nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử và văn hóa độc đáo, mà còn được biết đến với vẻ đẹp thanh lịch và thuần khiết của hoa sen. Hoa sen đã từ lâu đi vào văn hóa và lịch sử của Huế. Từ thời triều Nguyễn, hoa sen đã được trồng khắp các hồ, ao và cung điện. Hoa sen không chỉ là loài hoa trang trí, mà còn là biểu tượng của sự thanh cao, trong sạch và kiên cường. Các vị vua triều Nguyễn thường sử dụng hình ảnh hoa sen để tượng trưng cho sự trong sáng và thanh khiết của Hoàng Gia, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và tâm hồn của người dân Cố đô.

2. Sen Huế

Sen trắng Huế là loại cây được trồng ở các ao hồ trong tỉnh Thừa Thiên Huế, các bộ phận từ cây sen Huế đã được chế biến thành các món ăn mang đậm hình ảnh, văn hóa ẩm thực xứ Huế, như: gỏi ngó sen, trà hoa sen Huế, hạt sen, mứt củ sen…Giống sen đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu là giống sen truyền thống của Huế (Sen trắng Tịnh Tâm), sen hồng Gia Long bên cạnh đó là giống sen hồng cao sản trồng để lấy hạt, hoa. Cây sen trắng Huế nằm trong danh mục các cây trồng chủ lực phát triển của địa phương, do vậy diện tích trồng sen Trắng Huế được tăng lên đáng kể. Năm 2021 Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch (65/KH-UBND) phát triển cây sen ở Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện việc mở rộng diện tích trồng mới cây sen, đến năm 2025 ổn định diện tích đạt 745 ha, trong đó, sen địa phương (sen trắng Huế) từ 10 - 15% diện tích; năng suất bình quân 18 - 20 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200 -1.400 tấn hạt/năm.

2.1. Hoa sen Huế gắn liền với văn hóa và đời sống con người Cố đô

Đối với người dân Huế, hoa sen không chỉ là một loài hoa để ngắm nhìn, mà còn là một phần của đời sống hàng ngày. Người dân thường trồng sen trong ao hồ trước nhà để tạo cảnh quan đẹp mắt và mang lại cảm giác yên bình. Vào mùa sen nở, hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp nơi, làm say đắm lòng người. Hoa sen được người dân xứ Huế sử dụng nhiều để trang trí vào dịp lễ Phật đản, ngày rằm, mồng 1, …là biểu tượng cho sự thuần khiết, tâm linh.

2.2. Hoa Sen Huế trong Nghệ Thuật và Ẩm Thực

Hoa sen còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật Huế. Từ những bức tranh, thơ ca cho đến âm nhạc, hoa sen luôn xuất hiện với vẻ đẹp tinh tế và thanh thoát. Trong ẩm thực, hoa sen cũng có mặt trong nhiều món ăn đặc sản của Huế như chè sen, cơm sen, gỏi sen, mang đến hương vị độc đáo và thanh khiết.

2.3. Hoa sen Huế gắn với du lịch

Mỗi năm, vào mùa sen nở, Huế thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa sen. Các hồ sen lớn như hồ Tịnh Tâm, lăng Gia Long, lăng Tự Đức,… là những điểm đến lý tưởng để ngắm sen. Du khách có thể đi thuyền trên hồ, chụp ảnh và tận hưởng không khí trong lành, yên bình của Cố đô.

anh-chup-man-hinh-2024-07-12-luc-154902-1720774217.png

(Nguồn internet )

2.4. Hoa sen Huế - Biểu tượng của sự tái sinh và hy vọng

Hoa sen mọc lên từ bùn lầy nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp tinh khiết và thanh cao. Điều này giống như tinh thần kiên cường và hy vọng của người dân Huế, dù trải qua nhiều khó khăn và thử thách nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin vào cuộc sống. Hoa sen trở thành biểu tượng của sự tái sinh, lòng kiên định và hy vọng vươn lên.

2.5. Đặc điểm của hoa sen Huế

Sự độc đáo của giống sen trắng Huế và sen hồng Gia Long ở hương thơm dịu nhẹ mang đến cảm giác thư thái, an thần, từng cánh hoa được cấu trúc từ ngoài vào trong đài hoa là khác biệt với một số giống hoa ở các địa phương khác (các cánh hoa phía trong, gần sát đài hoa không tạo cánh riêng, không đồng đều). Bên cạnh đó, hạt sen từ hai giống sen này cũng tạo hương thơm đặc trưng, ngon hơn, bở hơn.

anh-chup-man-hinh-2024-07-12-luc-154910-1720774194.png

Sen hồng Gia Long và Sen trắng Huế (Nguồn Nguyễn Thị Quỳnh Trang, 2021)

2.6. Sản phẩm chế biến từ sen Huế

Nhiều thành phần hợp chất có giá trị sinh học tốt cho sức khỏe đã được tìm thấy trong các bộ phận của cây sen, trong đó có hoa sen. Giá trị thảo dược của sen Huế đã được phát huy qua các sản phẩm thực phẩm chế biến từ cây sen như chè hạt sen, ngó sen, củ sen ăn liền không chiên dầu, đặc biệt sản phẩm trà hoa Huế lần đầu tiên được nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa, tăng giá trị của sen Huế.

anh-chup-man-hinh-2024-07-12-luc-154929-1720774290.png

Hoa sen, với vẻ đẹp thanh lịch và thuần khiết, đã trở thành biểu tượng đặc trưng của Cố đô Huế. Không chỉ là một loài hoa đẹp, hoa sen còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần của người dân nơi đây. Khi nhắc đến Huế, người ta không thể không nghĩ đến những cánh đồng sen bát ngát, tỏa hương thơm ngát, làm say đắm lòng người. Hoa sen, mãi mãi là biểu tượng của sự tinh khiết và cao quý của Cố đô Huế.

(Tài liệu Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam)