Phát triển ngành tơ sen góp phần bảo tồn và phát triển giá trị cây sen Việt Nam

Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024 sẽ diễn ra "Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam" vào chiều ngày 12/7/2024. Nhân dịp này, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Giám đốc công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức chia sẻ một số thông tin về ngành tơ sen. Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu một số thông tin liên quan.

Trong tự nhiên cây sen có ở nhiều nước trên thế giới trừ một số nước, vùng có khí hậu lạnh quanh năm. Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, miền Bắc có ảnh hưởng của khí hậu lạnh (mùa đông); các tỉnh phía Nam nóng và ẩm quanh năm. Cây sen có ở khắp đất nước Việt Nam, khoảng gần 3.000 héc-ta. Cây sen ở Việt Nam đã sử dụng hầu hết các bộ phận thân, lá, củ, hoa, hạt…. để làm mỹ phẩm, thực phẩm, dược liệu, hương liệu, trang trí, ….

Nói về cây sen Việt Nam thì ai ai cũng nghĩ ngay đến hoa sen. Đây là loài hoa có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong văn hoá tâm linh của người Việt. Cây sen đã đi vào cuộc sống đời thường của người dân đất Việt, được khắc hoạ hình ảnh trong tục ngữ, ca dao, hay những làn điệu dân ca của dân tộc Việt Nam. Sen đã đi vào nghệ thuật điêu khắc, thi ca, nhạc, họa dân tộc. Sen cũng là biểu tượng cho Phật giáo với truyền thuyết về sự ra đời của Đức Phật tổ, với hình ảnh Phật ngự tòa sen... Cây sen Việt Nam có những tố chất khác với các loài sen trên thế giới, ngắm bông hoa sen thấy giản dị, thuần khiết, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoa sen đã trở thành “quốc hoa” của dân tộc Việt Nam.

Từ ngàn đời nay, cây sen và hoa sen đã ăn sâu vào tâm trí, cuộc sống và tồn tại trong lòng của mỗi người dân đất Việt, một biểu tượng của sự linh thiêng, trường tồn và luôn được trân trọng. Hình ảnh của cây sen, hoa sen được kết hợp với hình ảnh của những chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam và luôn được phụ nữ khắp năm châu ngưỡng mộ và trân quý.

Cây sen còn có giá trị đặc biệt đối với ngành tơ sen. Phát triển ngành tơ sen sẽ góp phần bảo tồn và phát triển tiềm năng của cây sen Việt Nam.

lua-to-sen-1-1720772162.png

Năm 2017, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận được Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh mời tham gia vào Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống sen tại Việt Nam;  cùng với các cộng sự. Khi đề tài kết thúc, nghiệm thu, công bố nhưng kết quả không thể thực hiện được trong cuộc sống thực tế. Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận rất băn khoăn và trăn trở. Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận có quay lại thăm đất nước Myanma để xem họ chế biến tơ từ cây sen như thế nào, nhưng cũng không thu được kết quả nào khác. Đồng thời tôi tìm kiếm các loại sách báo, tài liệu viết về chế biến tơ sen thì quá ít ỏi và sơ đẳng, không giúp ích gì cho Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận. Hằng đêm Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận trăn trở suy nghĩ rất nhiều và tự đặt ra câu hỏi: Vì sao có kết quả nghiên cứu rồi mà các địa phương được tập huấn, hướng dẫn mà vẫn không phát triển được. Ngay ở Phùng Xá  - huyện Mỹ Đức cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Từ đó Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận tiếp tục nghiên cứu tiếp để tìm nguyên nhân và tự trả lời cho câu hỏi vì sao ở phía trên…… Với năng lực cũng như trình độ chuyên môn của một người là nghệ nhân ưu tú được thừa hưởng những đức tính quý báu của ông cha để lại đó là: cần cù sáng tạo; thắng không kiêu, bại không nản… Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã tìm ra vì sao kết quả Đề tài không thể áp dụng vào cuộc sống, bởi vì giá thành sản phẩm rất cao, chất lượng sợi tơ rất thấp, thị trường không thể chấp nhận được.

Trước những khó khăn như vậy Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận trăn trở vì sao giá thành tơ sen cao, chất lượng tơ thấp; qua 3 năm (2018-2020) năm đầu tư công sức, tiền tài, trí tuệ Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã thử nghiệm nhiều mô hình nghiên cứu để làm sao giảm giá thành tơ sen nhưng phải nâng cao chất lượng hơn nữa mới có thể cạnh tranh trên thị trường cũng như đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.

Bằng những kinh nghiệm về phục hồi phát triển tơ tằm của những năm cuối thời kỳ bao cấp, rồi thành công của việc nghiên cứu đưa ra Giải pháp sáng tạo “Con tằm tự dệt” đã giúp cho Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đủ lòng kiên nhẫn, dũng cảm và trí tuệ tuyệt vời để một lần nữa chinh phục thành công giải pháp sáng tạo đưa các sản phẩm tơ sen của Việt Nam sanh vai và vượt trội các sản phẩm tơ sen trên thế giới.

lua-to-sen-09-4555-1720772162.jpg

Năm 2020 Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã nghiên cứu thành công và đi vào sản xuất đem lại hiệu quả cao từ trồng và chế biến sợi tơ sen. Kết luận cuối cùng và cũng là kết quả nghiên cứu của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận là: “Muốn có tơ sen tốt và đẹp, giá cả cạnh tranh thì phải có nguyên liệu tốt (cọng sen), muốn có nguyên liệu tốt thì phải hoàn thiện quy trình trồng sen thật tốt” bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện bổ sung một số nội dung hỗ trợ đó là quản lý tốt, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ thuật se tơ sen và bổ sung một số chất phụ gia hữu cơ để làm cho sợi tơ sen mềm mại, mịn, mát, sáng bóng. Từ đó Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận tiến hành thực hiện các công việc như sau:

1. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng sen lựa chọn thu hoạch cọng lá, cọng hoa để chế biến tơ sen.

Ở Việt Nam có rất nhiều loại sen đã được trồng, tùy theo mục đích sử dung mà người ta trồng giống sen khác nhau, trên những chân đất khác nhau. Ví dụ với mục đích trồng sen lấy củ thì nhập giống sen của Nhật Bản; giống sen này cho năng suất và chất lượng củ rất cao; thường trồng ở vùng đất trồng lúa, mực nước  trên ruộng từ 20 – 35 cm là tốt nhất.

Nếu trồng sen lấy hoa, hạt, người ta trồng giống sen quê (giống sen bản địa), có người trồng sen trắng để thu hoạch hoa bán giá cao.

Trồng sen lấy hạt thường trồng giống: Sen đỏ, sen mun, sen diệp, sen phương nam, sen thái… hiện nay có nhiều giống sen cao sản.

Đối với giải pháp này Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã nghiên cứu sản xuất tơ sen từ cọng lá, cọng hoa, cọng gương của cây sen, chứ không chỉ đơn thuần chế biến sen từ cọng lá như đề tài đã nêu, nên Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận nghiên cứu trồng giống sen truyền thống của địa phương. Giống sen này thường trồng ở vùng đất trũng, nước ngập sâu từ 60 – 100 cm. giống sen này  cho thu hoạch cọng lá, cọng hoa, cọng gương  rất tốt.

2. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất tơ sen từ cọng lá, cọng hoa, cọng gương sen, nâng cao chất lượng tơ sen; tạo ra những sản phẩm dệt, may cao cấp đem lại giá trị kinh tế - xã hội, môi trường.

Trong 3 năm từ năm 2018 – 2020 Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã tự tay làm từ bắt đầu đến khi kết thúc thành sợi tơ sen, vừa làm vừa ghi chép tỷ mỷ, có sự so sánh các chỉ tiêu cần thiết theo từng đợt làm, thay đổi, bổ sung trong phương pháp tiếp cận se tơ, kéo sợi và được tiến hành nhiều lần khác nhau. Đến năm 2020 Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đúc kết ra được một số nội dung quan trọng và đưa vào thực hiện đạt kết quả hiệu quả cao nhất như sau:

3. Hướng dẫn thu gom cọng sen từ các vùng trồng sen truyền thống để kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào cho giai đoạn kéo và se thành tơ sen.

Đây là một công việc rất quan trọng, đó là nhầm thu gom nguyên liệu (cọng lá, cọng hoa, cọng gương từ những vùng trồng sen truyền thống. ở nội dung này cần tập huấn, hướng dẫn tỷ mỷ để cho người làm nắm bắt được những nội dung, kỹ thuật bắt buộc phải thực hiện để nâng cao năng xuất, chất lượng nguồn nguyên liệu sau thu gom, tránh là thiệt hại cho ruộng sen và gây ô nhiễm môi trường cho vùng trồng sen, nâng cao thu nhập cho người trồng sen.

Sau khi hoàn thiện các quy trình Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận thấy năng suất, chất lượng tơ sen tăng từ 2,3 – 2,5 lần so với cách làm theo các mô hình trước đây, điều này đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu qủa lên gấp từ 2,3 – 2,5 lần so với cách làm cũ.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã viết thành tài liệu hướng dẫn cho các đối tác vệ tinh tham gia và kết quả rất thành công, đặc biệt là các vùng nguyên liệu thu gom. Đến nay Sản phẩm tơ sen, vải lụa, khăn, túi làm từ tơ sen sản xuất không kịp đặt hàng của khách.

Cây sen rất phù hợp với khí hậu, đất đai, thổ những của 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Như vậy khả năng áp dụng của giải pháp đã và đang được nhân rộng từng giờ từng ngày, không phân biệt lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo hay trình độ văn hóa, ở đây mọi người đều vui vẻ và bình đẳng tham gia tích cực.

Năm 2020 Giải pháp được triển khai tích cực tại công ty dâu tằm tơ Mỹ Đức của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận thuộc đội 13, thôn Hạ Thuộc, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức TP. Hà Nội. Công ty triển khai trồng 1,8 ha sen chất lượng cao, với quy trình kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn sạch. Với tổng số công lao động/1 năm sử dụng như sau:

11 lao động thường xuyên quanh năm với công việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo vệ , với mức lương bình quân 300.000đ/người/công, tương đương 9.000.000đ người/tháng.

Tổng số ngày công lao động năn 2023 là 21.500 công; trong đó công lao động kỹ thuật se tơ, dệt sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn và thu nhập 1 lao động từ 12 – 15 triệu đồng/tháng.

Hạch toán hiệu quả sản xuất tơ sen của công ty năm 2023.

Tổng chi phí 20.182.531.500đ.

Doanh thu: 5000 khăn x 8.000.000đ = 40.000.000.000 đồng.

Thu nhập = 40.000.000.000 đồng - 20.182.531.500đ = 19.817.469.000 đồng.

(Mười chín tỷ, tám trăm, mười bẩy triệu, bốn trăm sau mươi chín ngàn đồng chẵn).

Hàng năm đã giải quyết lao động tại chỗ khoảng trên 40 ngàn ngày công lao động, tương đương 4.800.000.000 đồng, đặc biệt giúp cho các cháu thanh thiếu niên, người già còn sức lao động vẫn tham gia và có nguồn thu nhập rất tốt. Thông qua đó giúp người dân cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH Nông nghiệp, nông thôn.

Đây là một nghề mới tạo ra một sản phẩm tơ sen có giá trị kinh tế rất cao, quy trình sản xuất được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất, chế biến, thu gom rác thải, xử lý triệt để, rất thân thiện môi trường, và tạo cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững góp phần bảo tồn và phát triển cây sen Việt Nam.

(Tài liệu Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam)